1

Đột Quỵ

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ là tình trạng xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu hoặc khi có mạch máu đưa máu đến não bị tắc nghẽn, khiến cho mô não không được cung cấp máu mang oxy.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, đột quỵ đứng thứ 5 trong danh sách các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Chỉ trong vòng vài phút không có oxy, các tế bào và mô não sẽ bắt đầu chết dần.

Đọc thêm: Ảnh hưởng của đột quỵ đến cơ thể

Triệu chứng đột quỵ

Hiện tượng gián đoạn lưu thông máu làm hỏng các mô não. Tùy vào vùng bị tổn thương của não mà các triệu chứng của đột quỵ sẽ xuất hiện ở các bộ phận cơ thể tương ứng được vùng đó kiểm soát.

Đột quỵ được phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao. Vì lý do này nên cần nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Các triệu chứng đột quỵ phổ biến gồm có:

  • Mất cảm giác
  • Tê hoặc cảm giác suy yếu ở cánh tay, chân hoặc tê cứng mặt, thường là ở một bên của cơ thể
  • Khó khăn khi nói và hiểu lời người khác nói
  • Lú lẫn
  • Nói không rõ
  • Vấn đề về thị lực, chẳng hạn như mờ, song thị hoặc mù, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt
  • Đi lại không vững
  • Mất thăng bằng hoặc không thể phối hợp chuyển động
  • Chóng mặt
  • Đột ngột đau đầu dữ dội

Khi bị đột quỵ, bệnh nhân phải được can thiệp y tế ngay lập tức. Nếu bạn nghĩ rằng mình hoặc ai đó đang bị đột quỵ thì cần gọi cấp cứu ngay. Điều trị kịp thời sẽ giúp tránh tổn thương não, các di chứng về lâu dài và thậm chí tử vong.

Triệu chứng ở phụ nữ

Trong suốt cuộc đời, phụ nữ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với nam giới.

Mặc dù đa số dấu hiệu đột quỵ đều giống nhau ở cả phụ nữ và nam giới nhưng có một số xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ như:

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Ảo giác
  • Đau đớn
  • Tay chân suy yếu
  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Ngất xỉu hoặc mất ý thức
  • Co giật
  • Đầu óc không tỉnh táo, mất phương hướng hoặc phản ứng chậm

Phụ nữ cũng có nguy cơ tử vong do đột quỵ cao hơn nam giới, vì vậy nên phải phát hiện đột quỵ càng sớm càng tốt.

Tìm hiểu thêm: Cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ ở phụ nữ

Triệu chứng ở nam giới

Nếu tính trong suốt cuộc đời, nguy cơ đột quỵ của phụ nữ cao hơn nam giới nhưng ở độ tuổi còn trẻ, nguy cơ này ở nam giới lại cao hơn.

Trong số các triệu chứng đột quỵ chung, có một số triệu chứng xảy ra phổ biến hơn ở nam giới như:

  • Một bên mặt bị xệ hoặc miệng bị méo
  • Nói năng khó khăn, nói không rõ và chậm hiểu lời người khác nói
  • Yếu một bên cánh tay, chân hoặc tê liệt ở một nửa mặt

Giống như ở nữ giới, các triệu chứng đột quỵ cũng cần được phát hiện và điều trị sớm ở nam giới.

Tìm hiểu thêm về các dấu hiệu đột quỵ ở nam giới

Các loại đột quỵ

Có ba loại đột quỵ chính là nhồi máu não (đột quỵ do thiếu máu não cục bộ), xuất huyết não (đột quỵ do xuất huyết), cơn thiếu máu não thoáng qua (đột quỵ nhẹ). Đột quỵ do thiếu máu não lại được chia ra thành hai loại do hai nguyên nhân khác nhau gây nên là:

  • Đột quỵ huyết khối
  • Đột quỵ tắc mạch

Và đột quỵ xuất huyết cũng được gồm có hai loại là:

  • Xuất huyết nội sọ
  • Xuất huyết dưới nhện

Tùy vào từng loại đột quỵ mà sẽ có cách điều trị và khả năng phục hồi khác nhau.

Đọc thêm về các loại đột quỵ khác nhau

Nhồi máu não

Nguyên nhân gây nhồi máu não hay đột quỵ do thiếu máu não cục bộ là do các động mạch cung cấp máu cho não bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn. Tình trạng tắc nghẽn này là do cục máu đông hoặc do mảng bám xơ vữa động mạch vỡ ra và chặn dòng máu.

Có hai loại đột quỵ thiếu máu não là đột quỵ huyết khối và đột quỵ tắc mạch. Loại thứ nhất xảy ra khi có cục máu đông hình thành ngay trong một động mạch cung cấp máu cho não. Cục máu đông di chuyển trong mạch máu và kẹt lại, gây tắc nghẽn sự lưu thông máu. Loại thứ hai là tình trạng xảy ra khi cục máu đông hoặc mảnh vụn hình thành ở một vị trí khác trong cơ thể và sau đó theo dòng máu di chuyển đến mạch máu não.

Đọc thêm: Lí do gây nhồi máu não

Đột quỵ tắc mạch

Đột quỵ tắc mạch là một dạng đột quỵ thiếu máu não cục bộ, xảy ra khi một cục máu đông hình thành ở một bộ phận khác trong cơ thể - mà thường là tim hay động mạch ở ngực trên và cổ - rồi di chuyển trong dòng máu và đi đến não. Cục máu đông bị mắc kẹt lại trong các động mạch não, cản trở sự lưu thông máu và gây ra đột quỵ.

Đột quỵ tắc mạch có thể là hậu quả của một bệnh tim mạch ví dụ như rung nhĩ - một loại rối loạn nhịp tim.

Đọc thêm về đột quỵ tắc mạch và các triệu chứng

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)

Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hay còn được gọi là đột quỵ nhẹ, xảy ra khi sự lưu thông máu đến não tạm thời bị gián đoạn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do cục máu đông. Các triệu chứng cũng tương tự như các loại đột quỵ khác nhưng thường là tạm thời và tự biến mất sau vài phút hoặc vài giờ. Tuy nhiên, cơn thiếu máu não thoáng qua lại có thể là một dấu hiệu cảnh báo đột quỵ trong tương lai, vì vậy nên không được coi thường mà phải can thiệp kịp thời ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Theo CDC, hơn một phần ba các ca bị thiếu máu não thoáng qua không được điều trị đều bị đột quỵ trong vòng một năm sau đó và có đến 10 đến 15% các trường hợp từng trải qua hiện tượng này đều gặp phải đột quỵ thật sự chỉ trong vòng 3 tháng sau.

Xuất huyết não

Đột quỵ xuất huyết hay xuất huyết não xảy ra khi một động mạch trong não bị vỡ hoặc rò rỉ máu. Máu chảy ra từ động mạch sẽ tạo ra áp lực trong hộp sọ và gây phù não, ảnh hưởng đến các tế bào và mô não.

Có hai loại xuất huyết não là xuất huyết nội sọ và xuất huyết dưới nhện. Xuất huyết nội sọ là loại xuất huyết não phổ biến nhất, xảy ra khi máu tràn vào các mô xung quanh não sau khi động mạch bị vỡ. Xuất huyết dưới nhện là tình trạng chảy máu ở vùng giữa não và lớp màng bao phủ não. Đây là dạng ít gặp hơn của xuất huyết não.

Tìm hiểu thêm về các nguyên nhân gây xuất huyết não, cách điều trị và phòng ngừa

Nguyên nhân gây đột quỵ

Mỗi loại đột quỵ là do nguyên nhân khác nhau gây ra.

Các cơn thiếu máu não thoáng qua là do sự tắc nghẽn tạm thời trong động mạch dẫn đến não gây nên. Nguyên nhân gây tắc nghẽn đa phần là do cục máu đông cản trở máu chảy đến các vùng nhất định của não. Các cơn đột quỵ nhẹ này thường kéo dài trong vài phút đến vài giờ và sau đó, cục máu đông di chuyển, động mạch thông trở lại và sự lưu thông máu trở về bình thường.

Giống như thiếu máu não thoáng qua, nguyên nhân gây nhồi máu não cũng là do sự tắc nghẽn trong động mạch cung cấp máu cho não. Tình trạng tắc nghẽn này có thể là do cục máu đông gây nên hoặc cũng có thể là do chứng xơ vữa động mạch. Khi xơ vữa động mạch, mảng bám tích tụ ở thành trong mạch máu và sau đó có thể vỡ ra rồi kẹt trong động mạch, chặn dòng máu và gây ra nhồi máu não.

Mặt khác, xuất huyết não lại là do vỡ hoặc rò rỉ mạch máu. Máu tràn vào các mô của não, gây chèn ép và làm hỏng các tế bào não.

Có hai nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Một là chứng phình động mạch (một phần mạch máu bị suy yếu và phình to) mà thường do cao huyết áp gây nên. Nguyên nhân thứ hai, ít gặp hơn là dị tật động - tĩnh mạch, một vấn đề mà tĩnh mạch và động mạch kết nối với nhau một cách không bình thường.

Yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ và càng có nhiều yếu tố thì khả năng bị đột quỵ càng cao. Các yếu tố nguy cơ đột quỵ gồm có:

Chế độ ăn

Một chế độ ăn uống không lành mạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ là chế độ ăn có nhiều:

  • muối
  • chất béo bão hòa
  • chất béo chuyển hóa
  • cholesterol

Ít vận động

Ít vận động hoặc không tập thể dục cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Thói quen tập luyện thường xuyên có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. CDC khuyến nghị người trưởng thành nên dành ra ít nhất 2,5 tiếng tập thể dục mỗi tuần.

Tiêu thụ đồ uống có cồn

Nguy cơ đột quỵ cũng sẽ tăng lên nếu bạn tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn. Mỗi người chỉ nên uống rượu ở mức vừa phải, không quá một ly/ngày đối với phụ nữ và không quá 2 ly/ngày đối với nam giới. Uống nhiều hơn mức này sẽ làm tăng huyết áp cũng như là nồng độ triglyceride và gây xơ vữa động mạch.

Hút thuốc lá

Việc sử dụng thuốc lá dưới mọi hình thức, dù là thuốc lá thường hay thuốc lá điện tử đều làm nguy cơ đột quỵ tăng cao vì các chất độc sẽ làm tổn hại mạch máu và tim nhưng nguy cơ sẽ đặc biệt cao khi hút thuốc lá thường vì nicotine trong khói thuốc làm tăng huyết áp.

Các yếu tố không thể thay đổi

Có một số yếu tố nguy cơ gây đột quỵ mà chúng ta không thể can thiệp được, đó là:

  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ đột quỵ ở những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ hay có vấn đề về tim mạch (như tăng huyết áp) sẽ cao hơn bình thường.
  • Giới tính: Mặc dù cả phụ nữ và nam giới đều có thể bị đột quỵ nhưng nếu xét trên tất cả các nhóm tuổi thì nguy cơ này của phụ nữ cao hơn nam giới.
  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì càng dễ bị đột quỵ.

Bệnh sử

Một số vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ đột quỵ gồm có:

  • Từng bị đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua trước đây
  • Cao huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Các vấn đề về tim mạch, chẳng hạn như bệnh mạch vành
  • Dị tật van tim
  • Cơ tim giãn và nhịp tim không đều
  • Bệnh hồng cầu hình liềm
  • Bệnh tiểu đường

Chẩn đoán đột quỵ

Để chẩn đoán đột quỵ, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải, các loại thuốc đang dùng, bệnh sử và tiền sử gia đình để xác định các yếu tố nguy cơ. Sau đó là kiểm tra huyết áp và nghe tim.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để đánh giá:

  • Khả năng thăng bằng
  • Khả năng phối hợp hoạt động
  • Mức độ suy yếu của cơ thể
  • Tình trạng tê ở tay, mặt hoặc chân
  • Dấu hiệu đầu óc không tỉnh táo
  • Vấn đề về thị lực

Bước tiếp theo là làm một số phương pháp kiểm tra nhằm xác định:

  • Có đúng bạn bị đột quỵ hay không
  • Nguyên nhân gây đột quỵ
  • Vùng bị ảnh hưởng của não
  • Có bị chảy máu não hay không

Các phương pháp này còn giúp xác định liệu các triệu chứng có phải là do một vấn đề nào khác gây ra hay không.

Các phương pháp chẩn đoán đột quỵ

Bạn sẽ cần trải qua một số quy trình kiểm tra khác nhau để bác sĩ xác nhận chẩn đoán ban đầu và loại trừ khả năng mắc các bệnh lý khác. Các quy trình này gồm có:

Xét nghiệm máu

Phương pháp xét nghiệm máu giúp xác định:

  • Lượng đường (glucose) trong máu
  • Có bị nhiễm trùng hay không
  • Số lượng tiểu cầu trong máu
  • Tốc độ đông máu

Chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính

Bạn có thể sẽ phải chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc thực hiện cả hai.

Phương pháp chụp cộng hưởng từ giúp xác định tình trạng mô não hay tế bào não bị tổn thương. Phương pháp cắt lớp vi tính sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết của bộ não và cho thấy những vị trí bị chảy máu hoặc tổn thương trong não. Phương pháp này còn cho thấy các vấn đề khác về não có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng mà bạn gặp phải.

Điện tâm đồ

Phương pháp xét nghiệm này ghi lại hoạt động điện tim, đo nhịp đập và tốc độ đập của tim, giúp phát hiện các vấn đề về tim dẫn đến đột quỵ, chẳng hạn như từng nhồi máu cơ tim hoặc rung nhĩ.

Chụp mạch máu não

Một phương pháp khác để chẩn đoán đột quỵ là chụp mạch máu não. Phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết của các động mạch ở cổ và não, đồng thời cho thấy những dấu hiệu tắc nghẽn hoặc cục máu đông.

Siêu âm động mạch cảnh

Siêu âm động mạch cảnh là phương pháp cho thấy các vị trí tích tụ chất béo (mảng bám) trong động mạch cảnh – các mạch máu cung cấp máu cho mặt, cổ và não. Ngoài ra còn giúp phát hiện các động mạch cảnh bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn.

Siêu âm tim

Phương pháp siêu âm tim giúp tìm ra cục máu đông trong tim. Những cục máu đông này có thể di chuyển đến não và gây đột quỵ.

Điều trị đột quỵ

Chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời là hai điều rất quan trọng để tăng khả năng phục hồi sau đột quỵ. Thời gian qua càng lâu thì não càng bị tổn thương nhiều. Do đó phải gọi cấp cứu ngay khi bạn nghi ngờ mình hoặc người thân đang bị đột quỵ.

Việc điều trị đột quỵ sẽ phụ thuộc vào loại đột quỵ cụ thể.

Nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua

Hai loại đột quỵ này là do cục máu đông hoặc nguyên nhân khác làm tắc nghẽn mạch máu đến não gây nên. Vì lý do này nên nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua thường được điều trị bằng các phương pháp giống nhau.

Dùng thuốc

Thuốc kháng kết tập tiểu cầu và thuốc chống đông máu: Dùng aspirin không kê đơn thường là bước đầu tiên để điều trị đột quỵ. Bệnh nhân cần được uống thuốc chống đông máuthuốc kháng kết tập tiểu cầu trong vòng 24 đến 48 tiếng sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Thuốc làm tan cục máu đông: Đây là những loại thuốc có tác dụng phá vỡ cục máu đông trong động mạch não, ngăn chặn đột quỵ và giảm tổn thương não.

Chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) hay thuốc tiêu sợi huyết r-tPA được coi là loại thuốc tiêu chuẩn trong điều trị đột quỵ do thiếu máu não cục bộ. Loại thuốc này có khả năng làm tan cục máu đông nhanh chóng nếu được tiêm trong vòng 3 đến 4.5 giờ kể từ khi các triệu chứng đột quỵ xuất hiện. Những người được tiêm tPA kịp thời có khả năng phục hồi sau đột quỵ cao hơn và nguy cơ bị biến chứng về lâu dài thấp hơn.

Lấy cục máu đông cơ học

Trong quy trình này, bác sĩ sẽ đặt ống thông vào mạch máu bị tắc nghẽn rồi sử dụng một thiết bị chuyên dụng để lấy cục máu đông ra khỏi mạch máu. Thủ thuật này cho hiệu quả cao nhất khi được thực hiện trong vòng từ 6 đến 24 tiếng kể từ khi cơn đột quỵ bắt đầu.

Đặt stent

Nếu bác sĩ phát hiện thấy động mạch bị thu hẹp thì sẽ tiến hành nong động mạch và sau đó hỗ trợ cho động mạch bằng cách đặt stent.

Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông, mảng bám

Trong những trường hợp mà các phương pháp điều trị khác đều không hiệu quả, bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ cục máu đông và mảng bám ra khỏi động mạch. Quy trình này có thể được thực hiện bằng ống thông hoặc nếu cục máu đông có kích cỡ lớn thì sẽ phải mở động mạch để loại bỏ.

Xuất huyết não

Đột quỵ do xuất huyết hoặc rò rỉ máu trong não cần được can thiệp bằng các phương pháp điều trị khác, gồm có:

Dùng thuốc

Khác với đột quỵ do thiếu máu não, nếu bị đột quỵ do xuất huyết thì mục tiêu điều trị phải là làm cho máu đông lại. Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu thì khi bị đột quỵ xuất huyết, bác sĩ sẽ cho dùng các loại thuốc khác để đảo ngược lại tác động này.

Ngoài ra, bạn cũng sẽ được kê thuốc hạ huyết áp, giảm áp lực trong não, ngăn ngừa co giật và co thắt mạch máu.

Nút mạch bằng coil

Trong quy trình này, bác sĩ sẽ đưa một ống dài đến vị trí mạch máu bị vỡ hoặc suy yếu. Sau đó đưa một vòng xoắn kim loại giống như lò xo vào để chặn dòng máu lưu thông đến vị trí đó và giảm chảy máu.

Kẹp túi phình

Nếu trong quá trình chẩn đoán hình ảnh bác sĩ phát hiện ra chứng phình động mạch nhưng chưa bắt đầu chảy máu hoặc đã ngừng chảy máu thì sẽ tiến hành đặt một kẹp kim loại nhỏ ở đáy túi phình để chặn dòng máu chảy đến vị trí đó, ngăn chỗ phình vỡ ra và gây chảy máu.

Phẫu thuật

Trong trường hợp phát hiện thấy túi phình động mạch đã vỡ thì bác sĩ sẽ làm phẫu thuật để cắt túi phình và ngăn máu chảy thêm. Đôi khi sẽ phải tiến hành phẫu thuật mở hộp sọ để giảm áp lực lên não sau khi bị xuất huyết nặng.

Sau các phương pháp can thiệp khẩn cấp, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn các cách để ngăn ngừa đột quỵ tái phát trong tương lai.

Tìm hiểu thêm các phương pháp điều trị đột quỵ và cách phòng ngừa

Các loại thuốc điều trị đột quỵ

Có nhiều loại thuốc điều trị đột quỵ khác nhau. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên từng loại đột quỵ cụ thể.

Các loại thuốc điều trị đột quỵ phổ biến gồm có:

Chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA): đây là loại thuốc được sử dụng khẩn cấp khi xảy ra đột quỵ để phá vỡ cục máu đông. Cho đến nay thì chất hoạt hóa plasminogen mô là loại thuốc duy nhất có tác dụng này và phải được dùng ngay trong vòng 3 đến 4.5 tiếng sau khi các dấu hiệu đột quỵ xuất hiện. Loại thuốc này được tiêm vào mạch máu để thuốc phát huy tác dụng nhanh nhất, giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng do đột quỵ.

Thuốc chống đông máu: có tác dụng làm giảm sự hình thành cục máu đông. Thuốc chống đông máu phổ biến nhất hiện nay là warfarin (Jantoven, Coumadin). Những loại thuốc này còn có công dụng ngăn cục máu đông hiện tại phát triển to lên nên có thể được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ hoặc dùng sau khi bị nhồi máu não cũng như là thiếu máu não thoáng qua.

Thuốc kháng kết tập tiểu cầu: có tác dụng ngăn hình thành cục máu đông bằng cách làm cho tiểu cầu trong máu khó kết dính với nhau hơn nên được dùng để ngăn ngừa nhồi máu não ngay từ đầu hoặc ngăn ngừa tái phát cho các trường hợp từng bị nhồi máu não. Các loại thuốc kháng kết tập tiểu cầu phổ biến nhất hiện nay là aspirin và clopidogrel (Plavix). Nếu chưa từng bị đột quỵ trước đó nhưng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch thì chỉ nên sử dụng aspirin như một loại thuốc phòng ngừa.

Statin: Statin là nhóm thuốc giảm nồng độ cholesterol trong máu cho những trường hợp có chỉ số cholesterol cao. Các loại thuốc trong nhóm này ngăn chặn sự sản sinh một loại enzyme biến cholesterol thành mảng bám trong thành động mạch – nguyên nhân gây ra đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Các loại thuốc statin phổ biến gồm có rosuvastatin (Crestor), simvastatin (Zocor) và atorvastatin (Lipitor).

Thuốc huyết áp: Cao huyết áp có thể khiến các mảng bám tích tụ trong động mạch bị bong ra, làm nghẽn các động mạch và gây ra đột quỵ. Do đó, kiểm soát huyết áp cao có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ.

Bác sĩ có thể kê một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc với nhau để điều trị hoặc ngăn ngừa đột quỵ. Ngoài ra còn nhiều loại thuốc khác để điều trị và ngăn ngừa đột quỵ, mà bạn có thể đọc đầy đủ tại đây.

Hồi phục sau đột quỵ

Đột quỵ là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật vĩnh viễn. Tuy nhiên, 10% các ca sống sót sau đột quỵ đều có thể hồi phục gần như hoàn toàn và 25% chỉ bị những biến chứng rất nhẹ.

Quá trình phục hồi sau đột quỵ thường được bắt đầu ngay tại bệnh viện. Tại đây, bệnh nhân sẽ được ổn định sức khỏe, đánh giá các tác động của cơn đột quỵ, xác định các yếu tố tiềm ẩn và bắt đầu các liệu pháp để giúp khôi phục lại những kỹ năng bị ảnh hưởng. Quá trình trị liệu sau đột quỵ thường gồm có 4 liệu pháp chính đẻ phục hồi 4 kỹ năng quan trọng nhất:

Trị liệu ngôn ngữ

Đột quỵ có thể gây suy giảm khả năng ngôn ngữ. Chuyên gia trị liệu sẽ giúp bạn phục hồi dần lại khả năng nói chuyện sau đột quỵ.

Liệu pháp nhận thức

Sau cơn đột quỵ, nhiều người bị thay đổi khả năng tư duy và lập luận. Điều này sẽ dẫn đến thay đổi hành vi và tâm trạng. Liệu pháp nghề nghiệp (occupational therapy) sẽ giúp bạn khôi phục lại cách suy nghĩ và hành vi trước đây, đồng thời kiểm soát các phản ứng cảm xúc.

Khôi phục chức năng cảm giác

Nếu phần não xử lý tín hiệu cảm giác bị ảnh hưởng trong cơn đột quỵ thì bạn sẽ thấy cảm giác của mình kém nhạy bén hoặc mất cảm giác hoàn toàn. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không còn cảm nhận thấy nhiệt độ nóng lạnh hoặc cơn đau tốt như trước nữa. Chuyên gia trị liệu sẽ giúp bạn khắc phục tình trạng này.

Vật lý trị liệu

Độ căng và sức mạnh của cơ có thể bị suy yếu do đột quỵ, và hậu quả là cơ thể không thể cử động một cách linh hoạt như trước đây. Vật lý trị liệu là phương pháp giúp khôi phục lại khả năng vận động và cân bằng cho cơ thể, đồng thời khắc phục những vấn đề hạn chế.

Tìm hiểu thêm về quá trình phục hồi sau đột quỵ

Cách ngăn ngừa đột quỵ

Có thể ngăn ngừa đột quỵ bằng cách:

  • Bỏ hút thuốc: Nếu bạn hút thuốc thì hãy bỏ ngay bây giờ sẽ giảm nguy cơ đột quỵ.
  • Uống rượu vừa phải: Nếu bạn thường xuyên uống nhiều rượu thì hãy cố gắng hạn chế bớt. Việc tiêu thụ quá nhiều rượu sẽ làm tăng huyết áp và dẫn đến đột quỵ.
  • Giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh: Béo phì hoặc thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Để giảm và giữ cân nặng ổn định thì bạn nên:
  • Duy trì chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ.
  • Ăn các loại thực phẩm ít cholesterol, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: tập thể dục vừa giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh, vừa giúp giảm huyết áp và nồng độ cholesterol.
  • Đi khám thường xuyên: Bạn nên đi khám thường xuyên để:
    • kiểm tra chỉ số cholesterol và huyết áp.
    • bác sĩ đánh giá hiệu quả của các loại thuốc.
    • phát hiện sớm và điều trị các vấn đề về tim mạch cũng như là sức khỏe tổng thể.

Đọc thêm về cách ngăn ngừa đột quỵ.

Tổng kết

Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc ai đó đang gặp phải các triệu chứng của đột quỵ thì cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Điều trị sớm là cách tốt nhất để giảm nguy cơ biến chứng và tàn tật về sau này.

Phòng ngừa đột quỵ là điều hoàn toàn có thể. Hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn kế hoạch phòng ngừa phù hợp nhất, gồm cả các biện pháp can thiệp y tế như dùng thuốc và thay đổi lối sống.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Đột Quỵ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây