1

Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Evenity

Evenity (romosozumab-aqqg) là một loại thuốc kê đơn điều trị chứng loãng xương. Evenity có thể gây ra các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng như đau đầu và đau khớp.
Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Evenity Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Evenity

Evenity được sử dụng để điều trị chứng loãng xương ở phụ nữ đã mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao hoặc không dung nạp các loại thuốc trị loãng xương khác hoặc đã sử dụng các loại thuốc trị loãng xương khác mà không hiệu quả.

Hoạt chất trong Evenity là romosozumab-aqqg* (hoạt chất là thành phần giúp thuốc có tác dụng điều trị bệnh). Evenity có dạng dung dịch lỏng được đựng sẵn trong ống tiêm và được tiêm dưới da.

Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến, tác dụng phụ nhẹ và tác dụng phụ nghiêm trọng mà Evenity có thể gây ra. Để hiểu rõ hơn về loại thuốc này, gồm có chỉ định, cơ chế tác dụng và cách sử dụng, vui lòng đọc bài viết này.

* Đuôi“-aqqg” ở cuối tên thuốc nhằm phân biệt loại thuốc này với các loại thuốc tương tự có thể được tạo ra trong tương lai.

Cảnh báo đặc biệt: Nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong do bệnh tim mạch

Evenity có cảnh báo đặc biệt (boxed warning) về nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong do bệnh tim mạch. Đây là một cảnh báo nghiêm trọng do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đưa ra nhằm cho bác sĩ và người bệnh biết về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.

Để biết rõ hơn về tác dụng này của Evenity, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ phổ biến của Evenity

Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng trong quá trình điều trị bằng Evenity. Một số các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến của loại thuốc này gồm có:

  • Co thắt cọa
  • Đau cổ
  • Phù ngoại biên (sưng ở cẳng chân, bàn chân hoặc bàn tay)
  • Đau đầu*
  • Đau khớp*
  • Mất ngủ*

* Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nhẹ của Evenity

Một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Evenity gồm có:

  • Phù ngoại biên (sưng ở cẳng chân, bàn chân hoặc bàn tay)
  • Co thắt cơ
  • Đau cổ
  • Đau đầu*
  • Đau khớp*
  • Mất ngủ *
  • Phản ứng dị ứng nhẹ*

* Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số có thể được kiểm soát một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hoặc gây khó chịu thì nên báo cho bác sĩ. Người bệnh không nên ngừng điều trị, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Evenity còn có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ khác ngoài những tác dụng phụ kể trên. Đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết thêm chi tiết.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của Evenity

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Evenity gồm có:

  • Hoại tử xương hàm
  • Hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu thấp)
  • Gãy xương đùi bất thường
  • Nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong do bệnh tim mạch (đây là cảnh báo đặc biệt của thuốc)*
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng*

* Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng khi điều trị bằng Evenity, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu các tác dụng phụ có vẻ nguy hiểm thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Evenity

Tác dụng phụ của Evenity và Prolia có giống nhau không?

Cả Evenity và Prolia đều là thuốc được sử dụng để điều trị chứng loãng xương ở phụ nữ đã mãn kinh và có nguy cơ gãy xương cao. Prolia còn được phê duyệt để điều trị chứng loãng xương do các nguyên nhân khác và cải thiện tình trạng mất xương.

Evenity được tiêm mỗi tháng một lần trong 12 tháng trong khi Prolia được tiêm 6 tháng một lần và thời gian điều trị có thể trên 12 tháng.

Evenity và Prolia có một số tác dụng phụ tương tự nhau nhưng mỗi loại thuốc cũng có những tác dụng riêng do hai loại thuốc này chứa hoạt chất khác nhau (Prolia chứa hoạt chất denosumab).

Các tác dụng phụ thường gặp của cả Evenity và Prolia gồm có:

  • Đau đầu
  • Phù ngoại biên (sưng ở cẳng chân, bàn chân hoặc bàn tay)
  • Đau khớp
  • Phản ứng dị ứng nhẹ

Evenity còn có thể gây co thắt cơ, đau cổ và cảm giác nóng hoặc châm chích (thường xảy ra ở tay và chân). Prolia còn có thể gây viêm phế quản, nhiễm trùng đường tiết niệu nhẹ và đau lưng.

>>> Tìm hiểu về các tác dụng phụ của Prolia

Evenity có gây rụng tóc không?

Rụng tóc không phải một tác dụng phụ được báo cáo trong các nghiên cứu về Evenity nhưng rụng tóc có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như căng thẳng, bệnh tật hoặc di truyền. Nguyên nhân gây rụng tóc cũng có thể là do các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng. Hãy đi khám nếu nhận thấy tóc bị rụng nhiều bất thường để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

Các tác dụng phụ của Evenity kéo dài bao lâu?

Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài tác dụng phụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như tình trạng sức khỏe tổng thể, các loại thuốc khác người bệnh đang dùng và các vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh đang mắc. Hầu hết các tác dụng phụ của Evenity đều nhẹ và tự hết sau một thời gian. Nhưng đôi khi, loại thuốc này gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Thời gian để các tác dụng phụ biến mất còn có thể phụ thuộc vào thời gian Evenity tồn tại trong cơ thể. Ở những người có vấn đề về gan hoặc thận, Evenity lâu bị đào thải khỏi cơ thể hơn và do đó, các tác dụng phụ cũng kéo dài hơn. Nếu các tác dụng phụ kéo dài dai dẳng thì người bệnh nên báo cho bác sĩ.

Chi tiết tác dụng phụ

Nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong do bệnh tim mạch

Evenity có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong do bệnh tim mạch. Đây là một cảnh báo đặc biệt (boxed warning) của loại thuốc này (cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA đưa ra nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc).

Người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải những vấn đề này cao hơn nếu như đã có một số yếu tố nguy cơ nhất định, chẳng hạn như mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc đang mắc bệnh tim mạch.

Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các vấn đề sức khỏe đang mắc, gồm có bệnh tiểu đường type 2, cao huyết áp, béo phì và hút thuốc nếu có. Bác sĩ sẽ xác định Evenity có an toàn với người bệnh hay không.

Nếu người bệnh mới bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim trong vòng 1 năm qua, bác sĩ sẽ không chỉ định Evenity. Và nếu người bệnh bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim trong quá trình điều trị bằng loại thuốc này thì sẽ phải ngừng điều trị.

Một số dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim gồm có:

  • Đau hoặc cảm giác như bị chèn ép ở ngực
  • Choáng váng, chóng mặt
  • Khó thở, hụt hơi
  • Buồn nôn
  • Ợ nóng
  • Đau bụng
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Mệt mỏi

Một số dấu hiệu của đột quỵ gồm có:

  • Đau đầu
  • Mất thăng bằng
  • Mắt mờ
  • Tê hoặc yếu ở mặt hoặc tay chân
  • Khó nuốt
  • Nhức đầu
  • Chóng mặt, đi lại khó khăn, khó cử động

Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ xảy ra những vấn đề này trước khi bắt đầu điều trị bằng Evenity.

Đau đầu

Evenity có thể gây đau đầu. Đây là một tác dụng phụ phổ biến được báo cáo trong các nghiên cứu về thuốc. Đa số mọi người chỉ bị đau đầu nhẹ.

Tuy nhiên, đau đầu cũng có thể là dấu hiệu của một số tác dụng phụ nghiêm trọng của Evenity, chẳng hạn như đột quỵ. Evenity có cảnh báo đặc biệt về nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong do bệnh tim mạch.

Có nhiều cách để làm giảm các cơn đau đầu nhẹ do Evenity, ví dụ như dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen và nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh.

Nếu người bệnh bị đau đầu dữ dội hoặc kéo dài dai dẳng thì nên báo cho bác sĩ. Nếu đau đầu kèm theo các triệu chứng khác như mất thăng bằng, tê hoặc yếu cơ ở tay chân hoặc mặt thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất. Đó có thể là dấu hiệu của những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn của Evenity.

Đau khớp

Evenity có thể gây đau khớp. Đây là một tác dụng phụ phổ biến nhưng nhẹ của loại thuốc này. Đau khớp cũng có thể là do một số bệnh lý gây ra, chẳng hạn như viêm khớp.

Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh bị đau khớp nghiêm trọng. Đó có thể là dấu hiệu của một tác dụng phụ nghiêm trọng hơn của Evenity, chẳng hạn như các vấn đề về xương.

Nếu người bệnh bị đau khớp trong thời gian điều trị bằng Evenity, hãy báo với bác sĩ để xác định nguyên nhân. Nếu bị đau khớp dữ dội và nguyên nhân đúng là do thuốc thì bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra xem người bệnh có vấn đề về xương hoặc gãy xương hay không.

Mất ngủ

Trong các nghiên cứu về Evenity, mất ngủ là một tác dụng phụ được báo cáo phổ biến. Mất ngủ cũng có thể là do các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng, các bệnh lý khác đang mắc hoặc các nguyên nhân khác gây ra.

Nếu chỉ bị mất ngủ nhẹ thì có thể khắc phục bằng cách thay đổi các thói quen sống như:

  • Giảm lượng caffeine
  • Giảm căng thẳng
  • Tập thể dục nhiều hơn
  • Đi ngủ vào một thời điểm cố định hàng ngày
  • Tắm nước ấm trước khi đi ngủ
  • Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ

Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống thì hãy báo với bác sĩ để xác định nguyên nhân và có giải pháp điều trị. Nếu người bệnh bị mất ngủ nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị ngừng điều trị bằng Evenity và kê loại thuốc trị loãng xương khác.

Dị ứng

Giống như nhiều loại thuốc khác, Evenity cũng có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng với các triệu chứng như:

  • Phát ban
  • Ngứa ngáy
  • Da ửng đỏ và có cảm giác nóng
  • Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở

Nếu người bệnh có các triệu chứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như da mẩn đỏ, hãy báo cho bác sĩ. Phản ứng dị ứng nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc kháng histamin đường uống, chẳng hạn như diphenhydramine hoặc thuốc bôi ngoài da, chẳng hạn như hydrocortisone.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng mà bác sĩ sẽ quyết định xem người bệnh có nên tiếp tục sử dụng Evenity hay không.

Nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng phù hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng và cần được can thiệp điều trị kịp thời.

Nếu người bệnh bị dị ứng nghiêm trọng với Evenity thì bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.

Cảnh báo về Evenity

Không phải ai cũng có thể điều trị loãng xương bằng Evenity. Loại thuốc này đi kèm một số cảnh báo, trong đó có cảnh báo đặc biệt.

Cảnh báo đặc biệt: Nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong do bệnh tim mạch

Evenity có cảnh báo đặc biệt về nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc tử vong do bệnh tim mạch. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra.

Evenity có thể làm tăng nguy cơ gặp phải một số biến cố tim mạch, chẳng hạn như đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Bác sĩ sẽ không kê Evenity cho những người mới bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim trong vòng 12 tháng qua (để hiểu rõ hơn, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên trên.)

Cảnh báo khác

Evenity có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh nhất định do tương tác giữa thuốc với bệnh lý. Ngoài ra, việc người bệnh có thể sử dụng Evenity hay không còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác.

Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tiền sử bệnh cá nhân trước khi điều trị bằng Evenity, nhất là khi có các vấn đề sức khỏe dưới đây.

Vấn đề về thận: Nếu người bệnh có vấn đề về thận thì cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu điều trị bằng Evenity. Bệnh thận nghiêm trọng, chẳng hạn như suy thận mạn giai đoạn cuối và cần phải lọc máu sẽ làm tăng nguy cơ hạ canxi máu (nồng độ canxi trong máu thấp), đây là một tác dụng phụ nghiêm trọng của Evenity. Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm canxi máu định kỳ và uống bổ sung canxi cùng với vitamin D hàng ngày trong quá trình điều trị bằng Evenity để phòng ngừa hạ canxi máu.

Dị ứng: Không dùng Evenity nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Trong những trường hợp bị dị ứng Evenity, bác sĩ sẽ kê loại thuốc trị loãng xương khác.

Nồng độ canxi trong máu thấp: Evenity có thể làm giảm nồng độ canxi trong máu và dẫn đến hạ canxi máu. Đây là một tác dụng phụ nghiêm trọng của loại thuốc này. Ở những người đang bị hạ canxi máu, Evenity có thể làm cho tình trạng thêm trầm trọng hơn. Người bệnh sẽ phải điều trị chứng hạ canxi máu trước khi sử dụng Evenity hoặc bác sĩ sẽ kê loại thuốc trị loãng xương khác. Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm canxi máu định kỳ và uống bổ sung canxi cùng với vitamin D hàng ngày trong quá trình điều trị bằng Evenity để ngăn ngừa hạ canxi máu.

Hoại tử xương hàm: Evenity có thể gây hoại tử xương hàm. Đây là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của thuốc, xảy ra do mô xương hàm bị chết do không được cung cấp đủ máu. Nguy cơ hoại tử xương hàm sẽ tăng cao sau các thủ thuật nha khoa như nhổ răng và khi bị nhiễm trùng trong khoang miệng. Người bệnh có thể phải khám răng trước khi bắt đầu điều trị bằng Evenity.

Các triệu chứng của hoại tử xương gồm có:

  • Lộ xương hàm
  • Tê ở miệng hoặc hàm
  • Đau hàm
  • Đỏ và sưng đau bên trong miệng hoặc hàm
  • Nhiễm trùng nướu với các triệu chứng như chảy mủ
  • Răng lung lay
  • Vết thương lâu lành sau khi nhổ răng hoặc các thủ thuật nha khoa khác

Các yếu tố làm tăng nguy cơ hoại tử xương gồm có:

  • Bị ung thư
  • Đang điều trị ung thư
  • Đang dùng các loại thuốc khác như corticoid
  • Bị nhiễm trùng trong khoang miệng hoặc có các bệnh răng miệng khác
  • Bị thiếu máu

Người bệnh cần vệ sinh răng miệng tốt trong suốt quá trình điều trị bằng Evenity. Nếu cần thực hiện bất kỳ thủ thuật nha khoa nào, hãy cho nha sĩ biết về việc đang trong quá trình điều trị bằng Evenity. Nếu có các dấu hiệu hoại tử xương hàm như đau hàm, tấy đỏ hay vết thương trong miệng lâu lành, hãy báo ngay cho bác sĩ.

Có được uống rượu trong thời gian điều trị bằng Evenity không?

Trong các nghiên cứu, Evenity không tương tác với đồ uống có cồn. Nhưng uống rượu có thể làm trầm trọng thêm bệnh loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương, có nghĩa là sẽ làm giảm tác dụng của Evenity. Uống rượu còn làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể và điều này làm tăng nguy cơ hạ canxi máu – một tác dụng phụ của Evenity. Người bệnh nên hỏi bác sĩ xem có thể uống rượu trong thời gian điều trị hay không và nếu có thì nên uống bao nhiêu là an toàn.

Evenity có an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú không?

Evenity chỉ được phê duyệt sử dụng cho phụ nữ đã mãn kinh, những người không còn khả năng mang thai. Chưa rõ liệu loại thuốc này có an toàn khi sử dụng trong thời gian mang thai hoặc cho con bú hay không nhưng Evenity có thể đi vào sữa mẹ. Đối với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc điều trị loãng xương khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liều dùng thuốc trị loãng xương Actonel
Liều dùng thuốc trị loãng xương Actonel

Actonel là một loại thuốc điều trị loãng xương và bệnh Paget xương. Dưới đây là thông tin về liều dùng loại thuốc này.

Liều dùng thuốc trị loãng xương Prolia
Liều dùng thuốc trị loãng xương Prolia

Prolia (denosumab) là một loại thuốc được dùng cho người bị loãng xương hoặc có nguy cơ bị loãng xương.

Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Prolia
Tác dụng phụ của thuốc trị loãng xương Prolia

Prolia (denosumab) là một loại thuốc kê đơn được dùng để điều trị loãng xương hoặc ngăn ngừa mất xương. Prolia có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, ví dụ như đau khớp và các tác dụng phụ liên quan đến răng hàm.

Liều dùng thuốc điều trị loãng xương Forteo
Liều dùng thuốc điều trị loãng xương Forteo

Forteo (teriparatide) là một loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị chứng loãng xương ở người lớn. Thuốc có dạng dung dịch lỏng đựng sẵn trong bút tiêm. Người bệnh tiêm thuốc dưới da một lần mỗi ngày.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị loãng xương Forteo
Tác dụng phụ của thuốc điều trị loãng xương Forteo

Forteo là một loại thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương. Giống như nhiều loại thuốc khác, Forteo cũng có tác dụng phụ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây