1

Người bị loãng xương có nguy cơ gãy những xương nào?

Loãng xương khiến xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy hơn. Các xương có nguy cơ bị gãy cao nhất là xương hông, cổ tay và cột sống. Gãy những xương này cần được điều trị đặc biệt.
Người bị loãng xương có nguy cơ gãy những xương nào? Người bị loãng xương có nguy cơ gãy những xương nào?

Những người bị loãng xương có nguy cơ gãy xương cao hơn nhiều so với bình thường. Loãng xương khiến xương trở nên giòn và yếu, thậm chí ngay cả một cú va chạm hoặc ngã nhẹ cũng có thể gây gãy xương.

Loãng xương thường dẫn đến gãy xương hông, cổ tay và cột sống. Khi các đốt sống quá yếu và không thể nâng đỡ cơ thể, tình trạng gãy nén đốt sống có thể sẽ xảy ra.

Dưới đây là các xương có nguy cơ gãy cao do loãng xương, các triệu chứng gãy xương và các cách để giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương.

Nguy cơ gãy xương do loãng xương có cao không?

Loãng xương là tình trạng khối lượng và mật độ xương giảm. Điều này khiến xương trở nên mỏng dần, xốp, yếu và dễ gãy hơn. Loãng xương thường không có bất kỳ triệu chứng nào nên nhiều người không biết mình bị loãng xương cho đến khi bị gãy xương.

Loãng xương là một trong những nguyên nhân chính gây gãy xương ở người cao tuổi. Ước tính mỗi năm trên thế giới có gần 10 triệu ca gãy xương do loãng xương. (1) Những xương thường bị gãy ở người bị loãng xương là xương hông, cổ tay và cột sống.

Gãy xương có thể xảy ra do tai nạn giao thông, té ngã, tai nạn lao động, va đập mạnh khi chơi thể thao… Tuy nhiên, chứng loãng xương khiến xương yếu đến mức ngay cả cú ngã, va đập nhẹ hay thậm chí những cử động hàng ngày như ho, cúi người hoặc nâng đồ vật cũng có thể dẫn đến gãy xương. Loại gãy xương xảy ra phổ biến trong những trường hợp này là gãy nén đốt sống.

Khi mật độ khoáng chất trong xương suy giảm, xương sẽ không còn đặc và chắc khỏe như bình thường mà trở nên xốp, giòn và dễ gãy. Tình trạng này phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới nhưng bất cứ ai đều có nguy cơ mắc bệnh. Và nguy cơ loãng xương tăng theo độ tuổi.

Gãy xương sống do loãng xương

Gãy nén đốt sống (gãy xương sống) xảy ra do xương cột sống bị yếu. Tỷ lệ người bị gãy xương sống do loãng xương cao hơn gần như gấp đôi so với các loại gãy xương khác như gãy xương hông và cổ tay.

Cột sống được tạo nên bởi các đốt sống. Các đốt sống được ngăn cách với nhau bởi các đĩa đệm có chức năng như lớp đệm giúp giảm ma sát và lực tác động lên cột sống trong quá trình di chuyển. Loãng xương không những khiến các đốt sống yếu đi mà còn bị biến dạng, trở nên hẹp và phẳng hơn. Đó là lý do tại sao người lớn tuổi bị giảm chiều cao và bị còng lưng.

Gãy nén đốt sống xảy ra khi các đốt sống bị suy yếu phải chịu áp lực quá lớn, khiến chúng bị nứt. Điều này có thể xảy ra sau khi bị ngã hoặc thậm chí sau những cử động bình thường hàng ngày như cúi người hoặc vặn người.

Gãy xương sống do loãng xương thường gây đau đớn nhưng cũng có trường hợp không biểu hiện triệu chứng. Cơn đau ở lưng do gãy nén đốt sống có các đặc điểm sau đây:

  • Đau tăng lên khi di chuyển và giảm khi nghỉ ngơi
  • Lan đến chân
  • Tăng nặng khi thực hiện những cử động nhỏ, chẳng hạn như ho và hắt hơi

Chẩn đoán

Để chẩn đoán gãy xương sống, trước tiên bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng và ấn lên những vị trí bị đau. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đánh giá cột sống và tư thế của người bệnh.

Tiếp theo cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để xác nhận gãy xương sống, gồm có chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Người bệnh cũng có thể cần đo mật độ xương để đánh giá tình trạng xương.

Những xương khác có thể bị gãy do loãng xương

Mặc dù chứng loãng xương có thể dẫn đến gãy xương ở bất kỳ xương nào trong cơ thể nhưng xương sống, xương hông và xương cổ tay là những xương dễ bị gãy nhất.

Các triệu chứng thường gặp khi bị gãy xương gồm có đau đớn, sưng tấy và biến dạng ở vùng bị gãy xương. Người bệnh có thể nghe thấy tiếng “rắc” vào thời điểm bị gãy xương.

Gãy xương sẽ làm giảm hoặc mất khả năng cử động. Ví dụ, gãy xương hông sẽ khiến người bệnh không thể đi lại và gãy xương cổ tay khiến người bệnh khó cử động bàn tay.

Chẩn đoán

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang là công cụ chính để chẩn đoán gãy xương. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu đo mật độ xương để xem người bệnh có bị loãng xương hay không. Chẩn đoán chính xác sẽ giúp bác sĩ đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Điều trị gãy xương do loãng xương

Việc điều trị gãy xương ở những người bị loãng xương thường gồm có hai bước:: thứ nhất là điều trị gãy xương và sau đó là điều trị chứng loãng xương để ngăn ngừa gãy xương trong tương lai. Việc điều trị gãy xương sẽ phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng.

Điều trị gãy nén đốt sống

Đa phần gãy nén đốt sống do loãng xương tự khỏi trong vòng 3 tháng mà không cần phẫu thuật. Người bệnh nên nghỉ ngơi kết hợp với dùng thuốc giảm đau.

Tuy nhiên, nếu tình trạng gãy nén đốt sống nghiêm trọng, gây đau đớn và cản trở vận động thì người bệnh sẽ phải phẫu thuật. Các loại phẫu thuật thường được thực hiện để điều trị gãy xương sống gồm có:

  • Bơm xi-măng cột sống có bóng nong: ca phẫu thuật được thực hiện dưới hướng dẫn của hình ảnh X-quang, trong đó bác sĩ sử dụng một quả bóng để tạo khoảng trống giữa các đốt sống bị nén. Sau đó, bác sĩ sẽ lấp đầy các vết gãy bằng hỗn hợp xi măng sinh học giúp củng cố cột sống.
  • Bơm xi-măng cột sống không bóng: cũng tương tự như bơm xi-măng có bóng nong. Điểm khác biệt chính là xi măng sinh học được bơm trực tiếp vào đốt sống bị nén mà không cần sử dụng bóng nong để tạo khoảng trống trước đó.

Mặc dù người bệnh sẽ được gây mê toàn thân nhưng các loại phẫu thuật này chỉ xâm lấn tối thiểu và người bệnh sẽ có thể sinh hoạt bình thường ngay sau phẫu thuật.

Phương pháp bơm xi-măng cột sống có bóng nong mang lại kết quả bền lâu hơn so với bơm xi-măng không bóng.

Điều trị gãy xương hông, cổ tay và các xương khác

Gãy xương hông là một chấn thương nghiêm trọng khiến người bệnh vô cùng đau đớn và làm giảm đáng kể khả năng vận động. Khi bị gãy xương hông, người bệnh cần được phẫu thuật trong vòng một đến hai ngày. Có nhiều loại gãy xương hông do loãng xương và phương pháp phẫu thuật để điều trị mỗi loại là khác nhau.

Bác sĩ có thể sẽ sử dụng vít và ghim để cố định khớp hoặc thay một phần hoặc toàn bộ khớp háng.

Điều trị gãy xương cổ tay cũng phụ thuộc vào loại gãy xương. Nói chung sẽ phải giữ cố định các đầu xương gãy với nhau để xương liền lại. Phương pháp điều trị phổ biến là nắn chỉnh xương, sau đó đặt nẹp hoặc bó bột. Nếu gãy xương nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ sử dụng các công cụ như ghim, vít và nẹp để giữ cố định các đầu xương gãy lại với nhau.

Việc điều trị khi gãy các xương khác sẽ tùy thuộc vào loại gãy xương và mức độ nghiêm trọng.

Điều trị loãng xương và ngăn ngừa gãy xương

Trong nhiều trường hợp, gãy xương là dấu hiệu đầu tiên của bệnh loãng xương. Nếu loãng xương được phát hiện sau khi bị gãy xương, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị loãng xương để ngăn ngừa gãy các xương khác.

Một khi đã bị gãy xương thì người bệnh sẽ có nguy cơ cao tiếp tục gãy xương trong tương lai.

Có nhiều loại thuốc giúp làm chậm tốc độ mất xương và giảm nguy cơ gãy xương. Không phải loại thuốc nào cũng an toàn và phù hợp cho tất cả mọi người. Do đó, người bệnh không nên tự mua thuốc mà hãy đi khám để được kê loại thuốc phù hợp.

Nhóm thuốc được kê phổ biến nhất để điều trị bệnh loãng xương là bisphosphonate. Nhóm thuốc này giúp ngăn chặn sự giảm mật độ xương, có thể được dùng qua đường uống hoặc tiêm. Một số loại thuốc trong nhóm bisphosphonate gồm có:

  • alendronate (Fosamax)
  • ibandronat (Boniva)
  • risedronate (Actonel)
  • zoledronic (Reclast)

Ngoài ra còn có những loại thuốc khác dành cho những người không dung nạp bisphosphonate, ví dụ như liệu pháp hormone.

Giải quyết các yếu tố nguy cơ

Người trên 50 tuổi có nguy cơ loãng xương cao hơn so với người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Cứ 5 phụ nữ lại có 1 người bị loãng xương. Tiền sử gia đình và sự thay đổi nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh cũng có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

Tuổi tác và di truyền là những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng ngoài ra cũng có những yếu tố có thể thay đổi để làm giảm nguy cơ gãy xương, ví dụ như:

  • tích cực hoạt động thể chất
  • tăng cường sức mạnh của cơ
  • cải thiện khả năng thăng bằng và tính linh hoạt
  • sắp xếp đồ đạc trong nhà để tránh vấp ngã
  • duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • hạn chế rượu bia
  • duy trì chế độ ăn uống cân bằng
  • bỏ hút thuốc và tránh khói thuốc

Bổ sung đủ vitamin D và canxi

Các chất dinh dưỡng này có trong nhiều loại thực phẩm như sản phẩm từ sữa, cá, rau màu xanh sẫm, trứng, đậu phụ và thực phẩm tăng cường. Nếu chế độ ăn uống không có đủ vitamin D hoặc canxi, người bệnh nên dùng thực phẩm chức năng để bổ sung.

Tập thể dục

Hoạt động thể chất thường xuyên là điều rất quan trọng để duy trì sức khỏe xương. Tập thể dục còn giúp làm tăng tính linh hoạt và khả năng thăng bằng, nhờ đó giảm nguy cơ té ngã.

Mặc dù các bài tập chịu sức nặng rất có lợi nhưng người có nguy cơ gãy xương cao nên tránh các hoạt động có tác động mạnh lên xương khớp như chạy và nhảy.

Thay vào đó nên chọn các bài tập có tác động thấp như:

  • Đi bộ
  • Bơi lội
  • Yoga
  • Tập kháng lực
  • Tập thể hình

Tóm tắt bài viết

Loãng xương khiến xương yếu, giòn và dễ gãy. Loãng xương chủ yếu gây gãy xương cột sống nhưng cũng gây gãy xương cổ tay, hông và các khu vực khác trên cơ thể. Thay đổi lối sống và dùng thuốc có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương
Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương

Loãng xương chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ nhưng tỷ lệ loãng xương ở nam giới và phụ nữ trẻ ngày càng gia tăng.

5 tư thế yoga có lợi cho người bị loãng xương
5 tư thế yoga có lợi cho người bị loãng xương

Tập yoga là một cách hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng loãng xương. Duy trì thói quen tập yoga đều đặn có thể giúp tăng cường sức mạnh của cơ và xương, giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.

5 bài tập tĩnh có lợi cho người bị loãng xương
5 bài tập tĩnh có lợi cho người bị loãng xương

Các bài tập tĩnh là một phần rất cần thiết trong thói quen tập luyện để kiểm soát bệnh loãng xương. Những bài tập này nhắm vào các nhóm cơ cụ thể, tạo ra các cơn co cơ tĩnh mà không làm thay đổi chiều dài của cơ.

Những ai nên sàng lọc loãng xương?
Những ai nên sàng lọc loãng xương?

Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng chất trong xương giảm, làm thay đổi cấu trúc xương và khiến xương trở nên yếu, dễ gãy. Kiểm tra mật độ xương định kỳ bằng các công nghệ chẩn đoán hình ảnh đặc biệt giúp phát hiện bệnh loãng xương và từ đó người bệnh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Thời điểm nên bắt đầu sàng lọc loãng xương phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có giới tính và tuổi tác.

Các cách giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương
Các cách giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương

Loãng xương là một vấn đề về xương phổ biến, xảy ra khi mật độ hay khối lượng xương giảm, khiến xương trở nên suy yếu và dễ gãy.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây