1

Giải đáp các thắc mắc thường gặp về chứng loãng xương sau mãn kinh

Loãng xương là một vấn đề khá phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh. Theo ước tính, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi lại có một người bị loãng xương và càng có tuổi thì nguy cơ loãng xương càng tăng cao.
Giải đáp các thắc mắc thường gặp về chứng loãng xương sau mãn kinh Giải đáp các thắc mắc thường gặp về chứng loãng xương sau mãn kinh

Mãn kinh là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa ở phụ nữ, xảy ra do sự suy giảm chức năng của buồng trứng, khiến cơ thể phụ nữ không còn diễn ra chu kỳ kinh nguyệt và không còn khả năng sinh sản. Ngoài ra, mãn kinh còn gây ra sự thay đổi ở những bộ phận khác của cơ thể, trong đó có xương. Độ tuổi mãn kinh trung bình là từ 45 đến 55 tuổi.

Có một số lý do tại sao phụ nữ lại có nguy cơ cao bị loãng xương sau khi mãn kinh. Thứ nhất, khi có tuổi, tốc độ tạo xương mới sẽ chậm lại và không theo kịp tốc độ mất xương. Thứ hai, nồng độ estrogen trong cơ thể sụt giảm mạnh sau mãn kinh mà estrogen lại là hormone rất cần thiết để giữ cho xương chắc khỏe.

Chứng loãng xương sau mãn kinh có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Xương bị giảm mật độ sẽ trở nên suy yếu và dễ gãy, dẫn đến vận động khó khăn, giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí còn tăng nguy cơ tử vong.

Mặc dù mãn kinh là điều không thể tránh khỏi nhưng có nhiều cách để cải thiện sức khỏe xương, giảm nguy cơ loãng xương hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ gãy xương.

Bài viết dưới đây sẽ giải đáp một số thắc mắc thường gặp về chứng loãng xương sau mãn kinh, qua đó giúp phụ nữ biết cách phòng ngừa và kiểm soát tình trạng này.

1. Có nên sử dụng liệu pháp hormone thay thế để phòng ngừa loãng xương không?

Liệu pháp hormone thay thế chỉ gồm estrogen hoặc estrogen kết hợp với progesterone thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi nhưng ngoài ra cũng giúp phòng ngừa tình trạng giảm mật độ xương.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế. Liệu pháp hormone thay thế có thể làm tăng nguy cơ:

  • Cục máu đông
  • Nhồi máu cơ tim và đột quỵ
  • Ung thư vú
  • Bệnh túi mật

Nên đi khám và trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng liệu pháp hormone thay thế. Dựa trên tình trạng cá nhân, bác sĩ sẽ cho biết liệu pháp hormone thay thế có phù hợp với bạn hay không và giải thích những lợi ích cũng như rủi ro của liệu pháp này.

2. Làm cách nào để ngăn bệnh loãng xương trở nên trầm trọng hơn?

Có nhiều cách để làm chậm sự tiến triển của bệnh loãng xương và bảo vệ xương:

  • Tăng cường hoạt động thể chất: Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn với các bài tập thân thiện và có lợi cho bệnh loãng xương, gồm có tập luyện kháng lực, các bài tập giữ thăng bằng và bài tập chịu sức nặng. Những hình thức tập luyện này giúp giữ cho xương chắc khỏe và giảm nguy cơ té ngã.
  • Bổ sung đủ canxi: Phụ nữ từ 51 tuổi trở lên cần khoảng 1.200 miligam (mg) canxi mỗi ngày. Khi chế độ ăn uống không cung cấp đủ canxi, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương và điều này làm xương bị giảm mật dộ và trở nên suy yếu. Do đó, cần bổ sung đủ canxi mỗi ngày. Canxi có trong nhiều loại thực phẩm như sữa tươi, phô mai, sữa chua, rau màu xanh đậm, đậu nành và các sản phẩm được bổ sung canxi như bột ngũ cốc, sữa hạt, nước ép. Ăn các loại thực phẩm này hàng ngày sẽ giúp đáp ứng lượng canxi khuyến nghị. Nếu chế độ ăn không có đủ canxi thì cần dùng thực phẩm chức năng để bổ sung.
  • Bổ sung đủ vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi từ thực phẩm, vì vậy bổ sung đủ vitamin D là điều cần thiết để tránh bị thiếu hụt canxi. Phụ nữ từ 70 tuổi trở xuống cần khoảng 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày, trong khi những người từ 71 tuổi trở lên cần 800 IU vitamin D mỗi ngày. (1, Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng từ 10 đến 15 phút mỗi ngày vào khung giờ 9 – 10h sáng hoặc 3 - 4h chiều sẽ giúp cơ thể tự tổng hợp đủ lượng vitamin D cần thiết. Vitamin D còn có trong một số loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ và lòng đỏ trứng.
  • Không hút thuốc: Sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá dạng hút có thể gây giảm mật độ xương, tăng nguy cơ gãy xương và cản trở quá trình liền xương khi bị gãy. Những người hút thuốc nên cố gắng cai càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương.
  • Hạn chế uống rượu: Uống nhiều rượu cũng gây hại cho xương. Say rượu còn làm tăng nguy cơ té ngã và có thể dẫn đến gãy xương. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo phụ nữ không nên uống quá một đơn vị cồn (10g cồn nguyên chất) mỗi ngày.

3. Người bị loãng xương cần tránh những hoạt động nào?

Mặc dù tích cực hoạt động thể chất là một phần quan trọng để duy trì sức khỏe tốt nhưng người có xương yếu cần tránh một số hoạt động nhất định, ví dụ như những bài tập cần gập, vặn người, hay uốn cong lưng. Các bài tập gây tác động mạnh lên xương cũng có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người bị loãng xương cần tránh tập thể dục. Lựa chọn bài tập phù hợp sẽ giúp giữ an toàn và đồng thời mang lại lợi ích cho sức khỏe xương. Các bài tập chịu sức nặng và tăng khối cơ rất hữu ích trong việc củng cố mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Một số hình thức tập luyện như yoga hoặc thái cực quyền có thể giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng, nhờ đó giảm nguy cơ té ngã.

Người bệnh nên sử dụng thiết bị hỗ trợ khi thực hiện một số hoạt động nhất định để giảm nguy cơ té ngã, chấn thương và gãy xương. Ví dụ, nên mang giày chống trơn và gậy leo núi khi đi bộ đường dài. Ngoài ra, cần tránh những con đường dốc và có rêu trơn trượt.

>>> Những bài tập có lợi với người bị loãng xương

>>> Những bài tập mà người bị loãng xương nên tránh

4. Làm thế nào để giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương?

Loãng xương khiến xương yếu đi và dễ gãy hơn khi bị ngã hoặc va đập. Nếu cảm thấy bản thân đi lại không vững, người bị loãng xương nên sử dụng thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như gậy chống hoặc khung tập đi để tăng sự vững vàng và tránh té ngã.

Người bệnh có thể cần dùng thuốc để cải thiện tình trạng xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Các cách khác để phòng tránh té ngã gồm có:

  • Lắp tay vịn ở một số vị trí trong nhà, chẳng hạn như nhà tắm
  • Mang dép chống trơn
  • Loại bỏ các vật cản trên đường đi
  • Cố định dây điện vào chân tường
  • Bỏ thảm trải sàn
  • Lắp đèn để nhà luôn đủ ánh sáng

5. Các bệnh lý khác hoặc thuốc có làm cho bệnh loãng xương nặng thêm không?

Có một số bệnh lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe xương và làm tăng nguy cơ loãng xương hoặc khiến tình trạng loãng xương nặng thêm, ví dụ như:

  • Viêm khớp dạng thấp
  • Đái tháo đường
  • Hội chứng Cushing
  • Bệnh viêm ruột
  • Bệnh celiac hay không dung nạp gluten
  • Suy thận hoặc suy gan mạn tính
  • Rối loạn ăn uống

Một số loại thuốc có thể gây giảm mật độ xương gồm có:

  • Thuốc ức chế aromatase
  • Thuốc hormone tuyến giáp
  • Thuốc ức chế miễn dịch
  • Glucocorticoid
  • Thuốc chống co giật động kinh

6. Có những phương pháp nào để điều trị loãng xương?

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh loãng xương nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp bảo vệ và củng cố xương, gồm có:

  • Bisphosphonate: Nhóm thuốc chính để điều trị loãng xương, giúp cải thiện mật độ xương.
  • Thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERM): Những loại thuốc này bắt chước tác dụng của estrogen trong cơ thể và giúp làm chậm quá trình mất xương sau mãn kinh.
  • Liệu pháp hormone thay thế: Được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh cũng như loãng xương sau mãn kinh.
  • Hormone tuyến cận giáp, gồm có teriparatide và abaloparatide: Những loại thuốc này có dạng tiêm, giúp cơ thể tạo xương mới và giảm nguy cơ gãy xương.
  • Denosumab: Dùng cho phụ nữ đã mãn kinh và có nguy cơ gãy xương cao.
  • Calcitonin: Một loại hormone được sản xuất bởi tuyến giáp, giúp điều hòa nồng độ canxi trong máu và cải thiện mật độ xương.
  • Romosozumab: Giúp tăng sự hình thành xương và giảm sự tái hấp thu xương.

Việc điều trị loãng xương trong mỗi trường hợp là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kết quả đo mật độ xương, nguy cơ gãy xương và các bệnh lý khác đang mắc.

7. Bị loãng xương có nên uống bổ sung canxi và vitamin D không?

Bổ sung đủ canxi và vitamin D là điều rất cần thiết đối với sức khỏe xương. Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trởi có thể giúp đáp ứng đủ nhu cầu canxi và vitamin D của cơ thể.

Nhưng nếu không thể bổ sung đủ canxi và vitamin D bằng những cách này thì có thể dùng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ tư vấn loại thực phẩm chức năng và liều dùng thích hợp.

8. Nên đo mật độ xương bao lâu một lần?

Đo mật độ xương là phương pháp chính để chẩn đoán bệnh loãng xương. Sau khi biết mình bị loãng xươn, người bệnh vẫn nên đo mật độ xương định kỳ để theo dõi sự thay đổi tình trạng xương và hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Tần suất đo mật độ xương phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng loãng xương. Bác sĩ sẽ cho biết tần suất đo mật độ xương cụ thể.

Tóm tắt bài viết

Loãng xương là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh do sự sụt giảm nồng độ estrogen. Có nhiều cách để giảm nguy cơ và kiểm soát loãng xương sau mãn kinh, gồm có thay đổi lối sống, bổ sung canxi và vitamin D, dùng các loại thuốc giảm mất xương hoặc thúc đẩy tạo xương và liệu pháp hormone thay thế.

 

Loãng xương không có cách chữa trị khỏi nhưng việc điều trị thích hợp và thay đổi chế độ ăn uống cũng như lối sống có thể giúp giảm tốc độ mất xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Điều trị loãng xương sau mãn kinh
Điều trị loãng xương sau mãn kinh

Loãng xương là một bệnh về xương phổ biến, xảy ra khi khối lượng và mật độ xương giảm. Điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. Phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn so với nam giới và một nguyên nhân của điều này là do phụ nữ phải trải qua thời kỳ mãn kinh. Vậy mãn kinh có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe xương? Chứng loãng xương có những triệu chứng nào? Và làm thế nào để điều trị loãng xương sau mãn kinh?

Chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ loãng xương
Chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ loãng xương

Mắc các chứng rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhưng có nhiều cách để cải thiện sức khỏe xương.

Tại sao mãn kinh làm tăng nguy cơ loãng xương?
Tại sao mãn kinh làm tăng nguy cơ loãng xương?

Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu sụt giảm. Estrogen là một hormone giúp bảo vệ khối lượng và sự chắc khỏe của xương. Sự thiếu hụt estrogen vào thời kỳ mãn kinh góp phần gây ra bệnh loãng xương.

Fluor (fluoride) có tác dụng phòng ngừa hoặc điều trị chứng loãng xương?
Fluor (fluoride) có tác dụng phòng ngừa hoặc điều trị chứng loãng xương?

Bệnh loãng xương hiện chưa có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, một số loại khoáng chất có thể giúp cải thiện sức khỏe xương, một trong số đó là fluor (fluoride). Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu liệu bổ sung fluor có giúp điều trị hay phòng ngừa bệnh loãng xương hay không.

Các cách điều trị loãng xương sau mãn kinh
Các cách điều trị loãng xương sau mãn kinh

Loãng xương là tình trạng mật độ xương bị giảm, khiến xương yếu đi và dễ bị gãy. Đây là một vấn đề phổ biến mà phụ nữ có nguy cơ cao gặp phải sau mãn kinh. Tuy rằng không thể phục hồi lại mật độ xương như trước nhưng điều trị có thể giúp phòng ngừa gãy xương và các biến chứng về lâu dài.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây