Các phương pháp điều trị loãng xương
Xương được tạo nên từ các mô sống liên tục bị phân hủy và tạo mới. Loãng xương xảy ra khi tốc độ phân hủy xương nhanh hơn tốc độ tạo xương mới. Điều này khiến mật độ xương dần suy giảm, xương trở nên xốp và giòn. Xương bị suy yếu sẽ dễ bị gãy hơn.
Không có cách nào có thể chữa khỏi bệnh loãng xương nhưng có những phương pháp điều trị giúp làm giảm sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ gãy xương.
Điều trị loãng xương thường gồm có sự kết hợp giữa thuốc và thay đổi lối sống để làm chậm tốc độ phân hủy xương và đôi khi có thể thúc đẩy sự tái tạo xương.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hầu hết mọi người đều đạt khối lượng và mật độ xương tối đa ở độ tuổi 20. Khi có tuổi, tốc độ mất xương sẽ nhanh hơn tốc độ cơ thể tạo ra mô xương mới. Vì lý do này nên người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương.
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn nam giới vì phụ nữ có khối lượng xương thấp hơn.
Estrogen, loại hormone sinh dục chính ở phụ nữ, có tác dụng bảo vệ xương. Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen giảm liên tục và sự thiếu hụt estrogen khiến mật độ xương giảm dần. Đó là lý do tại sao nguy cơ loãng xương ở phụ nữ tăng lên khi mãn kinh.
Ngoài ra, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ loãng xương gồm có:
- Hút thuốc
- Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như steroid, thuốc ức chế bơm proton và một số loại thuốc điều trị động kinh
- Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng
- Mắc một số bệnh, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và đa u tủy
Thuốc điều trị loãng xương
Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa mất xương thêm là dùng thuốc kê đơn.
Dưới đây là những loại thuốc chính được sử dụng để điều trị loãng xương.
Bisphosphonate
Bisphosphonate là nhóm thuốc điều trị loãng xương phổ biến nhất và thường được sử dụng làm phương pháp điều trị bước đầu cho phụ nữ sau mãn kinh.
Một số loại thuốc trong nhóm bisphosphonate gồm có:
- alendronate (Fosamax): dùng hàng ngày hoặc một lần mỗi tuần.
- ibandronate (Boniva): có dạng viên uống mỗi tháng một lần và dạng tiêm tĩnh mạch 4 lần mỗi năm.
- risedronate (Actonel): có dạng viên uống hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng
- axit zoledronic (Reclast): có dạng truyền tĩnh mạch cách một hoặc hai năm một lần
Kháng thể đơn dòng
Có hai loại thuốc kháng thể đơn dòng chính được dùng để điều trị bệnh loãng xương.
Denosumab
Denosumab (Prolia) liên kết với một loại protein tham gia vào quá trình phân hủy xương trong cơ thể, nhờ đó làm chậm quá trình phân hủy xương và duy trì mật độ xương.
Denosumab có dạng thuốc tiêm. Người bệnh tiêm thuốc 6 tháng một lần.
Romosozumab
Romosozumab (Evenity) giúp tăng cường sự hình thành xương. Loại thuốc này đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào tháng 4 năm 2019. Romosozumab dành cho phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao, gồm có những người:
- có yếu tố nguy cơ gãy xương
- có tiền sử gãy xương
- không đáp ứng hoặc không thể dùng các loại thuốc điều trị loãng xương khác
Romosozumab có dạng thuốc tiêm. Người bệnh tự tiêm thuốc mỗi tháng một lần, mỗi lần tiêm 2 mũi. Thời gian điều trị tối đa 12 tháng.
Romosozumab có đi kèm cảnh báo đặc biệt (cảnh báo nghiêm trọng nhất của FDA). Romosozumab có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và bệnh tim mạch. Những người mới bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong vòng 12 tháng trở lại không nên dùng romosozumab.
Thuốc liên quan đến hormone
Một phương pháp khác để điều trị chứng loãng xương là sử dụng các loại thuốc có tác dụng giống hormone.
Thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERM)
Thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERM) bắt chước tác dụng bảo vệ xương của hormone estrogen.
Một trong những loại SERM được sử dụng phổ biến nhất cho người bị loãng xương là raloxifene (Evista). Thuốc này có dạng viên nén uống hàng ngày.
Calcitonin
Calcitonin là một loại hormone do tuyến giáp tạo ra, có tác dụng điều hòa lượng canxi trong cơ thể.
Calcitonin tổng hợp (Fortical, Miacalcin) được sử dụng để điều trị chứng loãng xương cột sống ở những phụ nữ không thể dùng bisphosphonate.
Calcitonin còn được dùng để giảm đau ở những người bị gãy xương cột sống (đây là một ứng dụng ngoài hướng dẫn của thuốc). Calcitonin có dạng thuốc tiêm và dạng xịt mũi.
Hormone tuyến cận giáp (PTH)
Hormone tuyến cận giáp (parathyroid hormone - PTH) kiểm soát lượng canxi và phốt phát trong cơ thể. PTH tổng hợp có thể thúc đẩy sự hình thành xương mới.
Hai loại PTH tổng hợp để điều trị loãng xương gồm có teriparatide (Forteo) và abaloparatit (Tymlos).
Teriparatide có dạng thuốc tiêm. Người bệnh sẽ tự tiêm thuốc hàng ngày. Tuy nhiên, loại thuốc này có giá cao và thường chỉ dành cho những người bị loãng xương nặng, dung nạp kém các loại thuốc khác.
Abaloparatide được phê duyệt vào năm 2017. Giống như teriparatide, abaloparatide cũng có dạng thuốc tiêm mà người bệnh tự tiêm hàng ngày. Tuy nhiên, loại PTH tổng hợp này cũng có giá cao và thường được sử dụng cho những người bị loãng xương nặng khi các loại thuốc khác không hiệu quả.
Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone thay thế là một giải pháp điều trị chứng loãng xương cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Nhưng thông thường, liệu pháp hormone thay thế không được dùng làm phương pháp điều trị bước đầu do có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như:
- Đột quỵ
- Nhồi máu cơ tim
- Ung thư vú
- Cục máu đông
Liệu pháp hormone thay thế được phê duyệt sử dụng để phòng ngừa loãng xương nhưng cũng có thể được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn (off-label) để điều trị loãng xương.
Liệu pháp hormone thay thế có thể chỉ gồm có estrogen hoặc estrogen kết hợp với progesterone và có nhiều dạng khác nhau như dạng viên uống, miếng dán ngoài da, thuốc tiêm và kem bôi. Dạng viên uống và miếng dán ngoài da là hai dạng được sử dụng nhiều nhất.
Dạng viên nén được dùng hàng ngày. Một số ví dụ gồm có:
- Premarin
- Menest
- Estrace
Miếng dán ngoài da được sử dụng một hoặc hai lần mỗi tuần. Một số ví dụ gồm có:
- Climara
- Vivelle-Dot
- Minivelle
Bổ sung canxi và vitamin D
Cho dù đã điều trị bằng các loại thuốc kể trên thì người bệnh vẫn nên bổ sung canxi và vitamin D vì hai chất này kết hợp với nhau có thể giúp làm chậm tốc độ mất xương.
Canxi là khoáng chất chính trong xương và vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi một cách hiệu quả.
Tốt nhất nên bổ sung canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống.
Một số loại thực phẩm giàu canxi gồm có:
- Sản phẩm từ sữa
- Rau màu xanh đậm
- Sản phẩm làm từ đậu nành
- Các sản phẩm được bổ sung canxi như sữa hạt, phô mai, bột ngũ cốc, nước ép đóng chai
Hầu hết các loại sữa bán trên thị trường hiện nay đều có bổ sung thêm canxi.
Các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ ở độ tuổi 19 – 50 và nam giới ở độ tuổi 19 – 70 nên bổ sung 1.000 miligam (mg) canxi mỗi ngày.
Phụ nữ ở độ tuổi 51 – 70 và tất cả người trên 70 tuổi cần 1.200 mg canxi mỗi ngày.
Người dưới 70 tuổi cần bổ sung 600 IU vitamin D mỗi ngày. Người trên 70 tuổi cần 800 IU vitamin D mỗi ngày.
Nếu chế độ ăn uống không có đủ canxi hoặc vitamin D thì có thể dùng thực phẩm chức năng để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.
Tăng hoạt động thể chất
Tập thể dục giúp xương chắc khỏe hơn. Dù là hình thức nào, hoạt động thể chất đều giúp làm chậm sự mất xương do lão hóa và còn có thể cải thiện phần nào mật độ xương.
Tập thể dục còn giúp cải thiện tư thế và khả năng giữ thăng bằng, nhờ đó giảm nguy cơ té ngã và gãy xương.
Các bài tập tăng cường sức mạnh như tập tạ tự do, máy tập tạ hoặc tập với dây kháng lực có lợi cho xương ở cánh tay và phần trên của cột sống.
Các bài tập chịu sức nặng như đi bộ hoặc chạy bộ và các bài tập cardio tác động thấp như tập với máy elliptical hoặc đạp xe cũng có lợi cho người bị loãng xương. Cả hai hình thức tập luyện này đều giúp củng cố xương ở chân, hông và phần dưới của cột sống.
Tóm tắt bài viết
Loãng xương là một vấn đề về xương phổ biến. Mặc dù hiện tại chưa có cách chữa trị khỏi bệnh loãng xương nhưng các phương pháp điều trị gồm có thuốc, liệu pháp hormone, bổ sung đủ canxi, vitamin D và tập thể dục có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa gãy xương. Một số phương pháp điều trị còn có thể giúp cải thiện mật độ xương.
Vỡ xương sọ xảy ra khi có một lực tác động mạnh khiến xương sọ (hộp sọ) bị nứt, lún hoặc vỡ. Một số trường hợp vỡ xương sọ tự lành mà không cần can thiệp điều trị nhưng nếu tổn thương đến não hoặc cần phẫu thuật thì quá trình hồi phục có thể mất vài tuần cho đến vài tháng.
Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.
Loãng xương là một tình trạng mạn tính có đặc trưng là sự giảm khối lượng và mật độ xương, điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương và nguy cơ sẽ tăng theo độ tuổi. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), những người có tiền sử gia đình bị loãng xương có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Phương pháp điều trị loãng xương thường gồm có dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng như vật lý trị liệu.
Bệnh loãng xương hiện được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống. Ngoài ra còn các phương pháp điều trị khác hiện đang được nghiên cứu, một trong số đó là liệu pháp tế bào gốc. Mặc dù các nghiên cứu trên động vật cho kết quả đầy hứa hẹn về hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị chứng loãng xương nhưng dữ liệu nghiên cứu trên người lại rất hạn chế.