Những điều cần biết về thuốc điều trị loãng xương Evista (raloxifene)
Raloxifene được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để ngăn ngừa và điều trị chứng loãng xương, tình trạng mật độ xương thấp, khiến xương yếu đi và dễ gãy. Raloxifene chỉ được khuyến nghị sử dụng cho phụ nữ đã mãn kinh.
Raloxifene còn có phiên bản biệt dược là Evista. Cùng tìm hiểu hiệu quả của Evista trong điều trị, phòng ngừa loãng xương và những rủi ro khi dùng loại thuốc này.
Evista là gì?
Raloxifene (Evista) là một loại thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (selective estrogen-receptor modulator - SERM).
Các loại thuốc trong nhóm này bắt chước tác dụng của hormone estrogen đối với xương đó là ngăn ngừa mất xương và cải thiện mật độ xương.
Ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như vú, raloxifene lại ngăn cản hoạt động của hormone estrogen. Điều này giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú.
Hiệu quả của Evista trong điều trị loãng xương
Nghiên cứu cho thấy Evista có thể ngăn ngừa gãy xương sống một cách hiệu quả. Xương sống là một trong những xương có nguy cơ gãy cao nhất ở những người bị loãng xương. Loãng xương khiến xương trở nên rất yếu và người mắc chứng loãng xương có thể bị gãy xương sống kể cả khi không bị ngã hay va đập mạnh.
Một nghiên cứu vào năm 1999 đã kết luận rằng Evista có thể làm giảm khoảng 30% nguy cơ gãy xương sống ở những người bị loãng xương.
Tương tự, các tác giả của một tổng quan hệ thống vào năm 2023 đã báo cáo rằng dùng Evista trong 3 năm có thể làm giảm nguy cơ gãy xương cột sống. Tuy nhiên, Evista không có tác dụng ngăn ngừa gãy các xương khác.
Vì lý do này nên Hiệp hội Bác sĩ Hoa Kỳ (ACP) không khuyến khích sử dụng raloxifene làm phương pháp điều trị bước đầu cho những người bị loãng xương.
Một tổng quan hệ thống khác vào năm 2020 đã so sánh hiệu quả của một số loại thuốc điều trị loãng xương khác nhau và chỉ ra rằng mặc dù Evista có thể làm giảm nguy cơ gãy xương sống nhưng rủi ro khi dùng loại thuốc này có thể lớn hơn lợi ích.
Tác dụng phụ của Evista
Giống như tất cả các loại thuốc khác, Evista cũng có thể gây tác dụng phụ nhưng đa phần các tác dụng phụ chỉ ở mức độ nhẹ. Một số tác dụng phụ của Evista gồm có:
- Sốt, ớn lạnh và các triệu chứng giống cúm khác
- Bốc hỏa
- Đau khớp
- Chuột rút ở chân
- Ra nhiều mồ hôi
- Sưng phù tay hoặc chân
- Nhiễm trùng
Các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng dùng Evista có thể làm tăng nguy cơ huyết khối (cục máu đông) và đột quỵ. Theo Hiệp hội Loãng xương Hoàng gia Anh (the Royal Osteoporosis Society), khoảng 1/100 đến 1/1000 người dùng raloxifene bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và thậm chí là tử vong.
Người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ về những tác dụng phụ và rủi ro của Evista trước khi bắt đầu sử dụng.
Ưu và nhược điểm của Evista
Ưu điểm
- Giảm nguy cơ gãy xương sống do loãng xương
- Giảm nguy cơ ung thư vú xâm lấn sau mãn kinh
- Giá rẻ hơn so với nhiều loại thuốc điều trị loãng xương khác
Nhược điểm
- Có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ
- Chỉ có thể làm giảm nguy cơ gãy xương sống và xương hông, không làm giảm nguy cơ gãy các xương khác
- Tăng nguy cơ cục máu đông hoặc đột quỵ
Những ai không nên dùng Evista?
Các chuyên gia khuyến cáo những người có nguy cơ cao bị cục máu đông, tắc mạch phổi hoặc đột quỵ không nên dùng Evista để điều trị loãng xương.
Phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú cũng không nên dùng loại thuốc này.
Cách sử dụng Evista
Evista có dạng viên nén hàm lượng 60mg. Liều dùng khuyến nghị là một viên mỗi ngày.
Người bệnh cần dùng thuốc đúng liều. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, trước hay sau khi ăn đều được.
So sánh Evista và Fosamax
Fosamax (alendronic) cũng là một loại thuốc điều trị loãng xương. Fosamax có dạng viên nén và dạng thuốc tiêm dưới da. Người bệnh có thể dùng thuốc hàng ngày hoặc hàng tuần.
Nhiều bằng chứng cho thấy Fosamax giúp ngăn ngừa gãy xương sống hiệu quả hơn so với Evista. Fosamax còn có tác dụng giảm nguy cơ gãy xương hông và các xương khác.
Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2020 đã so sánh cả hai loại thuốc và cho thấy rằng Evista có hiệu quả ngăn ngừa gãy xương tương đương Fosamax.
So sánh Evista và Prolia
Prolia (denosumab) cũng là một loại thuốc điều trị loãng xương. Loại thuốc này thường được sử dụng làm phương pháp điều trị bước đầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Prolia có thể làm giảm nguy cơ gãy xương sống, xương hông và các xương khác do loãng xương.
Prolia không có dạng thuốc gốc và có giá đắt hơn so với nhiều loại thuốc điều trị loãng xương khác. Người bệnh cần tiêm thuốc 6 tháng một lần.
Câu hỏi thường gặp
Cần dùng Evista trong bao lâu để điều trị loãng xương?
Các loại thuốc trị loãng xương đều được dùng lâu dài, thường là vài năm. Trong thời gian điều trị, người bệnh nên tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng xương và sức khỏe tổng thể.
Evista có phải là liệu pháp hormone không?
Evista không phải là liệu pháp hormone nhưng có tác dụng điều chỉnh hoạt động của hormone estrogen trong cơ thể. Không giống như liệu pháp estrogen, Evista có tính chọn lọc, có nghĩa là làm tăng tác dụng của hormone estrogen trong mô xương trong khi ngăn chặn hoạt động của estrogen ở các khu vực khác trong cơ thể.
Tóm tắt bài viết
Raloxifene (Evista) là một loại thuốc điều trị loãng xương. Loại thuốc này được chứng minh là có hiệu quả ngăn ngừa gãy xương sống do loãng xương nhưng không có tác dụng ngăn ngừa gãy các xương khác. Evista có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, gồm có hình thành cục máu đông và đột quỵ.
Không giống như các loại thuốc trị loãng xương khác, raloxifene có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú. Do đó, loại thuốc này phù hợp với những phụ nữ bị loãng xương và có nguy cơ cao mắc ung thư vú.
Gãy xương do mỏi ở bàn chân là tình trạng một trong các xương ở bàn chân có vết nứt nhỏ. Nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy xương do mỏi là do cử động lặp đi lặp lại trong thời gian dài chứ không phải do té ngã hay va đập như các loại gãy xương khác. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, phải vài ngày sau khi bị gãy xương do mỏi thì người bệnh mới phát hiện ra mình bị gãy xương.
Forteo (teriparatide) là một loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị chứng loãng xương ở người lớn. Thuốc có dạng dung dịch lỏng đựng sẵn trong bút tiêm. Người bệnh tiêm thuốc dưới da một lần mỗi ngày.
Forteo là một loại thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương. Giống như nhiều loại thuốc khác, Forteo cũng có tác dụng phụ.
Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Loãng xương là một tình trạng mạn tính có đặc trưng là sự giảm khối lượng và mật độ xương, điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương và nguy cơ sẽ tăng theo độ tuổi. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), những người có tiền sử gia đình bị loãng xương có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Phương pháp điều trị loãng xương thường gồm có dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng như vật lý trị liệu.