Vỡ xương sọ: Dấu hiệu và các phương pháp điều trị
Có nhiều loại vỡ xương sọ nhưng chỉ có một nguyên nhân chính: cú va đập mạnh ở vùng đầu. Chấn thương sọ não có thể đi kèm với vỡ xương sọ nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Vỡ xương sọ không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng nhưng nếu có, các triệu chứng thường là:
- Sưng và đau xung quanh vùng bị va đập
- Bầm tím trên mặt
- Chảy máu từ lỗ mũi hoặc tai
Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng vỡ xương sọ. Những trường hợp nhẹ có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau và chờ cho đến khi xương liền lại. Những trường hợp nghiêm trọng sẽ cần phần phải phẫu thuật thần kinh.
Các loại vỡ xương sọ
Loại vỡ xương sọ phụ thuộc vào lực tác động, vị trí va đập trên hộp sọ và hình dạng của vật va đập với đầu.
Vật nhọn có thể xuyên qua hộp sọ, trong khi điều này sẽ khó xảy ra hơn nếu va đập với bề mặt cứng, tù, chẳng hạn như mặt đất. Mỗi loại vỡ xương sọ dẫn đến mức độ tổn thương khác nhau.
Vỡ xương sọ kín
Vỡ xương sọ kín, hay còn gọi là vỡ xương sọ đơn giản, là khi vùng da bao quanh vị trí vỡ xương không bị rách.
Vỡ xương sọ hở
Vỡ xương sọ hở, hãy còn được gọi là vỡ xương sọ phức tạp, là khi vùng da ở vị trí vỡ xương bị rách và xương lộ ra ngoài.
Lún xương sọ
Lực tác động khiến cho hộp sọ bị lõm, thụt vào khoang não.
Vỡ xương nền sọ
Loại vỡ xương sọ này xảy ra ở nền sọ: vùng xung quanh mắt, tai, mũi hoặc ở đầu cổ, ở đầu cổ.
Các loại vỡ xương sọ khác
Ngoài ra còn có các loại vỡ xương sọ khác:
- Vỡ xương sọ tuyến tính (vỡ theo đường thẳng)
- Vỡ xương sọ nhiều mảnh (xương bị vỡ thành ba phần trở lên)
Nguyên nhân gây vỡ xương sọ
Vỡ xương sọ xảy ra khi có một lực đủ mạnh tác động lên hộp sọ. Bất kỳ lực tác động nào vào vùng đầu đều có thể gây vỡ hộp sọ, ví dụ như:
- Bị đánh bằng một vật cứng như gậy, búa, gạch, đá
- Ngã đập đầu xuống đất
- Có vật rơi vào đầu
- Đầu bị va đập trong tai nạn giao thông
- Va đập trong khi chơi thể thao
Triệu chứng vỡ xương sọ
Trong một số trường hợp, chẳng hạn như vỡ xương sọ hở hoặc lún xương sọ, có thể dễ dàng nhận thấy hộp sọ đã bị vỡ. Tuy nhiên, không phải khi nào vỡ xương sọ cũng có dấu hiệu rõ ràng. Tốt nhất nên đi khám ngay sau khi đầu bị va đập mạnh.
Các triệu chứng nghiêm trọng của vỡ xương sọ gồm có:
- Chảy máu từ vết thương, gần vị trí chấn thương hoặc xung quanh mắt, tai và mũi
- Bầm tím xung quanh vị trí chấn thương hoặc quanh mắt, sau tai
- Đau dữ dội ở vị trí chấn thương
- Sưng tấy ở vị trí chấn thương
- Nóng đỏ ở vị trí chấn thương
Các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn có thể xảy ra sau khi đầu bị va đập gồm có: (những triệu chứng này không phải lúc nào cũng chỉ ra vỡ xương sọ):
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Mờ mắt
- Bồn chồn
- Cáu gắt
- Mất thăng bằng
- Cứng cổ
- Đồng tử không phản ứng với ánh sáng
- Lú lẫn
- Buồn ngủ
- Ngất xỉu
Chẩn đoán vỡ xương sọ
Bác sĩ có thể chẩn đoán vỡ xương sọ bằng cách khám lâm sàng. Tuy nhiên, vẫn cần tiến hành các phương pháp khám cận lâm sàng để xác định loại vỡ xương sọ và mức độ nghiêm trọng.
Bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác nhau để có được hình ảnh rõ nét của hộp sọ. Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) là những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh điển hình để chẩn đoán vỡ xương sọ.
Chụp X-quang cung cấp hình ảnh của hộp sọ. MRI cho hình ảnh của cả xương và mô mềm. Điều này cho phép bác sĩ phát hiện cả vết nứt ở sọ và tổn thương não.
Công cụ được sử dụng phổ biến nhất là chụp CT hoặc CAT. Phương pháp này tạo ra hình ảnh 3 chiều, nhờ đó giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng vỡ xương sọ cũng như tổn thương não.
Điều trị vỡ xương sọ
Việc điều trị vỡ xương sọ khác với các loại gãy xương khác. Điều trị vỡ xương sọ sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có tuổi tác, sức khỏe và tiền sử bệnh của bệnh nhân, loại vỡ xương sọ, mức độ nghiêm trọng và có tổn thương não hay không.
Trong một số trường hợp, chẳng hạn như vỡ xương nền sọ, vỡ xương sọ không gây đau nhiều và xương có thể tự liền sau một thời gian. Bệnh nhân có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau trong thời gian này. Hầu hết những người bị vỡ xương sọ chỉ cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen trong một thời gian ngắn nhưng cũng có thể cần dùng thuốc giảm đau opioid nếu bị đau nhiều.
Tuy nhiên, vỡ xương nền sọ có thể phải phẫu thuật nếu bị chảy quá nhiều dịch não tủy (chất dịch bao quanh não và tủy sống) từ mũi và tai.
Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị bắt buộc trong những trường hợp lún xương sọ nghiêm trọng. Lý do là vì xương sọ bị lún thường khó tự lành hơn.
Lún xương sọ không chỉ gây lõm đầu mà còn có thể gây tổn thương thêm cho não nếu tình trạng không được điều trị. Phẫu thuật cũng có thể cần thiết nếu xương sọ bị lún chèn lên não hoặc nếu bị chảy dịch não tủy.
Tiên lượng khi bị vỡ xương sọ
Vỡ xương sọ nhẹ có thể tự lành và không cần phẫu thuật, miễn là không bị tổn thương các cấu trúc khác như não.
Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng như đã nêu ở trên, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để đảm bảo xương sọ lành lại bình thường và phòng ngừa biến chứng.
Ngăn ngừa vỡ xương sọ
Vỡ xương sọ xảy ra do những tai nạn bất chợt nên rất khó phòng ngừa một cách tuyệt đối nhưnng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng các cách như:
- Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hoặc khi chơi các môn thể thao có thể xảy ra va đập ở vùng đầu như bóng chày, cưỡi ngựa
- Đội mũ bảo hộ lao động
Câu hỏi thường gặp
Vỡ xương sọ có nghiêm trọng không?
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng vỡ xương sọ phụ thuộc vào một số yếu tố như loại vỡ xương sọ và não có bị tổn thương hay không. Trong những trường hợp vỡ xương sọ nhẹ, bệnh nhân có thể chỉ cần nghỉ ngơi tại nhà, dùng thuốc giảm đau và chờ xương tự liền lại. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần phải phẫu thuật.
Vỡ xương sọ mất bao lâu để hồi phục?
Những trường hợp vỡ xương sọ nhẹ đều hồi phục. Nhưng nếu não bị tổn thương hoặc cần phải phẫu thuật để điều trị vỡ xương sọ thì có thể mất vài tuần đến vài tháng mới hồi phục hoàn toàn.
Trong những trường hợp bị chấn thương sọ não nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải tập vật lý trị liệu hoặc các liệu pháp phục hồi chức năng khác. Các yếu tố khác như tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể cũng ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy người bị lún xương sọ có khả năng hồi phục hoàn toàn cao hơn nếu tuổi còn trẻ, chỉ bị chấn thương nhẹ, được điều trị sớm và não không bị tổn thương hoặc chỉ bị tổn thương tối thiểu.
Vỡ xương sọ có gây tử vong không?
Hầu hết những trường hợp bị vỡ xương sọ đều sống sót. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh(CDC) Mỹ, 27% số ca chấn thương sọ não nghiêm trọng vào năm 2017 đã không qua khỏi.
Vỡ xương sọ có để lại di chứng gì về sau này không?
Nếu não bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân có thể sẽ gặp phải những thay đổi ngắn hạn hoặc dài hạn về thể chất và tinh thần và cần phải điều trị hoặc phục hồi chức năng. Những thay đổi này gồm có sự suy giảm các chức năng như nói, thị giác, thính giác hoặc vị giác. Bệnh nhân cũng có thể sẽ có những thay đổi về tính cách hoặc hành vi.
Tóm tắt bài viết
Vỡ xương sọ xảy ra khi đầu bị tác động một lực đủ mạnh khiến hộp sọ bị tổn hại. Có nhiều loại vỡ xương sọ, gồm vỡ kín, vỡ hở, lún xương sọ, vỡ xương nền sọ, vỡ xương sọ tuyến tính và vỡ xương sọ nhiều mảnh.
Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng như chảy máu, đau dữ dội, sưng đỏ hoặc bầm tím xung quanh vị trí chấn thương, hãy đi khám ngay lập tức. Vỡ xương sọ có thể được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng và các công cụ chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, CT và MRI.
Việc điều trị vỡ xương sọ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại vỡ xương sọ, não có bị ảnh hưởng hay không, tuổi tác, tình trạng sức khỏe và bệnh sử của bệnh nhân. Vỡ xương sọ nhẹ có thể chỉ cần nghỉ ngơi chờ xương tự lành lại nhưng vỡ xương sọ nghiêm trọng cần phải phẫu thuật.
Các cách giảm nguy cơ vỡ xương sọ gồm có đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hoặc khi chơi một số môn thể thao và thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô.
Những người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương được khuyến nghị đo mật độ xương 2 năm một lần. Phương pháp đo mật độ xương phổ biến nhất là DEXA nhưng ngoài ra còn một lựa chọn khác là QCT.
Loãng xương là tình trạng xảy ra khi mật độ xương bị giảm đáng kể. Điều này khiến xương trở nên yếu hơn và dễ gãy. Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn tuổi và có thể làm giảm chiều cao theo thời gian.
DEXA là phương pháp đo mật độ khoáng xương có độ chính xác cao giúp phát hiện tình trạng giảm mật độ xương. Mật độ xương thấp hơn mức bình thường của những người cùng độ tuổi có nghĩa là bạn có nguy cơ bị loãng xương và gãy xương.
Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Loãng xương là một tình trạng mạn tính có đặc trưng là sự giảm khối lượng và mật độ xương, điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương và nguy cơ sẽ tăng theo độ tuổi. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), những người có tiền sử gia đình bị loãng xương có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Phương pháp điều trị loãng xương thường gồm có dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng như vật lý trị liệu.