1

Các nguyên nhân gây loãng xương

Loãng xương là tình trạng xương bị giảm mật độ, trở nên mỏng đi và yếu hơn. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ bị loãng xương trên thế giới là khoảng 23% trong khi tỷ lệ ở nam giới là khoảng 11%. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Một số yếu tố có thể phòng ngừa được trong khi một số là không thể tránh khỏi.
Các nguyên nhân gây loãng xương Các nguyên nhân gây loãng xương

Lão hóa

Xương được tạo nên bởi các mô sống với nhiều lỗ nhỏ bên trong, có hình dạng giống như tổ ong. Khi bị loãng xương, các lỗ này to lên, khiến xương không còn kết cấu chắc chắn mà trở nên dễ gãy.

Để hiểu về nguyên nhân gây bệnh loãng xương thì trước hết hiểu về quá trình hình thành xương. Khung xương có chức năng nâng đỡ cả cơ thể và xương liên tục trải qua quá trình chu chuyển (remodeling).

Chu chuyển xương là một quá trình kép gồm hai giai đoạn: giai đoạn tái hấp thu và giai đoạn tái tạo. Ở giai đoạn tái hấp thu, các tế bào hủy xương (hủy cốt bào) phân hủy xương. Ở giai đoạn tái tạo, các tế bào tạo xương (nguyên bào xương) tạo ra mô xương mới.

Khi còn trẻ, giai đoạn tái hấp thu và giai đoạn tái tạo xương diễn ra với tốc độ cân bằng. Khối lượng xương thường đạt đỉnh vào khoảng 25 tuổi. Sau đó, tốc độ tái tạo xương chậm lại và lượng xương bị mất đi nhiều hơn lượng xương mới được tạo ra. Kết quả là mật độ xương suy giảm. Khi mật độ xương giảm xuống mức rất thấp thì được gọi là loãng xương.

Thiếu canxi và vitamin D

Hormone tuyến cận giáp (parathyroid hormone - PTH) là một hormone có ảnh hưởng lớn đến quá trình chu chuyển xương. Nồng độ PTH cao có thể khiến các tế bào hủy xương hoạt động quá mức và dẫn đến tăng tốc độ phân hủy xương. Lượng PTH mà tuyến cận giáp tạo ra thay đổi theo nồng độ canxi trong máu.

Khi nồng độ canxi trong máu thấp (hạ canxi máu), tuyến cận giáp sẽ giải phóng nhiều PTH hơn. Hạ canxi máu còn khiến xương giải phóng canxi để tăng mức canxi trong máu.

Canxi là một khoáng chất có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, sự đông máu và chức năng của cơ.

Khi nồng độ canxi trong máu thấp, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương và điều này làm giảm mật độ khoáng xương. Do đó, bổ sung đủ canxi là điều cần thiết để ngăn ngừa loãng xương.

Xương tiếp tục phát triển trong suốt độ tuổi thiếu niên và những năm đầu độ tuổi trưởng thành. Bổ sung đủ canxi vào những giai đoạn này sẽ giúp giữ cho xương chắc khỏe về lâu dài. Khi đã có tuổi và mật độ xương suy giảm, ăn nhiều thực phẩm giàu canxi sẽ giúp giảm mức độ mất xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Cơ thể cần có vitamin D để hấp thụ canxi qua ruột. Vitamin D cũng rất cần thiết để duy trì lượng canxi trong xương.

Thiếu vitamin D là một vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi. Có tới 50% người lớn tuổi bị gãy xương hông có mức vitamin D rất thấp. (1)

Nếu bị thiếu vitamin D, cơ thể sẽ không thể hấp thụ hiệu quả lượng canxi từ thực phẩm tự nhiên và thực phẩm chức năng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ thiếu canxi.

Nồng độ vitamin D thấp còn gián tiếp gây ra một số thay đổi kích hoạt các tế bào hủy xương. Tình trạng thiếu hụt vitamin D cũng làm tăng sự sản xuất PTH và khiến cho cơ thể tạo ra nhiều tế bào hủy xương hơn.

Mất cân bằng hormone

Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ da trắng và phụ nữ châu Á. Một lý do của điều này là sự sụt giảm nồng độ estrogen sau mãn kinh. Có đủ estrogen là điều rất quan trọng để duy trì sự cân bằng trong quá trình chu chuyển xương.

Nồng độ estrogen giảm có thể làm tăng tốc độ tái hấp thu xương trong khi giảm tốc độ tái tạo xương. Kết quả là lượng xương được tạo ra không kịp bù đắp lượng xương mất đi.

Một số tình trạng bệnh lý và một số loại thuốc có thể làm giảm mật độ xương. Loãng xương do những nguyên nhân này được gọi là loãng xương thứ phát. Một nguyên nhân phổ biến gây loãng xương thứ phát là do dùng glucocorticoid (một loại steroid).

Các loại steroid như cortisol và prednisone trực tiếp làm giảm hoạt động của các tế bào tạo xương và tăng hoạt động của tế bào hủy xương. Các hormone này còn khiến cơ thể khó hấp thụ canxi hơn và đồng thời làm tăng lượng canxi bị đào thải qua nước tiểu.

Dùng hormone tuyến giáp cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Hormon tuyến giáp đẩy nhanh quá trình chu chuyển xương. Sự gia tăng tốc độ này dẫn đến mất cân bằng giữa sự tái hấp thu xương và tái tạo xương.

Uống nhiều rượu, hút thuốc và rối loạn ăn uống cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Những điều này gây cản trở khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết, chẳng hạn như canxi và vitamin D.

Tóm tắt bài viết

Loãng xương có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như lão hóa, thiếu canxi, vitamin D và mất cân bằng hormone.

Một số bệnh lý và thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến mật độ xương và dẫn đến loãng xương. Bổ sung đủ canxi và vitamin D là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nguyên nhân và điều trị loãng xương ở nam giới
Nguyên nhân và điều trị loãng xương ở nam giới

Mặc dù phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng loãng xương có thể xảy ra ở cả nam giới. Chứng loãng xương ở nam giới thường là do các nguyên nhân khác gây ra chứ không phải do lão hóa, chẳng hạn như sử dụng một số loại thuốc.

Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Mặc dù không có cách chữa trị khỏi bệnh loãng xương nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp củng cố xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Thế nào là loãng xương nguyên phát?
Thế nào là loãng xương nguyên phát?

Loãng xương nguyên phát là tình trạng khiến xương trở nên yếu và dễ gãy. Điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống có thể giúp làm chậm quá trình mất xương và ngăn ngừa gãy xương.

Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương
Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương

Loãng xương chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ nhưng tỷ lệ loãng xương ở nam giới và phụ nữ trẻ ngày càng gia tăng.

Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương
Các loại phẫu thuật điều trị gãy xương do loãng xương

Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây