1

Bệnh celiac (không dung nạp gluten) có thể gây loãng xương

Bệnh celiac có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm của cơ thể và điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Những người mắc bệnh celiac có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe về lâu dài khác, trong đó có chứng loãng xương. Tại sao bệnh celiac lại có thể dẫn đến loãng xương? Và làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ?
Bệnh celiac (không dung nạp gluten) có thể gây loãng xương Bệnh celiac (không dung nạp gluten) có thể gây loãng xương

Ảnh hưởng của bệnh celiac đến sức khỏe xương

Bệnh celiac (hay còn gọi là chứng không dung nạp gluten) góp phần làm giảm mật độ xương và làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Điều này là do các nhung mao bị tổn thương trong ruột không thể hấp thụ canxi và các chất dinh dưỡng khác cần thiết cho sức khỏe xương.

Mật độ xương thường đạt đỉnh ở độ tuổi 25 - 30. Sau đó, mật độ xương bắt đầu giảm dần và nguy cơ mắc bệnh loãng xương gia tăng theo tuổi tác. Loãng xương chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi.

Tuy nhiên, những người bệnh mắc bệnh celiac có nguy cơ bị loãng xương ngay từ khi còn trẻ.

Theo kết quả tổng hợp của một số nghiên cứu, khoảng 14% nam giới và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc bệnh celiac bị loãng xương. (1)

Gần 40% bị thiếu xương – tình trạng mật độ xương thấp hơn bình thường nhưng chưa đến mức loãng xương. Nếu không điều trị, thiếu xương sẽ dẫn đến loãng xương.

Tại sao bệnh celiac có thể gây loãng xương?

Ở người mắc bện celiac, hệ miễn dịch tấn công nhầm niêm mạc ruột non khi ăn thực phẩm chứa gluten, dẫn đến viêm và tổn thương nhung mao - những cấu trúc nhỏ giống như sợi lông nằm dọc theo thành ruột non, giúp hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.

Các biến chứng về lâu dài xảy ra khi nhung mao bị tổn thương và không thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như sắt, canxi và vitamin D. Thiếu những chất này làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu những lý do khác khiến người mắc bệnh celiac có nguy cơ bị thiếu xương và loãng xương cao hơn. Ví dụ, tình trạng viêm mạn tính đi kèm bệnh celiac cũng có thể dẫn đến giảm mật độ xương.

Phản ứng viêm kích hoạt sự giải phóng các cytokine (các protein truyền tín hiệu). Cytokine có thể làm tăng hoạt động của các tế bào hủy xương và làm giảm hoạt động của các tế bào tạo xương.

Ngoài ra, bệnh celiac còn có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone sinh dục, hormone tăng trưởng và hệ vi sinh vật đường ruột. Tất cả những yếu tố này đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Bệnh celiac và nguy cơ gãy xương

Bệnh celiac không được điều trị còn làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là ở xương hông, cột sống và cổ tay.

Loãng xương khiến cho xương trở nên giòn và dễ gãy. Khi bị loãng xương, ngay cả cú ngã nhẹ hoặc va đập nhẹ cũng có thể dẫn đến gãy xương.

Gãy xương và các biến chứng liên quan có thể gây đau mạn tính, hạn chế khả năng vận động và ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Gãy xương còn làm giảm sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng của cơ, từ đó làm tăng nguy cơ té ngã và tiếp tục bị gãy xương.

Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh celiac

Bệnh celiac không được điều trị sẽ dẫn đến mất xương. Phát hiện sớm và kiểm soát tốt bệnh celiac là điều rất quan trọng để phòng ngừa các biến chứng như loãng xương.

Ngăn ngừa loãng xương khi mắc bệnh celiac

Điều trị bệnh celiac

Không có cách chữa trị khỏi bệnh celiac. Biện pháp duy nhất để kiểm soát bệnh celiac là thực hiện chế độ ăn không có gluten. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương các nhung mao ở thành ruột non. Chế độ ăn không gluten cũng là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng như loãng xương.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh celiac vẫn ăn các loại thực phẩm chứa gluten có mật độ xương thấp hơn so với những người thực hiện chế độ ăn không gluten.

Chế độ ăn uống cân bằng, không chứa gluten có thể giúp cải thiện đáng kể mật độ xương ở người bị bệnh celiac. Nghiên cứu cho thấy mật độ xương ở cột sống và xương đùi có sự cải thiện sau 2 năm thực hiện chế độ ăn không có gluten và mật độ xương vẫn tiếp tục cải thiện sau 5 năm theo chế độ ăn này.

Gluten có trong lúa mì và nhiều loại ngũ cốc khác như lúa mạch, lúa mạch đen. Người mắc bệnh celiac cần tránh các loại thực phẩm làm từ những ngũ cốc này như:

  • Bánh mì
  • Bánh ngọt
  • Bánh quy
  • Bia
  • Ngũ cốc ăn liền
  • Mạch nha
  • Mỳ Ý

Bổ sung chất dinh dưỡng thiếu hụt

Bệnh celiac gây cản trở sự hấp thụ một số chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe xương, chẳng hạn như:

  • Canxi
  • Vitamin D
  • Magie
  • Phốt pho
  • Vitamin K

Trước tiên nên làm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu hụt những chất này. Nếu đúng là bị thiếu hụt, người bệnh nên dùng thực phẩm chức năng để bổ sung.

Canxi là một khoáng chất được dự trữ trong xương. Canxi giúp duy trì xương chắc khỏe. Bệnh celiac ngăn cản cơ thể hấp thụ canxi và thiếu canxi sẽ khiến xương trở nên yếu, dễ gãy hơn theo thời gian. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), người lớn cần 1.000 – 1.200 miligam (mg) canxi mỗi ngày. (2)

Vitamin D cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe xương vì vitamin này giúp cơ thể hấp thụ canxi từ thực phẩm một cách hiệu quả. Ngay cả những người không mắc bệnh celiac cũng cần có đủ vitamin D để tránh thiếu hụt canxi. Người trưởng thành từ 19 – 70 tuổi cần 600 IU vitamin D mỗi ngày và người từ 71 tuổi trở lên cần 800 IU vitamin D mỗi ngày.

Đo mật độ xương

Một điều cũng rất quan trọng để phòng ngừa loãng xương là theo dõi mật độ xương. Người bị bệnh celiac nên đo mật độ xương DEXA định kỳ. Điều này sẽ giúp biết được tình trạng xương và nguy cơ loãng xương.

Đo mật độ xương DEXA định kỳ còn giúp phát hiện sớm chứng loãng xương. Can thiệp điều trị ngay từ sớm sẽ giúp giảm nguy cơ gãy xương.

Dùng thuốc phòng ngừa loãng xương

Tùy thuộc vào mức độ nguy cơ loãng xương của người bệnh mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giúp làm chậm tốc độ mất xương. Trước khi kê thuốc, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ khác của chứng loãng xương, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính và sức khỏe tổng thể.

Bisphosphonate là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để ngăn ngừa và điều trị chứng loãng xương. Ví dụ về các loại thuốc trong nhóm này gồm có:

  • alendronate (Fosamax)
  • ibandronat (Boniva)
  • risedronate (Actonel)
  • zoledronic (Reclast)

Điều trị loãng xương khi mắc bệnh celiac

Loãng xương cũng là bệnh không thể chữa khỏi nhưng dùng thuốc kết hợp điều chỉnh lối sống có thể giúp ngăn ngừa mất xương thêm, giảm nguy cơ gãy xương và các biến chứng khác.

Các loại thuốc điều trị loãng xương như bisphosphonate có thể giúp làm chậm tốc độ giảm mật độ xương.

Điều chỉnh lối sống, chẳng hạn như hoạt động thể chất thường xuyên cũng sẽ giúp duy trì xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương. Các bài tập chịu sức nặng, chẳng hạn như đi bộ hoặc chạy bộ, đặc biệt có ích trong việc kiểm soát bệnh loãng xương.

Người bị loãng xương cũng nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa té ngã để giảm nguy cơ gãy xương, ví dụ như:

  • Dọn dẹp nhà cửa, bỏ những đồ vật có thể gây vấp ngã
  • Lắp thanh vịn trong nhà tắm và những nơi dễ té ngã khác
  • Mang giày dép chống trơn
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ khi đi lại như gậy chống hay khung tập đi

Tóm tắt bài viết

Bệnh celiac và loãng xương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những người mắc bệnh celiac có nguy cơ bị loãng xương cao hơn do giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe xương như canxi và vitamin D.

Phát hiện và điều trị sớm bệnh celiac có thể giúp ngăn ngừa mất xương và giảm nguy cơ loãng xương. Dùng thuốc và điều chỉnh lối sống là những biện pháp để kiểm soát bệnh loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh loãng xương có chữa khỏi được không?
Bệnh loãng xương có chữa khỏi được không?

Không có cách nào có thể “đảo ngược” tình trạng mất xương. Nhưng có rất nhiều cách để ngăn chặn mất xương thêm và giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương.

Điều gì xảy ra nếu bệnh loãng xương không được điều trị?
Điều gì xảy ra nếu bệnh loãng xương không được điều trị?

Bệnh loãng xương không được điều trị sẽ khiến xương ngày một yếu đi và dễ gãy. Trong nhiều trường hợp, gãy xương là dấu hiệu đầu tiên của chứng loãng xương.

Loãng xương có phải bệnh tự miễn không?
Loãng xương có phải bệnh tự miễn không?

Loãng xương là tình trạng mật độ xương thấp. Loãng xương thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh, người lớn tuổi và người đang mắc một số bệnh lý khác như bệnh tự miễn.

Truyền thuốc điều trị loãng xương có hiệu quả không?
Truyền thuốc điều trị loãng xương có hiệu quả không?

Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.

Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và tuyến cận giáp
Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và tuyến cận giáp

Tuyến cận giáp hoạt động quá mức có thể làm giảm lượng canxi trong xương, làm tăng nguy cơ loãng xương và các vấn đề sức khỏe liên quan.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây