Lợi ích của lợi khuẩn Lactobacillus acidophilus trong sữa chua
Lợi khuẩn là những chủng vi khuẩn thân thiện, có lợi cho sức khỏe.
Lactobacillus acidophilus là một trong những loại lợi khuẩn phổ biến nhất, có mặt trong các loại thực phẩm lên men như sữa chua và các sản phẩm men vi sinh.
Lactobacillus acidophilus là gì?
Lactobacillus acidophilus là một loại vi khuẩn được tìm thấy trong ruột, là một thành viên của chi Lactobacillus và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người.
Lactobacillus acidophilus có khả năng tạo ra axit lactic bằng cách sản xuất một loại enzyme có tên là lactase. Lactase phân hủy lactose - một loại đường có trong sữa – và tạo thành axit lactic.
Lactobacillus acidophilus còn được gọi tắt là L. acidophilus hoặc acidophilus.
Các loại vi khuẩn thuộc chi Lactobacillus, đặc biệt là L. acidophilus, thường được sử dụng trong nhiều sản phẩm bổ sung men vi sinh.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO định nghĩa lợi khuẩn là “các vi sinh vật sống và khi được sử dụng với lượng thích hợp thì sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe”.
Tuy nhiên, hiện nay các nhà sản xuất thực phẩm đang lạm dụng các cụm từ này và sử dụng cho cả các loại vi khuẩn vẫn chưa được khoa học chứng minh là tốt cho sức khỏe.
Vi khuẩn L. acidophilus đã được nghiên cứu rất nhiều và các bằng chứng cho thấy vi khuẩn này mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều chủng L. acidophilus khác nhau và mỗi chủng có những tác động không giống nhau đến cơ thể.
Ngoài các sản phẩm bổ sung men vi sinh, L. acidophilus còn tồn tại tự nhiên trong một số loại thực phẩm lên men, ví dụ như dưa muối, miso và tempeh.
Ngoài ra, vi khuẩn này còn được thêm vào các loại thực phẩm khác trong quá trình sản xuất như phô mai và sữa chua.
Dưới đây là 9 lợi ích mà lợi khuẩn Lactobacillus acidophilus mang lại cho sức khỏe.
Các lợi ích của lợi khuẩn Lactobacillus acidophilus
1. Giảm cholesterol
Mức cholesterol cao, đặc biệt là LDL cholesterol hay cholesterol “xấu”có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các nghiên cứu cho thấy rằng một số loại lợi khuẩn có thể giúp làm giảm nồng độ cholesterol trong máu và hiệu quả giảm cholesterol của L. acidophilus cao hơn so với nhiều loại lợi khuẩn khác.
Một số nghiên cứu sử dụng men vi sinh trong khi một số khác sử dụng các sản phẩm từ sữa được lên men bằng lợi khuẩn.
Trong một nghiên cứu, việc bổ sung L. acidophilus và một loại lợi khuẩn khác trong thời gian 6 tuần đã giúp làm giảm đáng kể nồng độ cholesterol toàn phần và LDL cholesterol nhưng đồng thời cũng làm giảm nồng độ HDL cholesterol hay cholesterol “tốt”. (1)
Một nghiên cứu tương tự kéo dài 6 tuần lại cho thấy bản thân L. acidophilus không có tác dụng giảm cholesterol. (2)
Tuy nhiên, có bằng chứng chỉ ra rằng việc kết hợp L. acidophilus với prebiotic (thức ăn nuôi lợi khuẩn) có thể giúp tăng mức HDL cholesterol và giảm lượng đường trong máu.
Điều này đã được chứng minh trong các nghiên cứu sử dụng lợi khuẩn và prebiotic, cả ở dạng sản phẩm bổ sung men vi sinh và trong thức uống từ sữa lên men.
Hơn nữa, một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng sữa chua bổ sung L. acidophilus giúp giảm mức cholesterol hiệu quả hơn đến 7% so với sữa chua thường không chứa lợi khuẩn.
Điều này cho thấy chính L. acidophilus mang lại lợi ích giảm cholesterol chứ không phải thành phần nào khác trong sữa chua.
Tóm tắt: Việc bổ sung mình lợi khuẩn L. acidophilus hoặc kết hợp với prebiotic có thể giúp làm giảm nồng độ cholesterol trong máu.
2. Ngăn ngừa và giảm tiêu chảy
Tiêu chảy là một vấn đề rất phổ biến mà hầu như bất cứ ai cũng từng gặp phải ít nhất một lần. Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy, trong đó có nhiễm vi khuẩn.
Tiêu chảy có thể gây nguy hiểm nếu kéo dài vì sẽ dẫn đến mất nước.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại lợi khuẩn như L. acidophilus có thể giúp ngăn ngừa và giảm tiêu chảy do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác dụng của L. acidophilus trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em lại cho ra kết quả trái ngược. Một số nghiên cứu cho thấy lợi khuẩn này giúp giảm tiêu chảy trong khi một số khác lại không tìm thấy bất kỳ tác dụng nào.
Một bản phân tích tổng hợp các nghiên cứu với tổng cộng hơn 300 trẻ em tham gia đã cho thấy L. acidophilus giúp giảm tiêu chảy nhưng chỉ ở những trẻ được điều trị tại bệnh viện. (3)
Hơn nữa, khi được kết hợp với một loại lợi khuẩn khác thì L. acidophilus có thể cải thiện tình trạng tiêu chảy do xạ trị ở bệnh nhân ung thư.
L. acidophilus còn giúp giảm tiêu chảy do thuốc kháng sinh và do nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile, (C. diff).
Tiêu chảy là một vấn đề rất phổ biến khi phải di chuyển đến một quốc gia khác do cơ thể chưa quen với thực phẩm và môi trường mới.
Một bản đánh giá 12 nghiên cứu đã cho thấy rằng việc bổ sung lợi khuẩn sẽ giúp ngăn ngừa dạng tiêu chảy này và hiệu quả sẽ cao nhất khi bổ sung Lactobacillus acidophilus cùng với một loại lợi khuẩn khác. (4)
Tóm tắt: Khi kết hợp với các loại lợi khuẩn khác, L. acidophilus có thể giúp ngăn ngừa và điều trị tiêu chảy.
3. Giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là một vấn đề về tiêu hóa phổ biến với các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi và đi ngoài bất thường.
Trong khi vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra chứng bệnh này nhưng theo các nghiên cứu thì có thể là do một số loại vi khuẩn trong ruột.
Do đó, một vài nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu lợi khuẩn có thể giúp cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích hay không.
Trong một nghiên cứu ở 60 người bị rối loạn chức năng ruột (bao gồm cả hội chứng ruột kích thích), việc bổ sung L. acidophilus và một loại lợi khuẩn khác trong thời gian từ 1 đến 2 tháng đã giúp cải thiện triệu chứng đầy hơi. (5)
Một nghiên cứu tương tự cho thấy một mình L. acidophilus cũng có thể làm giảm triệu chứng đau bụng ở những người bị hội chứng ruột kích thích.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu thì việc kết hợp L. acidophilus cùng với các lợi khuẩn khác lại không có tác dụng gì đối với hội chứng ruột kích thích. (6)
Theo một nghiên cứu khác, việc dùng men vi sinh đơn chủng liều thấp trong thời gian ngắn sẽ giúp cải thiện các triệu chứng hội chứng ruột kích thích một cách hiệu quả nhất.
Cụ thể, nghiên cứu này chỉ ra rằng cách tốt nhất để điều trị hội chứng ruột kích thích bằng lợi khuẩn là sử dụng men vi sinh đơn chủng thay vì các sản phẩm kết hợp nhiều chủng lợi khuẩn và giới hạn thời gian sử dụng trong vòng 8 tuần, liều lượng dưới 10 tỷ CFU (đơn vị hình thành khuẩn lạc) mỗi ngày.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chọn các chủng lợi khuẩn đã được khoa học chứng minh là có lợi cho hội chứng ruột kích thích.
Tóm tắt: Lợi khuẩn L. acidophilus có thể cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, chẳng hạn như đau bụng và đầy hơi.
4. Điều trị và ngăn ngừa viêm âm đạo
Nhiễm nấm âm đạo và nhiễm khuẩn âm đạo là những dạng viêm âm đạo phổ biến.
Có bằng chứng cho thấy lợi khuẩn L. acidophilus có thể giúp điều trị và ngăn ngừa các vấn đề này.
Lactobacillus thường là vi khuẩn có số lượng nhiều nhất trong âm đạo. Chúng tạo ra axit lactic giúp ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn có hại.
Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, ví dụ như mất cân bằng pH mà các loại vi khuẩn có hại bắt đầu phát triển và áp đảo số lượng vi khuẩn Lactobacillus.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra việc dùng các sản phẩm men vi sinh bổ sung L. acidophilus sẽ giúp làm tăng số lượng vi khuẩn Lactobacillus trong âm đạo, nhờ đó ngăn ngừa và điều trị viêm âm đạo. (7)
Ăn sữa chua có chứa L. acidophilus cũng được chứng minh là mang lại lợi ích tương tự. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều có quy mô khá nhỏ và sẽ cần nghiên cứu thêm trên quy mô lớn hơn trước khi đưa ra kết luận chính xác.
Tóm tắt: Bổ sung L. acidophilus có thể ngăn ngừa viêm âm đạo, bao gồm cả viêm âm đạo do nấm và viêm âm đạo do vi khuẩn.
5. Thúc đẩy giảm cân
Các vi khuẩn trong ruột giúp kiểm soát quá trình tiêu hóa thức ăn và một số quá trình khác trong cơ thể. Do đó, chúng sẽ ảnh hưởng đến cân nặng.
Có một số bằng chứng cho thấy lợi khuẩn có thể hỗ trợ giảm cân, đặc biệt là khi kết hợp nhiều chủng khác nhau. Tuy nhiên, không phải chủng L. acidophilus nào cũng có tác dụng này.
Một nghiên cứu gần đây tổng hợp kết quả của 17 nghiên cứu trên người và hơn 60 nghiên cứu trên động vật cho thấy một số loài Lactobacillus giúp giảm cân trong khi một số loài khác lại có thể góp phần gây tăng cân. (8)
Có ý kiến cho rằng L. acidophilus là một trong những loài dẫn đến tăng cân. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu cho thấy điều này đều được thực hiện trên động vật chứ không phải con người.
Hơn nữa, trong một số nghiên cứu trước đây, loài lợi khuẩn được sử dụng thực chất không phải L. acidophilus mà là loài khác.
Do đó, các bằng chứng về tác động của L. acidophilus đến cân nặng vẫn chưa rõ ràng và cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh.
Tóm tắt: Lợi khuẩn có thể giúp giảm cân nhưng cần phải nghiên cứu thêm để xác định xem L. acidophilus có làm thay đổi đáng kể cân nặng ở người hay không.
6. Ngăn ngừa và giảm các triệu chứng cảm lạnh
Các vi khuẩn có lợi như L. acidophilus giúp tăng cường hệ miễn dịch và nhờ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh do nhiễm virus.
Trên thực tế, một số nghiên cứu đã cho thấy rằng bổ sung lợi khuẩn có thể ngăn ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng cảm lạnh thông thường.
Một vài nghiên cứu trong số này đã đánh giá hiệu quả của L. acidophilus trong điều trị cảm lạnh ở trẻ em.
Trong một nghiên cứu ở 326 trẻ em, việc bổ sung L. acidophilus hàng ngày trong vòng 6 tháng giúp làm giảm triệu chứng sốt đi 53%, giảm ho 41% và giảm 68% nhu cầu dùng thuốc kháng sinh khi bị ốm. (9)
Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng việc kết hợp L. acidophilus với một loại lợi khuẩn khác thậm chí còn cho hiệu quả cao hơn.
Một nghiên cứu tương tự về L. acidophilus và một loại lợi khuẩn khác cũng cho thấy kết quả tích cực trong việc giảm các triệu chứng cảm lạnh ở trẻ nhỏ.
Tóm tắt: L. acidophilus – dù được bổ sung một mình hay kết hợp với các lợi khuẩn khác đều có tác dụng làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, đặc biệt là ở trẻ em.
7. Ngăn ngừa và giảm các triệu chứng dị ứng
Dị ứng là vấn đề rất phổ biến và thường có các triệu chứng như phát ban, chảy nước mũi hoặc ngứa mắt.
Có bằng chứng cho thấy rằng một số lợi khuẩn có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng.
Một nghiên cứu cho thấy uống sữa lên men có chứa L. acidophilus giúp cải thiện các triệu chứng dị ứng phấn hoa tuyết tùng.
Tương tự, bổ sung L. acidophilus trong vòng 4 tháng giúp làm giảm sưng mũi và các triệu chứng khác ở những trẻ em bị viêm mũi dị ứng mạn tính.
Một nghiên cứu lớn hơn ở 47 trẻ em cũng cho ra kết quả tương tự. Cụ thể, việc kết hợp L. acidophilus cùng với một loại lợi khuẩn khác làm giảm chảy nước mũi, nghẹt mũi và các triệu chứng khác của dị ứng phấn hoa. (10)
Lợi khuẩn làm giảm lượng globulin miễn dịch (immunoglobulin A hay IgA) – một loại kháng thể trong ruột và là tác nhân liên quan đến phản ứng dị ứng.
Tóm tắt: Lợi khuẩn L. acidophilus có thể làm giảm các triệu chứng của một số dạng dị ứng.
8. Ngăn ngừa và giảm các triệu chứng bệnh chàm (eczema)
Bệnh chàm hay eczema là một bệnh về da do viêm, gây ngứa ngáy và đau đớn. Dạng phổ biến nhất là viêm da cơ địa (atopic dermatitis).
Bằng chứng cho thấy rằng lợi khuẩn có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh lý này ở cả người lớn và trẻ em.
Một nghiên cứu cho thấy rằng việc cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh uống bổ sung L. acidophilus cùng các lợi khuẩn khác trong 3 tháng đầu đời có thể làm giảm 22% nguy cơ mắc bệnh chàm khi trẻ được một tuổi. (11)
Một nghiên cứu tương tự cho thấy L. acidophilus, kết hợp với liệu pháp y học cổ truyền, có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em. (12)
Tuy nhiên, không phải nghiên cứu nào cũng đều cho thấy kết quả tích cực. Một nghiên cứu lớn trên 231 trẻ sơ sinh được bổ sung L. acidophilus trong 6 tháng đầu đời đã không tìm ra bất kỳ lợi ích nào của vi khuẩn này đối với bệnh viêm da cơ địa. (13) Thậm chí, việc bổ sung lợi khuẩn còn làm tăng độ nhạy cảm của da với các chất gây dị ứng.
Tóm tắt: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lợi khuẩn L. acidophilus có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và các triệu chứng của bệnh chàm nhưng một số nghiên cứu khác lại không cho thấy điều này.
9. Cải thiện sức khỏe đường ruột
Bề mặt trong của ruột có hàng nghìn tỷ vi khuẩn có vai trò quan trọng đối với sức khỏe.
Nói chung, vi khuẩn Lactobacillus rất tốt cho đường ruột.
Chúng tạo ra axit lactic giúp ngăn vi khuẩn có hại xâm nhập vào ruột. Vi khuẩn này còn có vai trò giữ cho lớp niêm mạc ruột nguyên vẹn.
L. acidophilus có thể làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột, bao gồm cả các chủng Lactobacillus khác và Bifidobacteria.
Lợi khuẩn này còn làm tăng nồng độ axit béo chuỗi ngắn, chẳng hạn như butyrate và tăng cường sức khỏe đường ruột.
Một nghiên cứu khác đã đánh giá tác động của L. acidophilus đến đường ruột và phát hiện ra rằng việc bổ sung lợi khuẩn này làm tăng biểu hiện của các gen trong ruột có liên quan đến đáp ứng miễn dịch. (14)
Những kết quả này cho thấy L. acidophilus có thể tăng cường chức năng miễn dịch.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã kết hợp L. acidophilus với một loại prebiotic và kiểm tra tác động đến sức khỏe đường ruột của con người. Kết quả là sự kết hợp này giúp làm tăng số lượng lợi khuẩn Lactobacillus và Bifidobacteria trong ruột cũng như là các axit béo chuỗi nhánh - một phần quan trọng của đường ruột khỏe mạnh. (15)
Tóm tắt: L. acidophilus có thể cải thiện sức khỏe đường ruột bằng cách làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột.
Bổ sung L. acidophilus bằng cách nào?
L. acidophilus là một vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong đường ruột. Để tăng số lượng L. acidophilus và có được những lợi ích nêu trên thì có hai cách là sử dụng các sản phẩm bổ sung men vi sinh hoặc ăn các loại thực phẩm có chứa lợi khuẩn này.
Có thể chỉ bổ sung L. acidophilus hoặc kết hợp với các chủng lợi khuẩn khác và prebiotic.
L. acidophilus có trong một số loại thực phẩm như:
- Sữa chua: Sữa chua được làm từ sữa tươi lên men bằng một số chủng vi khuẩn, thường là L. bulgaricus và S. thermophilus. Một số loại sữa chua còn chứa L. acidophilus nhưng khi đi mua nhớ để ý bảng thành phần và chọn những những sản phẩm có loại vi khuẩn này.
- Kefir: Kefir được làm từ sữa hoặc nước lên men bằng vi khuẩn và nấm men, tạo ra một loại thức uống rất tốt cho sức khỏe. Các loại vi khuẩn và nấm men trong kefir rất đa dạng nhưng thường chứa L. acidophilus.
- Miso: Miso là một nguyên liệu nấu ăn dạng bột nhão có nguồn gốc từ Nhật Bản, được làm bằng cách lên men đậu nành. Mặc dù vi sinh vật chính trong miso là một loại nấm có tên là Aspergillus oryzae nhưng miso còn có chứa nhiều loài vi khuẩn, trong đó có cả L. acidophilus.
- Tempeh: Tempeh cũng là một loại thực phẩm được làm từ đậu nành lên men, có chứa một số vi sinh vật khác nhau, bao gồm L. acidophilus.
- Phô mai: Có rất nhiều loại phô mai và mỗi loại lại sử dụng các chủng vi khuẩn khác nhau. Mặc dù L. acidophilus thường không được sử dụng làm giống khởi động (starter culture) trong quá trình làm pho mát nhưng lợi khuẩn này có thể được thêm vào trong sản phẩm.
- Dưa cải muối chua Sauerkraut: Đây là một món ăn lên men được làm từ bắp cải. Phần lớn vi khuẩn trong loại dưa muối này là các loài Lactobacillus, gồm có cả L. acidophilus.
Ngoài thực phẩm, một cách nữa để bổ sung L. acidophilus trong đường ruột là uống các sản phẩm men vi sinh.
Một số loại men vi sinh chỉ chứa L. acidophilus và cũng có những loại chứa cả các lợi khuẩn khác hoặc prebiotic. Nên chọn những sản phẩm có ít nhất một tỷ CFU (đơn vị hình thành khuẩn lạc) trong mỗi khẩu phần.
Tốt nhất nên uống men vi sinh trong bữa ăn mà thời điểm lý tưởng nhất là vào bữa sáng.
Nếu chưa quen thì nên uống một lần mỗi ngày trong 1 - 2 tuần rồi theo dõi phản ứng của cơ thể trước khi tiếp tục.
Tóm tắt: Có thể bổ sung L. acidophilus bằng cách dùng các sản phẩm men vi sinh chứa lợi khuẩn này hoặc ăn một số thực phẩm lên men như phô mai, sữa chua, miso, tempeh,…
Tóm tắt bài viết
L. acidophilus là một loại vi khuẩn có lợi tồn tại tự nhiên trong ruột và có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe.
Nhờ khả năng sản xuất axit lactic và tương tác với hệ miễn dịch nên L. acidophilus giúp ngăn ngừa và điều trị nhiều bệnh khác nhau.
Để tăng số lượng L. acidophilus trong đường ruột thì có thể ăn các loại thực phẩm lên men hoặc uống men vi sinh chứa lợi khuẩn này.
Cho dù được bổ sung từ nguồn nào thì L. acidophilus cũng đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều axit phytic chẳng hạn như ngũ cốc, các loại hạt và đậu có thể làm tăng nguy cơ thiếu sắt và kẽm.
Sữa chua chứa probiotic là một trong những sản phẩm từ sữa có lợi nhất cho sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm không chứa đường.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cà phê là một trong những nguồn cung cấp chất chống oxy hóa lớn nhất trong chế độ ăn uống của con người.
Lượng caffeine thay đổi theo từng loại cà phê và có thể dao động trong khoảng từ gần như bằng 0 đến hơn 500 mg.
Lượng caffeine trong trà và cà phê rất đa dạng, tùy thuộc vào nguồn gốc, loại và cách pha chế đồ uống.
- 0 trả lời
- 86 lượt xem