Tác dụng của thuốc ức chế SGLT2 trong điều trị bệnh tiểu đường?
Thuốc ức chế SGLT2 là gì?
Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri – glucose 2 (sodium-glucose cotransporter 2) hay thuốc ức chế SGLT2 là một nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Nhóm thuốc này còn được gọi là gliflozin.
Thuốc ức chế SGLT2 ngăn cản sự tái hấp thu glucose từ máu sau khi được lọc qua thận, nhờ đó tạo điều kiện cho sự bài tiết glucose qua nước tiểu. Điều này giúp giảm lượng đường trong máu.
Các loại thuốc ức chế SGLT2
Đến nay, Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt bốn loại thuốc ức chế SGLT2 để điều trị bệnh tiểu đường type 2:
- Invokana (canagliflozin): Ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2, Invokana có tác dụng:
- cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu
- giảm nguy cơ biến chứng tim mạch nghiêm trọng ở những người mắc cả tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch
- giảm nguy cơ mắc bệnh thận, tử vong do tim mạch và nhập viện do suy tim ở người mắc cả tiểu đường type 2 và bệnh thận đái tháo đường
- Farxiga (dapagliflozin): Farxiga được chỉ định cho cả bệnh tiểu đường type 2 và suy tim. Thuốc này có tác dụng:
- cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu
- giảm nguy cơ nhập viện do suy tim ở những người mắc cả tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch
- giảm nguy cơ tử vong do tim mạch và nhập viện ở người bị suy tim phân suất tống máu giảm
- ngăn sự tiến triển của bệnh thận, bao gồm cả bệnh thận mạn giai đoạn cuối
- Jardiance (empagliflozin): Ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2, Jardiance có tác dụng:
- cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu
- giảm nguy cơ tử vong do tim mạch ở những người mắc cả bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch
- Steglatro (ertugliflozin): Ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2, Steglatro có tác dụng cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.
Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 thường được kê thuốc ức chế SGLT2 cùng với một loại thuốc điều trị tiểu đường khác như metformin.
So sánh các loại thuốc ức chế SGLT2
Loại thuốc ức chế SGLT2 | Thời gian được FDA phê duyệt | Chỉ định | Liều dùng |
Invokana (canagliflozin) | 2013 | Tiểu đường type 2 | 100 - 300 mg mỗi ngày |
Farxiga (dapagliflozin) | 2014 | Tiểu đường type 2 và suy tim |
Tiểu đường type 2: 5 - 10 mg mỗi ngày Suy tim: 10 mg mỗi ngày |
Jardiance (empagliflozin) | 2014 | Tiểu đường type 2 | 10 - 25 mg mỗi ngày |
Steglatro (ertugliflozin) |
2017 |
Tiểu đường type 2 | 5 - 15 mg mỗi ngày |
Rủi ro và tác dụng phụ của thuốc ức chế SGLT2
Thuốc ức chế SGLT2 khá an toàn nhưng giống như các loại thuốc khác, nhóm thuốc này cũng đi kèm một số tác dụng phụ.
Ví dụ, dùng thuốc ức chế SGLT2 có thể làm tăng nguy cơ:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nhiễm nấm Candida
- Nhiễm toan ceton – tình trạng nồng độ ceton trong máu tăng cao, khiến máu có tính axit
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
- Tụt huyết áp
Trong một số trường hợp hiếm gặp, thuốc ức chế SGLT2 gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn:
- Một dạng nhiễm trùng bộ phận sinh dục nghiêm trọng gọi là viêm cân mạc hoại tử hay hoại thư Fournier đã được phát hiện ở những người dùng thuốc ức chế SGLT2.
- Một số nghiên cứu cho thấy rằng Invokana (canagliflozin) có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Tác dụng phụ này không xảy ra ở các loại thuốc ức chế SGLT2 khác.
- Thuốc ức chế SGLT2 có thể gây tổn thương thận hoặc giảm chức năng thận.
- Mặc dù bằng chứng chưa nhất quán nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng Invokana (canagliflozin) có thể làm tăng nguy cơ hoại tử và cắt cụt chi dưới.
Trao đổi kỹ với bác sĩ về những rủi ro khi dùng thuốc ức chế SGLT2 cũng như những dấu hiệu và cách xử lý khi xảy ra tác dụng phụ.
Nếu gặp tác dụng phụ trong thời gian dùng thuốc, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức.
Lợi ích của thuốc ức chế SGLT2
Khi dùng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, thuốc ức chế SGLT2 có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Điều này làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2.
Theo một nghiên cứu vào năm 2018, thuốc ức chế SGLT2 còn giúp thúc đẩy giảm cân và cải thiện huyết áp cũng như mức cholesterol trong máu. (1)
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy thuốc ức chế SGLT2 có thể giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và tử vong do bệnh tim mạch ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 và xơ vữa động mạch. Tổng quan nghiên cứu này còn phát hiện ra rằng thuốc ức chế SGLT2 có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thận. (2)
Tuy nhiên cần lưu ý, các lợi ích mà thuốc ức chế SGLT2 đem lại ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào bệnh sử. Tốt nhất người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ để hiển rõ về loại thuốc này và liệu thuốc có phù hợp với kế hoạch điều trị của bản thân hay không.
Thuốc ức chế SGLT2 và suy tim
Theo một báo cáo đăng trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (Journal of the American Heart Association), mắc bệnh tiểu đường là một yếu tố làm tăng nguy cơ suy tim. (3)
Một số nghiên cứu gần đây về ảnh hưởng của bệnh tiểu đường type 2 đến sức khỏe tim mạch đã cho thấy lợi ích của thuốc ức chế SGLT2 trong việc làm giảm nguy cơ nhập viện do suy tim.
Tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 được đề cập ở trên đã cho thấy rằng thuốc ức chế SGLT2 giúp làm giảm 23% nguy cơ nhập viện do suy tim. Lợi ích này đã được quan sát thấy ở những người tham gia nghiên cứu, bất kể có tiền sử suy tim, xơ vữa động mạch hay các bệnh tim mạch khác.
Thuốc ức chế SGLT2 còn có lợi cho những người không mắc bệnh tiểu đường type 2.
Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy Farxiga (dapagliflozin) giúp làm giảm nguy cơ suy tim tiến triển nặng hoặc tử vong do suy tim phân suất tống máu giảm (giảm lượng máu mà tâm thất đẩy ra sau mỗi lần co bóp) ở cả những người mắc và không mắc tiểu đường type 2.
FDA đã phê duyệt Farxiga (dapagliflozin) cho mục đích điều trị loại suy tim này vào năm 2020. Có thể các loại thuốc ức chế SGLT2 khác cũng sẽ được phê duyệt để điều trị bệnh suy tim trong tương lai nhưng cần có thêm các thử nghiệm lâm sàng.
Cách sử dụng thuốc ức chế SGLT2
Thuốc ức chế SGLT2 là thuốc đường uống, thường được dùng một lần mỗi ngày.
Bác sĩ có thể kê thuốc ức chế SGLT2 cùng với các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, ví dụ như metformin.
Kết hợp các loại thuốc điều trị tiểu đường có thể giúp giữ lượng đường trong máu trong phạm vi an toàn. Điều quan trọng là phải dùng đúng liều mỗi loại thuốc để tránh bị hạ đường huyết.
Kết hợp thuốc ức chế SGLT2 với các loại thuốc khác có an toàn không?
Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc mới nào cũng đều phải xem loại thuốc đó có tương tác với các loại thuốc đang dùng hay không.
Nếu như đang dùng các loại thuốc điều trị tiểu đường khác để kiểm soát lượng đường trong máu thì việc dùng thêm thuốc ức chế SGLT2 có thể sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).
Ngoài ra, thuốc ức chế SGLT2 có thể làm tăng tác dụng của một số loại thuốc lợi tiểu, điều này khiến cho người dùng đi tiểu nhiều hơn, dễ dẫn đến mất nước và tụt huyết áp.
Trước khi bắt đầu dùng một loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mới, hãy hỏi bác sĩ xem liệu loại thuốc hay thực phẩm chức năng đó có tương tác với các loại thuốc hiện đang sử dụng hay không. Nếu có nguy cơ xảy ra tương tác, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác để tránh các vấn đề không mong muốn.
Tóm tắt bài viết
Thuốc ức chế SGLT2 giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Ngoài làm giảm lượng đường trong máu, nhóm thuốc này còn được chứng minh là có lợi cho bệnh suy tim, các bệnh tim mạch khác và bệnh thận. Thuốc ức chế SGLT2 có thể được kết hợp với các loại thuốc trị tiểu đường khác như metformin. Mặc dù nhìn chung là an toàn nhưng thuốc ức chế SGLT2 vẫn có thể gây tác dụng phụ hoặc tương tác tiêu cực với một số loại thuốc khác.
Tiểu đường type 1 là một bệnh tự miễn xảy ra do tuyến tụy bị chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và không có khả năng sản xuất insulin – loại hormone giúp điều hòa lượng đường trong máu. Đây là một căn bệnh mãn tính hiện vẫn chưa có cách nào chữa khỏi. Những người mắc bệnh lý này phải sử dụng liệu pháp insulin suốt đời để kiểm soát đường huyết.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng hơn so với những người không bị tiểu đường. Những người gặp khó khăn trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường càng có nguy cơ cao hơn nữa.
Tiêm insulin có thể giúp kiểm soát cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Insulin từ bên ngoài có tác dụng thay thế hoặc bổ sung cho insulin tự nhiên của cơ thể.
Khi không được điều trị, các triệu chứng bệnh tiểu đường sẽ ngày càng nặng do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài gây tổn hại đến các mô và cơ quan trong cơ thể. Vì bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu rõ rệt vào giai đoạn đầu nên nhiều người không để ý.