Những điều cần biết về gãy xương do mỏi ở bàn chân
Thông thường, gãy xương do mỏi xảy ra sau khi thi đấu hoặc tập luyện thể thao cường độ cao. Dạng gãy xương này chủ yếu xảy ra ở các xương phải chịu trọng lực như xương cẳng chân và bàn chân.
Mặc dù vết nứt ở xương thường rất nhỏ nhưng vẫn cần phải điều trị kịp thời. Nếu không điều trị, tình trạng gãy xương do mỏi sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến gãy xương hoàn toàn.
Nguyên nhân gây gãy xương do mỏi ở bàn chân
Gãy xương do mỏi ở bàn chân thường xảy ra do bàn chân phải thực hiện chuyển động lặp đi lặp lại trong thời gian dài hoặc đột ngột tăng mức độ hoạt động ở bàn chân.
Thông thường, xương thích nghi dần dần với những thay đổi về áp lực hoặc hoạt động nhờ quá trình chu chuyển xương.
Trong quá trình này, mô xương cũ bị phá hủy, tái hấp thu và mô xương mới được tạo ra, nhờ đó xương có thể thích nghi với hoạt động mới. Đây là một trong những sự thay đổi mà cơ thể trải qua khi chúng ta bắt đầu một thói quen tập thể dục mới.
Tuy nhiên, khi sự thay đổi diễn ra quá nhanh, mô xương sẽ bị phá hủy nhanh hơn tốc độ tái tạo xương mới. Điều này khiến xương trở nên yếu đi và có nguy cơ bị gãy do mỏi cao hơn.
Một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ gãy xương do mỏi gồm có:
- Bị loãng xương hoặc các vấn đề làm suy yếu xương khác
- Gãy xương do mỏi không được điều trị
- Chơi các môn thể thao có tác động mạnh, chẳng hạn như tennia hoặc bóng rổ
- Thể dục dụng cụ hoặc khiêu vũ
- Vòm bàn chân cao hoặc cứng
- Bàn chân bẹt
- Thường xuyên đi giày không vừa chân, không có đệm hoặc bị mòn
- Đột ngột chuyển từ lối sống ít vận động sang vận động nhiều hoặc đột ngột tăng mức độ hoạt động
- Rối loạn kinh nguyệt
- Mắc chứng rối loạn ăn uống
- Thiếu vitamin D và canxi
Dấu hiệu gãy xương do mỏi
Gãy xương do mỏi thường khó nhận biết. Có thể phải sau vài ngày bạn mới cảm thấy đau ở bàn chân. Cơn đau thường giảm đi khi nghỉ ngơi và tăng lên khi đi lại.
Các dấu hiệu thường gặp của gãy xương do mỏi ở bàn chân gồm có:
- Bàn chân sưng tấy, bầm tím
- Đau khi chạm lên bàn chân
- Đau bàn chân, cơn đau tăng lên khi đi lại, chạy hoặc đứng trong thời gian dài
- Cơn đau giảm vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi
Hãy đi khám khi có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt là khi không thể đi lại do đau bàn chân.
Mặc dù gãy xương do mỏi chỉ là vết nứt nhỏ nhưng vẫn cần phải điều trị kịp thời. Không điều trị có thể khiến tình trạng gãy xương trở nên nghiêm trọng hơn.
Chẩn đoán gãy xương do mỏi
Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng như bầm tím, sưng tấy và đau ở bàn chân, sau đó lấy bệnh sử. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra tình trạng xương bàn chân.
Không giống như gãy xương thông thường, gãy xương do mỏi không biểu hiện trên ảnh chụp X-quang. Do đó, bác sĩ thường yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) thay vì chụp X-quang.
MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường từ nam châm để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong bàn chân. Gãy xương do mỏi thường biểu hiện trên hình ảnh MRI. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có thể giúp bác sĩ phân biệt gãy xương do mỏi với các dạng chấn thương khác.
Điều trị gãy xương do mỏi ở bàn chân
Việc điều trị gãy xương do mỏi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Gãy xương do mỏi nhẹ có thể chỉ cần nghỉ ngơi chờ xương liền lại và dùng thuốc giảm đau nhưng những trường hợp nghiêm trọng sẽ phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp dựa trên tình trạng cụ thể.
Các phương pháp phổ biến để điều trị gãy xương do mỏi ở bàn chân gồm có:
- Nghỉ ngơi: tránh dồn trọng lực lên bàn chân trong 6 đến 8 tuần cho đến khi xương liền lại. Bác sĩ sẽ cho biết những hoạt động an toàn mà người bệnh có thể thực hiện trong thời gian này.
- Chườm lạnh để giảm sưng đau ở bàn chân.
- Nâng cao bàn chân khi nằm và khi ngồi để giảm sưng.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau. Nếu bị đau nhiều, bác sĩ sẽ kê các loại NSAID mạnh hơn.
- Bó bột: Một số trường hợp gãy xương do mỏi ở bàn chân cần phải bó bột. Điều này nhằm giữ bất động phần xương gãy cho đến khi xương liền lại.
- Giày nẹp chân: giúp làm giảm áp lực tác động lên bàn chân khi đứng và đi lại.
- Phẫu thuật: Hầu hết các trường hợp gãy xương do mỏi đều hông cần phẫu thuật. Tuy nhiên đôi khi cần phải phẫu thuật để đảm bảo xương liền lại hoàn toàn. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sử dụng nẹp vít để giữ cố định các đầu xương gãy.
Bị gãy xương do mỏi còn có thể đi lại được không?
Không nên đi lại khi bị gãy xương do mỏi. Đi lại và dồn trọng lực lên vị trí gãy xương do mỏi ở bàn chân có thể khiến cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến gãy xương hoàn toàn.
Bác sĩ sẽ cho biết khi nào người bệnh có thể hoạt động bình thường trở lại. Việc cử động chân quá nhiều khi xương chưa liền lại hẳn sẽ làm chậm tốc độ hồi phục và dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng là phải tuân thủ đúng lời dặn của bác sĩ.
Khi xương dần liền lại, người bệnh sẽ có thể khôi phục dần các hoạt động bình thường. Khi có thể đi lại, người bệnh không nên đi lại quá nhiều và tránh đi trên bề mặt quá cứng trong vài tuần.
Nói chung, thường phải mất khoảng 6 đến 8 tuần để hồi phục hoàn toàn sau khi bị gãy xương do mỏi ở bàn chân. Những trường hợp gãy xương do mỏi nghiêm trọng sẽ lâu hồi phục hơn.
Tóm tắt bài viết
Gãy xương do mỏi là tình trạng xương có vết nứt nhỏ do chuyển động lặp đi lặp lại liên tục. Gãy xương do mỏi ở bàn chân là dạng một chấn thương thường gặp ở vận động viên của một số môn thể thao. Điều này cũng có thể xảy ra khi đột ngột tập thể dục cường độ cao sau một thời gian dài ít vận động.
Không giống gãy xương thông thường, gãy xương do mỏi thường không biểu hiện triệu chứng ngay lập tức. Đôi khi, phải sau vài ngày người bệnh mới cảm thấy đau.
Mặc dù chỉ là vết nứt nhỏ nhưng gãy xương do mỏi ở bàn chân vẫn cần được điều trị kịp thời. Nếu không điều trị, tình trạng sẽ trở nên trầm trọng hơn và có thể dẫn đến gãy xương hoàn toàn.
Phương pháp điều trị thường là nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, những trường hợp gãy xương do mỏi nghiêm trọng cần phải phẫu thuật.
Viêm khớp là tình trạng tình trạng khớp bị sưng và đau. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc nhiều khớp trên cơ thể. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp thường xảy ra từ từ theo thời gian nhưng cũng có thể xảy ra đột ngột.
Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.
Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng chất trong xương giảm, làm thay đổi cấu trúc xương và khiến xương trở nên yếu, dễ gãy. Kiểm tra mật độ xương định kỳ bằng các công nghệ chẩn đoán hình ảnh đặc biệt giúp phát hiện bệnh loãng xương và từ đó người bệnh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Thời điểm nên bắt đầu sàng lọc loãng xương phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có giới tính và tuổi tác.