Người bị tiểu đường có thể sử dụng chất làm ngọt nhân tạo không?
Đường luôn là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực dinh dưỡng. Hạn chế tiêu thụ đường giúp cải thiện sức khỏe và giảm cân.
Một trong những cách để cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn là thay thế đường bằng chất làm ngọt nhân tạo. Chất làm ngọt nhân tạo được cơ thể chuyển hóa theo một cách khác so với đường nên được cho là sẽ không gây ra những tác động tiêu cực đến lượng đường trong máu và mức insulin giống như đường.
Tuy nhiên, gần đây có ý kiến cho rằng chất làm ngọt nhân tạo cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu và mức insulin.
Chất làm ngọt nhân tạo là gì?
Chất làm ngọt nhân tạo là các chất hóa học tổng hợp có tác dụng kích thích các thụ thể cảm nhận vị ngọt trên lưỡi. Các chất làm ngọt nhân tạo tạo vị ngọt cho đồ ăn mà thường chứa ít calo và không có giá trị dinh dưỡng.
Do đó, chất làm ngọt nhân tạo thường được sử dụng trong các loại thực phẩm dành cho người ăn kiêng, chẳng hạn như bánh quy, bánh ngọt, nước ngọt…Thành phần này còn có trong cả các sản phẩm không phải thực phẩm, chẳng hạn như kẹo cao su và kem đánh răng.
Dưới đây là một số chất làm ngọt nhân tạo phổ biến nhất:
- Aspartame
- Saccharin
- Acesulfame Kali
- Neotame
- Sucralose
Nguyên nhân làm tăng lượng đường trong máu và mức insulin
Cơ thể con người có các cơ chế kiểm soát chặt chẽ để giữ lượng đường trong máu ổn định.
Lượng đường trong máu tăng lên khi chúng ta ăn thực phẩm chứa carbohydrate.
Khoai tây, bánh mì, cơm, bánh ngọt và đồ ngọt là một số thực phẩm chứa nhiều carbohydrate.
Trong đường tiêu hóa, carbohydrate bị phân hủy thành đường và sau đó được hấp thụ vào máu, dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
Khi lượng đường trong máu tăng lên, cơ thể sẽ tiết ra insulin.
Insulin là một loại hormone có vai trò như một chiếc chìa khóa, giúp vận chuyển lượng đường trong máu đi vào các tế bào, tại đây đường được sử dụng để làm năng lượng hoặc được dự trữ dưới dạng chất béo.
Nhưng từ trước khi đường đi từ hệ tiêu hóa vào máu, cơ thể đã sản xuất ra một lượng nhỏ insulin. Phản ứng này được gọi là sự giải phóng insulin trong giai đoạn cephalic và được kích hoạt bởi thị giác, khứu giác, mùi vị của thức ăn cũng như hoạt động nhai và nuốt.
Khi lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp, gan sẽ giải phóng lượng đường dự trữ để ổn định mức đường huyết. Điều này xảy ra khi chúng ta nhịn ăn trong thời gian dài, chẳng hạn như qua đêm.
Có nhiều giả thuyết được đưa ra về tác động của chất làm ngọt nhân tạo đến quá trình này.
- Vị ngọt của chất làm ngọt nhân tạo kích hoạt sự giải phóng insulin trong giai đoạn cephalic, điều này làm tăng nhẹ nồng độ insulin.
- Thường xuyên tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo làm thay đổi sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Điều này có thể làm cho các tế bào trong cơ thể phản ứng kém với lượng insulin được tạo ra (kháng insulin), dẫn đến tăng cả lượng đường trong máu và mức insulin.
Chất làm ngọt nhân tạo có làm tăng lượng đường trong máu không?
Chất làm ngọt nhân tạo sẽ không làm tăng lượng đường trong máu ngay sau khi tiêu thụ giống như đường. Như vậy, uống một lon coca dành cho người ăn kiêng sẽ không làm tăng lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, vào năm 2014, các nhà khoa học tại Israel đã công bố kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng chất làm ngọt nhân tạo có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột. (1)
Những con chuột thí nghiệm sau khi được cho ăn chất làm ngọt nhân tạo trong 11 tuần đã có những thay đổi tiêu cực trong hệ vi khuẩn đường ruột và điều này khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Khi các nhà nghiên cứu cấy vi khuẩn đường ruột của những con chuột này vào những con chuột không mang mầm bệnh, chúng cũng bị tăng lượng đường trong máu.
Điều đáng ngạc nhiên là các nhà khoa học có thể đảo ngược sự gia tăng lượng đường trong máu ở chuột bằng cách thay đổi vi khuẩn đường ruột trở về bình thường.
Tuy nhiên, những phát hiện này vẫn chưa được thử nghiệm hay nhân rộng trên người.
Mới chỉ có một nghiên cứu quan sát được thực hiện trên người cho thấy mối liên hệ giữa aspartame và những thay đổi về hệ vi sinh vật đường ruột.
Do đó, tác động lâu dài của chất làm ngọt nhân tạo đến sức khỏe của con người vẫn chưa được làm rõ.
Về lý thuyết, chất làm ngọt nhân tạo ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột và do đó có thể làm tăng lượng đường trong máu nhưng cần nghiên cứu thêm để kiểm điều này.
Chất làm ngọt nhân tạo có làm tăng mức insulin không?
Các nghiên cứu về tác động của chất làm ngọt nhân tạo đến nồng độ insulin cho ra nhiều kết quả khác nhau. Có vẻ như mỗi loại chất làm ngọt nhân tạo lại có tác động không giống nhau đến mức insulin.
Sucralose
Cả nghiên cứu trên động vật và trên người đều cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ sucralose và sự gia tăng mức insulin.
Trong một nghiên cứu, 17 người được cho uống sucralose hoặc nước lọc và sau đó tiến hành nghiệm pháp dung nạp glucose.
Những người uống sucralose có nồng độ insulin trong máu cao hơn 20% so với những người uống nước lọc. Nhóm này cũng đào thải insulin ra khỏi cơ thể chậm hơn.
Các nhà khoa học cho rằng sucralose làm tăng nồng độ insulin bằng cách kích hoạt các thụ thể cảm nhận vị ngọt trong miệng.
Để kiểm chứng điều này, một nghiên cứu đã tiêm sucralose trực tiếp vào dạ dày để sucralose không đi qua miệng và không phát hiện thấy bất kỳ sự gia tăng mức insulin đáng kể nào.
Aspartame
Aspartame là chất làm ngọt nhân tạo phổ biến nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất.
Tuy nhiên, các nghiên cứu không cho thấy aspartame làm tăng mức insulin.
Saccharin
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để kiểm tra xem việc kích thích các thụ thể cảm nhận vị ngọt trong miệng bằng saccharin có dẫn đến tăng nồng độ insulin trong máu hay không.
Các nghiên cứu đã cho ra nhiều kết quả khác nhau.
Một nghiên cứu cho thấy rằng việc súc miệng bằng dung dịch saccharin (không nuốt) làm tăng mức insulin trong khi các nghiên cứu khác không nhận thấy sự thay đổi nào về mức insulin.
Acesulfame kali
Acesulfame kali (acesulfame-K) có thể làm tăng mức insulin ở chuột.
Một nghiên cứu đã tiêm một lượng lớn acesulfame-K vào chuột để xem chất làm ngọt này có ảnh hưởng như thế nào đến mức insulin. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mức insulin tăng lên đáng kể (từ 114 - 210%).
Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ nghiên cứu để kết luận tác động của acesulfame-K đến mức insulin ở người.
Như vậy, chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ insulin ở nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào loại chất làm ngọt.
Sucralose làm tăng mức insulin bằng cách kích hoạt các thụ thể cảm nhận vị ngọt trong miệng. Tuy nhiên, mới có quá ít thử nghiệm chất lượng cao trên người và hiện vẫn chưa rõ liệu các chất làm ngọt nhân tạo khác có gây ra điều tương tự hay không.
Người bị tiểu đường có được sử dụng chất làm ngọt nhân tạo không?
Ở những người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không còn khả năng kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả do thiếu insulin và/hoặc kháng insulin.
Không giống như đường, chất làm ngọt nhân tạo sẽ không làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn nên cho đến thời điểm hiện tại, chất làm ngọt nhân tạo vẫn được coi là một lựa chọn an toàn cho bệnh nhân tiểu đường. (2)
Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn những tác động của chất làm ngọt nhân tạo đến sức khỏe về lâu dài.
Có cần tránh chất làm ngọt nhân tạo không?
Chất làm ngọt nhân tạo đã được nhiều cơ quan quản lý thực phẩm ở Mỹ và Châu Âu tuyên bố là an toàn.
Tuy nhiên, các cơ quan này cũng lưu ý rằng cần phải nghiên cứu thêm để kiểm chứng tính an toàn của chất làm ngọt nhân tạo khi sử dụng lâu dài.
Mặc dù chất làm ngọt nhân tạo có thể không hoàn toàn tốt cho sức khỏe nhưng ít nhất cũng ít gây hại hơn đáng kể so với đường tinh luyện.
Không có lý do gì cần phải tránh chất làm ngọt nhân tạo, miễn là có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Tuy nhiên, nếu vẫn cảm thấy lo ngại thì có thể thay thế bằng các chất làm ngọt tự nhiên hoặc tránh tất cả các chất làm ngọt.
Cho dù mục đích là giảm cân hay kiểm soát bệnh tiểu đường thì việc cắt giảm lượng đường vào cơ thể cũng là một điều cần thiết. Thay nước ngọt thông thường bằng nước ngọt dành cho người ăn kiêng là một cách hữu hiệu để giảm bớt lượng đường trong chế độ ăn uống. Đồ uống không calo sẽ là lựa chọn tốt hơn so với các loại có đường và có nhiều loại chất làm ngọt an toàn cho người mắc bệnh tiểu đường.
Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao. Lượng đường trong máu không được kiểm soát sẽ gây tổn thương các mạch máu cũng như các dây thần kinh có liên quan. Dùng aspirin liều thấp hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch. Nhưng người bị tiểu đường có nên dùng aspirin hàng ngày không?
So với thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn dễ mua hơn và thường có giá phải chăng hơn nhưng nhiều người mắc bệnh tiểu đường băn khoăn không biết thuốc không kê đơn có an toàn không, có ảnh hưởng gì đến lượng đường trong máu hay có tương tác với các loại thuốc điều trị tiểu đường đang dùng hay không. Ví dụ, gần một nửa số người lớn mắc bệnh tiểu đường bị viêm khớp và nhiều người có chung thắc mắc là có thể dùng ibuprofen để giảm đau khớp không.
Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.
Những người bị bệnh tiểu đường type 2 cần chú ý đến lượng carbohydrate (carb) trong chế độ ăn uống. Sau khi vào cơ thể, carb trong đồ ăn thức uống sẽ được chuyển hóa thành đường và có tác động trực tiếp đến lượng đường trong máu. Hầu hết các loại trái cây đều chứa nhiều carb mà chủ yếu là ở dạng đường đơn, glucose và fructose. Vậy người bị tiểu đường có được ăn trái cây không?
- 0 trả lời
- 108 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi