Người bị tiểu đường có thể dùng ibuprofen không?
Việc có thể dùng thuốc không kê đơn hay không còn tùy thuộc vào loại thuốc điều trị tiểu đường mà người bệnh đang dùng và các yếu tố nguy cơ khác đi kèm với bệnh tiểu đường.
Ibuprofen có an toàn cho người bệnh tiểu đường không?
Tình trạng của thận là một trong những yếu tố lớn nhất quyết định người bệnh có thể dùng loại thuốc chống viêm nào.
Đối với những người bệnh tiểu đường mắc cả bệnh thận (bất kể loại tiểu đường nào), bác sĩ thường khuyến cáo không nên dùng ibuprofen vì thuốc có thể dẫn đến suy thận cấp trong những trường hợp này.
Đối với người bị tiểu đường type 1
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), độ tuổi có tỷ lệ chẩn đoán bệnh tiểu đường type 1 cao nhất là khoảng 13 đến 14 tuổi.
Điều này có nghĩa là những người mắc bệnh tiểu đường type 1 phải sống chung với bệnh tiểu đường trong thời gian rất dài. Theo thời gian, lượng đường trong máu không được kiểm soát có thể gây tổn thương thận.
Bệnh thận mạn
Ở những người bị bệnh thận mạn, thận không còn khả năng lọc các chất ra khỏi máu một cách bình thường. Trong khi đó, dùng các loại thuốc không kê đơn như ibuprofen trong thời gian dài hoặc liều cao cũng có thể gây tổn hại thận.
Người bệnh nên hỏi bác sĩ xem thi thoảng có thể dùng ibuprofen hay không.
Hạ đường huyết
Một vấn đề khác mà những người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần lưu ý là hạ đường huyết. Các loại thuốc giảm đau không steroid (NSAID) như ibuprofen có thể gây hạ đường huyết khi dùng liều cao.
Mặc dù đây không phải là một vấn đề phổ biến nhưng những người dễ bị hạ đường huyết nên hỏi bác sĩ về thời điểm dùng ibuprofen và liều thích hợp.
Nếu đang mắc các bệnh khác và dùng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh nên đo đường huyết thường xuyên. Việc mắc bệnh có thể khiến cho mức đường huyết dao động nhiều hơn bình thường.
Đối với người bị tiểu đường type 2
Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, việc có thể dùng ibuprofen để giảm đau hoặc hạ sốt hay không phụ thuộc vào loại thuốc điều trị tiểu đường đang dùng và một số tình trạng đi kèm bệnh tiểu đường.
Sử dụng metformin
Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 phải dùng metformin để kiểm soát đường trong máu. Metformin thuộc nhóm thuốc biguanide.
Metformin có tác dụng làm giảm lượng glucose mà gan tạo ra và lượng glucose mà cơ thể hấp thụ từ thức ăn. Metformin còn có tác dụng chống viêm. Một số nghiên cứu cho thấy metformin có thể tương tác với ibuprofen và các loại thuốc giảm đau khác.
Một nghiên cứu vào năm 2017 chỉ ra rằng các loại thuốc này có tác dụng hiệp đồng và những người đang dùng metformin thường chỉ phải dùng liều ibuprofen thấp hơn bình thường là đủ để giảm đau. (1) Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện trên động vật và cần phải nghiên cứu thêm trên người để xác nhận.
Bệnh thận mạn
Những người bị bệnh thận không nên dùng ibuprofen. Một nghiên cứu lớn được công bố vào năm 2014 cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường type 2 sử dụng NSAID trong ít nhất 90 ngày có nguy cơ mắc bệnh thận mạn cao hơn so với những người không dùng NSAID.
Hạ đường huyết
Giống như tiểu đường type 1, những người mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng có nguy cơ bị hạ đường huyết. Nghiên cứu cho thấy rằng những người đang điều trị bằng sulfonylurea có thể nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn so với người không dùng nhóm thuốc này. (Sulfonylurea là một nhóm thuốc điều trị tiểu đường có tác dụng kích thích các tế bào beta trong tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn).
Do ibuprofen cũng có thể gây hạ đường huyết nên nếu dùng cùng lúc cả sulfonylurea và ibuprofen thì nguy cơ sẽ càng cao hơn.
Các loại ibuprofen
Dù dùng bất kỳ loại thuốc nào thì cũng nên đọc kỹ nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm. Điều này sẽ giúp người dùng biết được chính xác những thành phần có trong thuốc, nhờ đó tránh được những loại thuốc có chứa thành phần gây hại cho bản thân. Việc đọc kỹ thông tin thuốc còn giúp tránh tình trạng dùng cùng lúc quá nhiều loại thuốc có thành phần hoạt tính giống nhau. Điều này sẽ dẫn đến dùng quá liều và làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Ibuprofen là hoạt chất trong rất nhiều loại thuốc khác nhau.
Ibuprofen cũng thường được kết hợp cùng các thành phần khác như:
- famotidine
- hydrocodone
- phenylephrine
Ngoài thuốc đường uống, một số loại thuốc tiêm cũng chứa ibuprofen.
Không nên dùng ibuprofen cùng các loại thuốc khác trong nhóm NSAID, chẳng hạn như naproxen. Những người đang dùng bất kỳ loại steroid nào như prednisone nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng thuốc nhóm NSAID.
Các lựa chọn thay thế ibuprofen
Ibuprofen không an toàn cho một số trường hợp. Vậy trong những trường hợp này nên sử dụng loại thuốc nào để thay cho ibuprofen? Một trong những lựa chọn thay thế an toàn hơn cho ibuprofen là acetaminophen.
Khác với như ibuprofen, acetaminophen không phải là NSAID. Acetaminophen là một loại thuốc có tác dụng làm giảm cảm giác đau nhức chứ không phải chống viêm giống như ibuprofen. Một số chuyên gia khuyến nghị những người đang mắc các bệnh như bệnh thận mạn nên chọn acetaminophen thay vì các thuốc trong nhóm NSAID. (2)
Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy nguy cơ đột quỵ tăng cao ở những người mắc bệnh tiểu đường dùng acetaminophen. Nghiên cứu này đã phân tích dữ liệu từ hơn 5.400 người lớn tuổi sống tại các viện dưỡng lão và chạy 6 mô hình máy tính.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng acetaminophen khi dùng ở liều thông thường nói chung là an toàn. Nhưng một trong sáu mô hình máy tính đã phát hiện ra sự gia tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ ở những người mắc bệnh tiểu đường. Điều này cho thấy rằng cần phải nghiên cứu thêm về việc sử dụng acetaminophen ở những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường.
Nếu có thắc mắc hay lo ngại về bất kỳ loại thuốc nào thì tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ.
Tác dụng phụ của ibuprofen
Ibuprofen có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
- Đau bụng
- Ợ nóng
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn
- Chướng bụng
Các tác dụng phụ của ibuprofen thường nhẹ và không kéo dài nhưng đôi khi loại thuốc này cũng gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Ví dụ, trong một số trường hợp, ibuprofen làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nếu nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo như đau ngực hoặc khó thở thì phải đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Suy giảm chức năng thận cũng là một tác dụng phụ tiềm ẩn của ibuprofen. Cần đi khám ngay nếu đang dùng ibuprofen và gặp các triệu chứng dưới đây:
- Tăng huyết áp
- Mất nước
- Chóng mặt
- Giảm đi tiểu
- Sưng phù mặt, chân hoặc các bộ phận khác trên cơ thể
Các tác dụng phụ nghiêm trọng khác của ibuprofen còn có:
- Loét
- Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu trong dạ dày hoặc ruột)
- Phản ứng dị ứng
Đối với người bị tiểu đường
Người bị tiểu đường cần phải cảnh giác về các vấn đề thường đi kèm với căn bệnh mãn tính này, chẳng hạn như hạ đường huyết. Một số triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết gồm có:
- Run chân tay
- Hồi hộp, bồn chồn
- Tim đập nhanh
- Đổ mồ hôi
- Lâng lâng, chóng mặt
- Mệt mỏi, thiếu năng luọng
- Mơ hồ, không tỉnh táo
- Mờ mắt
Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, người bệnh cần đo đường huyết ngay và nếu đúng là hạ đường huyết thì cần phải có biện pháp khắc phục.
Quy tắc 15-15 khi bị hạ đường huyết
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị áp dụng quy tắc 15-15 để xử lý hạ đường huyết. Quy tắc 15-15 có nghĩa là ăn hoặc uống 15 gram carbohydrate tác dụng nhanh (ví dụ như viên nén glucose, một thìa canh đường, mật ong hoặc 120ml nước trái cây), chờ 15 phút và đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn ở mức thấp thì tiếp tục nạp thêm 15 gram carbohydrate, chờ 15 phút và đo lại. Lặp lại cho đến khi đường huyết khôi phục về mức ít nhất là 70 mg/dL.
Trong trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng, người bệnh cần được tiêm glucagon - một loại hormone kích thích gan chuyển hóa lượng glycogen dự trữ thành glucose vào giải phóng vào máu.
Người bệnh tiểu đường nên hướng dẫn người thân, bạn bè cách sử dụng glucagon và gọi cấp cứu để được giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
Kết luận
Tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ được tư vấn loại thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm phù hợp nhất.
Người bệnh nên cho bác sĩ biết về các vấn đề sức khỏe khác đang mắc và tất cả các loại thuốc đang dùng để bác sĩ xác định loại thuốc và liều dùng an toàn.
Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.
Những người bị bệnh tiểu đường type 2 cần chú ý đến lượng carbohydrate (carb) trong chế độ ăn uống. Sau khi vào cơ thể, carb trong đồ ăn thức uống sẽ được chuyển hóa thành đường và có tác động trực tiếp đến lượng đường trong máu. Hầu hết các loại trái cây đều chứa nhiều carb mà chủ yếu là ở dạng đường đơn, glucose và fructose. Vậy người bị tiểu đường có được ăn trái cây không?
Không chỉ có hương vị hấp dẫn, socola còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là socola đen.
Gạo lứt có giá trị dinh dưỡng ấn tượng với hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa cao cùng một số vitamin và khoáng chất. Nhưng loại gạo này có phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường hay không?
Chà là là loại quả có vị ngọt, bùi và thường được bán ở dạng sấy khô. Do có vị ngọt tự nhiên nên tác động của quả chà là đến lượng đường trong máu là mối lo ngại đối với những người mắc bệnh tiểu đường.
- 0 trả lời
- 85 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi