1

Loãng xương có phải bệnh tự miễn không?

Loãng xương là tình trạng mật độ xương thấp. Loãng xương thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh, người lớn tuổi và người đang mắc một số bệnh lý khác như bệnh tự miễn.
Loãng xương có phải bệnh tự miễn không? Loãng xương có phải bệnh tự miễn không?

Loãng xương được gọi là một căn bệnh “thầm lặng” vì thường không có bất cứ triệu chứng nào cho đến khi xảy ra các vấn đề nghiêm trọng hơn như gãy xương hoặc giảm chiều cao.

Loãng xương không phải một bệnh tự miễn nhưng nghiên cứu cho thấy hệ miễn dịch trục trặc có thể gây ra bệnh loãng xương. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu mối liên hệ giữa hệ miễn dịch và những thay đổi về xương.

Dù là chứng loãng xương hay bất kỳ bệnh tự miễn nào thì cũng cần được phát hiện sớm và kiểm soát tốt tình trạng bệnh để phòng ngừa biến chứng.

Loãng xương và hệ miễn dịch

Một số nghiên cứu đang tìm hiểu về ảnh hưởng của hệ miễn dịch đến nguy cơ mắc bệnh loãng xương và liệu loãng xương có liên quan đến các bệnh tự miễn hay không. Hệ miễn dịch và hệ thống xương có mối liên hệ với nhau. Hai hệ thống này có chung một số loại phân tử và cơ chế điều tiết. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu thêm xem mối liên hệ này có thể gây mất xương như thế nào.

Hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh như vi khuẩn, virus nhưng hệ miễn dịch có thể bị trục trặc. Đôi khi, hệ miễn dịch tạo ra các protein gọi là tự kháng thể tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Điều này dẫn đến các bệnh tự miễn.

Những tự kháng thể này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bao gồm các cơ quan nội tạng, khớp và da. Điều này gây ra các triệu chứng đau đớn, khó chịu và làm giảm khả năng vận động.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy các tự kháng thể cũng như tình trạng viêm mạn tính có thể góp phần làm giảm mật độ xương. Các tế bào miễn dịch có ảnh hưởng đến quá trình chu chuyển xương (mô xương bị phân hủy và tái tạo), do đó những thay đổi trong hệ miễn dịch có thể ảnh hưởng đến mật độ xương.

Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện nhằm làm rõ mối liên hệ này. Kết quả nghiên cứu sẽ các bác sĩ hiểu rõ hơn về bệnh loãng xương và tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho căn bệnh này.

Nguyên nhân gây loãng xương

Chứng loãng xương được chia thành hai loại là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát dựa trên nguyên nhân gây bệnh.

Loãng xương nguyên phát

Hầu hết các trường hợp loãng xương đều là loãng xương nguyên phát. Theo một tổng quan tài liệu vào năm 2017, 80% phụ nữ và 60% nam giới mắc bệnh loãng xương là loãng xương nguyên phát.

Các nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương nguyên phát gồm có:

  • Sự lão hóa
  • Mãn kinh
  • Tiền sử gia đình bị loãng xương
  • Các yếu tố về lối sống như chế độ ăn uống thiếu chất và ít vận động

Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ (the Office on Women’s Health) cho biết phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh loãng xương nguyên phát cao hơn nam giới. Tình trạng này thường xảy ra sau mãn kinh do sự thiếu hụt estrogen. Estrogen là hormone giúp giữ cho xương chắc khỏe.

Nam giới cũng có thể bị loãng xương nguyên phát do sự sụt giảm testosterone và estrogen.

Loãng xương thứ phát

Loãng xương thứ phát là loãng xương do các vấn đề sức khỏe khác gây ra, bao gồm cả bệnh tự miễn và bệnh mô liên kết. Loãng xương thứ phát cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như steroid dùng để điều trị các bệnh tự miễn. Các nhà khoa học hiện đang mở rộng nghiên cứu để tìm hiểu mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và các bệnh tự miễn.

Chứng loãng xương khiến cho xương trở nên giòn và dễ gãy hơn. Người bị loãng xương có thể bị gãy xương hông, cột sống, cổ tay hay bất kỳ xương nào khác trong cơ thể. Có thể phải nhiều năm sau khi bệnh loãng xương khởi phát thì người bệnh mới bị gãy xương và không phải cứ mắc bệnh loãng xương là sẽ bị gãy xương. Điều quan trọng là phát hiện và điều trị bệnh từ sớm. Điều này sẽ giúp duy trì mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Những người có yếu tố nguy cơ loãng xương, bất kể loãng xương nguyên phát hay thứ phát nên cân nhắc đo mật độ xương để kiểm tra tình trạng xương.

Những bệnh tự miễn gây loãng xương

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy một số bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của xương và dẫn đến chứng loãng xương. Các bệnh này gồm có:

  • Viêm khớp dạng thấp
  • Viêm cột sống dính khớp
  • Viêm khớp vảy nến
  • Bệnh viêm ruột
  • Lupus ban đỏ hệ thống

Các bệnh lý có liên quan đến hệ miễn dịch như hen suyễn, bệnh tuyến giáp và bệnh celiac (không dung nạp gluten) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Chẩn đoán loãng xương

Không có một phương pháp đơn lẻ nào có thể chẩn đoán được cả loãng xương và bệnh tự miễn. Để chẩn đoán hai bệnh lý này thì sẽ phải thực hiện nhiều xét nghiệm kết hợp các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.

Công cụ chính để chẩn đoán bệnh loãng xương là đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA hay DXA. Phương pháp này sử dụng tia X để đo mật độ khoáng chất trong xương. Bạn sẽ nằm thẳng trên bàn trong khi máy quét tia X qua cơ thể. Máy sẽ chủ yếu tập trung vào những khu vực có nguy cơ gãy xương do loãng xương cao hơn như hông và cột sống.

Bạn sẽ phải làm xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh tự miễn. Một xét nghiệm máu có thể phát hiện được nhiều loại bệnh tự miễn là xét nghiệm kháng thể kháng nhân (antinuclear antibody - ANA). Các xét nghiệm khác giúp phát hiện một số loại protein và dấu hiệu phản ứng viêm trong máu hoặc nước tiểu.

Bác sĩ có thể còn yêu cầu chụp X-quang hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này giúp phát hiện một số bệnh tự miễn như viêm cột sống dính khớp.

Nồng độ một số chất tăng cao trong mẫu máu hoặc nước tiểu có thể là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang không hoạt động bình thường. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm kết hợp với kết quả đo mật độ xương, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng như kết quả khám lâm sàng và thông tin về bệnh sử cá nhân, tiền sử gia đình để xác nhận chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Bệnh loãng xương và đa số các bệnh tự miễn đều không thể chữa khỏi nhưng điều trị sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Tóm tắt bài viết

Loãng xương không phải một bệnh tự miễn nhưng nghiên cứu cho thấy những bất thường về hệ miễn dịch có thể ảnh hưởng đến mật độ xương.

Một số bệnh tự miễn làm tăng nguy cơ loãng xương thứ phát. Nên đi khám nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh tự miễn hoặc loãng xươngg. Điều trị sớm sẽ giúp ngăn bệnh tiến triển nặng và gây ra những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống sau ngày.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh suy giáp có gây loãng xương không?
Bệnh suy giáp có gây loãng xương không?

Bệnh suy giáp không gây loãng xương. Tuy nhiên, dùng thuốc điều trị suy giáp quá liều có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

Bệnh loãng xương có chữa khỏi được không?
Bệnh loãng xương có chữa khỏi được không?

Không có cách nào có thể “đảo ngược” tình trạng mất xương. Nhưng có rất nhiều cách để ngăn chặn mất xương thêm và giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương.

Điều gì xảy ra nếu bệnh loãng xương không được điều trị?
Điều gì xảy ra nếu bệnh loãng xương không được điều trị?

Bệnh loãng xương không được điều trị sẽ khiến xương ngày một yếu đi và dễ gãy. Trong nhiều trường hợp, gãy xương là dấu hiệu đầu tiên của chứng loãng xương.

Truyền thuốc điều trị loãng xương có hiệu quả không?
Truyền thuốc điều trị loãng xương có hiệu quả không?

Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.

Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và tuyến cận giáp
Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và tuyến cận giáp

Tuyến cận giáp hoạt động quá mức có thể làm giảm lượng canxi trong xương, làm tăng nguy cơ loãng xương và các vấn đề sức khỏe liên quan.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây