Các cách giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương
Ngay cả những chấn thương nhẹ cũng có thể gây gãy xương ở người bị loãng xương. Do tình trạng này không biểu hiện triệu chứng nên nhiều người không biết mình bị loãng xương cho đến khi bị gãy xương. Vì những lý do này nên điều quan trọng là phải hiểu các yếu tố nguy cơ của bản thân, sàng lọc loãng xương định kỳ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi bị loãng xương để ngăn bệnh tiến triển nặng thêm và giảm nguy cơ gãy xương.
Dưới đây là những biện pháp giúp cải thiện sức khỏe xương và phòng ngừa gãy xương cho người bị loãng xương.
Điều chỉnh một số hoạt động
Điều quan trọng là phải duy trì hoạt động thể chất, ngay cả khi bị loãng xương nhưng người bệnh cần điều chỉnh một số hoạt động.
Để tránh bị gãy xương, người bệnh nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn các hoạt động có nguy cơ chấn thương cao, ví dụ như các môn thể thao dễ va đập như bóng đá, bóng bầu dục hay bóng rổ,… Các hoạt động cần vặn cột sống, chẳng hạn như chơi gôn, cũng không phù hợp với những người bị loãng xương.
Điều chỉnh việc tập thể dục không có nghĩa là bỏ thói quen tập thể dục. Người bệnh chỉ cần chuyển sang các hình thức tập luyện an toàn hơn. Duy trì tập thể dục đều đặn sẽ giúp cải thiện sức mạnh của cơ và khả năng vận động.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), các bài tập chịu sức nặng và tập kháng lực là những hình thức tập luyện tốt nhất cho sức khỏe xương. (1)
Các bài tập được khuyến nghị cho người bị loãng xương gồm có:
- Đi bộ, bao gồm cả đi bộ đường dài
- Leo cầu thang
- Nâng tạ
Bơi lội cũng là một lựa chọn tuyệt vời giúp tăng cường các cơ mà không gây áp lực nhiều lên xương, do đó có nguy cơ gãy xương thấp.
Điều quan trọng là phải lắng nghe cơ thể. Nếu bị đau khi tập thể dục hoặc cơn đau trở nên nặng hơn khi thực hiện một hoạt động thì hãy tạm dừng hoặc tránh hoàn toàn hoạt động đó.
Chế độ ăn uống cân bằng
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của xương. Chế độ ăn uống cân bằng là điều rất cần thiết để giữ cho xương chắc khỏe.
Canxi, protein và vitamin D là những chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với sức khỏe xương. Những chất dinh dưỡng này có trong nhiều loại thực phẩm như:
- Cá béo như cá hồi, cá trích, cá cơm…
- Gan
- Phô mai
- Thịt
- Trứng
- Sản phẩm sữa ít béo
- Các loại rau màu xanh đậm như cải xoăn, bông cải xanh
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng là một cách để tăng lượng vitamin D. Thiếu hụt vitamin D sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi và gây hại cho xương (ngoài ra còn không tốt cho tâm trạng). Tuy nhiên, không nên tắm nắng khi trời nắng gắt. Nếu cần ra ngoài lâu khi trời nắng thì vẫn nên che chắn cẩn thận và dùng kem chống nắng để bảo vệ da.
Vitamin C cũng rất tốt cho sức khỏe xương. Loại vitamin này có trong nhiều loại trái cây và rau củ như cam quýt, ổi, dâu tây, ớt chuông, kiwi….
Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ vitamin C thì có thể đùng viên uống bổ sung nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.
Sắp xếp đồ đạc trong nhà
Khi bị loãng xương, ngay cả những chấn thương hay vấp ngã nhẹ cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến xương. Trong khi những người có xương chắc khỏe chỉ bị bầm tím hay trầy xước nhẹ thì người bị loãng xương có thể bị gãy xương và phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng mới lành lại. Do đó, điều cần thiết là phải thực hiện các bước để hạn chế nguy cơ bị vấp ngã. Một trong những bước đó là sắp xếp lại đồ đạc trong nhà.
Để đồ đạc lộn xộn có thể gây vấp ngã hoặc va đập. Hãy cố gắng sắp xếp đồ một cách gọn gàng. Cất gọn hoặc vứt bỏ những đồ đạc không cần thiết. Để những món đồ thường xuyên dùng đến ở nơi dễ lấy, tránh phải leo trèo nhiều. Không để bất cứ thứ gì trên sàn, kể cả quần áo bẩn hay túi đựng hàng để tránh bị vấp ngã.
Các biện pháp phòng ngừa khác
Ngoài ra còn những biện pháp khác để giảm nguy cơ vấp ngã và gãy xương:
- Che phủ hoặc xử lý các bề mặt trơn trượt
- Mang giày dép chống trơn, không đi tất trên sàn trơn
- Đi giày đế thấp
- Không sử dụng thảm trải nhà. Nếu có thì nên lựa chọn thảm chống trơn hoặc cố định thảm chắc chắn lên sàn.
- Đảm bảo nhà có đủ ánh sáng, đặc biệt là cầu thang
- Lắp tay vịn ở tất cả các cầu thang và trong nhà tắm
- Đặt thảm cao su chống trơn trong nhà tắm để tránh té ngã
- Để đèn pin gần giường để sử dụng khi cần thức dậy vào ban đêm
Nếu bị loãng xương nặng, người bệnh có thể cần sử dụng các thiết bị hỗ trợ di chuyển, chẳng hạn như gậy chống, khung tập đi hoặc xe lăn.
Tuân thủ điều trị
Bên cạnh các thay đổi về lối sống, tuân thủ điều trị theo khuyến nghị của bác sĩ cũng là điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh loãng xương và ngăn ngừa biến chứng.
Kế hoạch điều trị tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nghiêm trọng của tình trạng loãng xương, nguy cơ gãy xương, đã mãn kinh hay chưa, các loại thuốc và thực phẩm chức năng mà người bệnh đang dùng cũng như nhiều yếu tố khác.
Các phương phap điều trị bệnh loãng xương gồm có:
- Thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc, hạn chế rượu bia và caffeine, ăn uống đủ chất và điều chỉnh chế độ tập luyện
- Dùng thuốc:
- Thuốc chống tái hấp thu xương, chẳng hạn như bisphosphonate, thuốc chủ vận/đối kháng estrogen, calcitonin, estrogen và denosumab
- Chất đồng hóa (teriperitide)
- Vật lý trị liệu
Bệnh loãng xương có thể phòng ngừa được không?
Mặc dù không có cách nào có thể phòng ngừa bệnh loãng xương một cạc tuyệt đối vì một số yếu tố nguy cơ nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ. Duy trì thói quen tập thể dục với các bài tập phù hợp và chế độ ăn uống cân bằng là những điều quan trọng nhất để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh loãng xương.
Tóm tắt bài viết
Khi bị loãng xương, điều quan trọng là phải duy trì hoạt động thể chất và ăn uống đủ chất để giữ cho xương và cơ chắc khỏe. Tuy nhiên, bệnh loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, vì vậy người bệnh cần điều chỉnh các hoạt động và thói quen hàng ngày để giảm nguy cơ.
Ví dụ, người bị loãng xương nên điều chỉnh chế độ tập luyện, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà và nhờ người khác giúp đỡ những công việc có nguy cơ tẽ ngã. Bên cạnh đó, tuân thủ điều trị cũng là điều rất quan trọng để cải thiện tình trạng loãng xương và phòng ngừa biến chứng.
Loãng xương hông thoáng qua hay hội chứng phù tủy xương hông là một dạng loãng xương hiếm gặp. Đây là tình trạng giảm mật độ xương tạm thời ở phần đầu của xương đùi hay chỏm xương đùi (phần xương có hình dạng 2/3 khối cầu nằm trong khớp háng).
Mắc các chứng rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhưng có nhiều cách để cải thiện sức khỏe xương.
Dùng các loại glucocorticoid như prednisone có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Dạng loãng xương này được gọi là loãng xương do glucocorticoid. Mặc dù điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giúp làm giảm nguy cơ loãng xương nhưng cũng có thể cần giảm liều glucocorticoid hoặc đổi thuốc khác.
Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu sụt giảm. Estrogen là một hormone giúp bảo vệ khối lượng và sự chắc khỏe của xương. Sự thiếu hụt estrogen vào thời kỳ mãn kinh góp phần gây ra bệnh loãng xương.
Loãng xương là tình trạng mật độ xương bị giảm, khiến xương yếu đi và dễ bị gãy. Đây là một vấn đề phổ biến mà phụ nữ có nguy cơ cao gặp phải sau mãn kinh. Tuy rằng không thể phục hồi lại mật độ xương như trước nhưng điều trị có thể giúp phòng ngừa gãy xương và các biến chứng về lâu dài.