1

Bệnh suy giáp có gây loãng xương không?

Bệnh suy giáp không gây loãng xương. Tuy nhiên, dùng thuốc điều trị suy giáp quá liều có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
Bệnh suy giáp có gây loãng xương không? Bệnh suy giáp có gây loãng xương không?

Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng xương thấp và đây là nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương ở những phụ nữ sau mãn kinh. Có khoảng hơn 200 triệu người bị loãng xương trên thế giới và nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi tác. Ước tính có hơn 70% người trên 80 tuổi bị loãng xương.

Chức năng tuyến giáp và sức khỏe xương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức và tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp) làm tăng nguy cơ loãng xương. Tuy rằng suy giáp (quá ít hormone tuyến giáp) không trực tiếp gây loãng xương nhưng dùng thuốc điều trị suy giáp quá liều có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

Cùng tìm hiểu kỹ hơn về mối liên hệ giữa bệnh suy giáp và loãng xương cũng như những cách điều trị suy giáp mà không làm tăng nguy cơ loãng xương.

Suy giáp là gì?

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém và dẫn đến nồng độ hormone tuyến giáp trong máu thấp. Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm nằm ở phía trước cổ, bên dưới thanh quản và bên trên khí quản. Tuyến giáp có chức năng điều hòa hoạt động của nhiều hệ thống và cơ quan quan trọng trong cơ thể.

Mối liên hệ giữa suy giáp và loãng xương

Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy bệnh suy giáp trực tiếp gây ra bệnh loãng xương. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (American Thyroid Association), cả suy giáp và cường giáp đều có mối liên hệ với bệnh loãng xương: (1)

  • Nồng độ hormone tuyến giáp trong máu quá cao do tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) làm giảm mật độ xương và có thể dẫn đến loãng xương.
  • Dùng thuốc điều trị bệnh suy giáp quá liều cũng làm tăng nồng độ hormone tuyến giáp trong máu và điều này làm tăng nguy cơ loãng xương.

Ai có nguy cơ bị suy giáp hoặc loãng xương?

Các yếu tố nguy cơ của bệnh suy giáp

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy giáp gồm có:

  • Trên 60 tuổi
  • Là phụ nữ
  • Có tiền sử mắc các bệnh hoặc phương pháp điều trị ảnh hưởng đến tuyến giáp, chẳng hạn như:
    • Bướu cổ
    • Phẫu thuật tuyến giáp
    • Xạ trị ở tuyến giáp hoặc gần tuyến giáp
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp
  • Mới mang thai gần đây
  • Mắc một số bệnh lý nhất định, chẳng hạn như:
    • Tiểu đường
    • Thiếu máu
    • Bệnh lupus
    • Viêm khớp
    • Bệnh celiac
    • Hội chứng Sjögren

Các yếu tố nguy cơ của loãng xương

Chứng loãng xương chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi, nhất là phụ nữ do sự sụt giảm estrogen vào thời kỳ mãn kinh.

Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống động kinh và glucocorticoid (một loại corticosteroid) cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Một số tình trạng bệnh lý cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, gồm có:

  • Suy thận
  • Bệnh cushing
  • Biếng ăn
  • Hấp thụ dinh dưỡng kém
  • Thiếu cân
  • Mãn kinh sớm

Những người có tiền sử gia đình bị loãng xương cũng có nguy cơ loãng xương cao hơn.

Ngoài ra, một số yếu tố về lối sống, chẳng hạn như hút thuốc, uống nhiều rượu và ít vận động cũng làm tăng nguy cơ loãng xương.

Triệu chứng của bệnh suy giáp

Không phải khi nào bệnh suy giáp cũng biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Các triệu chứng ở mỗi người là không hoàn toàn giống nhau và thường tăng theo thời gian.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh suy giáp gồm có:

  • Tăng cân, khó giảm cân
  • Thường xuyên mệt mỏi, không có sức lực
  • Chịu lạnh kém
  • Thường xuyên cảm thấy chán nản, buồn bã
  • Đau cơ và khớp
  • Rụng tóc
  • Da khô
  • Rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt ra nhiều
  • Khó mang thai
  • Nhịp tim giảm

Chẩn đoán suy giáp

Để chẩn đoán bệnh suy giáp, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng, bệnh sử cá nhân và tiền sử gia đình, sau đó khám lâm sàng để tìm các dấu hiệu suy giáp. Tiếp theo, người bệnh sẽ phải lấy mẫu máu để làm xét nghiệm.

Các xét nghiệm máu cần thực hiện để chẩn đoán bệnh suy giáp gồm có:

Xét nghiệm TSH

Xét nghiệm TSH đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (thyroid-stimulating hormone) trong máu. TSH được sản xuất bởi tuyến yên, một tuyến nằm ở đáy não, có vai trò kiểm soát lượng hormone mà tuyến giáp tiết ra.

Xét nghiệm thyroxine (T4)

Thyroxine (T4) là một trong hai hormone chính do tuyến giáp tạo ra, có chức năng giúp cơ thể tăng trưởng và trao đổi chất. Đo nồng độ hormone này trong máu sẽ giúp đánh giá hoạt động của tuyến giáp.

Điều trị suy giáp

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh suy giáp, bác sĩ sẽ kê thuốc giúp kích thích tuyến giáp tạo ra nhiều hormone hơn. Việc dùng thuốc đúng liều sẽ không ảnh hưởng đến xương. Nguy cơ loãng xương chỉ tăng lên khi dùng thuốc quá liều.

Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm máu định kỳ trong thời gian điều trị để xem liều dùng thuốc hiện tại có phù hợp hay không. Nếu nồng độ hormone tuyến giáp vẫn ở mức thấp hoặc tăng quá cao, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc.

Phòng ngừa loãng xương khi điều trị suy giáp

Những người bị suy giáp và đang dùng thuốc điều trị cần xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra xem liều dùng thuốc hiện tại có phù hợp hay không. Người bệnh thường phải làm xét nghiệm sau 6 – 8 tuần kể từ khi bắt đầu dùng thuốc.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ hormone tuyến giáp quá cao (cường giáp), bác sĩ sẽ giảm liều.

Sau đó, người bệnh sẽ tiếp tục phải làm xét nghiệm máu, thường là một hoặc hai lần mỗi năm. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cường giáp do dùng thuốc điều trị suy giáp quá liều và từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Nếu người bệnh bị cường giáp do dùng thuốc trị suy giáp, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị và biện pháp phòng ngừa các biến chứng như loãng xương.

Có thể người bệnh sẽ phải dùng thuốc để ngăn ngừa mất xương và cải thiện mật độ xương.

Nếu bệnh loãng xương được phát hiện và điều trị sớm thì sẽ có thể bảo tồn mật độ xương và giữ cho xương chắc khỏe về lâu dài. Đó là lý do tại sao cần phải theo dõi sát sao trong quá trình điều trị bệnh suy giáp.

Các câu hỏi thường gặp

Thuốc điều trị suy giáp còn có những tác dụng phụ nào khác?

Ngoài giảm mật độ xương, dùng thuốc điều trị suy giáp quá liều còn gây ra các tác dụng phụ khác như lo âu, khó ngủ và tim đập nhanh.

Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng thuốc trị suy giáp, người bệnh nên báo cho bác sĩ để điều chỉnh thuốc.

Có những loại thuốc nào để điều trị bệnh suy giáp?

Loại thuốc thường được dùng để điều trị bệnh suy giáp là levothyroxine.

Chức năng của hormone tuyến giáp trong cơ thể là gì?

Hormon tuyến giáp giúp điều hòa cách cơ thể sử dụng năng lượng, giữ cho quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường và đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của tim, cơ và não.

Tóm tắt bài viết

Quá nhiều hormone tuyến giáp – bất kể là do cường giáp hay do dùng thuốc trị suy giáp quá liều – đều có thể đẩy nhanh tốc độ thay thế xương, điều này dẫn đến giảm mật độ xương, loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Điều quan trọng là phải dùng thuốc trị suy giáp đúng liều. Người bệnh cần làm xét nghiệm máu định kỳ trong quá trình điều trị. Nếu nồng độ hormone tuyến giáp quá cao hoặc quá thấp, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc. Nên đi khám nếu các triệu chứng suy giáp vẫn tiếp diễn sau khi dùng thuốc hoặc xuất hiện các triệu chứng cường giáp như tim đập nhanh và khó ngủ.

Theo dõi sát sao và phát hiện sớm cường giáp sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh celiac (không dung nạp gluten) có thể gây loãng xương
Bệnh celiac (không dung nạp gluten) có thể gây loãng xương

Bệnh celiac có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm của cơ thể và điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Những người mắc bệnh celiac có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe về lâu dài khác, trong đó có chứng loãng xương. Tại sao bệnh celiac lại có thể dẫn đến loãng xương? Và làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ?

Bệnh loãng xương có chữa khỏi được không?
Bệnh loãng xương có chữa khỏi được không?

Không có cách nào có thể “đảo ngược” tình trạng mất xương. Nhưng có rất nhiều cách để ngăn chặn mất xương thêm và giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương.

Điều gì xảy ra nếu bệnh loãng xương không được điều trị?
Điều gì xảy ra nếu bệnh loãng xương không được điều trị?

Bệnh loãng xương không được điều trị sẽ khiến xương ngày một yếu đi và dễ gãy. Trong nhiều trường hợp, gãy xương là dấu hiệu đầu tiên của chứng loãng xương.

Loãng xương có phải bệnh tự miễn không?
Loãng xương có phải bệnh tự miễn không?

Loãng xương là tình trạng mật độ xương thấp. Loãng xương thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh, người lớn tuổi và người đang mắc một số bệnh lý khác như bệnh tự miễn.

Truyền thuốc điều trị loãng xương có hiệu quả không?
Truyền thuốc điều trị loãng xương có hiệu quả không?

Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây