1

Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Prolia

Prolia (denosumab) là một loại thuốc kê đơn được dùng để điều trị loãng xương hoặc ngăn ngừa mất xương. Prolia có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, ví dụ như đau khớp và các tác dụng phụ liên quan đến răng hàm.
Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Prolia Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Prolia

Prolia là một loại thuốc tiêm được sử dụng cho người lớn bị loãng xương, tình trạng mật độ xương suy giảm, khiến xương yếu đi. Prolia còn được sử dụng để ngăn ngừa mất xương và gãy xương ở những người đang phải dùng một số loại thuốc điều trị ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

Hoạt chất trong Prolia là denosumab (hoạt chất là thành phần giúp thuốc có tác dụng điều trị bệnh). Đây là một loại thuốc sinh học, nghĩa là được làm từ các bộ phận của sinh vật sống.

Để biết thêm thông tin về Prolia, gồm có công dụng, cơ chế tác dụng và lưu ý khi sử dụng thuốc, vui lòng đọc bài viết này.

Giống như các loại thuốc khác, Prolia cũng có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ và tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các tác dụng phụ phổ biến của Prolia

Dưới đây chỉ là một số tác dụng phụ phổ biến được báo cáo bởi những người dùng Prolia trong các nghiên cứu. Tác dụng phụ có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà thuốc được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa.

Khi được sử dụng để điều trị bệnh loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, Prolia có thể gây ra các tác dụng phụ sau:

  • Đau lưng
  • Đau ở cánh tay và chân
  • Đau cơ
  • Cholesterol cao
  • Nhiễm trùng bàng quang

Khi được sử dụng để điều trị bệnh loãng xương ở nam giới, Prolia có thể gây ra các tác dụng phụ sau:

  • Đau lưng
  • Đau khớp*
  • Các triệu chứng cảm lạnh thông thường như sổ mũi hoặc đau rát họng

Khi được sử dụng để điều trị bệnh loãng xương do glucocorticoid, Prolia có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Đau lưng
  • Viêm phế quản
  • Đau đầu
  • Tăng huyết áp

Khi được sử dụng để ngăn ngừa mất xương ở do các phương pháp điều trị ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt, Prolia có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Đau khớp*
  • Đau lưng
  • Đau ở cánh tay và chân
  • Đau cơ

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Các tác dụng phụ nhẹ của Prolia

Phụ nữ sau mãn kinh sử dụng Prolia để điều trị loãng xương có thể gặp phải một số tác dụng phụ nhẹ như:

  • Đau lưng
  • Đau ở cánh tay và chân
  • Đau cơ
  • Cholesterol cao
  • Nhiễm trùng bàng quang
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường
  • Ngứa ngáy
  • Đau thần kinh tọa (đau từ thắt lưng xuống chân)

Nam giới sử dụng Prolia để điều trị loãng xương có thể gặp phải một số tác dụng phụ nhẹ như:

  • Đau lưng
  • Đau khớp*
  • Các triệu chứng cảm lạnh thông thường, như sổ mũi hoặc đau họng

Những người sử dụng Prolia để điều trị bệnh loãng xương do glucocorticoid có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ như:

  • Đau lưng
  • Tăng huyết áp
  • Viêm phế quản
  • Đau đầu
  • Đau bụng
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Đau bụng trên

Những người sử dụng Prolia để phòng ngừa mất xương do các phương pháp điều trị ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ như:

  • Đau khớp*
  • Đau lưng
  • Đau ở cánh tay và chân
  • Đau cơ

* Để tìm hiểu thêm về tác dụng phụ này, vui lòng đọc “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số tác dụng phụ có thể kiểm soát được một cách dễ dàng. Nhưng nếu các tác dụng phụ kéo dài dai dẳng hoặc gây khó chịu thì người bệnh cần báo cho bác sĩ. Không nên tự ý ngừng dùng thuốc.

Prolia còn có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ khác ngoài những tác dụng phụ được liệt kê ở trên. Người dùng có thể đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết thêm thông tin.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng của Prolia

Mặc dù hiếm gặp nhưng Prolia cũng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Prolia gồm có:

  • Đau nhức xương, khớp hoặc cơ dữ dội
  • Các bệnh nhiễm trùng nặng, gồm có nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng da
  • Gãy xương đùi bất thường *
  • Giảm tốc độ tái tạo xương
  • Tăng nguy cơ gãy xương khi ngừng điều trị hoặc điều trị không đều*
  • Các vấn đề về da, gồm có viêm da
  • Hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu thấp)
  • Tác dụng phụ liên quan đến răng và hàm*
  • Dị ứng*

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian điều trị bằng Prolia. Nếu các tác dụng phụ có vẻ nguy hiểm đến tính mạng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Prolia có gây ra tác dụng phụ lâu dài không?

Hầu hết các tác dụng phụ của Prolia đều nhẹ và tự hết sau vài ngày.

Mặc dù hiếm gặp nhưng đôi khi Prolia gây ra một số tác dụng phụ lâu dài, gồm có:

  • Cholesterol cao: Nếu người bệnh gặp phải tác dụng phụ này thì có thể sẽ phải dùng thuốc để điều trị.
  • Hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu thấp): Tác dụng phụ này thường không tự hết nhưng có thể điều trị bằng thuốc.
  • Gãy xương đùi: Gãy xương đùi thường mất nhiều tháng mới liền lại.*
  • Tác dụng phụ liên quan đến răng và hàm: Những tác dụng phụ này có thể mất nhiều thời gian hồi phục.*

Trước khi người bệnh bắt đầu điều trị bằng Prolia, bác sĩ sẽ cho biết về nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ này và đưa ra các biện pháp giảm thiểu nguy cơ.

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Chi tiết tác dụng phụ

Tìm hiểu chi tiết về một số tác dụng phụ mà Prolia có thể gây ra.

Tác dụng phụ liên quan đến răng và hàm

Mặc dù hiếm gặp nhưng Prolia có thể gây ra một số tác dụng phụ liên quan đến răng và hàm, gồm có:

  • Răng lung lay
  • Đau hoặc tê hàm
  • Nhiễm trùng trong khoang miệng

Một tác dụng phụ có thể xảy ra là hoại tử xương hàm. Tình trạng mô xương hàm bị chết do không có đủ máu. Hoại tử xương hàm có thể khiến răng lung lay, rụng hoặc phải nhổ bỏ. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (the American Dental Association), nguy cơ hoại tử hàm tăng lên khi denosumab (hoạt chất trong Prolia) được sử dụng trên 2 năm.

Trước khi bắt đầu điều trị bằng Prolia, người bệnh có thể phải đi khám răng. Nếu có vấn đề về răng miệng thì cần phải điều trị khỏi trước khi sử dụng Prolia.

Người bệnh cần chăm sóc răng miệng cẩn thận trong thời gian điều trị bằng Prolia, gồm có đánh răng, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và đi khám răng định kỳ. Điều này có thể giúp ngăn ngừa các tác dụng phụ liên quan đến răng và hàm mà Prolia có thể gây ra.

Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào về răng hoặc hàm, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc đi khám nha sĩ. Người bệnh cũng cần đi khám nếu bị đau kéo dài hoặc vết thương chậm lành sau thủ thuật nha khoa.

Trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nha khoa nào, hãy nhớ báo cho nha sĩ biết về việc đang sử dụng Prolia.

Đau khớp

Một tác dụng phụ thường gặp của Prolia là đau khớp. Trong các nghiên cứu, Prolia chỉ gây đau khớp ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, một số người dùng Prolia phản ánh tình trạng đau khớp nghiêm trọng.

Người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bị đau khớp trong thời gian điều trị bằng Prolia.

Nếu bị đau dữ dội thì hãy đi khám ngay lập tức. Đó có thể là dấu hiệu của gãy xương. Gãy xương có thể gây đau khớp, ngay cả khi vết gãy không nằm ở khớp.

Tùy vào mức độ của tình trạng đau khớp mà bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp khắc phục thích hợp, ví dụ như dùng thuốc giảm đau nếu chỉ đau nhẹ. Nếu người bệnh bị đau khớp nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ đề nghị ngừng sử dụng Prolia và kê loại thuốc khác.

Tăng nguy cơ gãy xương khi ngừng điều trị hoặc điều trị không đều

Tiêm Prolia không đều hoặc ngừng sử dụng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương, bao gồm cả gãy đa đốt sống (gãy nhiều đốt sống cùng lúc).

Trong các nghiên cứu, khi ngừng điều trị bằng Prolia, tốc độ chu chuyển xương tăng lên cao hơn mức bình thường sau 9 tháng kể từ liều cuối cùng. “Chu chuyển xương” là quá trình mô xương cũ bị phá hủy và mô xương mới được tạo ra để thay thế. Mất khoảng 24 tháng sau liều Prolia cuối cùng để tốc độ chu chuyển xương trở lại bình thường.

Người bệnh cần tiêm Prolia 6 tháng một lần. Để tránh tăng nguy cơ gãy xương, người bệnh cần tiêm thuốc đều đặn, không bỏ liều nào. Nếu bỏ lỡ lịch tiêm thuốc, hãy đi tiêm bù càng sớm càng tốt.

Nếu gặp tác dụng phụ, người bệnh nên báo cho bác sĩ, không nên tự ý ngừng thuốc. Nếu vì một lý do nào đó cần ngừng sử dụng Prolia, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác để giúp giữ cho xương chắc khỏe.

Gãy xương đùi

Mặc dù hiếm gặp nhưng Prolia có thể gây gãy xương đùi. Các dấu hiệu của gãy xương đùi gồm có sưng tấy ở vị trí gãy xương, đau đớn dữ dội ở đùi, có thể lan đến hông hoặc bẹn, không thể đứng thẳng và đi lại.

Trong thời gian điều trị bằng Prolia, nếu đột nghiên bị đau dữ dội ở đùi, hông hoặc bẹn thì hãy đi khám ngay.

Đôi khi, gãy xương đùi do Prolia có dấu hiệu cảnh báo trước. Một số người cảm thấy đau âm ỉ ở đùi trong vài tuần hoặc vài tháng trước khi bị gãy xương.

Nếu người bệnh bị đau bất thường ở đùi, hông hoặc bẹn hoặc bị gãy xương đùi thì sẽ phải tạm thời ngừng sử dụng Prolia. Bác sĩ sẽ cân nhắc người bệnh có nên tiếp tục dùng Prolia không hay đổi sang loại thuốc khác.

Dị ứng

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Prolia cũng có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người.

Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng với các triệu chứng như:

  • Phát ban
  • Ngứa ngáy
  • Da nóng đỏ
  • Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở

Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như da mẩn đỏ, hãy báo cho bác sĩ. Phản ứng dị ứng nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamin đường uống, chẳng hạn như diphenhydramine hoặc thuốc bôi ngoài da, chẳng hạn như hydrocortisone.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng mà bác sĩ sẽ quyết định xem người bệnh có nên tiếp tục sử dụng Prolia hay không.

Nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng phù hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng và cần được can thiệp điều trị kịp thời.

Nếu người bệnh bị dị ứng nghiêm trọng với Prolia thì bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.

Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Prolia

Sử dụng Prolia có những rủi ro gì?

Hầu hết người sử dụng Prolia đều không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, giống như nhiều loại thuốc khác, Prolia đôi khi cũng gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Để biết rõ hơn, vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ nghiêm trọng của Prolia” ở bên trên.

Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng do Prolia tăng cao ở những người đang mắc một tình trạng bệnh lý nhất định. Để hiểu rõ hơn, vui lòng đọc phần “Cảnh báo về Prolia” bên dưới.

Prolia có gây tăng cân không?

Tăng cân không phải một tác dụng phụ được báo cáo trong các nghiên cứu về Prolia.

Tuy nhiên, một số người cho biết họ bị tích nước, dẫn đến sưng phù ở tay hoặc chân. Tích nước có thể gây tăng cân.

Nếu người bệnh bị sưng phù hoặc tăng cân trong thời gian điều trị bằng Prolia, hãy báo cho bác sĩ.

Các tác dụng phụ của Prolia có điều trị được không?

Điều này còn tùy thuộc vào tác dụng phụ cụ thể. Một số tác dụng phụ của Prolia có thể điều trị được, ví dụ như:

  • Đau nhẹ, chẳng hạn như đau cơ, khớp hoặc đau đầu: Nếu gặp tác dụng phụ này, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen.
  • Nhiễm trùng bàng quang: Tác dụng phụ này có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống.
  • Giảm tốc độ tái tạo xương: Tốc độ tái tạo xương thường trở lại mức bình thường sau khoảng 24 tháng kể từ liều Prolia cuối cùng.

Bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp khắc phục dựa trên tình trạng sức khỏe của người bệnh và tác dụng phụ cụ thể mà Prolia gây ra. Nếu gặp phải tác dụng phụ, người bệnh nên báo cho bác sĩ, không nên tự ý ngừng thuốc.

Prolia có gây rụng tóc không?

Trong các nghiên cứu, những người sử dụng Prolia không gặp phải tình trạng rụng tóc.

Tuy nhiên, kể từ khi Prolia được đưa vào sử dụng chính thức, một số người đã phản ánh về tình trạng rụng tóc trong thời gian điều trị bằng loại thuốc này. Chưa rõ rụng tóc là do Prolia gây ra hay do một nguyên nhân khác.

Ví dụ, Prolia được sử dụng để ngăn ngừa mất xương ở những người đang phải điều trị ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư vú và một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư vú có thể gây rụng tóc.

Nếu người bệnh bị rụng tóc trong thời gian điều trị bằng Prolia, hãy báo cho bác sĩ để xác định nguyên nhân và có biện phác khắc phục.

Cảnh báo về Prolia

Prolia có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh cá nhân trước khi bắt đầu điều trị bằng Prolia, nhất là khi có các vấn đề sức khỏe dưới đây.

Thực hiện các thủ thuật nha khoa như nhổ răng: Prolia có thể gây ra các tác dụng phụ về răng và hàm, gồm có hoại tử xương hàm. Việc thực hiện các thủ thuật nha khoa, chẳng hạn như phẫu thuật xương hàm hoặc nhổ răng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ này. Trước khi bắt đầu điều trị bằng Prolia, người bệnh nên cho bác sĩ biết nếu có kế hoạch thực hiện bất kỳ thủ thuật nha khoa nào. Trong thời gian điều trị, nếu cần thực hiện các thủ thuật nha khoa thì người bệnh cần cho nha sĩ biết về việc đang sử dụng Prolia.

Hạ canxi máu: Prolia có thể gây hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu thấp). Ở những người đang bị hạ canxi máu, sử dụng Prolia có khiến cho tình trạng thêm trầm trọng hơn. Trước khi điều trị bằng Prolia, người bệnh có thể cần làm xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ canxi. Nếu bị hạ canxi máu thì cần phải điều trị để đưa nồng độ canxi về mức khỏe mạnh rồi mới bắt đầu điều trị bằng Prolia.

Phẫu thuật tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp: Phẫu thuật tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp có thể làm tăng nguy cơ hạ canxi máu. Prolia cũng có thể gây tác dụng phụ hạ canxi máu. Nếu người bệnh đã từng phẫu thuật tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp thì cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu điều trị bằng Prolia.

Khả năng hấp thụ khoáng chất kém: Prolia cũng có thể làm giảm nồng độ canxi trong máu. Những người có vấn đề về khả năng hấp thụ khoáng chất sẽ có nguy cơ bị hạ canxi máu cao hơn khi sử dụng Prolia. Nếu mắc các bệnh làm giảm khả năng hấp thụ khoáng chất thì người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu điều trị bằng Prolia. Người bệnh có thể cần uống bổ sung canxi để khôi phục mức canxi bình thường trước khi sử dụng Prolia.

Các vấn đề về thận, chẳng hạn như suy thận mạn: Giống như Prolia, các vấn đề về thận có thể làm giảm nồng độ canxi trong máu. Sử dụng Prolia khi mắc các bệnh này sẽ làm tăng nguy cơ hạ canxi máu. Nếu mắc bệnh thận, chẳng hạn như suy thận mạn, người bệnh cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê thuốc phù hợp.

Dị ứng: Không sử dụng Prolia nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Nếu người bệnh từng bị dị ứng Prolia, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.

Có được uống rượu bia khi điều trị bằng Prolia không?

Các nghiên cứu không cho thấy có sự tương tác giữa Prolia và đồ uống có cồn. Nhưng uống rượu bia có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương. Say rượu còn có thể gây té ngã và dẫn đến gãy xương.

Prolia có an toàn với phụ nữ mang thai và cho con bú không?

Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai không nên sử dụng Prolia. Thuốc này có thể gây hại cho thai nhi. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh thử thai trước khi bắt đầu điều trị bằng Prolia.

Những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp ngừa thai trong quá trình điều trị bằng Prolia và tiếp tục sử dụng trong ít nhất 5 tháng sau khi ngừng thuốc.

Nếu đang mang thai, người bệnh cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp. Nếu mang thai trong thời gian điều trị bằng Prolia thì cần phải báo ngay cho bác sĩ.

Do chưa có nghiên cứu nên chưa rõ liệu Prolia có đi vào sữa mẹ hay không và nếu có thì thuốc có ảnh hưởng gì đến trẻ sơ sinh bú mẹ hay không. Tuy nhiên, nhà sản xuất khuyến cáo không nên sử dụng Prolia khi đang cho con bú.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Tymlos
Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Tymlos

Tymlos (abaloparatide) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị chứng loãng xương. Tymlos có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng, gồm có chóng mặt, phản ứng tại vị trí tiêm và buồn nôn.

Liều dùng thuốc trị loãng xương Actonel
Liều dùng thuốc trị loãng xương Actonel

Actonel là một loại thuốc điều trị loãng xương và bệnh Paget xương. Dưới đây là thông tin về liều dùng loại thuốc này.

Liều dùng thuốc điều trị loãng xương Forteo
Liều dùng thuốc điều trị loãng xương Forteo

Forteo (teriparatide) là một loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị chứng loãng xương ở người lớn. Thuốc có dạng dung dịch lỏng đựng sẵn trong bút tiêm. Người bệnh tiêm thuốc dưới da một lần mỗi ngày.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị loãng xương Forteo
Tác dụng phụ của thuốc điều trị loãng xương Forteo

Forteo là một loại thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương. Giống như nhiều loại thuốc khác, Forteo cũng có tác dụng phụ.

Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Evenity
Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Evenity

Evenity (romosozumab-aqqg) là một loại thuốc kê đơn điều trị chứng loãng xương. Evenity có thể gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng như đau đầu và đau khớp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây