Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và tuyến cận giáp
Loãng xương là một bệnh lý về xương làm tăng nguy cơ gãy xương và các biến chứng sức khỏe khác. Loãng xương xảy ra khi khối lượng và mật độ xương giảm đáng kể. Mô xương liên tục bị phân hủy và tái tạo. Nếu cơ thể không có đủ canxi để tạo ra mô xương mới thay cho mô xương cũ đã bị phân hủy, bệnh loãng xương có thể sẽ xảy ra.
Tuyến cận giáp có chức năng duy trì nồng độ canxi và các khoáng chất khác trong máu ở mức khỏe mạnh.
Đôi khi, một hoặc nhiều tuyến cận giáp hoạt động quá mức (cường tuyến cận giáp) và tạo ra quá nhiều hormone tuyến cận giáp vào máu. Hormone này có chức năng điều hòa lượng canxi. Kết quả là xương giải phóng quá nhiều canxi vào máu và mật độ khoáng xương giảm.
Tuyến cận giáp là gì?
Đa số mọi người có 4 tuyến cận giáp, mỗi tuyến có kích thước bằng hạt đậu nằm trên bề mặt tuyến giáp phía trước cổ. Mặc dù chỉ có kích thước rất nhỏ nhưng các tuyến cận giáp lại đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe.
Các tuyến này tạo ra hormone tuyến cận giáp (parathyroid hormone - PTH), giúp kiểm soát nồng độ canxi, phốt pho và vitamin D trong máu. Duy trì nồng độ các chất này ở mức khỏe mạnh là điều cần thiết để tim, cơ và dây thần kinh hoạt động bình thường.
Cường tuyến cận giáp là gì?
Cường tuyến cận giáp là tình trạng tuyến cận giáp sản xuất quá nhiều PTH. Loại cường tuyến cận giáp phổ biến nhất là cường tuyến cận giáp nguyên phát, có nghĩa là bắt nguồn từ chính các tuyến cận giáp chứ không phải là biến chứng của các bệnh lý khác như bệnh thận hay ung thư.
Một nguyên nhân phổ biến khiến tuyến cận giáp hoạt động quá mức là u tuyến cận giáp, một loại u lành (không phải ung thư). U ảnh hưởng đến chức năng của tuyến cận giáp.
Trước đây, bệnh cường tuyến cận giáp gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nhưng nhờ những tiến bộ trong việc theo dõi và điều trị, bệnh lý này hiện nay đã được kiểm soát tốt hơn và thường ít ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc chất lượng cuộc sống về lâu dài.
Tuy nhiên, cường tuyến cận giáp vẫn là một yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương. PTH khiến xương giải phóng một lượng nhỏ canxi vào máu.
Nếu nồng độ canxi trong máu ở mức thấp, tuyến cận giáp sẽ sản xuất PTH nhiều hơn để làm cho xương giải phóng thêm canxi vào máu. Khi nồng độ canxi trong máu trở về mức bình thường hoặc quá cao và tuyến cận giáp khỏe mạnh, sự sản xuất PTH sẽ dừng lại hoặc giảm đi đáng kể.
Ở những người bị cường tuyến cận giáp, một hoặc nhiều tuyến cận giáp vẫn tiếp tục sản xuất PTH ngay cả khi nồng độ canxi trong máu ở mức bình thường hoặc cao hơn bình thường. Quá nhiều PTH khiến xương mất canxi với tốc độ nhanh hơn tốc độ nguyên bào xương tái tạo mô xương.
Theo thời gian, sự mất cân bằng canxi trong xương khiến xương trở nên xốp, giòn, yếu và dễ gãy.
Suy tuyến cận giáp là gì?
Trái ngược với cường tuyến cận giáp, suy tuyến cận giáp là khi tuyến cận giáp sản xuất quá ít PTH. Đây là một tình trạng hiếm gặp, đôi khi xảy ra do tuyến giáp bị tổn thương hoặc bị cắt bỏ để điều trị một bệnh lý khác. Suy tuyến cận giáp cũng có thể xảy ra do bệnh tự miễn hoặc do tiền sử gia đình mắc bệnh này.
Mặc dù lượng PTH thấp đồng nghĩa với việc xương mất ít canxi vào máu hơn nhưng bệnh suy tuyến cận giáp cũng có thể góp phần gây ra bệnh loãng xương. Suy tuyến cận giáp sẽ làm giảm tốc độ tái tạo xương.
Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy rằng sự chậm lại của quá trình này có ảnh hưởng tiêu cực đến độ chắc khỏe của xương theo thời gian và góp phần gây ra chứng loãng xương cũng như làm tăng nguy cơ gãy xương.
Triệu chứng của bệnh cường tuyến cận giáp và suy tuyến cận giáp
Ở giai đoạn đầu, cường tuyến cận giáp và suy tuyến cận giáp thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng từ nhẹ đến vừa.
Các triệu chứng của cường tuyến cận giáp gồm có:
- Đau xương
- Đau khớp
- Mệt mỏi
- Yếu cơ
Cường tuyến cận giáp nghiên trọng gây ra các triệu chứng như:
- Lú lẫn
- Táo bón
- Khát nước liên tục
- Buồn nôn và nôn mửa
Các triệu chứng của bệnh suy tuyến cận giáp gồm có:
- Móng và tóc dễ gãy
- Da khô
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Chuột rút cơ
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Cảm giác châm chích ở ngón tay và ngón chân
- Tê hoặc châm chích môi
- Co giật cơ mặt
Chẩn đoán cường tuyến cận giáp và suy tuyến cận giáp
Các bệnh về tuyến cận giáp được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu để đo nồng độ PTH và canxi trong máu. Nếu có dấu hiệu suy tuyến cận giáp, nồng độ phốt pho trong máu cũng sẽ được kiểm tra. Nồng độ phốt pho cao bất thường có thể là dấu hiệu chỉ ra bệnh suy tuyến cận giáp.
Bác sĩ cũng sẽ dựa trên bệnh sử cá nhân, các triệu chứng và tiền sử gia đình để đưa ra chẩn đoán.
Điều trị cường tuyến cận giáp và suy tuyến cận giáp
Việc điều trị bệnh cường tuyến cận giáp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Nếu chỉ bị nhẹ thì có thể chỉ cần làm xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi nồng độ canxi và đo mật độ xương định kỳ để kiểm tra các dấu hiệu loãng xương.
Người bệnh cũng có thể cần dùng các loại thuốc như cinacalcet để làm giảm lượng canxi trong máu.
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy cách duy nhất để chữa khỏi bệnh cường tuyến cận giáp là phẫu thuật cắt bỏ các tuyến cận giáp hoạt động bất thường, sau đó theo dõi mức PTH và nồng độ canxi, phốt pho và vitamin D trong máu.
Các phương pháp điều trị bệnh suy tuyến cận giáp gồm có uống bổ sung canxi cacbonat và vitamin D hàng ngày.
Tiên lượng của người bị cường tuyến cận giáp và suy tuyến cận giáp
Cả cường tuyến cận giáp và suy tuyến cận giáp đều là những bệnh có thể kiểm soát được và không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về lâu dài hay làm giảm chất lượng cuộc sống.
Người bị suy tuyến cận giáp thường phải uống bổ sung canxi suốt đời và tùy vào tình trạng bệnh mà người bệnh có thể phải sử dụng PTH tổng hợp. Phẫu thuật có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược hầu hết các biến chứng của bệnh cường tuyến cận giáp, bao gồm cả loãng xương.
Câu hỏi thường gặp
Nếu bị cường tuyến cận giáp thì có nên tiếp tục uống bổ sung canxi không?
Người bệnh nên ngừng uống bổ sung canxi cho đến khi tình trạng ổn định. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Cường giáp có dẫn đến cường tuyến cận giáp không?
Mặc dù tuyến giáp và tuyến cận giáp gắn với nhau và thực hiện các chức năng tương tự nhau nhưng bệnh tuyến giáp không ảnh hưởng đến tuyến cận giáp và ngược lại.
Ở nhiều người mắc bệnh tuyến giáp, tuyến cận giáp vẫn hoạt động bình thường nhưng khi có vấn đề phát sinh ở tuyến giáp, bác sĩ thường sẽ kiểm tra tuyến cận giáp.
Có phải loãng xương là dấu hiệu của bệnh tuyến cận giáp?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương không liên quan đến tuyến cận giáp, ví dụ như sử dụng một số loại thuốc, những thay đổi về estrogen và testosterone, lối sống ít vận động và lượng thiếu vitamin D.
Tóm tắt bài viết
Tuyến cận giáp hoạt động bình thường là điều rất quan trọng để duy trì mật độ xương khỏe mạnh và giảm nguy cơ loãng xương. Tuyến cận giáp tạo ra PTH, một loại hormone giúp điều hòa lượng canxi trong cơ thể. Tuyến cận giáp hoạt động quá mức sẽ khiến xương mất nhiều canxi và làm tăng nguy cơ loãng xương. Tuyến cận giáp hoạt động kém (suy tuyến cận giáp) cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
Mặc dù không thể thay đổi chức năng của tuyến cận giáp nhưng có một số cách để kiểm soát tình trạng bệnh và giảm thiểu tác động của lượng PTH quá cao hoặc quá thấp lên xương.
Chúng ta đều biết rằng béo phì có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường và đột quỵ. Ngoài ra, thừa cân, béo phì còn có mối liên hệ với các vấn đề về xương như chứng loãng xương.
Loãng xương là tình trạng khiến xương trở nên yếu và giòn hơn. Viêm khớp là tình trạng khớp bị viêm, gây đau đớn và sưng tấy. Đôi khi, chứng loãng xương có thể là kết quả của chứng viêm khớp do viêm khớp gây cản trở khả năng vận động và ít hoạt động thể chất sẽ khiến xương trở nên kém chắc khỏe. Tuy nhiên, một số loại viêm khớp trực tiếp làm tăng nguy cơ loãng xương.
Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm. Thoái hóa đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm ở cột sống bị bào mòn. Những người bị loãng xương có nguy cơ thoái hóa đĩa đệm cao hơn.
Bệnh suy giáp không gây loãng xương. Tuy nhiên, dùng thuốc điều trị suy giáp quá liều có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên. Vẹo cột sống thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc tuổi thiếu niên nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng xương thấp. Tình trạng này khiến xương yếu, xốp và làm tăng nguy cơ gãy xương.