Điều trị bệnh loãng xương bằng tế bào gốc
Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng xương bị suy giảm, khiến xương trở nên yếu, mỏng đi và dễ bị gãy hơn. Hai phương pháp chính để điều trị loãng xương là dùng thuốc và thay đổi lối sống.
Một phương pháp điều trị tiềm năng mới cho bệnh loãng xương là sử dụng tế bào gốc. Nhưng nghiên cứu về hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị bệnh loãng xương hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu.
Tế bào gốc là gì?
Trong cơ thể chúng ta có nhiều loại tế bào và mỗi loại tế bào đảm nhận chức năng chuyên biệt. Ví dụ, hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đến các cơ quan và mô. Nhưng hồng cầu đến từ đâu? Câu trả lời là tế bào gốc.
Tế bào gốc là các tế bào có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau. Điều này có nghĩa là tế bào gốc có thể thay thế các tế bào chuyên biệt, chẳng hạn như hồng cầu, khi các tế bào này chết hoặc bị hỏng.
Có hai loại tế bào gốc chính:
- Tế bào gốc đa năng (pluripotent stem cell): Những tế bào này có thể trở thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể. Chúng được tìm thấy tự nhiên trong quá trình phát triển phôi thai. Nhưng hiện tại, các nhà khoa học đã tìm ra cách tái lập trình tế bào gốc trưởng thành trở thành tế bào gốc đa năng.
- Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cell): Loại tế bào gốc này chỉ có thể trở thành một số loại tế bào nhất định. Ví dụ, các tế bào máu như hồng cầu đến từ tế bào gốc trưởng thành có trong tủy xương (gọi là tế bào gốc tạo máu).
Các đặc tính độc đáo của tế bào gốc cho phép chúng phân chia nhiều lần để tạo ra các tế bào mới. Với khả năng phân chia này, các tế bào gốc có thể phát triển thành các loại tế bào chuyên biệt. Nhờ sở hữu những đặc tính như vậy nên tế bào gốc là một giải pháp tiềm năng trong y học tái tạo.
Lợi ích của tế bào gốc đối với bệnh loãng xương
Loại tế bào gốc thường được nghiên cứu để điều trị bệnh loãng xương là tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cell - MSC). Tế bào gốc trung mô là tế bào gốc trưởng thành được tìm thấy trong nhiều loại mô, chẳng hạn như:
- Tủy xương
- Mô mỡ
- Dây rốn
- Nhau thai
- Mô cơ
Tế bào gốc giúp điều trị loãng xương như thế nào?
Bình thường, mô xương cũ liên tục bị phân hủy và thay thế bằng mô xương mới, quá trình này giúp xương chắc khỏe. Nhưng ở người bị loãng xương, xương bị phân hủy với tốc độ nhanh hơn tốc độ thay thế xương mới. Điều này khiến xương trở nên mỏng đi và suy yếu.
Tế bào gốc trung mô có thể trở thành nguyên bào xương (tế bào tạo xương mới). Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 chỉ ra rằng tế bào gốc trung mô tủy xương có khả năng phát triển thành nguyên bào xương cao nhất và đó cũng là loại tế bào gốc trung mô được sử dụng phổ biến nhất trong nghiên cứu về bệnh loãng xương.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy chứng loãng xương có mối liên hệ mật thiết với tế bào gốc trung mô. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người bị loãng xương có lượng tế bào gốc trung mô thấp hơn và các tế bào gốc trung mô cũng ít có khả năng trở thành nguyên bào xương hơn.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu đưa ra ý tưởng là đưa tế bào gốc trung mô vào cơ thể người bệnh, sau đó những tế bào này sẽ trở thành nguyên bào xương tạo ra xương mới. Nhưng đó chưa là tất cả.
Quá trình hình thành xương từ các nguyên bào xương được kiểm soát bởi sự trao đổi tín hiệu với nhiều yếu tố tăng trưởng và cytokine khác nhau. Bên cạnh việc trở thành nguyên bào xương, tế bào gốc trung mô còn có thể tiết ra các yếu tố thúc đẩy quá trình hình thành xương bởi các nguyên bào xương hiện có.
Điều này có nghĩa là tế bào gốc trung mô không chỉ có thể phát triển thành nguyên bào xương mới mà còn có thể giúp các nguyên bào xương hiện có hoạt động tốt hơn.
Kết quả nghiên cứu
Phần lớn nghiên cứu về tế bào gốc để điều trị bệnh loãng xương được thực hiện trên mô hình động vật. Một phân tích tổng hợp vào năm 2016 gồm 12 nghiên cứu trên động vật cho thấy liệu pháp tế bào gốc có thể giúp làm tăng đáng kể mật độ khoáng xương.
Các thử nghiệm lâm sàng trên người về tế bào gốc điều trị bệnh loãng xương vẫn còn rất hạn chế. Ví dụ, báo cáo sơ bộ vào năm 2018 của một thử nghiệm lâm sàng chỉ gồm có kết quả từ 4 phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện những điều sau đây sau khi sử dụng tế bào gốc trung mô từ tủy xương để điều trị cho những người tham gia:
- 3 trên 4 người tham gia đã giảm đau
- Cả 4 người tham gia đều không bị gãy xương mới
- Không có tác dụng phụ trong suốt thời gian theo dõi kéo dài 3 tháng
Nhìn chung, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về việc sử dụng tế bào gốc để điều trị bệnh loãng xương ở người. Các chủ đề quan trọng cần được nghiên cứu trong tương lai gồm có:
- Tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp tế bào gốc
- Liều lượng và đường dùng lý tưởng
- Nên sử dụng tế bào gốc từ những loại mô nào
- Làm thế nào để chuẩn hóa việc chuẩn bị tế bào gốc trước khi điều trị
Các phương pháp điều trị loãng xương hiện có
Loãng xương là một bệnh không thể đảo ngược. Mục đích của các phương pháp điều trị loãng xương là làm chậm hoặc ngừng sự mất xương và ngăn ngừa gãy xương. Hai phương pháp điều trị chính cho bệnh loãng xương là sử dụng thuốc và thay đổi lối sống.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương gồm có:
- Bisphosphonate
- Kháng thể đơn dòng như denosumab (Prolia) và romosozumab (Evenity)
- Calcitonin
- Hormone tuyến cận giáp tổng hợp
- Chất điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERM)
- Liệu pháp hormone thay thế (estrogen)
Một số thay đổi lối sống mà người bị loãng xương nên thực hiện:
- Bổ sung đủ canxi và vitamin D mỗi ngày
- Tăng cường hoạt động thể chất để giúp cơ và xương chắc khỏe
- Bỏ hút thuốc
- Hạn chế rượu bia
- Sắp xếp lại đồ đạc trong nhà và lắp đặt một số dụng cụ tránh té ngã
- Sử dụng gậy hoặc khung tập đi nếu cần thiết
- Tránh các hoạt động có nguy cơ chấn thương và gãy xương
Các câu hỏi thường gặp
Tế bào gốc có những tác dụng gì?
Nhờ khả năng trở thành nhiều loại tế bào khác nhau, tế bào gốc hiện đang được nghiên cứu để điều trị nhiều vấn đề về sức khỏe. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (National Library of Medicine), một số bệnh lý đang được nghiên cứu điều trị bằng tế bào gốc gồm có bệnh thoái hóa thần kinh, bệnh tim và chấn thương tủy sống.
Đã có phương pháp điều trị bằng tế bào gốc nào được phê duyệt chưa?
Hiện đã có một số phương pháp điều trị bằng tế bào gốc được phê duyệt, ví dụ như liệu pháp tế bào gốc từ máu cuống rốn để điều trị các bệnh về máu và một số loại ung thư hay betibeglogene autotemcel (Zynteglo) – liệu pháp gen dựa trên tế bào gốc được sử dụng để điều trị bệnh beta-thalassemia.
Bệnh loãng xương có phổ biến không?
Theo số liệu thống kê gần đây của Tổ chức Loãng xương Quốc tế (International Osteoporosis Foundation), trên toàn thế giới, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người bị loãng xương và tỷ lệ này ở nam giới trên 50 tuổi là 1/5. (1)
Tóm tắt bài viết
Liệu pháp tế bào gốc là một phương pháp điều trị tiềm năng mới cho bệnh loãng xương. Theo một số nghiên cứu, đưa tế bào gốc vào cơ thể của người bị loãng xương có thể giúp thúc đẩy sự phát triển xương mới.
Nhưng đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bằng tế bào gốc nào được chính thức phê duyệt để điều trị bệnh loãng xương. Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng về tính an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị này cũng rất hạn chế. Hai phương pháp chính để kiểm soát bệnh loãng xương vẫn là dùng thuốc và điều chỉnh lối sống.
Chứng loãng xương có thể được điều trị bằng thảo dược và một số phương pháp điều trị thay thế khác (phương pháp điều trị thay thế bao gồm tất cả các biện pháp giúp kiểm soát hoặc làm giảm tình trạng bệnh mà không cần dùng đến các phương pháp điều trị chính thống như thuốc).
Mặc dù không có cách chữa trị khỏi bệnh loãng xương nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp củng cố xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Bệnh loãng xương không được điều trị sẽ khiến xương ngày một yếu đi và dễ gãy. Trong nhiều trường hợp, gãy xương là dấu hiệu đầu tiên của chứng loãng xương.
Bệnh tiểu đường và loãng xương có thể xảy ra đồng thời và có ảnh hưởng lẫn nhau. Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và chứng loãng xương có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.