Các phương pháp chẩn đoán loãng xương
Các phương pháp chẩn đoán loãng xương
Quá trình chẩn đoán loãng xương gồm nhiều bước. Bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng nguy cơ mắc bệnh loãng xương cũng như nguy cơ gãy xương của người bệnh. Các phương pháp chẩn đoán loãng xương gồm có:
Khai thác bệnh sử và hỏi về triệu chứng
Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các yếu tố nguy cơ loãng xương. Ví dụ, có một người thân trong gia đình bị loãng xương sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương. Các yếu tố về lối sống, gồm có chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, thói quen uống rượu bia và hút thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các bệnh lý mà người bệnh đang mắc cũng như các loại thuốc người bệnh đang dùng. Các triệu chứng của bệnh loãng xương mà bác sĩ có thể sẽ hỏi gồm có tiền sử gãy xương, đau lưng, giảm chiều cao theo thời gian, thay đổi tư thế (ví dụ như bị gù lưng) hoặc gặp khó khăn khi đứng dậy.
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ đo chiều cao của người bệnh và so sánh với chiều cao trước đó. Giảm chiều cao có thể là dấu hiệu của chứng loãng xương. Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm máu để đo nồng độ vitamin D, canxi và đánh giá mức độ chuyển hóa tổng thể của xương. Mức độ chuyển hóa có thể tăng lên khi bị loãng xương.
Đo mật độ xương
Nếu bác sĩ xác định người bệnh có nguy cơ bị loãng xương thì sẽ phải tiến hành đo mật độ xương. Phương pháp đo mật độ xương được sử dụng phổ biến nhất là DEXA hay đo hấp thụ tia X năng lượng kép (dual energy X-ray absorptiometry). Đây là một phương pháp nhanh chóng, không xâm lấn, sử dụng tia X để đo mật độ xương và đánh giá nguy cơ gãy xương.
Xét nghiệm máu và nước tiểu
Nhiều bệnh lý có thể làm giảm mật độ xương, ví dụ như bệnh về tuyến cận giáp và tuyến giáp. Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu và nước tiểu để loại trừ những bệnh lý này. Xét nghiệm được thực hiện nhằm kiểm tra nồng độ canxi, chức năng tuyến giáp và nồng độ testosterone ở nam giới.
Quy trình đo mật độ xương
DEXA là phương pháp tiêu chuẩn để đo mật độ xương và đánh giá nguy cơ mắc bệnh loãng xương. DEXA hoàn toàn không xâm lấn, không gây đau đớn, sử dụng tia X để đo mật độ khoáng chất trong xương.
Có hai loại máy đo DEXA: máy đo trung tâm và máy đo ngoại biên. Các bệnh viện và phòng khám chủ yếu sử dụng máy đo trung tâm. Đây là một thiết bị cố định. Người bệnh nằm trên bàn trong khi máy chạy qua ở bên trên cơ thể người bệnh để đo mật độ xương hông và cột sống.
Máy đo ngoại biên là thiết bị di động, có kích thước nhỏ hơn máy đo trung tâm. Loại máy này được sử dụng để đo mật độ xương ở những khu vực nhỏ hơn như bàn chân hoặc cánh tay.
Quá trình đo mật độ xương mất từ 10 đến 30 phút. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện thêm phương pháp đánh giá cột sống bên (lateral vertebral assessment - LVA). Đau lưng là triệu chứng thường gặp của chứng loãng xương và gãy xương sống do loãng xương. LVA được thực hiện nhằm phân biệt đau lưng liên quan đến loãng xương và đau lưng do nguyên nhân khác. LVA sử dụng máy DEXA để kiểm tra xem người bệnh có bị gãy xương sống hay không. Lợi ích và sự cần thiết của phương pháp này trong chẩn đoán và theo dõi bệnh loãng xương vẫn còn gây tranh cãi.
Kết quả DEXA gồm có hai chỉ số là T-score và Z-score. T-score so sánh mật độ xương của người bệnh với mật độ xương của một người trẻ tuổi cùng giới tính. T-score được chia thành 3 mức như sau:
- Trên -1: mật độ xương bình thường
- -1 đến -2,5: mật độ xương thấp (được gọi là thiếu xương, tình trạng có thể dẫn đến loãng xương)
- Dưới -2,5: Loãng xương
Z-score so sánh mật độ khoáng xương của một người với mật độ khoáng xương của những người cùng độ tuổi, giới tính và chiều cao, cân nặng. Z-score dưới -2 có nghĩa là mật độ khoáng xương giảm do một nguyên nhân khác không phải sự lão hóa tự nhiên. Cần thực hiện thêm các phương pháp kiểm tra khác để xác định nguyên nhân.
Những phương pháp này không chỉ ra chính xác bệnh loãng xương hay gãy xương nhưng sẽ giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ của người bệnh. Những phương pháp này cũng được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả điều trị.
Rủi ro của các phương pháp chẩn đoán loãng xương
DEXA hoàn toàn không xâm lấn và không gây đau đớn. Tuy nhiên, do phương pháp này sử dụng tia X nên người bệnh sẽ tiếp xúc với một lượng nhỏ bức xạ. Theo nghiên cứu, mức độ tiếp xúc với bức xạ của DEXA chỉ bằng 1/10 so với chụp X-quang truyền thống.
Mặc dù vậy nhưng phụ nữ đang mang thai vẫn không nên đo mật độ xương bằng phương pháp này.
Chuẩn bị trước khi đo mật độ xương
Người bệnh không cần phải nhịn ăn hay chuẩn bị bất cứ điều gì đặc biệt trước khi đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA. Tuy nhiên, nếu đang uống bổ sung canxi, người bệnh có thể cần tạm ngừng một vài ngày trước khi đi khám.
Nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ bản thân đang mang thai, người bệnh cần cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp chẩn đoán khác an toàn hơn hoặc đề nghị hoãn đo mật độ xương cho đến khi sinh xong.
Cần làm gì khi được chẩn đoán loãng xương?
Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả đo mật độ xương để đưa ra khuyến nghị điều trị cho những người bị loãng xương hay thiếu xương. Nếu tình trạng nhẹ thì có thể chỉ cần thay đổi lối sống, còn nếu nặng hơn thì sẽ cần dùng thuốc.
Theo Hiệp hội Thấp khớp Hoa Kỳ (American College of Rheumatology), những người có điểm số mật độ xương thấp có thể cần thực hiện thêm phương pháp đánh giá nguy cơ gãy xương (fracture risk assessment - FRAX). Phương pháp này cũng cho kết quả dưới dạng điểm số, giúp dự đoán nguy cơ gãy xương trong vòng 10 năm tới. Bác sĩ sử dụng điểm FRAX và kết quả đo mật độ khoáng xương để đề xuất phương pháp điều trị cho người bệnh.
Điểm số ở mức thấp không có nghĩa là người bệnh sẽ tiến triển từ tình trạng thiếu xương sang loãng xương hoặc bị gãy xương. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là người bệnh nên bắt đầu thực hiện các biện pháp để cải thiện tình trạng xương và giảm nguy cơ gãy xương, ví dụ như:
- Tăng lượng canxi trong chế độ ăn uống
- Uống thuốc
- Bỏ thuốc lá
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa té ngã
DEXA là phương pháp đo mật độ khoáng xương có độ chính xác cao giúp phát hiện tình trạng giảm mật độ xương. Mật độ xương thấp hơn mức bình thường của những người cùng độ tuổi có nghĩa là bạn có nguy cơ bị loãng xương và gãy xương.
Mắc các chứng rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhưng có nhiều cách để cải thiện sức khỏe xương.
Vỡ xương sọ xảy ra khi có một lực tác động mạnh khiến xương sọ (hộp sọ) bị nứt, lún hoặc vỡ. Một số trường hợp vỡ xương sọ tự lành mà không cần can thiệp điều trị nhưng nếu tổn thương đến não hoặc cần phẫu thuật thì quá trình hồi phục có thể mất vài tuần cho đến vài tháng.
Loãng xương chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ nhưng tỷ lệ loãng xương ở nam giới và phụ nữ trẻ ngày càng gia tăng.
Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.