1

Chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ loãng xương

Mắc các chứng rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhưng có nhiều cách để cải thiện sức khỏe xương.
Chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ loãng xương Chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ loãng xương

Những người mắc chứng chán ăn thường không ăn đủ lượng chất dinh dưỡng mà cơ thể cần và điều này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, trong đó có cả bệnh loãng xương.

Loãng xương xảy ra khi mật độ và khối lượng xương giảm, điều này khiến xương giảm độ chắc khỏe và dễ gãy.

Theo một nghiên cứu vào năm 2019, 20 đến 30% số người mắc chứng chán ăn bị loãng xương và 50 đến 90% bị thiếu xương. (1)

Thiếu xương là tình trạng mật độ xương thấp hơn bình thường nhưng chưa đến mức loãng xương. Nếu không được điều trị, thiếu xương sẽ dẫn đến loãng xương.

Tại sao chán ăn gây ra hoặc làm tăng nguy cơ loãng xương?

Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng chất trong xương suy giảm, khiến xương trở nên xốp và yếu đi. Đây là một tình trạng phổ biến. Ước tính có hàng trăm triệu người trên thế giới bị loãng xương.

Trong suốt cuộc đời, cơ thể liên tục phân hủy các tế bào xương cũ và thay thế bằng các tế bào xương mới.

Đôi khi, cơ thể phân hủy các tế bào xương cũ quá nhanh hoặc tạo ra bào xương mới quá chậm, điều này khiến xương phát triển kém và giảm mật độ, tức là chứng loãng xương.

Có một số lý do mà chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ hoặc gây ra bệnh loãng xương:

  • Thiếu dinh dưỡng: Những người mắc chứng chán ăn thường bị thiếu hụt dinh dưỡng và điều này có nghĩa là xương không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
  • Nồng độ estrogen thấp: Estrogen là hormone đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xương. Những người mắc chứng chán ăn thường có nồng độ estrogen thấp hơn bình thường.
  • Mật độ cơ thấp: Khi cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, khối lượng và sức mạnh của cơ sẽ giảm. Mật độ cơ thấp làm tăng nguy cơ loãng xương vì lực cơ kích thích xương, giúp xương chắc khỏe.
  • Nồng độ cortisol cao: Những người mắc chứng chán ăn thường có nồng độ hormone cortisol cao hơn bình thường. Nồng độ cortisol cao làm tăng tốc độ tái hấp thu xương của cơ thể và điều này có thể dẫn đến loãng xương.
  • Nồng độ yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1) thấp: IGF-1 đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương ở tuổi dậy thì và tiếp tục hỗ trợ sức khỏe xương trong suốt cuộc đời.

Theo Hiệp hội Loãng xương Hoàng gia Anh Quốc (Royal Osteoporosis Society), chứng chán ăn thường xảy ra ở tuổi thiếu niên hoặc đầu độ tuổi trưởng thành mà đây lại là những giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển xương. (2)

Mật độ xương thường đạt đỉnh vào gần cuối độ tuổi 20 và sau đó mật độ xương giảm dần theo thời gian.

Nếu xương không thể phát triển tối đa khi còn trẻ thì xương sẽ yếu hơn bình thường và điều này làm tăng nguy cơ loãng xương sau này.

Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác của bệnh loãng xương

Yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh loãng xương là tuổi tác. Khi có tuổi, cơ thể phân hủy tế bào xương nhanh hơn tốc độ tạo xương mới. Sự mất cân bằng này khiến xương dần bị giảm mật độ và không còn rắn chắc như trước.

Mãn kinh cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương vì trong thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen trong cơ thể suy giảm. Estrogen là hormone điều hòa sự phân hủy và tái tạo xương. Thiếu estrogen khiến cơ thể phân hủy xương nhanh hơn tốc độ tạo mới.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác làm tăng nguy cơ loãng xương như:

  • Lối sống ít vận động
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương
  • Khung xương nhỏ
  • Bệnh cường giáp
  • Thiếu cân
  • Thiếu dinh dưỡng
  • Hút thuốc lá
  • Uống quá nhiều rượu

Mặc dù một số yếu tố nguy cơ là không thể kiểm soát, chẳng hạn như tuổi tác và giới tính nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ loãng xương bằng cách thực hiện một số thay đổi, ví dụ như tăng cường hoạt động thể chất, cai thuốc lá và điều trị các bệnh lý ảnh hưởng đến xương.

Phòng ngừa loãng xương khi mắc chứng chán ăn

Cách tốt nhất để phòng ngừa loãng xương liên quan đến chứng chán ăn là điều trị tình trạng chán ăn. Nhưng nếu chưa thể điều trị thì vẫn có nhiều cách để giảm thiểu những tác động tiêu cực của tình trạng này đến cơ thể.

Một số cách giúp giảm nguy cơ loãng xương khi bị chứng chán ăn:

  • Uống bổ sung canxi và vitamin D: Mặc dù tốt nhất vẫn nên bổ sung các chất dinh dưỡng từ thực phẩm tự nhiên nhưng nếu chế độ ăn uống không thể cung cấp đủ dưỡng chất thì dùng thực phẩm chức năng là một giải pháp cần thiết. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.
  • Ăn các món dạng lỏng: Nếu gặp khó khăn khi ăn thức ăn dạng rắn, người bệnh có thể thử chuyển sang các món dạng lỏng và sinh tố protein (protein shake). Protein là chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức mạnh của cơ và xương.
  • Tập thể dục vừa phải: Ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương nhưng tập thể dục quá mức cũng có hại cho xương. Tốt nhất nên tập thể dục cường độ vừa phải vài lần một tuần.
  • Chọn bài tập phù hợp: Các bài tập chịu sức nặng như đi bộ có thể giúp phòng ngừa loãng xương nhưng nên chọn những bài tập ít gây áp lực lên khớp. Luôn khởi động kỹ trước khi tập. Tránh các môn thể thao và bài tập có nguy cơ va đập và té ngã cao.
  • Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu: Hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Nên đi khám khi có các dấu hiệu chán ăn. Nếu đúng là mắc chứng rối loạn này, bác sĩ sẽ tư vấn các cách giúp giữ cho xương chắc khỏe và giảm nguy cơ loãng xương.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám nếu nghi ngờ bản thân bị chứng biếng ăn hay các dạng rối loạn ăn uống khác.

Có một số dấu hiệu cho thấy bạn cần khám sàng lọc bệnh loãng xương. Bác sĩ sẽ yêu cầu đo mật độ xương để kiểm tra xem bạn có mắc bệnh này hay không.

Những dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo loãng xương gồm có:

  • Vô kinh (mất kinh nguyệt) và không rụng trứng: Nếu hàng tháng bạn vẫn có kinh nguyệt bình thường nhưng đột nhiên bị mất kinh nguyệt và không rụng trứng thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy nồng độ estrogen thấp. Vì estrogen có liên quan trực tiếp đến sức khỏe xương nên những dấu hiệu này có thể chỉ ra rằng bạn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
  • Triệu chứng của testosterone thấp: Ở nam giới, thiếu testosterone có thể làm giảm mật độ xương. Hãy để ý đến các triệu chứng thiếu testosterone, chẳng hạn như mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục và bốc hỏa.
  • Móng yếu, dễ gãy hoặc tụt nướu: Những thay đổi này về móng và nướu có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh loãng xương, mặc dù cũng có thể là do nhiều nguyên nhân khác gây ra.

Khi tình trạng loãng xương trở nên nghiêm trọng, các triệu chứng rõ ràng hơn sẽ xuất hiện, ví dụ như:

  • Đau lưng hoặc cổ: Loãng xương có thể gây gãy nén đốt sống và tình trạng này sẽ gây đau lưng hoặc cổ.
  • Dễ gãy xương: Một dấu hiệu của bệnh loãng xương là xương dễ gãy. Khi bị loãng xương nghiêm trọng, xương có thể bị gãy khi ngã, va đập nhẹ hoặc thậm chí khi thực hiện các chuyển động bình thường hàng ngày.
  • Giảm chiều cao: Gãy nén đốt sống ở lưng khiến cột sống ngắn đi và dẫn đến giảm chiều cao.
  • Gù lưng: Gãy nén đốt sống có thể dẫn đến gù lưng, đau lưng và cổ. Gãy nén đốt sống còn có thể chèn ép lên phổi và phế quản, gây khó thở.

Câu hỏi thường gặp

Bệnh loãng xương có phổ biến ở người bị chứng chán ăn không?

Nghiên cứu cho thấy 20% đến 30% số người mắc chứng chán ăn bị loãng xương và 50 đến 90% người mắc chứng rối loạn ăn uống này bị thiếu xương, tức là mật độ xương thấp hơn bình thường.

Mắc chứng chán ăn bao lâu sẽ bị loãng xương?

Mật độ xương phụ thuộc vào độ tuổi, lối sống và các yếu tố khác nên thời điểm bị loãng xương do chứng chán ăn ở mỗi người là khác nhau.

Theo một nghiên cứu, tình trạng giảm mật độ xương có thể bắt đầu xảy ra chỉ sau 6 tháng mắc chứng chán ăn tâm thần. (3)

Loãng xương do chứng chán ăn có đảo ngược được không?

Loãng xương là bệnh không thể đảo ngược hay chữa khỏi được nhưng trong một nghiên cứu trường hợp trên một người bị loãng xương do chán ăn, các triệu chứng loãng xương đã cải thiện nhờ dùng thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng và thay đổi lối sống.

Ở những người bị loãng xương do chứng chán ăn, việc bước vào giai đoạn hồi phục có thể ngăn chặn sự giảm mật độ xương, đặc biệt là khi đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.

Thực hiện các thay đổi lối sống như ăn uống đủ chất và tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải có thể giúp ngăn xương tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy mật độ và khối lượng xương có thể tiếp tục giảm ngay cả khi đã tăng cân trở lại.

Tóm tắt bài viết

Chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, tình trạng mật độ xương suy giảm, khiến xương trở nên yếu và dễ gãy. Những người mắc chứng chán ăn có thể bị thiếu dinh dưỡng, mất cân bằng nội tiết tố và giảm mật độ cơ. Những yếu tố này đều có thể dẫn đến bệnh loãng xương.

Bước vào quá trình phục hồi chứng rối loạn ăn uống và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương. Một số thay đổi lối sống, chẳng hạn như cai thuốc lá, hạn chế uống rượu, tập thể dục thường xuyên và dùng thực phẩm chức năng đúng cách cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các phương pháp chẩn đoán loãng xương
Các phương pháp chẩn đoán loãng xương

Loãng xương là tình trạng xảy ra khi mật độ xương bị giảm đáng kể. Điều này khiến xương trở nên yếu hơn và dễ gãy. Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn tuổi và có thể làm giảm chiều cao theo thời gian.

Người bị loãng xương có nguy cơ gãy những xương nào?
Người bị loãng xương có nguy cơ gãy những xương nào?

Loãng xương khiến xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy hơn. Các xương có nguy cơ bị gãy cao nhất là xương hông, cổ tay và cột sống. Gãy những xương này cần được điều trị đặc biệt.

Các triệu chứng của bệnh loãng xương
Các triệu chứng của bệnh loãng xương

Tụt nướu, lực nắm tay yếu và đau cổ hoặc lưng là các triệu chứng của bệnh loãng xương. Bạn nên đi khám khi gặp các triệu chứng này. Đo mật độ xương sẽ giúp đánh giá tình trạng xương và cho biết bạn có bị loãng xương hay không.

Fluor (fluoride) có tác dụng phòng ngừa hoặc điều trị chứng loãng xương?
Fluor (fluoride) có tác dụng phòng ngừa hoặc điều trị chứng loãng xương?

Bệnh loãng xương hiện chưa có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một số loại khoáng chất có thể giúp cải thiện sức khỏe xương, một trong số đó là fluor (fluoride). Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu liệu bổ sung fluor có giúp điều trị hay phòng ngừa bệnh loãng xương hay không.

Giải đáp các thắc mắc thường gặp về chứng loãng xương sau mãn kinh
Giải đáp các thắc mắc thường gặp về chứng loãng xương sau mãn kinh

Loãng xương là một vấn đề khá phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh. Theo ước tính, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi lại có một người bị loãng xương và càng có tuổi thì nguy cơ loãng xương càng tăng cao.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây