1

Tác dụng phụ của thuốc điều trị loãng xương Forteo

Forteo là một loại thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương. Giống như nhiều loại thuốc khác, Forteo cũng có tác dụng phụ.
Tác dụng phụ của thuốc điều trị loãng xương Forteo Tác dụng phụ của thuốc điều trị loãng xương Forteo

Forteo là thuốc gì?

Forteo là một loại thuốc kê đơn được dùng để:

  • điều trị loãng xương ở phụ nữ đã mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao
  • tăng mật độ xương ở nam giới bị loãng xương có nguy cơ gãy xương cao
  • điều trị loãng xương do glucocorticoid ở người lớn có nguy cơ gãy xương cao

Hoạt chất trong Forteo là teriparatide (hoạt chất là thành phần giúp thuốc có tác dụng điều trị bệnh). Forteo có dạng dung dịch lỏng để tiêm dưới da.

Nếu Forteo có hiệu quả và không gây tác dụng phụ thì người bệnh có thể sử dụng thuốc lâu dài nhưng không nên sử dụng quá 2 năm.

Giống như các loại thuốc khác, Forteo cũng có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Tác dụng phụ phổ biến của Forteo

Người dùng Forteo có thể gặp phải tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng trong quá trình điều trị. Một số tác dụng phụ được báo cáo phổ biến của loại thuốc này gồm có:

  • Buồn nôn
  • Đau nhức cơ thể
  • Đau khớp*

* Để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nhẹ của Forteo

Nhiều tác dụng phụ của Forteo chỉ ở mức độ nhẹ và tự hết sau vài ngày đến vài tuần. Một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo gồm có:

  • Buồn nôn
  • Đau nhức cơ thể
  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Khó ngủ
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Sổ mũi
  • Đau họng
  • Khó tiêu
  • Phát ban da
  • Vấn đề về răng*
  • Phản ứng tại vị trí tiêm*
  • Đau khớp*
  • Phản ứng dị ứng nhẹ*

* Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số tác dụng phụ có thể kiểm soát được một cách dễ dàng. Nhưng nếu các tác dụng phụ kéo dài dai dẳng hoặc gây khó chịu thì người bệnh cần báo cho bác sĩ. Không nên tự ý ngừng dùng thuốc.

Forteo có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ khác ngoài những tác dụng được liệt kê ở trên. Đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết chi tiết.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của Forteo

Mặc dù hiếm gặp nhưng Forteo cũng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Forteo gồm có:

  • Hạ huyết áp tư thế (tụt huyết áp đột ngột khi đứng hoặc ngồi dậy)
  • Đau ngực
  • Ngất xỉu
  • Trầm cảm
  • Nhiễm trùng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi hoặc bệnh zona
  • Tăng canxi máu (nồng độ canxi trong máu cao)
  • Ung thư xương*
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng**

Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng Forteo. Nếu các tác dụng phụ có vẻ nguy hiểm đến tính mạng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

* Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
** Forteo có thể gây dị ứng nhưng vẫn chưa rõ tác dụng phụ này xảy ra trong các nghiên cứu hay không.

Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Forteo

Forteo có gây tăng cân và rụng tóc không ?

Thay đổi cân nặng, bao gồm sụt cân hoặc tăng cân, và rụng tóc đều không được báo cáo trong các nghiên cứu về Forteo.

Forteo được sử dụng để điều trị chứng loãng xương do sử dụng các loại corticosteroid như prednisone trong thời gian dài. Và những loại thuốc này có thể gây tăng cân.

Ngoài ra, loãng xương có thể xảy ra do thiếu hụt một số hormone nhất định. Thiếu những hormone này còn có thể gây rụng tóc. Điều này có nghĩa là tình trạng rụng tóc trong thời gian sử dụng Forteo có thể là do sự thay đổi hormone chứ không phải do tác dụng phụ của thuốc.

Nên đi khám khi bị tăng cân hoặc rụng tóc bất thường để xác định nguyên nhân.

Forteo có gây tác dụng phụ lâu dài nào không ?

Forteo có thể gây ra tác dụng phụ lâu dài, có nghĩa là những tác dụng phụ kéo dài trong thời gian sử dụng thuốc hoặc sau khi đã ngừng điều trị. Đôi khi, người bệnh đã dùng thuốc được một thời gian dài hoặc thậm chí đã ngừng dùng thuốc thì các tác dụng phụ mới bắt đầu xuất hiện.

Một trong những tác dụng phụ lâu dài và nghiêm trọng của Forteo là sarcoma xương (một loại ung thư xương). Để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Ngừng sử dụng Forteo đột ngột có gây ra các triệu chứng cai thuốc không?

Việc ngừng dùng Forteo không gây ra các triệu chứng cai thuốc. Các triệu chứng cai thuốc chỉ xảy ra khi ngừng sử dụng các loại thuốc gây lệ thuộc mà Forteo không phải một loại thuốc như vậy.

Tuy nhiên, việc ngừng sử dụng Forteo và không thay bằng loại thuốc khác sẽ khiến bệnh loãng xương trở nên trầm trọng hơn. Nếu gặp phải vấn đề trong quá trình điều trị, người bệnh nên báo cho bác sĩ chứ không nên tự ý ngừng thuốc. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác thay cho Forteo.

Chi tiết tác dụng phụ

Vấn đề về răng

Vấn đề về răng là một tác dụng phụ của Forteo nhưng không phổ biến. Chỉ có rất ít người gặp phải tác dụng phụ này trong các nghiên cứu về thuốc.

Đau khớp là một tác dụng phụ thường gặp của Forteo và đau khớp hàm có thể gây cảm giác giống như đau răng.

Prolia (denosumab), một loại thuốc điều trị loãng xương khác, có thể gây hoại tử xương hàm. Đây là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng có thể dẫn đến mất răng. Tác dụng phụ này không được báo cáo trong các nghiên cứu về Forteo.

Người bệnh cần chú ý chăm sóc răng miệng cẩn thận trong quá trình điều trị bằng Forteo để giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ về răng.

Nên đi khám nếu có triệu chứng bất thường về răng khi sử dụng Forteo để xác định nguyên nhân.

Phản ứng tại vị trí tiêm

Tác dụng phụ này không được báo cáo trong các nghiên cứu lâm sàng về Forteo. Tuy nhiên, kể từ khi Forteo được bán trên thị trường, một số người dùng đã phản ánh về tình trạng phản ứng tại vị trí tiêm, chẳng hạn như đau, sưng tấy và bầm tím.

Tác dụng phụ này của Forteo thường nhẹ và tự hết. Người bệnh có thể chườm nước đá lên vị trí tiêm sau khi tiêm để giảm đau và sưng. Thay đổi vị trí tiêm mỗi lần tiêm sẽ giúp tránh xảy ra phản ứng không mong muốn.

Hãy báo cho bác sĩ nếu có phản ứng nghiêm trọng tại vị trí tiêm thuốc, ví dụ như đau dữ dội hoặc sưng to. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tiêm để tránh gặp phải những vấn đề này.

Sarcoma xương (một loại ung thư xương)

Người dùng Forteo có nguy cơ mắc sarcoma xương (một loại ung thư xương). Mặc dù tác dụng phụ này không được báo cáo trong các nghiên cứu về thuốc nhưng đã được ghi nhận ở một số trường hợp sử dụng Forteo trong thực tế. Các triệu chứng của bệnh sarcoma xương gồm có:

  • Đau xương dai dẳng
  • Sưng tấy
  • Nổi cục bất thường trên cơ thể

Một số người có nguy cơ bị sarcoma xương cao hơn khi sử dụng Forteo, gồm có:

  • Trẻ em* và thanh niên (độ tuổi xương vẫn đang phát triển)
  • Người đang mắc một số bệnh về xương, chẳng hạn như bệnh paget xương
  • Người bị ung thư di căn xương
  • Người đang điều trị bằng liệu pháp ánh sáng hoặc xạ trị ảnh hưởng đến xương

* Forteo không được phê duyệt sử dụng cho trẻ em.

Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh có bất kỳ yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh sarcoma xương. Có thể bác sĩ sẽ kê một loại thuốc khác thay cho Forteo. Đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh sarcoma xương trong quá trình điều trị bằng Forteo. Nếu đúng là bị sarcoma xương, người bệnh có thể sẽ phải ngừng dùng thuốc.

Các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng Forteo quá 2 năm để giảm nguy cơ ung thư xương.

Đau khớp

Sử dụng Forteo có thể gây đau khớp. Đây là một trong những tác dụng phụ phổ biến được báo cáo trong các nghiên cứu về thuốc. Đau khớp do Forteo thường nhẹ và tự hết sau vài ngày đến vài tuần. Nếu bị đau nhiều, người bệnh nên báo cho bác sĩ. Có thể khắc phục tác dụng phụ này bằng cách dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Motrin, Advil).

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào. Một số loại thuốc có thể tương tác với Forteo.

Dị ứng

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Forteo cũng có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng với các triệu chứng như:

  • Phát ban
  • Ngứa ngáy
  • Da nóng đỏ
  • Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, có thể gây khó thở

Nếu người bệnh có các triệu chứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như da mẩn đỏ, hãy báo cho bác sĩ. Phản ứng dị ứng nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamin đường uống, chẳng hạn như diphenhydramine hoặc thuốc bôi ngoài da, chẳng hạn như hydrocortisone.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng mà bác sĩ sẽ quyết định xem người bệnh có nên tiếp tục sử dụng Forteo hay không.

Nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng phù hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng và cần được can thiệp điều trị kịp thời.

Nếu người bệnh bị dị ứng nghiêm trọng với Forteo, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.

Theo dõi tác dụng phụ

Trong quá trình điều trị bằng Forteo, người bệnh nên theo dõi và ghi lại các tác dụng phụ gặp phải, sau đó báo với bác sĩ. Điều này là rất cần thiết khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới hoặc sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc.

Một số thông tin cần theo dõi và ghi lại gồm có:

  • Liều dùng thuốc khi xảy ra tác dụng phụ
  • Dùng thuốc bao lâu thì có tác dụng phụ
  • Các triệu chứng
  • Mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ
  • Những loại thuốc khác đang dùng
  • Những thông tin khác có liên quan

Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của thuốc đến cơ thể người bệnh và từ đó điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết.

Cảnh báo về Forteo

Forteo có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định. Điều này được gọi là tương tác thuốc – bệnh lý. Ngoài ra, việc người bệnh có thể sử dụng Forteo hay không còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh cá nhân trước khi dùng Forteo, nhất là khi có các vấn đề sức khỏe dưới đây.

Tăng nguy cơ ung thư xương: Forteo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sarcoma xương (một loại ung thư xương). Nguy cơ mắc bệnh càng cao nếu người bệnh còn có các yếu tố nguy cơ khác như:

  • Xương vẫn đang phát triển
  • Mắc một số bệnh về xương khác, chẳng hạn như bệnh paget xương
  • Ung thư di căn xương
  • Từng điều trị bằng liệu pháp ánh sáng hoặc xạ trị tác động đến xương

Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của bệnh sarcoma xương trước khi bắt đầu dùng Forteo. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác thay cho Forteo.

Dị ứng: Không dùng Forteo nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Sỏi thận: Forteo có thể làm tăng nồng độ canxi trong máu và điều này có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Ở những người đang bị sỏi thận hoặc có tiền sử sỏi thận, Forteo có thể gây hình thành sỏi mới. Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh đang hoặc từng bị sỏi thận. Người bệnh có thể cần làm xét nghiệm canxi máu thường xuyên trong quá trình điều trị bằng Forteo.

Tăng canxi máu: Sử dụng Forteo có thể làm tăng nồng độ canxi trong máu. Ở những người đang mắc các bệnh lý làm tăng canxi trong máu, chẳng hạn như cường tuyến cận giáp, Forteo có thể khiến tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn. Nếu đang mắc các bệnh này, người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu dùng Forteo. Có thể bác sĩ sẽ kê một loại thuốc điều trị loãng xương khác.

Có được uống rượu khi sử dụng Forteo không?

Các nghiên cứu lâm sàng không cho thấy tương tác giữa Forteo và đồ uống có cồn. Nhưng Forteo có thể gây hạ huyết áp tư thế (tụt huyết áp đột ngột khi đứng hoặc ngồi dậy). Điều này có thể xảy ra trong vòng 4 giờ sau khi tiêm thuốc.

Tụt huyết áp đột ngột gây ra các triệu chứng như chóng mặt và choáng váng. Uống rượu cũng có thể gây ra những hiện tượng này. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của Forteo và làm tăng nguy cơ té ngã.

Uống nhiều rượu còn gây suy yếu xương mà Forteo được sử dụng để điều trị loãng xương. Có nghĩa là uống rượu sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.

Nếu không thể bỏ rượu hoàn toàn, hãy hỏi bác sĩ về lượng tiêu thụ an toàn.

Forteo có an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú không?

Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào được thực hiện trên phụ nữ mang thai nên chưa rõ tính an toàn của Forteo khi sử dụng trong thai kỳ. Tuy nhiên, Forteo chủ yếu được sử dụng cho phụ nữ đã mãn kinh và nam giới.

Nếu người bệnh đang mang thai hoặc dự định có thai, hãy cho bác sĩ biết trước khi kê thuốc. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp cho người bệnh.

Không nên sử dụng Forteo khi đang cho con bú. Chưa rõ loại thuốc này có đi vào sữa mẹ hay không và có ảnh hưởng như thế nào đến trẻ sơ sinh bú mẹ.

Nếu người bệnh đang cho con bú hoặc dự định sẽ cho con bú, hãy cho bác sĩ biết trước khi kê thuốc. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc an toàn cho người bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Fluor (fluoride) có tác dụng phòng ngừa hoặc điều trị chứng loãng xương?
Fluor (fluoride) có tác dụng phòng ngừa hoặc điều trị chứng loãng xương?

Bệnh loãng xương hiện chưa có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một số loại khoáng chất có thể giúp cải thiện sức khỏe xương, một trong số đó là fluor (fluoride). Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu liệu bổ sung fluor có giúp điều trị hay phòng ngừa bệnh loãng xương hay không.

Liều dùng thuốc trị loãng xương Tymlos
Liều dùng thuốc trị loãng xương Tymlos

Tymlos (abaloparatide) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị chứng loãng xương. Thuốc có dạng dung dịch lỏng để tiêm dưới da. Người bệnh thường tiêm thuốc một lần mỗi ngày.

Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Tymlos
Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Tymlos

Tymlos (abaloparatide) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị chứng loãng xương. Tymlos có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng, gồm có chóng mặt, phản ứng tại vị trí tiêm và buồn nôn.

Liều dùng thuốc trị loãng xương Actonel
Liều dùng thuốc trị loãng xương Actonel

Actonel là một loại thuốc điều trị loãng xương và bệnh Paget xương. Dưới đây là thông tin về liều dùng loại thuốc này.

Liều dùng thuốc trị loãng xương Prolia
Liều dùng thuốc trị loãng xương Prolia

Prolia (denosumab) là một loại thuốc được dùng cho người bị loãng xương hoặc có nguy cơ bị loãng xương.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây