1

Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA

DEXA là phương pháp đo mật độ khoáng xương có độ chính xác cao giúp phát hiện tình trạng giảm mật độ xương. Mật độ xương thấp hơn mức bình thường của những người cùng độ tuổi có nghĩa là bạn có nguy cơ bị loãng xương và gãy xương.
Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA

DEXA là viết tắt của dual energy X-ray absorptiometry, có nghĩa là đo hấp thụ tia X năng lượng kép. Phương pháp này được đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế vào năm 1987. Máy DEXA chiếu hai chùm tia X ở các tần số năng lượng cực đại khác nhau tới xương cần kiểm tra.

Một chùm tia X được hấp thụ bởi mô mềm và chùm tia X còn lại được hấp thụ bởi xương. Lấy tổng lượng tia X hấp thụ trừ đi lượng tia X mà mô mềm hấp thụ sẽ ra mật độ khoáng xương.

DEXA hoàn toàn không xâm lấn, quá trình thực hiện đơn giản nhanh chóng và chính xác hơn so với chụp X-quang thông thường. Phương pháp này chỉ sử dụng lượng bức xạ cực thấp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định DEXA là kỹ thuật chính xác nhất để đánh giá mật độ khoáng xương ở phụ nữ sau mãn kinh. DEXA còn được gọi là DXA.

Mục đích của đo mật độ xương DEXA

DEXA được sử dụng để xác định nguy cơ loãng xương và gãy xương. Phương pháp này còn được sử dụng để theo dõi hiệu quả điều trị loãng xương. DEXA đa phần được sử dụng để đo mật độ xương ở phần dưới của cột sống và hông.

Trước khi có công nghệ DEXA, tình trạng xương được kiểm tra bằng phương pháp chụp X-quang thông thường. Phương pháp này chỉ có thể phát hiện tình trạng mất xương nếu mật độ khoáng xương giảm trên 40%. Trong khi đó, DEXA có thể đo mật độ xương chính xác trong khoảng 2 đến 4%.

Trước khi có DEXA, nhiều trường hợp loãng xương được phát hiện rất muộn, thậm chí chỉ được phát hiện khi người bệnh bị gãy xương.

Khi nào cần đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA?

Bác sĩ có thể yêu cầu đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA đối với:

  • phụ nữ trên 65 tuổi hoặc nam giới trên 70 tuổi (theo khuyến nghị của Tổ chức Loãng xương Quốc gia Hoa Kỳ và các nhóm y tế khác)
  • người có triệu chứng loãng xương
  • người bị gãy xương sau tuổi 50
  • nam giới từ 50 đến 59 tuổi hoặc phụ nữ dưới 65 tuổi đã mãn kinh có các yếu tố nguy cơ loãng xương

Các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương gồm có:

  • Sử dụng thuốc lá
  • Uống rượu
  • Sử dụng corticosteroid và một số loại thuốc khác
  • Chỉ số khối cơ thể (bmi) thấp
  • Mắc một số bệnh, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp
  • Ít hoạt động thể chất
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương
  • Từng bị gãy xương
  • Chiều cao giảm trên 2,5cm

Đo thành phần cơ thể

Một ứng dụng khác của DEXA là đo thành phần cơ thể (cơ và mỡ). DEXA có độ chính xác cao hơn nhiều so với phương pháp tính chỉ số khối cơ thể (BMI) truyền thống trong việc xác định lượng mỡ thừa. Hình ảnh tổng thể của cơ thể được sử dụng để đánh giá tiến trình giảm cân hoặc tăng khối cơ.

Chuẩn bị trước khi đo mật độ xương DEXA

DEXA là kỹ thuật không xâm lấn và không yêu cầu chuẩn bị gì đặc biệt, ngoại trừ việc bạn cần ngừng dùng thực phẩm chức năng bổ sung canxi trong vòng 24 giờ trước khi thực hiện.

Hãy mặc quần áo thoải mái. Tùy thuộc vào vùng cơ thể cần đo mật độ xương mà bạn có thể sẽ phải cởi bỏ quần áo có dây buộc, khóa kéo hoặc móc kim loại. Tốt nhất nên chọn trang phục không có những chi tiết này khi đi khám. Bạn cũng có thể sẽ phải tháo toàn bộ đồ trang sức cũng như các vật dụng bằng kim loại khác như chìa khóa. Bạn sẽ được phát áo choàng bệnh viện để mặc trong quá trình khám.

Hãy cho bác sĩ biết nếu gần đây bạn mới chụp CT sử dụng thuốc cản quang hoặc chụp X-quang sử dụng barium. Có thể bạn sẽ phải chờ vài ngày rồi mới tiến hành đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA.

Bạn cũng cần cho bác sĩ biết nếu như đang mang thai hoặc nghi ngờ minh có thai. Có thể bác sĩ sẽ đề nghị hoãn việc đo mật độ xương lại cho đến sau khi sinh hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa đặc biệt trước khi tiến hành đo.

Quá trình thực hiện

Máy DEXA gồm có một chiếc bàn có đệm phẳng. Bạn sẽ nằm ngửa trên bàn với hai chân duỗi thẳng hoặc đặt trên một khối vuông để giữ thẳng cột sống hoặc giữ cố định hông, giúp máy đo cho kết quả rõ nét hơn. Máy quét sẽ di chuyển chậm phía trên cũng như phía dưới cơ thể bạn và quét tia X qua khu vực cần đo mật độ xương. Hình ảnh từ hai máy quét sẽ được kết hợp và gửi đến máy tính để xử lý dữ liệu. Kỹ thuật viên sẽ theo dõi quá trình này trên màn hình máy tính. Do phương pháp này chỉ sử dụng lượng bức xạ rất thấp nên kỹ thuật viên không cần phải sang phòng khác giống như chụp CT hay MRI.

Toàn bộ quá trình thực hiện chỉ mất một vài phút. Bạn sẽ phải nằm yên trong suốt quá trình và đôi khi có thể phải nín thở theo yêu cầu của kỹ thuật viên.

Ý nghĩa kết quả đo mật độ xương

Phương pháp DEXA cho kết quả dưới dạng T-score (điểm T). T-score so sánh mật độ khoáng xương của người bệnh với mật độ khoáng xương của một người trưởng thành trẻ tuổi khỏe mạnh theo các tiêu chuẩn do WHO thiết lập, hay nói cách khác T-score là độ lệch chuẩn giữa mật độ xương đo được và mức trung bình.

Ý nghĩa các mức T-score như sau:

  • -1 trở lên là mật độ xương bình thường.
  • Từ -1,1 đến -2,4: mật độ xương thấp hay thiếu xương (mặc dù chưa đến mức loãng xương nhưng tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ gãy xương và có thể tiến triển thành loãng xơng)
  • Từ -2,5 trở xuống: mật độ xương rất thấp (loãng xương), nguy cơ gãy xương cao.

Phương pháp DEXA còn cho kết quả dưới dạng Z-score (điểm Z), so sánh mật độ xương của người bệnh với mật độ xương của những người cùng độ tuổi.

Điểm T là thước đo nguy cơ tương đối chứ không dự đoán được chính xác nguy cơ gãy xương.

Dựa trên kết quả đo mật độ xương, bác sĩ sẽ cho biết có cần điều trị hay không và nếu có thì điều trị bằng cách nào. Có thể bạn sẽ phải đo mật độ xương một lần nữa sau hai năm để theo dõi sự thay đổi về mật độ xương.

Lợi ích và rủi ro của phương pháp đo mật độ xương DEXA

Lợi ích

  • Phương pháp DEXA sử dụng lượng bức xạ rất nhỏ, ít hơn 1/10 liều bức xạ trong phương pháp chụp X-quang tiêu chuẩn và thấp hơn lượng bức xạ tự nhiên mà một người tiếp xúc trong một ngày.
  • Là kỹ thuật chính xác nhất hiện nay để chẩn đoán loãng xương và đánh giá nguy cơ gãy xương.
  • Quy trình thực hiện đơn giản, nhanh chóng và hoàn toàn không xâm lấn.
  • Giúp theo dõi hiệu quả điều trị loãng xương.

Rủi ro

  • Sử dụng tia X, có nghĩa là người bệnh phải tiếp xúc với bức xạ, tuy rằng liều lượng chỉ rất nhỏ.
  • Không phù hợp với phụ nữ mang thai

Những hạn chế của kỹ thuật đo mật độ xương DEXA

  • Không thể dự đoán chính xác nguy cơ gãy xương.
  • Không phù hợp với những người bị biến dạng cột sống hoặc đã từng phẫu thuật cột sống.
  • Viêm xương khớp hay gãy nén đốt sống có thể gây ảnh hưởng đến kết quả đo. Trong những trường hợp này, chụp CT là lựa chọn phù hợp hơn.
  • Nên đo mật độ xương DEXA tại cùng một cơ sở y tế và cùng một máy vì các dòng máy khác nhau có ra kết quả khác nhau.

Điều trị loãng xương

Nếu kết quả đo mật độ xương cho thấy tình trạng loãng xương hoặc thiếu xương, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn quá trình mất xương và bảo vệ sức khỏe xương.

Nếu mới bị loãng xương nhẹ thì có thể chỉ cần hay đổi lối sống, ví dụ như giảm cân nếu thừa cân, tập các bài tập giữ thăng bằng, bài tập kháng lực, điều chỉnh chế độ ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...

Có thể bạn sẽ phải làm xét nghiêm máu kiểm tra mức vitamin D hoặc canxi. Nếu kết quả xét nghiệm ở mức thấp, bạn sẽ cần tăng lượng vitamin D hoặc canxi trong chế độ ăn hoặc dùng thực phẩm chức năng để bổ sung.

Trong trường hợp bị loãng xương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê thuốc để cải thiện mật độ xương và phòng ngừa gãy xương.

Mặc dù loãng xương là tình trạng không thể đảo ngược nhưng thay đổi lối sống và dùng thuốc sẽ giúp làm chậm sự tốc độ mất thương và duy trì sức khỏe xương về lâu dài.

Biến chứng của loãng xương

Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương. Theo Tổ chức Loãng xương Quốc gia Hoa Kỳ (National Osteoporosis Foundation - NOF), các nghiên cứu cho thấy 50% phụ nữ và 25% nam giới trên 50 tuổi bị gãy xương do loãng xương. (1) Khi có tuổi, do khả năng hồi phục xương kém đi nên xương sẽ rất lâu liền lại sau khi bị gãy. Loãng xương và gãy xương sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động và thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Câu hỏi về đo mật độ xương DEXA

Nên đo mật độ xương DEXA bao nhiêu lần một năm?

Nói chung, những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên đo mật độ xương cách 2 năm một lần hoặc thường xuyên hơn nếu bác sĩ yêu cầu. Tần suất đo mật độ xương này là cần thiết để phát hiện các thay đổi về mật độ xương. Những người sử dụng thuốc steroid liều cao có thể phải đo mật độ xương thường xuyên hơn (mỗi 6 tháng một lần).

Đo mật độ xương DEXA có đau không?

Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA hoàn toàn không xâm lấn và bạn sẽ không cảm nhận thấy gì khi tia X quét qua cơ thể bạn. Mặc dù bạn sẽ phải nằm bất động trong quá trình đo và điều này có thể sẽ hơi không thoải mái nhưng bạn chỉ cần giữ tư thế này trong một khoảng thời gian ngắn.

Đo mật độ xương DEXA chính xác đến đâu?

DEXA có độ chính xác rất cao và là phương pháp đo mật độ xương được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp DEXA được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán loãng xương và đánh giá nguy cơ gãy xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Vỡ xương sọ: Dấu hiệu và các phương pháp điều trị
Vỡ xương sọ: Dấu hiệu và các phương pháp điều trị

Vỡ xương sọ xảy ra khi có một lực tác động mạnh khiến xương sọ (hộp sọ) bị nứt, lún hoặc vỡ. Một số trường hợp vỡ xương sọ tự lành mà không cần can thiệp điều trị nhưng nếu tổn thương đến não hoặc cần phẫu thuật thì quá trình hồi phục có thể mất vài tuần cho đến vài tháng.

Các phương pháp điều trị loãng xương
Các phương pháp điều trị loãng xương

Loãng xương là tình trạng mật độ xương suy giảm do tốc độ phân hủy xương nhanh hơn tốc độ tái tạo xương mới. Phương pháp điều trị thường là dùng thuốc kết hợp thay đổi lối sống. Mục đích chính của việc điều trị là ngăn ngừa mất xương thêm và giảm nguy cơ gãy xương.

Điều trị loãng xương bằng vật lý trị liệu
Điều trị loãng xương bằng vật lý trị liệu

Loãng xương là một tình trạng mạn tính có đặc trưng là sự giảm khối lượng và mật độ xương, điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương và nguy cơ sẽ tăng theo độ tuổi. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), những người có tiền sử gia đình bị loãng xương có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Phương pháp điều trị loãng xương thường gồm có dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống cũng như vật lý trị liệu.

Điều trị bệnh loãng xương bằng tế bào gốc
Điều trị bệnh loãng xương bằng tế bào gốc

Bệnh loãng xương hiện được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống. Ngoài ra còn các phương pháp điều trị khác hiện đang được nghiên cứu, một trong số đó là liệu pháp tế bào gốc. Mặc dù các nghiên cứu trên động vật cho kết quả đầy hứa hẹn về hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị chứng loãng xương nhưng dữ liệu nghiên cứu trên người lại rất hạn chế.

Loãng xương do glucocorticoid điều trị bằng cách nào?
Loãng xương do glucocorticoid điều trị bằng cách nào?

Dùng các loại glucocorticoid như prednisone có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Dạng loãng xương này được gọi là loãng xương do glucocorticoid. Mặc dù điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giúp làm giảm nguy cơ loãng xương nhưng cũng có thể cần giảm liều glucocorticoid hoặc đổi thuốc khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây