1

Loãng xương hông thoáng qua: Nguyên nhân và cách điều trị

Loãng xương hông thoáng qua hay hội chứng phù tủy xương hông là một dạng loãng xương hiếm gặp. Đây là tình trạng giảm mật độ xương tạm thời ở phần đầu của xương đùi hay chỏm xương đùi (phần xương có hình dạng 2/3 khối cầu nằm trong khớp háng).
Loãng xương hông thoáng qua: Nguyên nhân và cách điều trị Loãng xương hông thoáng qua: Nguyên nhân và cách điều trị

Loãng xương là một vấn đề phổ biến, xảy ra khi mật độ khoáng trong xương thấp hơn bình thường. Ước tính có hàng trăm triệu người bị loãng xương trên toàn thế giới.

Chứng loãng xương hông thoáng qua (transient osteoporosis of the hip) xảy ra phổ biến nhất ở nam giới trung niên, phụ nữ mang thai ba tháng cuối và giai đoạn sau sinh.

Các nhà nghiên cứu vẫn không xác định được nguyên nhân chính xác gây ra chứng loãng xương hông thoáng qua nhưng họ tin rằng các yếu tố như tắc nghẽn các mạch máu nhỏ quanh hông và áp lực bất thường ở khớp háng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng này.

Triệu chứng loãng xương hông thoáng qua

Chứng loãng xương hông thoáng qua thường có triệu chứng ban đầu là cảm giác đau âm ỉ ở khu vực khớp háng hoặc mông lan xuống đùi và chân. Cơn đau thường tăng dần theo thời gian và trở nên trở nên dữ dội hơn khi đi lại, mang vác vật nặng hoặc hoạt động gắng sức. Các triệu chứng khác còn có:

  • Giảm phạm vi chuyển động
  • Đi khập khiễng

Loãng xương hông thoáng qua thường chỉ xảy ra ở một bên hông nhưng cũng có thể xảy ra ở cả hai bên hông (30% số trường hợp là xảy ra ở cả hai bên). Các triệu chứng thường tự hết trong vòng 6 đến 12 tháng.

Nguyên nhân gây loãng xương hông thoáng qua

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân chính xác gây loãng xương hông thoáng qua. Một số yếu tố được cho là có thể góp phần gây ra vấn đề này gồm có:

  • Tắc nghẽn các mạch máu nhỏ quanh hông
  • Áp lực bất thường tác động lên xương hông
  • Thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như suy giáp nặng

Trong thời gian mang thai, đầu của thai nhi có thể chèn ép lên dây thần kinh bịt của người mẹ và điều này cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng loãng xương hông thoáng qua.

Ai có nguy cơ bị loãng xương hông thoáng qua?

Loãng xương hông thoáng qua thường xảy ra ở nam giới từ 30 đến 60 tuổi và phụ nữ đang mang thai 3 tháng cuối hoặc mới sinh con.

Nam giới có tỷ lệ bị chứng loãng xương hông thoáng qua cao gấp khoảng ba lần so với phụ nữ.

Các yếu tố nguy cơ chưa được chứng minh nhưng được đưa cho là có liên quan đến chứng loãng xương hông thoáng qua gồm có:

  • Chấn thương hông
  • Uống nhiều rượu
  • Sử dụng steroid
  • Hút thuốc
  • Mắc bệnh suy giáp
  • Mắc bệnh lý di truyền về xương hypophosphatasia, một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp
  • Bệnh xương thủy tinh
  • Nồng độ testosterone thấp
  • Thiếu vitamin D

Biến chứng của loãng xương hông thoáng qua

Chứng loãng xương hông thoáng qua làm tăng nguy cơ bị gãy xương hông. Các triệu chứng của loãng xương hông thoáng qua thường giảm dần sau 6 đến 12 tháng và hầu hết người bị chứng bệnh này đều khôi phục mật độ xương hông hoàn toàn.

Trong một nghiên cứu nhỏ ở 33 phụ nữ bị loãng xương hông thoáng qua do mang thai, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 12,1% số người tham gia bị gãy xương hông.

Chẩn đoán loãng xương hông thoáng qua

Chứng loãng xương hông thoáng qua chủ yếu được chẩn đoán thông qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI). Hình ảnh MRI có thể cho thấy tình trạng sưng tấy trong vòng 48 giờ sau khi khởi phát. Trong khi đó, thường phải sau 21 đến 42 ngày thì chụp X-quang mới phát hiện được các dấu hiệu của chứng loãng xương hông thoáng qua.

Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu có thể giúp phát hiện hoặc loại trừ các vấn đề khác gây ra triệu chứng tương tự loãng xương hông thoáng qua.

Điều trị loãng xương hông thoáng qua

Do chứng loãng xương hông thoáng qua có thể tự khỏi nên mục đích của việc điều trị là làm giảm các triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi.

Các biện pháp điều trị tại nhà

Các biện pháp điều trị chứng loãng xương hông thoáng qua tại nhà gồm có:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen để giảm đau
  • Tránh các hoạt động gây áp lực lên xương hông như mang vác đồ nặng, đứng lâu, chảy nhảy
  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ khi đi lại như gậy hoặc nạng
  • Vật lý trị liệu
  • Bổ sung vitamin D và canxi

Các phương pháp điều trị y tế

Trong một nghiên cứu nhỏ vào năm 2019 gồm có dữ liệu từ 19 người tham gia, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy axit zoledronic (một loại thuốc thuộc nhóm bisphosphonate) có thể giúp tăng tốc độ phục hồi chứng loãng xương hông thoáng qua. (1)

Một số bằng chứng cho thấy phương pháp khoan giảm áp chỏm xương đùi có thể giúp tăng tốc độ phục hồi mật độ xương hông ở người bị loãng xương hông thoáng qua. (2) Trong thủ thuật này, bác sĩ khoan các lỗ nhỏ ở chỏm xương đùi để thúc đẩy sự hình thành các mạch máu mới.

Nếu bị gãy xương hông, người bệnh sẽ phải phẫu thuật kết hợp xương hoặc thay khớp háng.

Tập thể dục

Các bài tập tăng cường sức mạnh và cải thiện phạm vi chuyển động của hông có thể giúp giảm nguy cơ gãy xương hông. Người bệnh có thể đến gặp chuyên gia vật lý trị liệu để được tư vấn các bài tập thích hợp. Một số bài tập có lợi cho người bị loãng xương hông thoáng qua gồm có:

  • Bài tập vỏ sò (clamshell)
  • Bước chân ngang (sidestep) có sử dụng dây kháng lực
  • Đạp xe cố định
  • Tập với máy elliptical
  • Bơi lội

Khi nào cần đi khám?

Người bệnh nên đi khám khi triệu chứng đau hông:

  • ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày hoặc giấc ngủ
  • ngày càng trầm trọng hơn xảy ra thường xuyên
  • không cải thiện sau 2 tuần điều trị tại nhà
  • kèm theo cứng khớp háng và kéo dài trên 30 phút sau khi thức dậy

Câu hỏi thường gặp về loãng xương hông thoáng qua

Loãng xương hông thoáng qua là gì? Do nguyên nhân nào gây ra?

Loãng xương hông thoáng qua là tình trạng giảm mật độ xương tạm thời ở xương hông. Các nhà nghiên cứu chưa xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Loãng xương hông thoáng qua có nghiêm trọng không?

Chứng loãng xương hông thoáng qua gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động nhưng các triệu chứng thường tự hết trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Mật độ xương giảm sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương hông.

Điều trị loãng xương hông thoáng qua bằng cách nào?

Chứng loãng xương hông thoáng qua thường tự khỏi. Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà như nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau để giảm các triệu chứng. Dùng thuốc bisphosphonate hoặc phẫu thuật khoan giảm áp chỏm xương đùi có thể giúp tăng tốc độ hồi phục.

Ngăn ngừa chứng loãng xương hông thoáng qua bằng cách nào?

Các nhà nghiên cứu chưa xác định được nguyên nhân gây ra chứng loãng xương hông thoáng qua và do đó chưa rõ cách phòng ngừa. Tuy nhiên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, giải quyết tình trạng mất cân bằng nội tiết tố và không hút thuốc lá có thể giúp bảo vệ sức khỏe xương tổng thể và làm giảm nguy cơ loãng xương hông thoáng qua.

Tóm tắt bài viết

Loãng xương hông thoáng qua là một tình trạng hiếm gặp xảy ra khi mật độ khoáng chất ở chỏm xương đùi bị giảm tạm thời. Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Loãng xương hông thoáng qua thường tự khỏi sau 6 đến 12 tháng. Trong thời gian này, người bệnh có thể thực hiện các phương pháp điều trị như vật lý trị liệu, thuốc giảm đau hoặc bisphosphonate để tăng tốc độ phục hồi và giảm các triệu chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nguyên nhân và điều trị loãng xương ở nam giới
Nguyên nhân và điều trị loãng xương ở nam giới

Mặc dù phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng loãng xương có thể xảy ra ở cả nam giới. Chứng loãng xương ở nam giới thường là do các nguyên nhân khác gây ra chứ không phải do lão hóa, chẳng hạn như sử dụng một số loại thuốc.

Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau cơ xơ hóa là bệnh lý gây đau tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây