1

Loãng xương có ảnh hưởng đến răng không?

Loãng xương là một bệnh về xương xảy ra khi khối lượng và mật độ xương giảm. Điều này khiến xương trở nên suy yếu và làm tăng nguy cơ gãy xương. Nhiều người thắc mắc không biết loãng xương có ảnh hưởng đến răng hay không. Câu trả lời là loãng xương không ảnh hưởng trực tiếp đến răng.
Loãng xương có ảnh hưởng đến răng không? Loãng xương có ảnh hưởng đến răng không?

Vì răng không phải là xương nên bệnh loãng xương không trực tiếp làm thay đổi cấu tạo và sự chắc khỏe của răng.

Tuy nhiên, chứng loãng xương có thể gián tiếp ảnh hưởng đến răng. Tình trạng giảm mật độ xương có thể xảy ra ở cả xương hàm và điều này khiến xương hàm không thể giữ chắc răng. Vì lý do này nên chứng loãng xương có thể làm tăng nguy cơ mất răng.

Chăm sóc răng thật tốt và điều trị bệnh loãng xương có thể giúp giảm thiểu nguy cơ.

Cùng tìm hiểu xem răng và xương khác nhau như thế nào, bệnh loãng xương ảnh hưởng thế nào đến răng và cách điều trị tình trạng này.

Cấu tạo của răng

Mặc dù có một số đặc điểm chung nhưng răng và xương có cấu tạo khác nhau Xương chủ yếu được tạo nên từ collagen và khoáng chất canxi photphat. Trong khi đó, răng gồm có các lớp chính sau đây:

  • Men răng: lớp mô rất cứng bao bên ngoài răng, không được tạo thành từ tế bào sống. Men răng là bộ phận cứng nhất trong cơ thể.
  • Xê-măng (cementum): cũng là một lớp mô cứng có tác dụng bảo vệ chân răng.
  • Ngà răng: nằm dưới men răng và xê-măng, chiếm phần lớn cấu trúc của răng và tạo nên hình dạng cơ bản của răng.
  • Tủy răng: lớp trong cùng của răng, chứa các dây thần kinh và mạch máu

Nhiều người cho rằng răng cũng là một loại xương do lớp men màu trắng bao phủ thân răng trông giống như xương. Nhưng xương được tạo nên từ mô sống liên tục được thay mới trong khi men răng không được tạo nên từ mô sống. Loãng xương xảy ra khi khả năng tạo ra mô xương mới bị suy giảm, điều này dẫn đến giảm mật độ ở lớp xương xốp (lớp xương bên trong).

Ảnh hưởng của loãng xương đến răng

Mối liên hệ giữa chứng loãng xương và mất răng đã được chứng minh rõ ràng và là chủ đề của nhiều nghiên cứu khoa học. Một số nghiên cứu điển hình có thể kể đến như:

  • Năm 2009, tập đoàn sản xuất vật liệu phục hình răng Osteodent đã đo mật độ xương của 651 phụ nữ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trung bình những phụ nữ bị loãng xương mọc ít hơn 3 chiếc răng so với những phụ nữ không bị loãng xương.
  • Một nghiên cứu vào năm 2013 đã thu thập dữ liệu từ 333 người và nhận thấy rằng 27% trong số này bị loãng xương, nghĩa là có dấu hiệu cho thấy xương ngày càng yếu và giòn. Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng chứng loãng xương có mối liên hệ khá mật thiết với tình trạng mất răng, đặc biệt là răng hàm.
  • Một nghiên cứu từ năm 2017 cũng cho thấy phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương có nguy cơ bị mất răng cao hơn.

Các nhà nghiên cứu khẳng định khá chắc chắn rằng chứng loãng xương và mất răng có mối liên hệ với nhau nhưng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra lý do của mối liên hệ này.

Một giả thuyết được đưa ra là khi chứng loãng xương tiến triển, xương hàm cũng bị giảm mật độ và yếu đi. Khi xương hàm yếu đi, răng sẽ không còn được giữ chắc. Những thay đổi về xương hàm này có thể ảnh hưởng đến sự thẳng hàng của răng, làm tổn thương chân răng và gây ra các biến chứng về răng miệng.

Ảnh hưởng của thuốc trị loãng xương đến răng

Trước khi dùng thuốc điều trị loãng xương, người bệnh nên hỏi bác sĩ về ảnh hưởng của thuốc đến răng. Đôi khi, các loại thuốc giúp xương chắc khỏe lại gây tổn thương xương hàm.

Nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị chứng loãng xương là bisphosphonate.

Những loại thuốc này có cả dạng uống và dạng tiêm truyền tĩnh mạch, có tác dụng giúp xương chắc khỏe và phòng ngừa gãy xương. Bisphosphonate đôi khi được dùng kết hợp với thực phẩm chức năng bổ sung canxi hoặc vitamin D.

Tuy nhiên, bisphosphonate có thể gây hại cho xương hàm và răng. Dùng loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ hoại tử xương hàm. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng xảy ra khi các tế bào xương trong xương hàm bị chết và xương hàm lộ ra khỏi nướu. Do máu không thể đến được phần xương bị lộ nên ngày càng có nhiều tế bào xương bị chết.

Theo Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ (Endocrine Society), nguy cơ hoại tử xương hàm cao nhất sau phẫu thuật răng hàm mặt. Nguy cơ tăng cao hơn ở những người phải sử dụng bisphosphonate liều cao trong thời gian dài, ví dụ như trong quá trình điều trị ung thư.

Giữ xương và răng chắc khỏe

Thực hiện các thói quen có lợi cho xương và răng sẽ giúp giảm nguy cơ gãy xương và vấn đề về răng liên quan đến loãng xương.

Những thói quen này gồm có:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất
  • Bổ sung đủ 600 đến 800 IU vitamin D mỗi ngày
  • Bổ sung đủ 1.000 đến 1.200 mg canxi mỗi ngày
  • Không hút thuốc
  • Hạn chế uống rượu
  • Tích cực hoạt động thể chất

Nếu chế độ ăn uống không đáp ứng đủ nhu cầu canxi hoặc vitamin D, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung. Mặc dù là thực phẩm chức năng nhưng vẫn phải sử dụng đúng theo chỉ dẫn.

Chăm sóc răng miệng đúng cách là điều cần thiết để giữ răng chắc khỏe về lâu dài. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (American Dental Association) khuyến nghị những điều sau đây:

  • Đánh răng kỹ hai lần mỗi ngày, mỗi lần 2 phút.
  • Sử dụng kem đánh răng có chứa fluor.
  • Làm sạch kẽ răng hàng ngày (bằng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ răng, tăm nước hoặc các dụng cụ khác).
  • Hạn chế đồ uống có đường và đồ ăn vặt.
  • Đánh răng hoặc súc miệng sau khi ăn uống đồ có tính axit
  • Khám răng định kỳ.

Hãy cho nha sĩ biết nếu bạn đang dùng thuốc chống hủy xương, chẳng hạn như bisphosphonate để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho các vấn đề về răng, đặc biệt là khi bạn sắp trải qua các thủ thuật nha khoa như nhổ răng. Theo ADA, người bệnh không nhất thiết phải ngừng điều trị loãng xương hoặc tránh các thủ thuật nha khoa khi dùng thuốc chống hủy xương nhưng nha sĩ cần thực hiện một số điều chỉnh.

Chăm sóc cẩn thận và theo dõi sức khỏe răng miệng là điều đặc biệt quan trọng khi đang có vấn đề về răng miệng hoặc có một số yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương.

Nguy cơ loãng xương tăng lên khi có tuổi. Phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn nam giới. Điều này một phần là do sự sụt giảm nồng độ estrogen xảy ra vào thời kỳ mãn kinh.

>>> Tìm hiểu thêm về các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương và những người nên sàng lọc loãng xương.

Điều trị loãng xương

Hiện nay vẫn chưa có cách nào có thể chữa khỏi bệnh loãng xương. Một khi mật độ và khối lượng xương giảm thì sẽ không thể khôi phục lại như trước. Do đó, tốt hơn hết vẫn nên phòng ngừa bệnh ngay từ đầu. Tuy nhiên, có nhiều cách để kiểm soát bệnh loãng xương.

Một số loại thuốc điều trị loãng xương có tác dụng ngăn chặn sự mất xương (thuốc chống hủy xương) trong khi một số loại thuốc có tác dụng thúc đẩy sự tái tạo xương (thuốc đồng hóa). Cả hai nhóm thuốc đều nhằm mục đích tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Các phương pháp chính để điều trị loãng xương gồm có:

  • Thuốc bisphosphonate: Đây thường là loại thuốc được kê đầu tiên để điều trị loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh. Các loại thuốc trong nhóm bisphosphonate có tác dụng làm chậm quá trình phân hủy xương.
  • Thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERM): Nhóm thuốc này còn được gọi là thuốc chủ vận estrogen. Các loại SERM, phổ biến nhất là raloxifene, được sử dụng để điều trị chứng loãng xương ở phụ nữ và ngoài ra còn được dùng để điều trị một số tình trạng bệnh lý khác như ung thư vú.
  • Liệu pháp hormone thay thế: Sử dụng dạng tổng hợp của các hormone tự nhiên trong cơ thể để khôi phục sự cân bằng hormone. Vì sự thiếu estrogen trong thời kỳ mãn kinh là một nguyên nhân góp phần gây ra bệnh loãng xương nên liệu pháp estrogen có thể giúp điều trị chứng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh, mặc dù đây thường không phải là phương pháp điều trị bước đầu. Liệu pháp testosterone đôi khi được sử dụng để điều trị bệnh loãng xương do thiếu testosterone ở nam giới.
  • Calcitonin: Đây là dạng tổng hợp của một loại hormone do tuyến giáp tạo ra, hormone này có vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu. Calcitonin có dạng xịt mũi và đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị chứng loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
  • Thuốc kháng thể: Còn được gọi là thuốc sinh học, các loại thuốc này có tác dụng làm chậm tốc độ phân hủy xương và thúc đẩy sự hình thành xương mới. Hai loại thuốc kháng thể hiện có là denosumab và romosozumab. Cả hai đều được dùng qua đường tiêm.
  • Liệu pháp hormone tuyến cận giáp: Hormone tuyến cận giáp (PTH) làm tăng mật độ và độ chắc khỏe của xương, nhờ đó giúp phòng ngừa gãy xương. Hai loại hormone tuyến cận giáp là teriparatide và abaloparatide đều đã được FDA phê duyệt sử dụng để điều trị loãng xương. Cả hai có dạng tiêm.
  • Bổ sung canxi và vitamin D: Đây là những chất cần thiết để hình thành cũng như duy trì xương (và răng) chắc khỏe.

Vật lý trị liệu cũng thường được sử dụng trong điều trị chứng loãng xương. Vật lý trị liệu giúp tăng cường sức mạnh của cơ và xương, nhờ đó giảm nguy cơ té ngã và gãy xương, ngoài ra còn giúp phục hồi nhanh hơn khi bị gãy xương. Quá trình vật lý trị liệu sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng và nhu cầu của mỗi người. Người bệnh có thể tập vật lý trị liệu vài buổi mỗi tuần tại cơ sở trị liệu hoặc tự tập hàng ngày tại nhà.

Tóm tắt bài viết

Răng không phải là xương nên không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bệnh loãng xương. Tuy nhiên, chứng loãng xương có thể gây ra những thay đổi hoặc tổn thương cho xương hàm và ảnh hưởng gián tiếp đến răng.

Duy trì các thói quen tốt cho xương và răng sẽ giúp giữ cho xương và răng chắc khỏe về lâu dài, gồm có ăn uống đủ chất, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên và vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày.

Mặc dù loãng xương không có cách chữa trị khỏi nhưng các phương pháp điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ gãy xương và đôi khi còn có thể thúc đẩy sự phát triển của xương. Người bị loãng xương nên khám răng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng về răng miệng do loãng xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh loãng xương có di truyền không?
Bệnh loãng xương có di truyền không?

Loãng xương là một bệnh lý mạn tính phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe xương. Loãng xương là khi khối lượng và mật độ xương giảm, điều này khiến xương trở nên suy yếu và dễ gãy. Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương nhưng có những yếu tố làm tăng nguy cơ, gồm có tuổi tác, giới tính và di truyền. Chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể góp phần làm cho xương kém chắc khỏe và có nguy cơ loãng xương cao. Bài viết dưới đây sẽ giải thích ảnh hưởng của gen di truyền đến nguy cơ mắc bệnh loãng xương, tầm quan trọng của việc sàng lọc và các biện pháp phòng ngừa loãng xương.

Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến cột sống như thế nào?
Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến cột sống như thế nào?

Các vấn đề về cột sống là một trong những biến chứng của bệnh loãng xương, gồm có gãy xương sống và hẹp đốt sống. Sử dụng thuốc, thay đổi lối sống và tập thể dục có thể giúp kiểm soát bệnh loãng xương và phòng ngừa các vấn đề về cột sống.

Bệnh celiac (không dung nạp gluten) có thể gây loãng xương
Bệnh celiac (không dung nạp gluten) có thể gây loãng xương

Bệnh celiac có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm của cơ thể và điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Những người mắc bệnh celiac có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe về lâu dài khác, trong đó có chứng loãng xương. Tại sao bệnh celiac lại có thể dẫn đến loãng xương? Và làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ?

Loãng xương có ngăn ngừa được không?
Loãng xương có ngăn ngừa được không?

Loãng xương là một căn bệnh mãn tính khiến xương trở nên yếu hơn và dễ gãy. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương - chẳng hạn như tuổi tác và tiền sử gia đình – là không thể kiểm soát. Nhưng cũng có một số yếu tố có thể thay đổi để phòng ngừa loãng xương. Ví dụ, những người ngồi nhiều và ít vận động có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn. Tích cực hoạt động thể chất và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương.

Bệnh suy giáp có gây loãng xương không?
Bệnh suy giáp có gây loãng xương không?

Bệnh suy giáp không gây loãng xương. Tuy nhiên, dùng thuốc điều trị suy giáp quá liều có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây