1

Cách giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương

Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng chất của xương giảm. Điều này khiến xương trở nên xốp, yếu đi và dễ gãy hơn. Tuy rằng không thể chữa khỏi loãng xương nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp ngăn mất xương thêm, thậm chí củng cố xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Cách giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương Cách giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương

Gãy xương do loãng xương có phổ biến không?

Nguy cơ gãy xương tăng lên đáng kể khi có tuổi. Một số vị trí xương dễ gãy nhất gồm có xương hông, đốt sống và cẳng tay. Một nguyên nhân chính gây gãy xương ở người cao tuổi là do loãng xương. Dưới đây là một vài con số về gãy xương do loãng xương:

  • Ước tính có khoảng 8,9 triệu ca gãy xương trên toàn thế giới là do loãng xương. Điều này có nghĩa là cứ 3 giây lại có một người bị gãy xương do loãng xương.
  • Ước tính cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi trên toàn thế giới thì có một người bị gãy xương liên quan đến loãng xương. Tỷ lệ gãy xương do loãng xương ở nam giới thấp hơn phụ nữ. Ước tính cứ 5 nam giới trên 50 tuổi thì có một người bị gãy xương do loãng xương.
  • Mất đi 10% mật độ xương ở đốt sống sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ gãy xương sống. Mất 10% mật độ xương hông làm tăng nguy cơ gãy xương lên 2,5 lần.

Những người mắc bệnh loãng xương có nguy cơ cao bị gãy xương hông, đặc biệt là phụ nữ trên 65 tuổi. Do ở độ tuổi này, phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh nên xương yếu hơn so với xương của nam giới.

Tuy nhiên, không phải ai mắc chứng loãng xương cũng bị gãy xương.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gãy xương

Loãng xương không phải yếu tố duy nhất làm tăng nguy cơ gãy xương. Ngoài mật độ xương thấp, các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ gãy xương còn có:

  • Uống nhiều rượu: theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế, uống từ 4 đơn vị cồn (40g cồn nguyên chất) trở lên mỗi ngày sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ gãy xương hông. (1)
  • Sử dụng lâu dài thuốc ức chế bơm proton, chẳng hạn như omeprazole (Prilosec, Prilosec OTC), aspirin và omeprazole (Yosprala), và lansoprazole (Prevcid, Prevcid IV, Prevcid 24-Hour)
  • Thiếu cân
  • Lối sống ít vận động
  • Sử dụng thuốc corticosteroid, chẳng hạn như methylprednisolone trong thời gian dài để giảm viêm
  • Hút thuốc lá
  • Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị rối loạn lo âu, thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm

Khi bị loãng xương, dùng thuốc điều trị kết hợp thay đổi lối sống sẽ giúp giảm nguy cơ gãy xương.

Những xương dễ gãy nhất ở người bị loãng xương

Ba xương có nguy cơ gãy cao nhất do loãng xương là đốt sống, xương cẳng tay hoặc cổ tay và xương hông.

Gãy xương sống

Một loại gãy xương phổ biến ở phụ nữ bị loãng xương là gãy xương sống. Tỷ lệ gãy xương sống do chấn thương trên toàn cầu là 10,5 ca trên 100.000 người và ước tính mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng trên 700.000 ca gãy xương sống. (2)

Tỷ lệ gãy xương sống cao gấp đôi so với gãy xương hông và gãy xương cổ tay. Gãy xương sống là tình trạng gãy một trong các đốt sống. Các dấu hiệu gãy xương sống gồm có:

  • Giảm chiều cao
  • Không thể đứng thẳng hoặc đi lại khó khăn
  • Đau đớn
  • Gù lưng

Đôi khi, người bệnh không cảm thấy đau đớn khi bị gãy xương sống mà chỉ gặp các triệu chứng khác như gù lưng và giảm chiều cao.

Thông thường, gãy xương sống xảy ra do té ngã nhưng cũng có thể xảy ra do các hoạt động thường ngày, chẳng hạn như với tay, vặn người hoặc thậm chí hắt hơi.

Gãy xương cẳng tay và cổ tay

Gãy xương cổ tay và cẳng tay cũng là những loại gãy xương khá phổ biến ở phụ nữ bị loãng xương. Ước tính có khoảng 80% trường hợp gãy xương cẳng tay xảy ra ở phụ nữ. Nguyên nhân dẫn đến gãy xương đa phần là do bị ngã.

Gãy xương hông

Tuổi tác cao làm tăng nguy cơ gãy xương hông. 80% số ca nhập viện do gãy xương hông là người từ 65 tuổi trở lên. Khoảng 72% số ca gãy xương hông ở người từ 65 tuổi trở lên là nữ giới.

Loãng xương làm cho xương trở nên suy yếu. Khi bị ngã hoặc va đập ở vùng hông, xương hông sẽ có nguy cơ bị gãy.

Gãy xương hông cần phải phẫu thuật và phục hồi chức năng sau phẫu thuật để khôi phục khả năng vận động.

Tại sao phụ nữ mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao hơn?

Nội tiết tố trong cơ thể có tác động lớn đến sự phát triển và duy trì độ chắc khỏe của xương. Ba trong số các hormone quan trọng nhất đối với sức khỏe xương là estrogen, hormone tuyến cận giáp và testosterone. Testosterone không tác động nhiều đến xương như estrogen và hormone tuyến cận giáp.

Estrogen có tác dụng kích thích hoạt động của các nguyên bào xương, những tế bào có chức năng tạo xương. Estrogen còn ức chế hoạt động của hủy cốt bào, các tế bào phân hủy xương.

Vào thời kỳ mãn kinh, buồng trứng của phụ nữ bắt đầu giảm sản xuất estrogen. Mặc dù estrogen vẫn được tạo ra ở những nơi khác, chẳng hạn như mô mỡ nhưng buồng trứng mới là nơi tạo ra phần lớn lượng estrogen trong cơ thể.

Sự sụt giảm đáng kể lượng estrogen sau khi mãn kinh sẽ làm giảm mật độ xương và làm tăng nguy cơ gãy xương.

Các biện pháp giảm nguy cơ gãy xương khi bị loãng xương

Một số yếu tố nguy cơ là không thể thay đổi, chẳng hạn như tuổi tác, là phụ nữ và tiền sử gia đình bị loãng xương. Tuy nhiên có thể thay đổi lối sống để giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương.

Phòng ngừa té ngã

Vì gãy xương ở người bị loãng xương thường xảy ra do té ngã nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa té ngã dưới đây sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ gãy xương:

  • Lắp đèn để các phòng trong nhà và hành lang có đủ ánh sáng
  • Đặt đèn pin gần giường để soi sáng khi cần thức dậy vào ban đêm
  • Đặt gọn dây điện vào chân tường, tránh để dây điện trên đường đi lại
  • Cất gọn đồ đạc, loại bỏ những vật có thể gây vấp ngã trên sàn
  • Lắp thanh vịn trên tường phòng tắm và những khu vực dễ té ngã khác trong nhà.
  • Không đi tất trong nhà. Thay vào đó hãy mang dép có đế chống trơn.
  • Trải thảm chống trơn.
  • Đi bộ trên mặt đường bê tông, tránh đi ở những bề mặt trơn trượt như nền gạch, mặt đất có rêu
  • Bỏ những tấm thảm có thể gây vấp ngã trong nhà.
  • Sử dụng gậy chống hoặc khung tập đi nếu đi lại không vững.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Canxi và vitamin D là hai chất quan trọng giúp xương chắc khỏe. Thiếu một trong hai sẽ làm cho xương bị suy yếu. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, bổ sung không đủ canxi là yếu tố góp phần gây gãy xương.

Phụ nữ từ 51 tuổi trở lên cần ít nhất 1.200 mg canxi mỗi ngày. (3) Canxi có trong các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa tươi, sữa chua và phô mai. Ngoài ra, các nguồn cung cấp canxi dồi dào khác còn có:

  • Rau màu xanh đậm
  • Đậu nành
  • Các loại đậu
  • Thực phẩm có bổ sung canxi, chẳng hạn như nước ép trái cây, sữa, bột ngũ cốc

Cơ thể cần vitamin D để hấp thụ canxi. Vitamin D chỉ có trong một vài loại thực phẩm như:

  • Lòng đỏ trứng
  • Gan
  • Cá biển
  • Nấm trồng tự nhiên

Tuy nhiên, có nhiều loại thực phẩm được bổ sung vitamin D, gồm có nước ép trái cây, bột ngũ cốc, sữa… Một cách nữa để tăng lượng vitamin D là tắm nắng nhưng cần chọn thời gian tắm nắng thích hợp (từ 9 – 10 giờ sáng và 3 – 4 giờ chiều).

Giảm lượng rượu bia có thể làm giảm nguy cơ té ngã. Hạn chế bia rượu còn giúp giảm tình trạng mất xương.

Tập thể dục

Hoạt động thể chất giúp tăng cường xương chắc khỏe cũng như cải thiện khả năng giữ thăng bằng, từ đó giảm nguy cơ té ngã. Đừng vì lo sợ té ngã và gãy xương mà tránh tập thể dục.

Các bài tập kháng lực, chẳng hạn như tập tạ hay tập với dây kháng lực có thể giúp tăng cường sức mạnh của cơ. Các hình thức tập luyện giúp tăng tính linh hoạt khác như yoga, thái cực quyềọ và các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện phạm vi chuyển động và khả năng giữ thăng bằng.

Nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chế độ tập luyện phù hợp. Những người bị loãng xương nên tránh các bài tập đòi hỏi phải vặn người, cúi người hoặc ngửa người về phía sau. Những chuyển động như vậy có thể gây áp lực lên cột sống, làm tăng nguy cơ gãy xương và té ngã.

Tóm tắt bài viết

Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, nhất là xương cổ tay/cánh tay, xương hông và cột sống. Có nhiều cách giúp bảo vệ xương và giảm nguy cơ gãy xương, gồm có dùng thuốc điều trị loãng xương, thực hiện các biện pháp phòng ngừa té ngã, bổ sung đủ canxi, vitamin D và tập thể dục.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Loãng xương hông thoáng qua: Nguyên nhân và cách điều trị
Loãng xương hông thoáng qua: Nguyên nhân và cách điều trị

Loãng xương hông thoáng qua hay hội chứng phù tủy xương hông là một dạng loãng xương hiếm gặp. Đây là tình trạng giảm mật độ xương tạm thời ở phần đầu của xương đùi hay chỏm xương đùi (phần xương có hình dạng 2/3 khối cầu nằm trong khớp háng).

Chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ loãng xương
Chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ loãng xương

Mắc các chứng rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhưng có nhiều cách để cải thiện sức khỏe xương.

Loãng xương do glucocorticoid điều trị bằng cách nào?
Loãng xương do glucocorticoid điều trị bằng cách nào?

Dùng các loại glucocorticoid như prednisone có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Dạng loãng xương này được gọi là loãng xương do glucocorticoid. Mặc dù điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giúp làm giảm nguy cơ loãng xương nhưng cũng có thể cần giảm liều glucocorticoid hoặc đổi thuốc khác.

Tại sao mãn kinh làm tăng nguy cơ loãng xương?
Tại sao mãn kinh làm tăng nguy cơ loãng xương?

Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu sụt giảm. Estrogen là một hormone giúp bảo vệ khối lượng và sự chắc khỏe của xương. Sự thiếu hụt estrogen vào thời kỳ mãn kinh góp phần gây ra bệnh loãng xương.

Các cách điều trị loãng xương sau mãn kinh
Các cách điều trị loãng xương sau mãn kinh

Loãng xương là tình trạng mật độ xương bị giảm, khiến xương yếu đi và dễ bị gãy. Đây là một vấn đề phổ biến mà phụ nữ có nguy cơ cao gặp phải sau mãn kinh. Tuy rằng không thể phục hồi lại mật độ xương như trước nhưng điều trị có thể giúp phòng ngừa gãy xương và các biến chứng về lâu dài.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây