1

Người bị tiểu đường có nên dùng aspirin không?

Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao. Lượng đường trong máu không được kiểm soát sẽ gây tổn thương các mạch máu cũng như các dây thần kinh có liên quan. Dùng aspirin liều thấp hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch. Nhưng người bị tiểu đường có nên dùng aspirin hàng ngày không?
Người bị tiểu đường có nên dùng aspirin không? Người bị tiểu đường có nên dùng aspirin không?

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch là điều quan trọng cần nghĩ đến khi bị bệnh tiểu đường.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ cao gấp đôi so với người không bị tiểu đường. (1)

Dùng aspirin liều thấp hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch. Phương pháp phòng ngừa này thường được khuyến nghị cho những người đã từng bị nhồi máu cơ tim hoặc có nguy cơ cao bị biến cố tim mạch.

Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tiểu đường, việc sử dụng aspirin hàng ngày lại tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng. Do đó, bác sĩ phải cân nhắc những rủi ro và lợi ích trước khi chỉ định dùng aspirin hàng ngày cho người bệnh tiểu đường.

Hiện nay, liệu pháp aspirin hàng ngày mới chỉ được khuyên dùng cho những người bị tiểu đường có tiền sử bệnh tim mạch. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch cũng có thể dùng aspirin hàng ngày nếu như bác sĩ xác nhận nguy cơ xuất huyết ở mức thấp.

Dưới đây là lý do tại sao aspirin có thể giúp ngăn ngừa các biến cố tim mạch, tại sao phương pháp này không được khuyến nghị cho người không có tiền sử hay nguy cơ bệnh tim mạch và những cách khác để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi mắc bệnh tiểu đường.

Aspirin, bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch

Trước tiên, hãy tìm hiểu mối liên hệ giữa aspirin, bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch dẫn đến biến cố tim mạch như thế nào?

Các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ có thể xảy ra khi sự lưu thông máu đến một cơ quan quan trọng bị tắc nghẽn. Nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim là do sự lưu thông máu đến tim bị tắc nghẽn và đột quỵ xảy ra do sự lưu thông máu đến não bị tắc nghẽn.

Những biến cố tim mạch này thường là hậu quả của xơ vữa động mạch.

Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo tích tụ trên thành động mạch, tạo thành các mảng xơ vữa làm thu hẹp lòng động mạch và khiến máu khó lưu thông qua. Trong những trường hợp nghiêm trọng, mảng xơ vữa có thể làm tắc động mạch hoàn toàn.

Các mảng xơ vữa có thể bị rách hoặc vỡ. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành cục máu đông. Cục máu đông sẽ làm tắc động mạch hoặc vỡ ra, lưu thông theo dòng máu và gây tắc một động mạch khác trong cơ thể, chẳng hạn như mạch máu ở tim hoặc não.

Tại sao bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch

Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao. Lượng đường trong máu không được kiểm soát sẽ gây tổn thương các mạch máu cũng như các dây thần kinh có liên quan.

Ngoài ra, người bị bệnh tiểu đường thường có thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch, chẳng hạn như cao huyết áp (tăng huyết áp) và cholesterol cao.

Aspirin làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch như thế nào?

Aspirin liều thấp ức chế enzym cyclooxygenase-1 (COX-1). Điều này làm giảm nồng độ thromboxan A2 – những phân tử thúc đẩy sự kết tập tiểu cầu và hình thành cục máu đông.

Nói một cách đơn giản, aspirin có tác dụng làm giảm hoạt động của tiểu cầu - một thành phần của máu tham gia vào quá trình đông máu. Aspirin làm loãng máu và giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông.

Aspirin có an toàn cho người bệnh tiểu đường không?

Do đặc tính làm loãng máu nên dùng aspirin hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết (chảy máu). Xuất huyết nhẹ gây ra các hiện tượng như dễ bị bầm tím hoặc chảy máu cam.

Tuy nhiên, aspirin cũng có thể gây xuất huyết nghiêm trọng, chẳng hạn như xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết não. Do đó, bác sĩ cần phải cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của việc dùng aspirin hàng ngày trước khi chỉ định liệu pháp này cho người bệnh.

Trong một báo cáo vào năm 2019, ADA chỉ khuyến nghị dùng aspirin hàng ngày với liều 75 đến 162 mg/ngày cho những người mắc bệnh tiểu đường có tiền sử bệnh tim mạch. (2)

Theo ADA, liệu pháp aspirin hàng ngày cũng có thể được sử dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bệnh tim mạch cao. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gồm có:

  • Trên 50 tuổi
  • Có tiền sử cá nhân:
  • Cao huyết áp
  • Rối loạn lipid máu (nồng độ một hoặc nhiều loại lipid trong máu ở mức không bình thường)
  • Mắc bệnh thận mạn hoặc albumin niệu
  • Có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch từ sớm (nam dưới 55 tuổi và nữ dưới 65 tuổi)
  • Đang hút thuốc

Tuy nhiên, cần phải trao đổi kỹ với bác sĩ về nguy cơ xuất huyết khi sử dụng aspirin. Bác sĩ cũng có thể sẽ đánh giá nguy cơ xuất huyết của người bệnh trước khi chỉ định dùng aspirin hàng ngày.

Tại sao người không mắc bệnh tim mạch không nên dùng aspirin hàng ngày?

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã tìm hiểu tác động của việc sử dụng aspirin hàng ngày ở người lớn mắc bệnh tiểu đường không có tiền sử bệnh tim mạch.

Nghiên cứu này gồm có 15.480 người tham gia, một nửa trong số đó được cho dùng aspirin hàng ngày trong khi một nửa còn lại dùng giả dược. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia trong khoảng thời gian trung bình là 7,4 năm và nhận thấy rằng:

Những người dùng aspirin hàng ngày có tỷ lệ gặp phải biến cố tim mạch nghiêm trọng thấp hơn đáng kể (8,5%) so với những người dùng giả dược (9,6%).

Tuy nhiên, các trường hợp xuất huyết nghiêm trọng cũng xảy ra nhiều hơn đáng kể ở những người dùng aspirin (4,1%) so với nhóm dùng giả dược (3,2%).

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, đối với những người bị tiểu đường và không có tiền sử bệnh tim mạch, rủi ro của việc dùng aspirin hàng ngày lớn hơn lợi ích. (3)

Tuy nhiên, một tổng quan nghiên cứu vào năm 2019 lại không cho thấy nguy cơ tương tự khi dùng aspirin hàng ngày. Tổng quan nghiên cứu này tổng hợp dữ liệu từ 34.227 người mắc bệnh tiểu đường không có tiền sử bệnh tim mạch. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng:

  • Dùng aspirin hàng ngày giúp làm giảm 11% nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch.
  • Dùng aspirin hàng ngày không làm tăng đáng kể nguy cơ xuất huyết.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng dữ liệu thực tế đã cho thấy tỷ lệ xuất huyết cao hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường dùng aspirin hàng ngày, ngay cả khi tổng quan nghiên cứu này không cho kết quả tương tự.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng aspirin giúp ngăn ngừa biến cố tim mạch ở những người mắc bệnh tiểu đường nhưng lợi ích này và nguy cơ xuất huyết là tương đương nhau.

Theo các nhà nghiên cứu, việc khuyến nghị sử dụng aspirin liều thấp hàng ngày cần được cân nhắc dựa trên tình trạng sức khỏe tim mạch hiện tại và nguy cơ xuất huyết của người bệnh.

Có thể sử dụng aspirin để giảm đau không?

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường có chung thắc mắc là nếu không dùng aspirin hàng ngày thì thỉnh thoảng có thể dùng loại thuốc này để giảm đau hay không.

Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng aspirin hay các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác, chẳng hạn như ibuprofen để giảm đau.

Nói chung, acetaminophen sẽ là lựa chọn an toàn hơn. Acetaminophen thuộc một nhóm thuốc khác và không có tác dụng phụ làm loãng máu giống như aspirin và các NSAID khác.

Không dùng NSAID để giảm đau nếu đang dùng aspirin hàng ngày. Vì đều thuộc cùng một nhóm thuốc nên việc dùng NSAID để giảm đau trong thời gian dùng aspirin hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Nếu đang dùng aspirin hàng ngày và cần giảm đau thì nên dùng acetaminophen.

Các cách khác để giảm nguy cơ biến cố tim mạch

Những người bị dị ứng hoặc không thể dùng aspirin có thể lựa chọn nhiều cách khác để giảm nguy cơ biến cố tim mạch. Một trong những cách đó là dùng thuốc chống đông máu clopidogrel. Tuy nhiên, giống như aspirin, clopidogrel cũng có thể gây xuất huyết.

Ngoài ra còn một số cách khác để ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch cho người bị tiểu đường.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, hãy dùng thuốc điều trị tiểu đường hàng ngày theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, người bệnh phải đo đường huyết ít nhất một lần mỗi ngày. Nếu kết quả đo thường xuyên nằm ngoài phạm vi bình thường thì hãy đi khám và báo cho bác sĩ.

Một điều quan trọng nữa là người bệnh tiểu đường nên xét nghiệm A1C định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần. Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình trong 3 tháng gần nhât.

Điều trị cao huyết áp và cholesterol cao

Các vấn đề tiềm ẩn như cao huyết áp hoặc cholesterol cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Những người có một trong hai hoặc cả hai vấn đề này cần thực hiện các biện pháp để duy trì huyết áp và cholesterol ở mức khỏe mạnh.

Cao huyết áp có thể được kiểm soát bằng nhiều loại thuốc khác nhau, chẳng hạn như thuốc chẹn beta hoặc thuốc ức chế men chuyển. Ngoài ra, những thay đổi lối sống như giảm căng thẳng, ăn uống lành mạnh và không hút thuốc cũng là những điều cần thiết để ổn định huyết áp.

Cholesterol cao cũng có thể được điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống hoặc kết hợp cả hai. Một nhóm thuốc được sử dụng phổ biến để hạ cholesterol là statin.

Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch

Chế độ ăn uống nên gồm có các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như:

  • Trái cây và rau củ tươi
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt
  • Thịt gà
  • Thịt bò, lợn nạc
  • Các sản phẩm từ sữa ít béo

Đồng thời cần tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm gây hại cho tim mạch, chẳng hạn như:

  • Thực phẩm nhiều muối, đường hoặc chất béo bão hòa
  • Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa
  • Thực phẩm chế biến sẵn
  • Carbohydrate tinh chế

Bỏ thuốc lá

Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, trong đó có cả bệnh tim mạch. Các chất độc hại trong thuốc lá sẽ thu hẹp mạch máu và làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể.

Do đó, những người hút thuốc cần cố gắng bỏ càng sớm càng tốt.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và kiểm soát cân nặng. Các chuyên gia khuyến nghị nên tập thể dục ít nhất 30 phút một ngày và duy trì đều đặn hầu hết các ngày trong tuần.

Ngoài ra, hãy cố gắng giảm thời gian ngồi một chỗ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người làm các công việc phải ngồi nhiều hàng ngày. Khi phải ngồi lâu, hãy đứng dậy và đi lại khoảng 30 phút một lần.

Kiểm soát cân nặng

Ở những người thừa cân, giảm cân sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, không nên giảm cân đột ngột mà hãy giảm từ từ bằng cách kết hợp chế độ ăn kiêng khoa học và tập thể dục. Giảm cân quá nhanh bằng các chế độ ăn kiêng khắc nghiệt sẽ gây hại cho sức khỏe.

Trao đổi với bác sĩ

Nếu bạn bị tiểu đường và lo lắng về nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hãy hỏi bác sĩ về việc dùng aspirin hàng ngày. Dựa trên tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ cho biết phương pháp này có phù hợp với bạn hay không.

Không nên dùng aspirin hàng ngày mà không trao đổi trước với bác sĩ. Có thể liệu pháp này sẽ không an toàn, đặc biệt là khi bạn không có tiền sử bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Đặc biệt, những trường hợp dưới đây bắt buộc phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng aspirin hàng ngày:

  • Người trên 70 tuổi
  • Thường xuyên uống rượu bia
  • Có nguy cơ bị xuất huyết như xuất huyết tiêu hóa hoặc đột quỵ xuất huyết não
  • Đang có kế hoạch thực hiện bất kỳ thủ thuật y tế hoặc thủ thuật nha khoa nào
  • Đã từng bị dị ứng aspirin trước đây

Dấu hiệu của biến cố tim mạch

Mỗi người cần nhận biết được các dấu hiệu của biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ để được điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim:

  • Đau hoặc tức ngực kéo dài
  • Đau hàm, cổ, lưng, vai và cánh tay
  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Cảm giác lâng lâng, chóng mặt
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn hoặc nôn
  • Các dấu hiệu của đột quỵ:
  • Yếu hoặc tê một bên mặt, cánh tay hoặc chân
  • Đau đầu đột ngột và dữ dội
  • Cảm thấy chóng mặt, choáng váng
  • Thay đổi về thị lực
  • Khó nói, đi lại loạng choạng hoặc khó giữ thăng bằng
  • Mơ hồ, không tỉnh táo

Gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến bệnh viện ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi là biến cố tim mạch. Đừng chờ cho các triệu chứng qua đi. Nếu không được điều trị kịp thời, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ sẽ đe dọa đến tính mạng.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù dùng aspirin liều thấp hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ nhưng không phải bệnh nhân tiểu đường nào cũng nên thực hiện phương pháp này. Lý do là vì dùng aspirin hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng.

Nếu bạn bị tiểu đường và lo lắng về bệnh tim mạch, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch để xác định xem liệu rằng liệu pháp aspirin hàng ngày có phù hợp hay không.

Ngoài ra còn có nhiều cách khác để cải thiện sức khỏe tim mạch khi mắc bệnh tiểu đường, gồm có kiểm soát tốt lượng đường trong máu, điều trị các vấn đề như cao huyết áp, cholesterol cao, ăn các loại thực phẩm có lợi cho tim mạch và tích cực hoạt động thể chất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?

Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.

Người bị tiểu đường có được ăn trái cây không?
Người bị tiểu đường có được ăn trái cây không?

Những người bị bệnh tiểu đường type 2 cần chú ý đến lượng carbohydrate (carb) trong chế độ ăn uống. Sau khi vào cơ thể, carb trong đồ ăn thức uống sẽ được chuyển hóa thành đường và có tác động trực tiếp đến lượng đường trong máu. Hầu hết các loại trái cây đều chứa nhiều carb mà chủ yếu là ở dạng đường đơn, glucose và fructose. Vậy người bị tiểu đường có được ăn trái cây không?

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn socola không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn socola không?

Không chỉ có hương vị hấp dẫn, socola còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là socola đen.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không?

Gạo lứt có giá trị dinh dưỡng ấn tượng với hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa cao cùng một số vitamin và khoáng chất. Nhưng loại gạo này có phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường hay không?

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn quả chà là không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn quả chà là không?

Chà là là loại quả có vị ngọt, bùi và thường được bán ở dạng sấy khô. Do có vị ngọt tự nhiên nên tác động của quả chà là đến lượng đường trong máu là mối lo ngại đối với những người mắc bệnh tiểu đường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây