1

Nguyên nhân và điều trị loãng xương ở nam giới

Mặc dù phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng loãng xương có thể xảy ra ở cả nam giới. Chứng loãng xương ở nam giới thường là do các nguyên nhân khác gây ra chứ không phải do lão hóa, chẳng hạn như sử dụng một số loại thuốc.
Nguyên nhân và điều trị loãng xương ở nam giới Nguyên nhân và điều trị loãng xương ở nam giới

Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương. Mặc dù cả nam giới và phụ nữ đều có thể bị gãy xương nhưng gãy xương thường xảy ra muộn hơn ở nam giới. Kết quả là nam giới có tỷ lệ tử vong do gãy xương liên quan đến loãng xương cao gấp đôi so với phụ nữ. (1)

Mặc dù loãng xương không thể chữa khỏi nhưng có thể thay đổi lối sống kết hợp dùng thuốc để cải thiện sự chắc khỏe của xương và giảm nguy cơ gãy xương. Ngoài ra cần điều trị các tình trạng bệnh lý gây giảm mật độ xương.

Nam giới có bị loãng xương không?

Nam giới cũng có thể bị loãng xương. Theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế (The International Osteoporosis Foundation), cứ 5 nam giới trên 50 tuổi thì có 1 người bị loãng xương. (2)

Mặc dù chứng loãng xương phổ biến hơn ở phụ nữ - cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người bị loãng xương - nhưng có tới 40% số ca gãy xương do loãng xương xảy ra ở nam giới. (3) Gãy xương do loãng xương xảy ra muộn hơn ở nam giới và do đó gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.

Loãng xương xảy ra khi mật độ và khối lượng xương giảm đáng kể.

Xương luôn không ngừng được thay mới - các tế bào xương cũ được tái hấp thu vào cơ thể và các tế bào xương mới được tạo ra để thay thế. Khi có tuổi, xương bị tái hấp thu với tốc độ nhanh hơn tốc độ tạo xương mới. Dần dần, điều này khiến xương bị giảm mật độ, trở nên mỏng, yếu và giòn hơn trước.

Tình trạng giảm mật độ xương ở phụ nữ bắt đầu sớm hơn nam giới. Ở hầu hết phụ nữ, tình trạng giảm mật độ xương xảy ra nhanh chóng khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Trong khi đó ở hầu hết nam giới, quá trình giảm mật độ xương diễn ra chậm hơn nhưng nguy cơ gia tăng theo độ tuổi.

Ở độ tuổi 65 đến 70, phụ nữ và nam giới bị giảm mật độ xương với tốc độ ngang nhau.

Dù là nam hay nữ, hormone sinh dục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì xương chắc khỏe. Những thay đổi về nồng độ các hormone này, chẳng hạn như sự sụt giảm testosterone ở nam giới và giảm estrogen ở phụ nữ có thể góp phần gây ra bệnh loãng xương.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương ở nam giới

Loãng xương có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Loãng xương nguyên phát là tình trạng giảm mật độ xương do thay đổi nội tiết tố và sự lão hóa tự nhiên. Loãng xương thứ phát có nghĩa là loãng xương do các bệnh lý khác, thuốc men và các yếu tố lối sống ảnh hưởng đến mật độ xương.

Loãng xương ở nam giới đa phần là loãng xương thứ phát. Tình trạng này có thể là do một hoặc nhiều nguyên nhân gây ra.

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương ở nam giới, chẳng hạn như:

Mắc một số bệnh lý

Một số bệnh lý, chẳng hạn như những bệnh lý về đường tiêu hóa, có thể làm giảm khả năng hấp thụ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe xương. Điều này có thể xảy ra do những nguyên nhân như phẫu thuật giảm cân và bệnh Crohn.

Sử dụng glucocorticoid

Glucocorticoid (một loại corticosteroid) là một nhóm thuốc steroid được sử dụng để điều trị nhiều căn bệnh khác nhau, gồm có bệnh tự miễn, ung thư và các bệnh lý viêm như hen suyễn. Việc sử dụng liên tục glucocorticoid sẽ nhanh chóng làm giảm khối lượng xương.

Thiếu testosterone

Sự sụt giảm nồng độ testosterone làm tăng nguy cơ loãng xương ở nam giới. Sự sụt giảm này có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm cả tác dụng phụ của glucocorticoid hoặc các loại thuốc khác.

Vì hormone đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự chắc khỏe của xương nên bất kỳ nguyên nhân nào làm thay đổi nồng độ hormone đều có thể góp phần gây ra bệnh loãng xương.

Yếu tố lối sống

Uống quá nhiều rượu có thể làm giảm khối lượng xương. Hút thuốc cũng là một yếu tố làm tăng tốc độ giảm khối lượng xương. Lối sống ít vận động cũng có thể dẫn đến chứng loãng xương. Thường xuyên tập các bài tập chịu sức nặng như đi bộ và chạy bộ là điều rất cần thiết để giữ cho xương chắc khỏe.

Triệu chứng loãng xương ở nam giới

Loãng xương được gọi là “căn bệnh thầm lặng” vì đa phần không gây ra triệu chứng cho đến khi xảy ra gãy xương. Loãng xương ở cột sống thường có triệu chứng dễ nhận thấy hơn, gồm có:

  • Đau lưng
  • Gù lưng
  • Giảm chiều cao
  • Thay đổi tư thế

Chẩn đoán loãng xương ở nam giới

Những nam giới có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nên cân nhắc khám sàng lọc. Phát hiện và bắt đầu điều trị sớm sẽ giúp làm chậm tốc độ mất xương và giảm nguy cơ gãy xương, thậm chí còn có thể cải thiện mật độ xương.

Các công cụ chẩn đoán loãng xương gồm có:

  • Khai thác bệnh sử
  • Đo mật độ xương, thường là bằng phương pháp DEXA trung tâm
  • Chụp X- quang
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu

Điều trị loãng xương ở nam giới

Các phương pháp điều trị loãng xương gồm có:

  • Dùng thuốc ngăn ngừa mất xương và cải thiện mật độ xương
  • Ngừng dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến mật độ xương
  • Điều trị các bệnh lý gây giảm mật độ xương
  • Tập thể dục
  • Bổ sung canxi, vitamin D và protein nạc

Cột sống là một trong những xương dễ bị gãy nhất ở người bị loãng xương. Dạng gãy xương cột sống phổ biến nhất là gãy nén đốt sống. Khi bị gãy nén đốt sống, các giải pháp điều trị gồm có:

  • Nẹp cột sống và nghỉ ngơi cho đến khi đốt sống lành lại
  • Phẫu thuật, ví dụ như tạo hình thân đốt sống và bơm xi măng cột sống có bóng nong

Việc điều trị các loại gãy xương khác tùy thuộc vào vị trí gãy và mức độ nghiêm trọng. Một số vị trí gãy xương chỉ cần bất động xương gãy và chờ xương tự liền lại.

Phòng ngừa loãng xương ở nam giới

Thực hiện một số thay đổi về lối sống và điều chỉnh thuốc có thể giúp phòng ngừa loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương.

Hiểu rõ tác dụng phụ của thuốc

Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, chẳng hạn như glucocorticoid, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về các tác dụng phụ của thuốc, nhất là tác dụng phụ ảnh hưởng đến xương. Nếu đang dùng thuốc kê đơn và phát hiện thuốc có thể gây loãng xương thì người bệnh không được tự ý ngừng thuốc mà cần phải trao đổi với bác sĩ.

Phòng ngừa té ngã

Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương. Người bị loãng xương nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa té ngã để tránh bị gãy xương như:

  • Tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng
  • Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gang
  • Lắp tay vịn trong nhà tắm, sử dụng thảm hoặc dép chống trơn
  • Đảm bảo nhà có đủ ánh sáng
  • Thường xuyên kiểm tra thị lực và sức khỏe bàn chân
  • Báo cho bác sĩ nếu loại thuốc đang dùng gây chóng mặt

Thay đổi lối sống

Các bài tập chịu sức nặng như đi bộ rất có lợi cho sức khỏe xương. Ngoài ra nên kết hợp cùng với tập luyện kháng lực như tập tạ hoặc các môn thể thao như tennis.

Nếu hút thuốc, hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt. Ngoài ra, hạn chế rượu bia cũng giúp giảm nguy cơ loãng xương và nguy cơ té ngã.

Bổ sung canxi và vitamin D

Canxi và vitamin D là hai chất dinh dưỡng rất cần thiết để duy trì xương chắc khỏe. Các chất dinh dưỡng này có trong các loại thực phẩm như sữa, các đậu phụ, rau màu xanh đậm, trứng, các loại hạt, các loại cá béo… Nếu không thể ăn nhiều những thực phẩm này thì có thể dùng thực phẩm chức năng để bổ sung.

Câu hỏi thường gặp

Tại sao phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới?

Một số yếu tố khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn nam giới gồm có khối lượng xương thấp hơn, sự sụt giảm estrogen vào thời kỳ mãn kinh làm giảm mật độ xương và tuổi thọ dài hơn. Tuy nhiên, nam giới cũng có thể bị loãng xương.

Nam giới có nên uống bổ sung canxi không?

Nam giới cũng cần bổ sung đủ canxi và vitamin D hàng ngày, có thể bằng cách ăn thực phẩm tự nhiên giàu canxi và vitamin D hoặc dùng thực phẩm chức năng. Lượng canxi khuyến nghị hàng ngày đối với nam giới từ 51 đến 70 tuổi là 1.000 mg và đối với nam giới trên 70 tuổi là 1.200 mg. Những người không thể bổ sung đủ canxi từ chế độ ăn uống nên trao đổi với bác sĩ về việc dùng thực phẩm chức năng.

Loãng xương có gây đau lưng không?

Bản thân bệnh loãng xương thường không gây đau lưng. Tuy nhiên, gãy xương do loãng xương, chẳng hạn như gãy xương sống, có thể gây đau lưng.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù nguy cơ thấp hơn phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị loãng xương. Loãng xương ở nam giới thường là loãng xương thứ phát do tác dụng phụ của thuốc hoặc tình trạng bệnh lý khác. Tập thể dục, bổ sung đủ dinh dưỡng và thay đổi lối sống có thể giúp phòng ngừa loãng xương và gãy xương do loãng xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Mặc dù không có cách chữa trị khỏi bệnh loãng xương nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp củng cố xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Các nguyên nhân gây loãng xương
Các nguyên nhân gây loãng xương

Loãng xương là tình trạng xương bị giảm mật độ, trở nên mỏng đi và yếu hơn. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ bị loãng xương trên thế giới là khoảng 23% trong khi tỷ lệ ở nam giới là khoảng 11%. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Một số yếu tố có thể phòng ngừa được trong khi một số là không thể tránh khỏi.

Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương
Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương

Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây