Vô kinh có thể gây loãng xương
Hầu hết các trường hợp vô kinh là do mang thai. Tuy nhiên, vô kinh cũng có thể do một số yếu tố khác gây ra, gồm có sự thiếu hụt estrogen.
Nếu không được giải quyết, tình trạng thiếu hụt hormone này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Thiếu estrogen là nguyên nhân phổ biến gây loãng xương vì estrogen là hormone rất cần thiết đối với sức khỏe của xương.
Estrogen và sức khỏe xương
Loãng xương là tình trạng khối lượng và mật độ xương giảm, khiến xương yếu đi và có nguy cơ bị gãy cao hơn.
Hai yếu tố chính làm tăng nguy cơ loãng xương là tuổi tác (trên 65 tuổi) và thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ, khi nồng độ estrogen sụt giảm. Tuy nhiên, người trẻ tuổi cũng có thể bị mất cân bằng nội tiết tố, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành xương và làm tăng nguy cơ loãng xương.
Estrogen là một loại hormone có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, một trong số đó là điều hòa sự hình thành xương. Khi bị thiếu estrogen, xương sẽ không thể hình thành bình thường và dẫn đến mật độ xương thấp. Điều này khiến xương bị suy yếu, giòn, dễ gãy và chậm liền.
Theo nghiên cứu, những phụ nữ bị vô kinh có nguy cơ gãy xương cổ tay và hông cao hơn. Trong một nghiên cứu vào năm 2017, những phụ nữ trẻ có nồng độ estrogen thấp trong 6 tháng bị giảm mật độ xương tương đương với mức giảm trong một năm đầu tiên của thời kỳ mãn kinh. (1)
Sự sụt giảm estrogen có thể là do rối loạn nội tiết tố vào tuổi dậy thì. Tuổi thiếu niên là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của xương. Ngoài việc duy trì mức estrogen ổn định, bổ sung đủ canxi và vitamin D cũng như tích cực hoạt động thể chất khi còn trẻ sẽ giúp giữ cho xương khỏe mạnh và giảm nguy cơ loãng xương khi có tuổi.
Các loại vô kinh
Dựa trên nguyên nhân, vô kinh được chia thành hai loại là vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát.
Vô kinh nguyên phát
Đa số phụ nữ có kinh nguyệt lần đầu ở tuổi 12. Nếu đã bước qua tuổi 15 mà vẫn chưa có kinh nguyệt thì được coi là vô kinh nguyên phát. Điều này có thể là do bất thường về cơ quan sinh dục hoặc nồng độ estrogen thấp.
Những bất thường về nhiễm sắc thể cũng như vấn đề ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi cũng có thể khiến bé gái bắt đầu có kinh muộn vào tuổi dậy thì. Đôi khi, nguyên nhân gây chậm có kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là do mang thai.
Vô kinh thứ phát
Vô kinh thứ phát là tình trạng mất kinh nguyệt ở những phụ nữ đã có kinh nguyệt trước đó. Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) định nghĩa vô kinh là tình trạng mất kinh trong 3 tháng trở lên. (2)
Nguyên nhân phổ biến nhất gây vô kinh thứ phát là mang thai và cho con bú, những điều này ảnh hưởng đến nồng độ hormone.
Các nguyên nhân khác gây vô kinh thứ phát còn có:
- Giảm cân
- Rối loạn ăn uống
- Hội chứng cushing
- Khối u buồng trứng và tuyến yên
- Tập thể dục cường độ quá cao
- Béo phì
Tất cả những điều này đều có ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone sinh dục và một số trong đó còn có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng.
Có tới 30% trường hợp vô kinh được phân loại là vô kinh chức năng do vùng dưới đồi, tình trạng này thường xảy ra do căng thẳng, rối loạn ăn uống và tập thể dục quá sức.
Mãn kinh và vô kinh
Vô kinh là sự mất kinh nguyệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Mãn kinh là khi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ chấm dứt hoàn toàn. Trước khi chính thức mãn kinh, phụ nữ trải qua giai đoạn tiền mãn kinh. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tháng đến vài năm và thường xảy ra ở độ tuổi từ 45 đến 55.
Ở những người bị vô kinh, chu kỳ kinh nguyệt sẽ tiếp tục sau khi nguyên nhân gây vô kinh được điều trị nhưng một khi đã mãn kinh thì sẽ vĩnh viễn không còn kinh nguyệt nữa.
Ảnh hưởng về lâu dài của vô kinh
Việc mất kinh nguyệt một vài lần thường không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe về lâu dài. Nhưng điều quan trọng là phải tìm ra và giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây vô kinh.
Những ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài của sự thiếu hụt estrogen ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản vẫn đang được nghiên cứu. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vô kinh ở tuổi thiếu niên và đầu độ tuổi trưởng thành có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe sau này.
Giai đoạn từ khi sinh ra đến tuổi dậy thì là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của cơ thể. Nếu không được điều trị, sự mất cân bằng estrogen khi còn nhỏ và tuổi thiếu niên có thể tác động đáng kể đến hệ tim mạch, xương và hệ sinh dục trong tương lai.
Vô kinh còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Phụ nữ bị vô kinh rất khó xác định thời điểm rụng trứng. Điều này sẽ càng làm gia tăng căng thẳng về tâm lý và gây khó khăn cho việc thụ thai.
Điều trị vô kinh
Việc điều trị vô kinh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như các yếu tố sức khỏe cá nhân. Các bước thường được thực hiện để xác định nguyên nhân gây vô kinh gồm có xét nghiệm thử thai và xét nghiệm đo nồng độ hormone.
Nếu vô kinh là do thiếu estrogen thì phương pháp điều trị phổ biến nhất là bổ sung chất dinh dưỡng và liệu pháp hormone thay thế. Liệu pháp hormone thay thế có nghĩa là sử dụng estrogen tổng hợp để đưa nồng độ estrogen trong cơ thể trở lại mức bình thường.
Trong trường hợp bị vô kinh chức năng do vùng dưới đồi, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân đang gây cản trở sự truyền tín hiệu hormone đến não. Nếu chế độ ăn uống thiếu chất hoặc rối loạn ăn uống là nguyên nhân gây ra tình trạng vô kinh thì người bệnh cần bổ sung chất bị thiếu hoặc giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây rối loạn ăn uống.
Nếu nồng độ hormone trong cơ thể bị mất cân bằng vì một lý do khác thì các phương pháp điều trị gồm có liệu pháp estrogen, thuốc tránh thai đường uống hoặc kết hợp cả hai.
Tóm tắt bài viết
Thiếu estrogen là nguyên nhân phổ biến gây vô kinh và loãng xương. Vô kinh không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
Vô kinh và mật độ xương thấp đều có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe khác.
Vô kinh có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra và đa số đều có phương pháp điều trị.
Liệu pháp estrogen sẽ giúp làm tăng mức estrogen, giúp xương trở lại trạng thái bình thường và ngăn ngừa các biến chứng trong tương lai. Nếu sự sụt giảm estrogen là do một bệnh lý thì cần phải giải quyết bệnh lý đó để khôi phục mức estrogen.
Phụ nữ cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và đi khám khi có thay đổi bất thường. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu đã qua 15 tuổi mà trẻ vẫn chưa có kinh nguyệt lần đầu để xác định nguyên nhân và có phương háp điều trị thích hợp.
Loãng xương là một vấn đề khá phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh. Theo ước tính, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi lại có một người bị loãng xương và càng có tuổi thì nguy cơ loãng xương càng tăng cao.
Loãng xương là tình trạng mật độ xương bị giảm, khiến xương yếu đi và dễ bị gãy. Đây là một vấn đề phổ biến mà phụ nữ có nguy cơ cao gặp phải sau mãn kinh. Tuy rằng không thể phục hồi lại mật độ xương như trước nhưng điều trị có thể giúp phòng ngừa gãy xương và các biến chứng về lâu dài.
Loãng xương chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ nhưng tỷ lệ loãng xương ở nam giới và phụ nữ trẻ ngày càng gia tăng.
Khi bị gãy xương do loãng xương, giải pháp điều trị thường là phẫu thuật. Vật lý trị liệu, tập thể dục và bổ sung canxi cũng là những điều cần thiết để khôi phục khả năng vận động và giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Tập yoga là một cách hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng loãng xương. Duy trì thói quen tập yoga đều đặn có thể giúp tăng cường sức mạnh của cơ và xương, giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.