Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương
Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm đáng kể. Điều này khiến xương trở nên yếu và dễ gãy hơn nhiều.
Theo ước tính của Tổ chức Loãng xương Quốc tế (International Osteoporosis Foundation), bệnh loãng xương gây ra khoảng 8,9 triệu ca gãy xương trên toàn thế giới mỗi năm. (1)
Khi bị gãy xương do loãng xương, người bệnh thường sẽ phải phẫu thuật. Các phương pháp điều trị khác gồm có tập thể dục và vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh của xương và cơ, đồng thời giảm nguy cơ té ngã và gãy xương trong tương lai. Bổ sung canxi và vitamin D cũng là điều cần thiết để củng cố sức khỏe xương.
Mục đích của phẫu thuật điều trị gãy xương
Trong những trường hợp gãy xương do loãng xương nghiêm trọng, phẫu thuật là giải pháp điều trị duy nhất. Ca phẫu thuật nhằm mục đích sắp xếp và cố định các mảnh xương gãy vào đúng vị trí bằng nẹp, vít hoặc các dụng cụ khác.
Sau đó, xương sẽ liền lại và người bệnh có thể cử động bình thường.
Những vị trí dễ bị gãy xương nhất ở người bị loãng xương
Theo Hội phẫu thuật hàn lâm chấn thương chỉnh hình Hoa Kỳ, khu vực phổ biến nhất bị gãy xương do loãng xương và cần phải phẫu thuật là cột sống. Số trường hợp bị gãy xương sống do loãng xương cao hơn gấp đôi so với gãy các xương khác, gồm có gãy xương hông, gãy xương cổ tay và cẳng tay.
Người bị loãng xương còn có nguy cơ bị gãy các xương khác như:
- Xương đùi
- Xương chày (xương ống chân)
- Xương cánh tay
- Xương chậu
Nói chung, loãng xương có thể dẫn đến gãy xương ở bất cứ đâu trong cơ thể.
Phẫu thuật điều trị gãy xương hông
Có hai loại gãy xương hông chính liên quan đến loãng xương là gãy cổ xương đùi và gãy liên mấu chuyển. Gãy cổ xương đùi xảy ra ngay dưới chỏm xương đùi, tức là phần đầu của xương đùi, phần xương có dạng 2/3 hình cầu nằm trong khớp háng. Gãy liên mấu chuyển xảy ra xa hơn một chút ở phần dưới của xương đùi, cụ thể là ở hai phần xương lồi ra gọi là mấu chuyển.
Theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế, phụ nữ có nguy cơ bị gãy xương hông cao gấp đôi nam giới. (2)
Ba loại phẫu thuật chính để điều trị gãy xương hông gồm có:
- Kết hợp xương bên trong: Sử dụng vít để cố định các phần của xương đùi bị gãy. Nếu cần thiết, các vít có thể được gắn vào một nẹp kim loại nhỏ chạy dọc xuống một phần xương đùi để tăng độ ổn định.
- Thay khớp háng toàn phần: Thay phần trên của xương đùi, gồm có chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu bằng khớp nhân tạo.
- Thay khớp háng bán phần: Khi ổ cối xương chậu không cần phải thay thế thì thay khớp háng bán phần sẽ là lựa chọn tốt hơn. Trong ca phẫu thuật, chỏm xương đùi được thay thế bằng bộ phận nhân tạo. Ổ cối xương chậu được tái tạo bề mặt để phối hợp trơn tru với chỏm xương đùi nhân tạo.
Phẫu thuật điều trị gãy xương sống
Loại gãy xương sống ở người bị loãng xương thường là gãy nén đốt sống và hầu như luôn cần phải phẫu thuật để điều trị. Hai loại phẫu thuật được sử dụng phổ biến nhất để điều trị gãy xương sống là:
- Tạo hình thân đốt sống: bơm xi măng sinh học trực tiếp vào đốt sống bị gãy.
- Tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng có bóng: đưa một quả bóng nhỏ vào đốt sống bị gãy để nong tạo khoảng trống, sau đó mới bơm xi măng.
Phẫu thuật điều trị gãy xương cổ tay
Hai xương chính ở cổ tay là xương quay và xương trụ. Những trường hợp gãy xương cổ tay nhẹ thường chỉ cần bó bột và bất động xương gãy mà không cần phẫu thuật.
Đối với những trường hợp gãy xương nặng, bác sĩ sẽ sử dụng kim nhỏ để giữ cố định các mảnh xương gãy. Có thể cần sử dụng cả nẹp và vít để giữ cố định xương.
Một phương pháp phẫu thuật nữa là đưa kim xuyên qua da vào xương. Đầu kim nằm bên ngoài da được gắn vào một dụng cụ mà người bệnh đeo tạm thời trên cổ tay để kéo các mảnh xương bị gãy về đúng vị trí và giữ cố định các mảnh xương cho đến khi xương liền lại. Phương pháp này được gọi là cố định xương bên ngoài.
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật điều trị gãy xương
Một trong những bước quan trọng nhất mà người bệnh cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật là sắp xếp phương tiện di chuyển từ bệnh viện về nhà và sắp xếp người ở cùng để giúp đỡ các công việc hàng ngày trong ít nhất vài ngày đầu sau phẫu thuật.
Trước khi phẫu thuật, người bệnh nên thu dọn lại nhà cửa để đảm bảo an toàn và thuận tiện sau ca phẫu thuật, ví dụ như cất gọn các vật dụng không cần thiết trên sàn để tránh bị vấp ngã và đặt các vật dụng thường xuyên sử dụng ở vị trí dễ lấy.
Một điều quan trọng nữa là tạm ngừng sử dụng thuốc theo yêu cầu của bác sĩ. Ví dụ, nếu người bệnh dùng thuốc chống đông máu thì sẽ phải ngừng một thời gian trước ca phẫu thuật để tránh bị mất nhiều máu.
Quá trình phẫu thuật điều trị gãy xương
Ca phẫu thuật thay khớp và các loại phẫu thuật điều trị gãy xương khác có thể mất vài giờ. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân và có thể sẽ phải nằm viện ít nhất một đêm sau phẫu thuật.
Trong ca phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ sẽ loại bỏ xương và sụn bị hỏng rồi thay bằng khớp nhân tạo làm bằng gốm, kim loại hoặc nhựa.
Trong ca phẫu thuật kết hợp xương, bác sĩ dùng nẹp, vít và các thiết bị khác để giữ cố định các đầu xương gãy ở đúng vị trí. Phần xương bị hỏng quá nặng sẽ được loại bỏ và thay thế bằng nẹp hoặc thanh que để giữ chắc các đầu xương gãy.
Sau phẫu thuật điều trị gãy xương
Sau ca phẫu thuật, người bệnh có thể phải nằm viện một vài ngày để theo dõi. Sau đó, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng gãy xương mà người bệnh nên cân nhắc tập vật lý trị liệu để phục hồi khả năng cử động của khu vực bị gãy xương.
Rủi ro của phẫu thuật điều trị gãy xương
Giống như các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật điều trị gãy xương cũng tiềm ẩn một số rủi ro như:
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Thuyên tắc phổi (cục máu đông ở một vị trí khác di chuyển vào động mạch phổi và gây tắc nghẽn)
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy rằng bắt đầu đi lại sớm sau phẫu thuật có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề như thuyên tắc phổi.
Phẫu thuật có thể chữa khỏi loãng xương không?
Phẫu thuật giúp phục hồi chức năng, giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống trong những trường hợp bị gãy xương nhưng phẫu thuật không thể chữa khỏi bệnh loãng xương. Chừng nào còn bị loãng xương, người bệnh sẽ có nguy cơ tiếp tục gãy xương trong tương lai.
Người bệnh cần thực hiện các phương pháp điều trị loãng xương, gồm có dùng thuốc, uống bổ sung canxi, vitamin D, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục để giảm nguy cơ gãy xương.
Một nghiên cứu vào năm 2019 trên những người đã từng phẫu thuật điều trị gãy xương hông cho thấy những người điều trị loãng xương sau phẫu thuật có tỷ lệ sống sót sau 5 năm cao hơn đáng kể so với những người cùng tuổi không điều trị loãng xương. (3)
Câu hỏi thường gặp
Có phải trường hợp nào bị gãy xương do loãng xương cũng phải phẫu thuật?
Việc có cần phẫu thuật để điều trị gãy xương do loãng xương hay không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí bị gãy xương. Gãy xương xảy ra trong các khớp như hông hoặc cổ tay thường phải phẫu thuật để đảm bảo xương có thể cử động bình thường trong khớp. Gãy xương nhẹ ở cẳng tay có thể chỉ cần bất động xương gãy cho đến khi xương liền lại mà không cần phẫu thuật.
Gãy xương do loãng xương có những dấu hiệu nào?
Loãng xương được gọi là “căn bệnh thầm lặng” vì đa phần không có triệu chứng cho đến khi xảy ra gãy xương. Và gãy xương không phải lúc nào cũng có dấu hiệu rõ ràng. Ví dụ, gãy nén đốt sống gây đau lưng nhưng cảm giác đau cũng giống như đau lưng thông thường và do đó người bệnh không biết mình bị gãy xương cho đến khi đi khám.
Làm cách nào để ngăn ngừa gãy xương khi bị loãng xương?
Một khi đã bị loãng xương thì sẽ rất khó khôi phục lại mật độ và sự chắc khỏe của xương. Tuy nhiên, chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục đều đặn có thể giúp cải thiện sức khỏe xương và giảm nguy cơ gãy xương. Người bệnh cũng có thể cần dùng thuốc, chẳng hạn như bisphosphonate và uống bổ sung canxi hoặc vitamin D để cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Tóm tắt bài viết
Chứng loãng xương làm cho xương trở nên giòn hơn và dễ bị gãy. Một khi bị gãy xương thì phẫu thuật thường là giải pháp điều trị duy nhất.
Cột sống, cổ tay và hông là những khu vực dễ bị gãy xương nhất ở người bị loãng xương nhưng bất kỳ xương nào trong cơ thể cũng có thể bị gãy do loãng xương.
Không phải khi nào gãy xương cũng cần phải phẫu thuật. Gãy xương ở một số vị trí nhất định có thể chỉ cần bất động xương gãy và chờ cho xương tự liền lại. Một khi đã bị gãy xương, người bệnh sẽ có nguy cơ tiếp tục bị gãy xương trong tương lai. Điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục, kết hợp dùng thuốc và thực phẩm chức năng có thể giúp cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Bệnh loãng xương hiện được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống. Ngoài ra còn các phương pháp điều trị khác hiện đang được nghiên cứu, một trong số đó là liệu pháp tế bào gốc. Mặc dù các nghiên cứu trên động vật cho kết quả đầy hứa hẹn về hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị chứng loãng xương nhưng dữ liệu nghiên cứu trên người lại rất hạn chế.
Loãng xương hông thoáng qua hay hội chứng phù tủy xương hông là một dạng loãng xương hiếm gặp. Đây là tình trạng giảm mật độ xương tạm thời ở phần đầu của xương đùi hay chỏm xương đùi (phần xương có hình dạng 2/3 khối cầu nằm trong khớp háng).
Loãng xương là một bệnh về xương phổ biến ở người lớn. Mặc dù bệnh này chủ yếu xảy ra ở người trên 50 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mang thai. Triệu chứng của loãng xương thường là đau lưng và gãy xương. Mặc dù cực kỳ hiếm gặp nhưng chứng loãng xương có thể gây đau đớn dữ dội và dẫn đến giảm khả năng vận động về lâu dài.
Mặc dù phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng loãng xương có thể xảy ra ở cả nam giới. Chứng loãng xương ở nam giới thường là do các nguyên nhân khác gây ra chứ không phải do lão hóa, chẳng hạn như sử dụng một số loại thuốc.
Loãng xương là một bệnh về xương phổ biến, xảy ra khi khối lượng và mật độ xương giảm. Điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. Phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn so với nam giới và một nguyên nhân của điều này là do phụ nữ phải trải qua thời kỳ mãn kinh. Vậy mãn kinh có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe xương? Chứng loãng xương có những triệu chứng nào? Và làm thế nào để điều trị loãng xương sau mãn kinh?