1

Tại sao mãn kinh làm tăng nguy cơ loãng xương?

Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu sụt giảm. Estrogen là một hormone giúp bảo vệ khối lượng và sự chắc khỏe của xương. Sự thiếu hụt estrogen vào thời kỳ mãn kinh góp phần gây ra bệnh loãng xương.
Tại sao mãn kinh làm tăng nguy cơ loãng xương? Tại sao mãn kinh làm tăng nguy cơ loãng xương?

Loãng xương là tình trạng mô xương suy giảm, khiến xương không còn cứng cáp mà trở nên suy yếu và dễ gãy.

Loãng xương hầu như không có triệu chứng, do đó thường không được phát hiện cho đến khi tiến triển nặng và gây gãy xương. Một khi đã bị gãy xương do loãng xương thì sẽ có nguy cơ cao tiếp tục bị gãy xương trong tương lai. Gãy xương sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Khi bị xương quá yếu do loãng xương, người bệnh có thể bị gãy xương khi chỉ bị ngã nhẹ. Những xương dễ bị gãy nhất do loãng xương là xương sống và xương hông. Gãy những xương này khiến người bệnh gặp khó khăn hoặc không thể cử động trong vài tuần đến vài tháng. Tùy vào vị trí gãy xương và mức độ nghiêm trọng mà người bệnh có thể phải phẫu thuật để điều trị gãy xương.

Loãng xương xảy ra như thế nào?

Để hiểu nguyên nhân gây bệnh loãng xương thì trước tiên cần hiểu được cấu tạo và sự hình thành xương.

Xương được tạo nên từ những mô sống liên tục được thay mới để giữ cho xương chắc khỏe. Xương gồm có 3 phần chính là xương đặc (lớp ngoài), xương xốp (lớp trong) và tủy xương. Lớp ngoài cứng trong khi lớp bên trong có kết cấu xốp với các nan xương xếp theo hình vòng cung tạo ra các những lỗ nhỏ, tương tự như miếng bọt biển.

Khi mật độ xương giảm, các lỗ ở lớp trong của xương sẽ ngày càng to lên và nhiều hơn. Điều này khiến cấu trúc bên trong xương yếu đi và dễ gãy, dù chỉ bị va đập nhẹ. Khi bị loãng xương nghiêm trọng, xương có thể gãy ngay cả khi không bị ngã hay va đập.

Tại sao mãn kinh làm tăng nguy cơ loãng xương?

Mãn kinh là mốc đánh dấu sự kết thúc vĩnh viễn chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản của phụ nữ. Độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ châu Á là 45 - 55 tuổi.

Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu sụt giảm. Estrogen là một hormone giúp bảo vệ khối lượng và sự chắc khỏe của xương. Sự thiếu hụt estrogen vào thời kỳ mãn kinh góp phần gây ra bệnh loãng xương.

Nhưng mức estrogen thấp không phải là nguyên nhân duy nhất gây loãng xương. Còn nhiều yếu tố khác có thể khiến xương suy yếu. Khi những yếu tố này kết hợp với sự sụt giảm estrogen vào thời kỳ mãn kinh, chứng loãng xương sẽ bắt đầu sớm hơn hoặc xảy ra với tốc độ nhanh hơn.

Các yếu tố nguy cơ khác

Ngoài mãn kinh và sự thiếu hụt estrogen, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ loãng xương còn có:

Tuổi tác

Cho đến khoảng năm 30 tuổi, cơ thể tạo ra nhiều xương mới hơn lượng xương mất đi. Sau đó, tốc độ tái tạo xương chậm lại, dẫn đến lượng xương mất đi nhiều hơn lượng xương mới được tạo ra. Kết quả là khối lượng xương giảm dần.

Hút thuốc

Hút thuốc đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Hút thuốc còn có thể khiến phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn, có nghĩa là khoảng thời gian mà xương được bảo vệ bởi hormone estrogen sẽ bị rút ngắn lại.

Những người hút thuốc cũng khó hồi phục sau gãy xương hơn so với những người không hút thuốc.

Khung xương và cân nặng

Những phụ nữ có khung xương nhỏ hoặc nhẹ cân có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn so với những phụ nữ nặng cân hơn hoặc có khung xương lớn hơn. Điều này là do phụ nữ có khung xương nhỏ nhìn chung có khối lượng xương thấp hơn so với phụ nữ có khung xương lớn. Điều này cũng đúng với nam giới.

Mật độ xương hiện tại

Khối lượng xương được tích lũy trong suốt cả cuộc đời và mật độ xương khi bước vào thời kỳ mãn kinh càng cao thì càng ít có nguy cơ bị loãng xương.

Đó là lý do tại sao các chuyên gia khuyến nghị nên tăng cường mật độ xương ngay từ khi còn nhỏ và trong những năm tháng tuổi trẻ.

Tiền sử gia đình

Những người có người thân ruột thịt bị loãng xương hoặc gãy xương hông do ngã nhẹ sẽ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn.

Giới tính

Phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao gấp 4 lần so với nam giới. Điều này là do phụ nữ thường có khung xương nhỏ hơn và nhẹ cân hơn nam giới. Phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh xương cao nhất.

Chủng tộc và sắc tộc

Người Bắc Âu và người da trắng có nguy cơ gãy xương do loãng xương cao nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh loãng xương đang giảm dần ở nhóm dân số này.

Nghiên cứu cho thấy rằng số ca gãy xương do loãng xương ở phụ nữ người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa, người châu Á và người gốc La tinh/Tây Ban Nha cao hơn so với tổng số ca mắc ung thư vú xâm lấn, đột quỵ và tử vong do nhồi máu cơ tim cộng lại. (1)

Điều trị loãng xương

Loãng xương là bệnh không thể chữa khỏi nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Dưới đây là một số biện pháp giúp làm chậm sự mất xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Uống bổ sung canxi và vitamin D

Canxi là một khoáng chất rất cần thiết cho sự hình thành xương và duy trì xương chắc khỏe. Thiếu canxi sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương và các vấn đề về xương khác. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khuyến nghị người từ 19 đến 50 tuổi cần 1.000 miligam (mg) canxi mỗi ngày. (2)

Phụ nữ trên 50 tuổi và tất cả người trên 70 tuổi cần ít nhất 1.200 mg canxi mỗi ngày.

Canxi có trong các loại thực phẩm như sản phẩm từ sữa, rau màu xanh sẫm, các loại đậu, đậu nành… Nếu chế độ ăn hàng ngày không có đủ canxi thì nên dùng thực phẩm chức năng để bổ sung. Cả canxi cacbonat và canxi citrate đều cung cấp các dạng canxi có lợi cho cơ thể.

Vitamin D cũng rất cần thiết đối với sức khỏe xương vì cơ thể không thể hấp thụ canxi hiệu quả nếu không có vitamin D. Vitamin D có trong một số loại thực phẩm tự nhiên như các loại cá béo (cá hồi hoặc cá thu), lòng đỏ trứng và các loại thực phẩm chế biến sẵn được bổ sung vitamin như sữa, sữa chua, phô mai, bột ngũ cốc.

Tắm nắng cũng là một cách để tăng cường vitamin D vì cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nên tắm nắng vào 9 – 10 giờ sáng hoặc 3 – 4 giờ chiều. Tránh tắm nắng vào khung giờ từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều vì đây là khoảng thời gian ánh nắng có nhiều tia cực tím gây hại nhất.

Một cách nữa để tăng lượng vitamin D là dùng thực phẩm chức năng.

Theo NIH, người từ 19 đến 70 tuổi cần ít nhất 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Người trên 70 tuổi cần 800 IU vitamin D hàng ngày. (3)

Sử dụng thuốc

Nhóm thuốc chính để điều trị loãng xương là bisphosphonate. Những loại thuốc này đã được chứng minh là có tác dụng làm chậm quá trình mất xương, tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy bisphosphonate có thể làm giảm lên tới 60%nguy cơ gãy xương do loãng xương.

Một nhóm thuốc khác cũng giúp ngăn chặn sự mất xương là kháng thể đơn dòng. Những loại thuốc trong nhóm này gồm có denosumab và romosozumab (Evenity).

Thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERM) là một nhóm thuốc có đặc tính giống estrogen nên cũng được sử dụng để phòng ngừa và điều trị loãng xương.

Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy SERM có thể làm giảm nguy cơ gãy xương cột sống lên tới 42%.

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp củng cố và duy trì xương chắc khỏe với hiệu quả tương đương với thuốc. Tập thể dục giúp cho xương chắc khỏe hơn, ngăn chặn sự mất xương và đẩy nhanh tốc độ phục hồi khi bị gãy xương.

Một hình thức tập luyện rất tốt cho người bị loãng xương là các bài tập chịu sức nặng (weight-bearing exercise), ví dụ như đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ và các hình thức tập cardio khác. Một nghiên cứu vào năm 2017 chỉ ra rằng bơi lội và các bài tập dưới nước cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe xương nhưng không nhiều bằng các bài tập chịu sức nặng.

Liệu pháp hormone thay thế

Liệu pháp hormone thay thế (hormone replacement therapy - HRT) có thể giúp phòng ngừa loãng xương do thiếu estrogen trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên, các chuyên gia hiện khuyến nghị chỉ nên sử dụng liệu pháp hormone thay thế khi các phương pháp điều trị và phòng ngừa khác không hiệu quả.

Liệu pháp hormone thay thế còn giúp điều trị các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh, gồm có bốc hỏa, đổ mồ hôi vào ban đêm và tâm trạng thay đổi thất thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với liệu pháp hormone thay thế. Phương pháp điều trị này không phù hợp với những người bệnh có tiền sử cá nhân hoặc có nguy cơ cao:

  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ
  • Cục máu đông
  • Ung thư vú

Ngoài ra, liệu pháp hormone thay thế còn có thể ảnh hưởng hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng bệnh lý khác. Tốt nhất người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để biết thêm thông tin về phương pháp điều trị này.

Tóm tắt bài viết

Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn do sự sụt giảm estrogen nhưng có nhiều cách để làm chậm quá trình mất xương và giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương, gồm có tập thể dục, bổ sung đủ canxi và vitamin D, sử dụng thuốc và liệu pháp hormone thay thế.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Người bị loãng xương có nguy cơ gãy những xương nào?
Người bị loãng xương có nguy cơ gãy những xương nào?

Loãng xương khiến xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy hơn. Các xương có nguy cơ bị gãy cao nhất là xương hông, cổ tay và cột sống. Gãy những xương này cần được điều trị đặc biệt.

Vô kinh có thể gây loãng xương
Vô kinh có thể gây loãng xương

Vô kinh là tình trạng tạm thời không có kinh nguyệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tình trạng này có thể xảy ra trong một hoặc nhiều chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng bé gái bước sang tuổi 15 mà vẫn chưa có kinh nguyệt lần đầu cũng được coi là vô kinh.

Điều trị loãng xương sau mãn kinh
Điều trị loãng xương sau mãn kinh

Loãng xương là một bệnh về xương phổ biến, xảy ra khi khối lượng và mật độ xương giảm. Điều này làm tăng nguy cơ gãy xương. Phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn so với nam giới và một nguyên nhân của điều này là do phụ nữ phải trải qua thời kỳ mãn kinh. Vậy mãn kinh có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe xương? Chứng loãng xương có những triệu chứng nào? Và làm thế nào để điều trị loãng xương sau mãn kinh?

Giải đáp các thắc mắc thường gặp về chứng loãng xương sau mãn kinh
Giải đáp các thắc mắc thường gặp về chứng loãng xương sau mãn kinh

Loãng xương là một vấn đề khá phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh. Theo ước tính, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi lại có một người bị loãng xương và càng có tuổi thì nguy cơ loãng xương càng tăng cao.

Các cách điều trị loãng xương sau mãn kinh
Các cách điều trị loãng xương sau mãn kinh

Loãng xương là tình trạng mật độ xương bị giảm, khiến xương yếu đi và dễ bị gãy. Đây là một vấn đề phổ biến mà phụ nữ có nguy cơ cao gặp phải sau mãn kinh. Tuy rằng không thể phục hồi lại mật độ xương như trước nhưng điều trị có thể giúp phòng ngừa gãy xương và các biến chứng về lâu dài.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây