1

Điều gì xảy ra nếu bệnh loãng xương không được điều trị?

Bệnh loãng xương không được điều trị sẽ khiến xương ngày một yếu đi và dễ gãy. Trong nhiều trường hợp, gãy xương là dấu hiệu đầu tiên của chứng loãng xương.
Điều gì xảy ra nếu bệnh loãng xương không được điều trị? Điều gì xảy ra nếu bệnh loãng xương không được điều trị?

Gãy nén đốt sống là loại gãy xương phổ biến nhất do loãng xương. Điều này xảy ra khi các đốt sống đã quá yếu và bị sụp xuống. Gãy nén đốt sống làm giảm chiều cao và có thể dẫn đến chứng gù lưng.

Gãy nén đốt sống có thể xảy ra từ từ và được phát hiện tình cờ qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (chẳng hạn như chụp X-quang) được thực hiện vì lý do khác. Tuy nhiên, gãy nén đốt sống cũng có thể xảy ra đột ngột sau khi có lực tác động lên cột sống, ví dụ như khi ho, cúi người, cười, mang vác nặng hay nhảy.

Cơn đau do gãy nén đốt sống gây khó khăn cho việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như cúi người, với tay, bê đồ và đi lên xuống cầu thang. Gãy nén đốt sống còn có thể dẫn đến đau lưng mạn tính.

Bệnh loãng xương không được điều trị còn làm tăng nguy cơ gãy xương. Người bệnh có thể bị gãy xương đùi hoặc xương chậu khi bị va đập ở vùng hông. Chống hai tay khi ngã có thể gây gãy xương ở cổ tay, cánh tay hoặc xương đòn.

Việc điều trị thích hợp bệnh loãng xương có thể làm giảm nguy cơ gãy xương, đau đớn và các biến chứng khác.

Những ảnh hưởng lâu dài của bệnh loãng xương

Một khi bị gãy xương do loãng xương, người bệnh sẽ có nguy cơ cao tiếp tục bị gãy xương, thậm chí còn có nguy cơ phải nhập viện và gặp các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều người bị loãng xương không được điều trị cần sự hỗ trợ khi đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Những người bị gãy xương cột sống có thể phải sống chung với tình trạng đau mạn tính.

Gãy xương do loãng xương còn có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý.

Nhiều nghiên cứu khác nhau, bao gồm một nghiên cứu quy mô lớn vào năm 2010 với hơn 57.000 phụ nữ sau mãn kinh ở 10 quốc gia, đã phát hiện ra rằng gãy xương có thể làm giảm chất lượng cuộc sống. (1)

Loãng xương không được điều trị có làm giảm tuổi thọ không?

Bệnh loãng xương chỉ ảnh hưởng đến tuổi thọ khi dẫn đến gãy xương. Nguy cơ tử vong do gãy xương sẽ tăng lên nếu xảy ra sau tuổi 75. Và gãy xương nhiều lần thì nguy cơ tử vong sẽ càng tăng.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nguy cơ tử vong tăng đáng kể trong 30 đến 180 ngày đầu sau khi bị gãy xương nhưng nguy cơ vẫn tiếp tục tăng cao trong 360 ngày sau khi xảy ra gãy xương.

Gãy xương hông là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở những người bị loãng xương, tiếp theo là gãy xương chậu, cột sống, hộp sọ, xương sườn và gãy nhiều xương trong cơ thể cùng một lúc.

Nguy cơ tử vong do biến chứng xảy ra trong và sau phẫu thuật điều trị gãy xương cũng cao hơn.

Phòng ngừa gãy xương là điều rất quan trọng để kéo dài tuổi thọ ở những người bị loãng xương.

Các phương pháp điều trị loãng xương

Điều chỉnh lối sống để giảm nguy cơ té ngã và gãy xương là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh loãng xương. Người bệnh cũng có thể cần dùng thuốc để điều trị loãng xương.

Phương pháp điều trị bước đầu phổ biến nhất là dùng thuốc chống hủy xương. Những loại thuốc này có tác dụng làm giảm hoạt động của các tế bào hủy xương (hủy cốt bào), nhờ đó giúp cơ thể có thời gian tạo ra mô xương mới.

Những loại thuốc chống hủy xương được sử dụng phổ biến nhất gồm có:

  • alendronate
  • risedronate
  • ibandronate
  • axit zoledronic
  • denosumab
  • raloxifene

Hầu hết các loại thuốc này được dùng qua đường uống. Denosumab và axit zoledronic chỉ có dạng thuốc tiêm.

Bác sĩ thường kê thuốc dựa trên khả năng dung nạp thuốc của người bệnh và tác dụng phụ của thuốc. Các yếu tố khác cần cân nhắc khi lựa chọn thuốc còn có chức năng thận, nguy cơ ung thư vú và tiền sử mắc bệnh đường tiêu hóa.

Một nhóm thuốc để điều trị chứng loãng xương là thuốc đồng hóa. Nhóm thuốc này hiếm khi được sử dụng làm phương pháp điều trị bước đầu và thường chỉ được kê cho những người bị loãng xương nặng. Thuốc đồng hóa được tiêm dưới da và có tác dụng giúp kích thích sự hình thành cũng như phục hồi xương.

Các loại thuốc đồng hóa được sử dụng để điều trị bệnh loãng xương gồm có:

  • teriparatide
  • abaloparatide
  • romosozuma

Trong nhóm này, teriparatide được sử dụng phổ biến nhất vì ít gây tác dụng phụ.

Làm thế nào để biết việc điều trị loãng xương có hiệu quả hay không?

Cách chính xác nhất để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị loãng xương là theo dõi mật độ khoáng xương bằng phương pháp DEXA hay DXA (đo hấp thụ tia X năng lượng kép).

Phương pháp này đo mật độ khoáng xương của người bệnh và so sánh với mật độ khoáng xương của một người trẻ tuổi. Bác sĩ sử dụng kết quả để chẩn đoán bệnh loãng xương và theo dõi hiệu quả điều trị. Phương pháp DEXA cho kết quả dưới dạng T-score.

T-score bằng 0 có nghĩa là mật độ xương bình thường. T-score từ +1 đến -1 cũng được coi là bình thường.

Nếu T-score nằm trong khoảng từ -1 đến -2,5 thì có nghĩa là thiếu xương, tình trạng mật độ xương thấp hơn mức bình thường nhưng chưa đến ngưỡng loãng xương. T-score dưới -2,5 có nghĩa là mật độ xương đã rất thấp và người bệnh đã bị loãng xương.

Những người bị loãng xương nên đo mật độ xương bằng phương pháp DXA khoảng 2 năm một lần sau khi bắt đầu điều trị. Tái tạo xương là một quá trình diễn ra từ từ. Sau khi bắt đầu điều trị, phải mất một thời gian thì mật độ khoáng xương mới có sự cải thiện.

Nếu nguyên nhân gây loãng xương là do một loại thuốc, chẳng hạn như steroid hoặc gãy xương dẫn đến vấn đề nghiêm trọng thì người bệnh cần đo mật độ xương thường xuyên hơn.

Tốc độ tiến triển của bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương tiến triển chậm. Để hiểu lý do tại sao thì trước tiên cần hiểu qua một chút về quá trình tạo xương và phân hủy xương.

Xương được tạo ra bởi các tế bào tạo xương hay còn gọi là nguyên bào xương. Trong khi đó, các tế bào hủy xương (hủy cốt bào) thực hiện nhiệm vụ phân hủy mô xương cũ. Hai loại tế bào này cùng hoạt động với nhau trong một chu kỳ gọi là chu chuyển xương. Tốc độ phân hủy và tái tạo xương thay đổi theo từng giai đoạn trong đời.

Mật độ xương đạt đỉnh ở độ tuổi từ 30 đến 35. Sau đó, cơ thể bắt đầu phân hủy xương với tốc độ nhanh hơn tốc độ tạo xương mới và điều này dẫn đến giảm dần mật độ xương.

Từ 45 đến 55 tuổi, tình trạng mất xương xảy ra nhanh hơn ở phụ nữ do sự sụt giảm estrogen vào thời kỳ mãn kinh. Phụ nữ có thể mất 2% mật độ xương mỗi năm vào thời kỳ mãn kinh và tổng mật độ xương bị mất trong giai đoạn này có thể lên tới 10 đến 20%. (2)

Nam giới cũng trải qua điều tương tự khi bị giảm testosterone ở độ tuổi từ 60 đến 65.

Điều gì xảy ra khi bị loãng xương nghiêm trọng?

Loãng xương nghiêm trọng có nghĩa là mật độ khoáng xương đã giảm xuống mức rất thấp, điều này khiến cho xương trở nên xốp, rất dễ gãy và dẫn đến biến dạng cột sống.

Gãy nén đốt sống thường xảy ra ở phía trước cột sống và tình trạng này có thể gây ra chứng gù lưng.

Loãng xương nghiêm trọng còn có thể gây đau và khiến người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Có thể chữa khỏi bệnh loãng xương không?

Bệnh loãng xương hiện chưa có phương pháp chữa khỏi nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp làm chậm quá trình mất xương và củng cố xương.

Cả thuốc chống hủy xương và thuốc đồng hóa đều có thể giúp tăng mật độ khoáng xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống cũng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh loãng xương.

Những người hút thuốc nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Hút thuốc sẽ làm giảm mật độ xương. Hút thuốc còn làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị loãng xương.

Cách cải thiện sức khỏe xương và tránh gãy xương khi bị loãng xương

Các cách cải thiện sức khỏe xương khi bị loãng xương gồm có:

  • Tích cực hoạt động thể chất
  • Ăn uống cân bằng, đủ chất
  • Hạn chế uống rượu
  • Cai thuốc lá

Khi nhắc đến việc tập thể dục, nhiều người thường lựa chọn các bài tập cardio nhưng đối với những người bị loãng xương, các bài tập chịu sức nặng như đi bộ, chạy bộ và tập tạ mang lại lợi ích lớn hơn. Những bài tập này giúp tăng cường sức mạnh của cơ và cải thiện khả năng giữ thăng bằng, nhờ đó giảm nguy cơ té ngã và gãy xương. Các bài tập chịu sức nặng còn thúc đẩy sự hình thành xương mới. Các hình thức tập luyện khác như yoga, thái cực quyền và pilates cũng rất có ích cho người bị loãng xương.

Những người bị loãng xương cần bổ sung đủ canxi và vitamin D mỗi ngày. Đây là hai chất rất quan trọng đối với sức khỏe xương.

Lượng canxi khuyến nghị hàng ngày đối với hầu hết người lớn là 1.000 miligam (mg) nhưng phụ nữ từ 51 tuổi trở lên và nam giới từ 70 tuổi trở lên cần 1.200 mg canxi/ngày.

Tổ chức Loãng xương Quốc gia Hoa Kỳ (The National Osteoporosis Foundation) khuyến nghị phụ nữ sau mãn kinh và nam giới từ 50 tuổi trở lên cần 800 đến 1.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày.

Một số người có thể cần dùng thực phẩm chức năng để bổ sung canxi, vitamin D nhưng nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng.

Việc phòng ngừa té ngã cũng rất quan trọng đối với người bị loãng xương. Một số biện pháp phòng ngừa té ngã gồm có lắp thanh vịn trong nhà tắm, đi giày dép có đế chống trơn, lắp nhiều đèn trong nhà, sử dụng gậy chống hoặc khung tập đi, bỏ các vật cản trên đường đi lại trong nhà…

Ngoài ra, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về các tác dụng phụ có thể gây té ngã của các loại thuốc cần dùng, ví dụ như buồn ngủ hoặc chóng mặt.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Mặc dù không có cách chữa trị khỏi bệnh loãng xương nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp củng cố xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Bệnh loãng xương có chữa khỏi được không?
Bệnh loãng xương có chữa khỏi được không?

Không có cách nào có thể “đảo ngược” tình trạng mất xương. Nhưng có rất nhiều cách để ngăn chặn mất xương thêm và giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương.

Những điều bạn cần biết về bệnh tiểu đường và loãng xương
Những điều bạn cần biết về bệnh tiểu đường và loãng xương

Bệnh tiểu đường và loãng xương có thể xảy ra đồng thời và có ảnh hưởng lẫn nhau. Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và chứng loãng xương có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường.

Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương
Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương

Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Điều trị loãng xương bằng vật lý trị liệu
Điều trị loãng xương bằng vật lý trị liệu

Loãng xương là một tình trạng mạn tính có đặc trưng là sự giảm khối lượng và mật độ xương, điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương và nguy cơ sẽ tăng theo độ tuổi. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), những người có tiền sử gia đình bị loãng xương có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Phương pháp điều trị loãng xương thường gồm có dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng như vật lý trị liệu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây