1

Loãng xương thứ phát là gì?

Loãng xương là nguyên nhân gây ra gần 9 triệu ca gãy xương trên toàn thế giới mỗi năm. Nếu loãng xương là do một bệnh lý khác gây ra thì được gọi là loãng xương thứ phát.
Loãng xương thứ phát là gì? Loãng xương thứ phát là gì?

Loãng xương thứ phát là gì?

Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm, khiến xương trở nên yếu và dễ gãy. Mọi người vẫn thường nghĩ xương có cấu trúc đặc và rất rắn chắc nhưng thực ra bên trong xương có những khoảng trống nhỏ giống như tổ ong. Loãng xương xảy ra khi những khoảng trống này to lên, khiến xương trở nên xốp và không còn chắc khỏe như trước.

Loãng xương được chia làm hai loại là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. Loãng xương nguyên phát là tình trạng khối lượng và mật độ xương giảm do những thay đổi trong quá trình lão hóa tự nhiên, bao gồm cả sự sụt giảm nồng độ estrogen (ở phụ nữ) và testosterone (ở nam giới). Loãng xương nguyên phát chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi.

Loãng xương thứ phát là khi khối lượng và mật độ xương giảm do các tình trạng bệnh lý như ung thư, bệnh tuyến giáp, rối loạn nội tiết tố….

Triệu chứng loãng xương thứ phát

Trong nhiều trường hợp, gãy xương là dấu hiệu đầu tiên của bệnh loãng xương. Lý do là bởi sự giảm mật độ xương diễn ra từ từ và không biểu hiện triệu chứng.

Gãy xương thường xảy ra khi mật độ xương đã giảm nghiêm trọng. Các xương có nguy cơ gãy cao nhất là xương hông, đốt sống và cánh tay.

Gãy xương sống có các triệu chứng:

  • Giảm chiều cao
  • Gù lưng do phần cột sống bên trên bị cong
  • Đau cổ hoặc đau lưng

Nguyên nhân gây loãng xương thứ phát

Chứng loãng xương thứ phát có thể là do bệnh lý, thuốc hoặc các yếu tố lối sống gây ra. Các bệnh lý phổ biến có thể dẫn đến loãng xương gồm có:

  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh cường giáp
  • Suy sinh dục
  • Suy thận mạn tính
  • Bệnh celiac
  • Suy gan mạn tính
  • Bệnh viêm ruột
  • Rối loạn ăn uống
  • Ung thư
  • Bệnh về tủy xương
  • Bệnh tiêu hóa
  • Ghép tạng

Các nguyên nhân khác gây loãng xương thứ phát

Ngoài vấn đề sức khỏe còn có nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến xương và dẫn đến chứng loãng xương, chẳng hạn như:

Thuốc

Các loại thuốc làm tăng nguy cơ loãng xương gồm có:

  • Steroid như:
    • Corticosteroid
    • Glucocorticoid
  • Các phương pháp điều trị bằng hormone như:
    • hormone tuyến giáp
    • medroxyprogesterone
  • Các phương pháp điều trị rối loạn tâm trạng như:
    • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
    • Thuốc lithium
  • Thuốc điều trị động kinh như:
    • carbamazepin
    • phenytoin
  • Thuốc chống thải ghép, chẳng hạn như:
    • cyclosporin
    • tacrolimus
  • Các loại thuốc khác như:
    • Thuốc kháng retrovirus
    • heparin
    • furosemide
    • Thuốc ức chế bơm proton

Yếu tố lối sống

Các yếu tố lối sống làm tăng nguy cơ loãng xương:

  • Hút thuốc
  • Uống quá nhiều rượu
  • Chế độ ăn có quá ít vitamin D và canxi

Phẫu thuật giảm cân

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021 đã chỉ ra rằng phẫu thuật giảm cân có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Đáng chú ý, những người từng phẫu thuật nối tắt dạ dày bị giảm khối lượng xương nhiều hơn so với các loại phẫu thuật giảm cân khác.

Chẩn đoán loãng xương thứ phát

Để chẩn đoán bệnh loãng xương, trước tiên bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, bệnh sử của người bệnh và khám lâm sàng. Sau đó người bệnh sẽ phải đo mật độ xương và làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ vitamin D, canxi, các hormone như estrogen và testosterone. Đo mật độ xương là cách chính xác nhất để xác nhận loãng xương.

Có thể cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, ví dụ như:

  • Xét nghiệm phosphatase kiềm
  • Xét nghiệm định lượng phốt pho
  • Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp
  • Xét nghiệm hormone tuyến cận giáp

Điều trị loãng xương thứ phát

Trước hết cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây giảm mật độ xương. Điều này có thể được thực hiện song song với việc điều trị loãng xương. Loãng xương có thể được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống.

Nhóm thuốc chính được sử dụng để điều trị loãng xương là bisphosphonate. Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có:

  • Actonel
  • Boniva
  • Fosamax
  • Reclast

Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp vào năm 2021 cho thấy thuốc Forteo giúp ngăn ngừa gãy xương hiệu quả hơn so với bisphosphonate ở những phụ nữ mãn kinh bị loãng xương. Forteo thường được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả và được kê cho những người mắc các bệnh nghiêm trọng do glucocorticoid và không thể dùng bisphosphonate.

Chứng loãng xương do bệnh ung thư, ví dụ như ung thư tuyến tiền liệt hoặc các loại ung thư khác di căn đến xương có thể cần điều trị bằng thuốc Prolia.

Người bệnh cũng có thể dùng thêm các loại thảo dược có tác dụng cải thiện sức khỏe xương. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021 đã chỉ ra một số loại thảo dược và chiết xuất thực vật có lợi cho xương:

  • Đậu nành
  • Cỏ ba lá đỏ (red clover)
  • Rễ kudzu
  • Cỏ sừng dê (horny goat weed)
  • Hoa bia
  • Black cohosh
  • Cỏ đuôi ngựa (horsetail)
  • Cây xô thơm đỏ (red sage)

Phòng ngừa loãng xương thứ phát

Các biện pháp đã được chứng minh là có thể giúp phòng ngừa mất xương cũng như củng cố và duy trì khối lượng xương gồm có:

  • Thường xuyên tập các bài tập chịu sức nặng, chẳng hạn như tập tạ, bài tập với dây kháng lực và đi bộ
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa và rau màu xanh đậm
  • Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời 15 phút mỗi ngày hoặc ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng và các sản phẩm từ sữa có bổ sung vitamin D để tăng lượng vitamin D. Vitamin D cần thiết cho sự hấp thụ canxi.
  • Bỏ thuốc lá nếu hút
  • Không uống quá nhiều rượu

Biến chứng của loãng xương thứ phát

Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương. Gãy xương sống sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, gây suy giảm khả năng hô hấp, biến dạng cột sống và đau dây thần kinh kéo dài.

Loãng xương là căn bệnh không thể chữa khỏi nhưng thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời có thể giúp duy trì sức khỏe xương, làm chậm tốc độ mất xương và hỗ trợ sự phát triển xương mới.

Tóm tắt bài viết

Loãng xương thứ phát là loãng xương do các bệnh lý khác, thuốc hoặc yếu tố lối sống gây ra. Mặc dù không thể đảo ngược được nhưng điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa mất xương thêm, bảo tồn khối lượng và sự chắc khỏe của xương, cải thiện phần nào mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Các biện pháp điều trị và phòng ngừa loãng xương gồm có:

  • Bổ sung đủ canxi và vitamin D
  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế rượu bia
  • Tập thể dục đều đặn, nhất là các bài tập chịu sức nặng
  • Điều trị bệnh lý gây giảm mật độ xương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương
Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương

Loãng xương chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ nhưng tỷ lệ loãng xương ở nam giới và phụ nữ trẻ ngày càng gia tăng.

Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương
Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương

Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.

5 tư thế yoga có lợi cho người bị loãng xương
5 tư thế yoga có lợi cho người bị loãng xương

Tập yoga là một cách hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng loãng xương. Duy trì thói quen tập yoga đều đặn có thể giúp tăng cường sức mạnh của cơ và xương, giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.

Truyền thuốc điều trị loãng xương có hiệu quả không?
Truyền thuốc điều trị loãng xương có hiệu quả không?

Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.

5 bài tập tĩnh có lợi cho người bị loãng xương
5 bài tập tĩnh có lợi cho người bị loãng xương

Các bài tập tĩnh là một phần rất cần thiết trong thói quen tập luyện để kiểm soát bệnh loãng xương. Những bài tập này nhắm vào các nhóm cơ cụ thể, tạo ra các cơn co cơ tĩnh mà không làm thay đổi chiều dài của cơ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây