1

Ăn nấm có lợi ích gì đối với người bị bệnh tiểu đường?

Nấm là một loại thực phẩm ít calo, ít carb, phù hợp với chế độ ăn của người mắc bệnh tiểu đường.
Ăn nấm có lợi ích gì đối với người bị bệnh tiểu đường? Ăn nấm có lợi ích gì đối với người bị bệnh tiểu đường?

Vì bệnh tiểu đường có đặc trưng là lượng đường trong máu cao nên việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát đường huyết là điều cần thiết trong quá trình điều trị.

Tuy nhiên, điều chỉnh chế độ ăn uống không phải chuyện đơn giản và không phải ai cũng biết những thực phẩm nào nên ăn những thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh tiểu đường.

Nấm chứa ít carb và đường nên đây là một trong những loại thực phẩm thân thiện với người bị tiểu đường. Ngoài ra, nấm còn mang lại một số lợi ích khác.

Giá trị dinh dưỡng của nấm

Có rất nhiều loại nấm khác nhau như nấm rơm, nấm sò, nấm hương, nấm kim châm, nấm tuyết, nấm hải sản…

Mặc dù có hình dạng, màu sắc và mùi vị khác nhau nhưng hầu hết các loại nấm đều có giá trị dinh dưỡng tương tự nhau, có đặc trưng là hàm lượng đường và chất béo thấp.

Một chén (70 gram) nấm tươi có chứa:

  • Lượng calo: 15 calo
  • Carb: 2 gram
  • Đường: 1 gram
  • Protein: 2 gram
  • Chất béo: 0 gram
  • Vitamin B2 hay riboflavin: 22% giá trị hàng ngày
  • Vitamin B3 hay niacin: 16% giá trị hàng ngày
  • Selen: 12% giá trị hàng ngày
  • Phốt pho: 5% giá trị hàng ngày

Nấm rất giàu selen và một số vitamin nhóm B. Vitamin B là một nhóm gồm 8 vitamin tan trong nước có lợi cho chức năng não bộ. Trong khi đó, selen là một chất chống oxy hóa mạnh và đóng vai trò quan trọng đối với chức năng tuyến giáp.

Tóm tắt: Nấm là một loại thực phẩm ít calo, ít carb, phù hợp với chế độ ăn của người mắc bệnh tiểu đường. Nấm còn cung cấp một lượng lớn selen và một số vitamin B.

Chỉ số đường huyết và tải lượng đường huyết của nấm

Chỉ số đường huyết (glycemic index - GI) và tải lượng đường huyết (glycemic load - GL) là hai chỉ số giúp đánh giá mức độ ảnh hưởng của một loại thực phẩm chứa carb đến lượng đường trong máu sau khi ăn.

Cả hai đều là những cách đánh giá phổ biến và được sử dụng rộng rãi để xây dựng chế độ ăn uống dành cho các bệnh mãn tính như tiểu đường.

GI của thực phẩm được đánh giá trên thang điểm 0 - 100 và được chia làm 3 mức là:

  • GI thấp: 1 – 55
  • GI trung bình: 56 – 69
  • GI cao: 70 – 100

Thực phẩm có chỉ số GI thấp làm tăng lượng đường trong máu chậm. Mặt khác, những thực phẩm có GI cao sẽ làm cho mức đường huyết tăng đột biến sau khi ăn.

Ngoài ra, tác động của các loại thực phẩm đến lượng đường trong máu còn được đánh giá bằng tải lượng đường huyết (glycemic load – GL). Chỉ số GL được tính dựa trên GI và cả hàm lượng carb cũng như kích thước khẩu phần. Cụ thể, GL được tính bằng cách nhân GI với hàm lượng carb trong một khẩu phần cụ thể và chia kết quả cho 100.

GL của các loại thực phẩm cũng được chia thành 3 mức là:

  • GL thấp: 10 trở xuống
  • GL trung bình: 11 – 19
  • GL cao: 20 trở lên

Tương tự như GI, những thực phẩm có GL thấp chỉ ảnh hưởng nhẹ đến lượng đường trong máu trong khi những thực phẩm có GL cao sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng lên đáng kể sau khi ăn.

Nấm có GI dao động trong khoảng 10 - 15 và một chén nấm (70 gram) có GL chưa đến 1, có nghĩa là cả GI và GL của nấm đều ở mức thấp. Như vậy là ăn nấm sẽ không làm tăng lượng đường trong máu.

Tóm tắt: Nấm là một loại thực phẩm có GI và GL thấp, có nghĩa là sẽ không làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn.

Lợi ích của nấm đối với bệnh tiểu đường

Nấm mang lại một số lợi ích cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn nhiều rau như nấm và các loại thực phẩm giàu vitamin khác có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường thai kỳ. Loại tiểu đường này xảy ra ở khoảng 14% trường hợp mang thai trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến cả mẹ và con.

Nhờ hàm lượng vitamin B cao, nấm còn giúp ngăn ngừa tình trạng suy giảm chức năng thần kinh và chứng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi bị thiếu hụt vitamin B cũng như là những người mắc bệnh tiểu đường phải điều trị bằng metformin.

Ngoài vitamin B, polysaccharide - nhóm hợp chất hoạt tính sinh học chính trong nấm - có đặc tính chống tiểu đường.

Nghiên cứu trên động vật mắc bệnh tiểu đường type 2 cho thấy polysaccharide có thể làm giảm lượng đường trong máu, cải thiện tình trạng kháng insulin và giảm tổn thương mô tuyến tụy.

Thêm nữa, chất xơ hòa tan beta glucan - một trong những loại polysaccharide có trong nấm - làm chậm quá trình tiêu hóa và tốc độ hấp thụ đường, nhờ đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu sau bữa ăn.

Polysaccharide còn giúp làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ liên quan đến bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về những lợi ích của vitamin B và polysaccharide trong nấm đối với bệnh tiểu đường.

Tóm tắt: Các vitamin nhóm B và polysaccharide trong nấm có thể giúp hỗ trợ việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiểu đường cũng như là các biến chứng của tiểu đường. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người hơn nữa để xác nhận những lợi ích này.

Tóm tắt bài viết

Người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn nấm vì nấm có chỉ số GI và GL thấp nên sẽ không làm tăng lượng đường trong máu.

Ngoài ra, hàm lượng vitamin B và polysaccharide trong nấm mang lại nhiều lợi ích cho người bị tiểu đường, gồm có cải thiện lượng đường trong máu và kiểm soát mức cholesterol.

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn socola không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn socola không?

Không chỉ có hương vị hấp dẫn, socola còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là socola đen.

10 bài tập tốt cho người bị bệnh tiểu đường
10 bài tập tốt cho người bị bệnh tiểu đường

Đối với những người bị tiểu đường type 2, tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát đường huyết và cân nặng. Tập thể dục còn giúp làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện tâm trạng.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn gạo lứt không?

Gạo lứt có giá trị dinh dưỡng ấn tượng với hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa cao cùng một số vitamin và khoáng chất. Nhưng loại gạo này có phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường hay không?

Các phương pháp điều trị thay thế dành cho người mắc bệnh tiểu đường
Các phương pháp điều trị thay thế dành cho người mắc bệnh tiểu đường

Duy trì lượng đường trong máu ổn định là điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống như tiêm insulin hay dùng thuốc đường uống, người mắc bệnh tiểu đường còn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế. Các phương pháp điều trị này giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người bệnh.

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn?
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn?

Bệnh tiểu đường type 2 có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các dạng suy giảm nhận thức khác nhau, gồm có bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ não mạch và suy giảm nhận thức nhẹ - tình trạng xảy ra trước sa sút trí tuệ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây