1

Các triệu chứng của bệnh loãng xương

Tụt nướu, lực nắm tay yếu và đau cổ hoặc lưng là các triệu chứng của bệnh loãng xương. Bạn nên đi khám khi gặp các triệu chứng này. Đo mật độ xương sẽ giúp đánh giá tình trạng xương và cho biết bạn có bị loãng xương hay không.
Các triệu chứng của bệnh loãng xương Các triệu chứng của bệnh loãng xương

Loãng xương là tình trạng mật độ xương thấp, điều này khiến xương trở nên mỏng đi, yếu và giòn hơn. Theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế (the International Osteoporosis Foundation), khoảng 21,2% phụ nữ và 6,3% nam giới trên 50 tuổi trên toàn thế giới bị loãng xương. (1)

Mặc dù xương rất cứng và khỏe nhưng xương được cấu tạo từ các mô sống liên tục bị phân hủy và tái tạo. Khi còn trẻ, cơ thể tạo ra xương mới với tốc độ nhanh hơn tốc độ tái hấp thu mô xương cũ. Nhờ đó, xương luôn được duy trì ở trạng thái chắc khỏe. Tuy nhiên, tốc độ tái tạo xương mới chậm lại theo thời gian.

Khi có tuổi, mô xương cũ bị phá hủy nhanh hơn so với tốc độ tạo xương mới. Điều này dần làm giảm mật độ xương, khiến xương trở nên xốp, giòn và yếu hơn. Tình trạng này gọi là loãng xương. Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương.

Các triệu chứng loãng xương

Phát hiện và điều trị loãng xương ngay từ sớm là cách tốt nhất để phòng ngừa những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như gãy xương và đau nhức xương.

Vậy cần phải chú ý những triệu chứng nào và khi nào các triệu chứng thường bắt đầu xảy ra?

Dấu hiệu và triệu chứng của loãng xương giai đoạn đầu

Giai đoạn đầu của chứng loãng xương đa phần không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Do đó, người bệnh thường không biết mình bị loãng xương cho đến khi xảy ra gãy xương.

Tuy nhiên, một số dấu hiệu và triệu chứng có thể chỉ ra nguy cơ loãng xương gồm có:

  • Tụt nướu: Giảm mật độ xương hàm khiến nướu bị tụt (đường viền nướu dịch chuyển về phía cuống răng, khiến thân răng lộ ra nhiều hơn). Nên đi khám nếu gặp tình trạng này để kiểm tra mật độ xương hàm.
  • Lực nắm tay yếu: Trong một nghiên cứu về phụ nữ sau mãn kinh và mật độ khoáng xương tổng thể, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lực nắm tay yếu có liên quan đến mật độ khoáng xương thấp. Ngoài ra, lực cầm nắm yếu sẽ làm tăng nguy cơ té ngã và có thể dẫn đến gãy xương.
  • Móng tay yếu và dễ gãy: Độ chắc khỏe của móng tay có thể chỉ ra tình trạng sức khỏe xương. Tuy nhiên, còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể khiến móng yếu đi, chẳng hạn như tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, thường xuyên sử dụng nước tẩy sơn móng tay hoặc móng acrylic, ngâm tay trong nước trong thời gian dài…

Ngoài những thay đổi về mật độ xương, chứng loãng xương thường không gây ra nhiều triệu chứng ở giai đoạn đầu. Cách duy nhất để phát hiện bệnh loãng xương ở giai đoạn đầu là đo mật độ khoáng xương. Nên cân nhắc đo mật độ xương nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương.

Dấu hiệu và triệu chứng loãng xương giai đoạn sau

Khi khối lượng và mật độ xương giảm đáng kể, người bệnh sẽ bắt đầu gặp các triệu chứng rõ ràng hơn, chẳng hạn như:

  • Giảm chiều cao: Loãng xương có thể dẫn đến gãy nén đốt sống và tình trạng này sẽ làm giảm chiều cao. Đây là một trong những triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh loãng xương.
  • Gãy xương khi bị ngã: Gãy xương là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của chứng loãng xương. Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra khi bị ngã hoặc thậm chí do các cử động đơn giản như đứng dậy hoặc vặn mình. Đôi khi, người bị loãng xương còn có thể bị gãy xương khi hắt hơi hoặc ho mạnh
  • Đau lưng hoặc cổ: Loãng xương có thể gây gãy xương sống. Gãy xương sống gây đau đớn vì đốt sống bị xẹp chèn ép lên các dây thần kinh đi ra từ tủy sống.
  • Gù lưng: Gãy nén đốt sống còn có thể khiến phần lưng trên bị gù. Tình trạng này gây đau lưng và cổ, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến hô hấp do sự chèn ép lên phế quản và hạn chế khả năng giãn nở của phổi.

Ai có nguy cơ bị loãng xương?

Cả nam giới và phụ nữ đều có thể mắc bệnh loãng xương nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ. Một phần nguyên nhân của điều này là do sự suy giảm nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh.

Các yếu tố chính làm tăng nguy cơ loãng xương gồm có:

  • Tuổi cao
  • Mãn kinh trước 45 tuổi
  • Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng trước 45 tuổi
  • Thiếu testosterone ở nam giới
  • Thiếu estrogen ở phụ nữ
  • Dùng một số loại thuốc làm giảm nồng độ hormone
  • Hút thuốc lá
  • Có tiền sử gia đình bị loãng xương
  • Uống nhiều rượu
  • Ít hoạt động thể chất, đặc biệt là các bài tập chịu sức nặng như đi bộ

Chủng tộc cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ loãng xương. Theo nghiên cứu, bệnh loãng xương phổ biến hơn ở người da trắng và người gốc Á, đặc biệt là phụ nữ.

Một số tình trạng bệnh lý nhất định cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, gồm có:

  • Suy thận
  • Thiếu vitamin D
  • Bệnh tiểu đường
  • Cường giáp
  • Cường tuyến cận giáp
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Sa sút trí tuệ
  • Tiền sử ung thư vú
  • Bệnh xơ nang
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm
  • Hấp thụ dinh dưỡng kém do bệnh viêm ruột hoặc bệnh celiac

Dùng một số loại thuốc, gồm có thuốc ức chế miễn dịch, các loại steroid như prednisone, thuốc điều trị động kinh và thuốc hormone tuyến giáp (liều quá cao) cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Biến chứng của loãng xương

Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là gãy xương cổ tay, cột sống và hông.

Theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế, trên toàn cầu cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi hoặc 5 nam giới trên 50 tuổi lại có một người bị gãy xương do loãng xương. (2)

Gãy xương cột sống sẽ khiến cho cột sống ngắn lại và dẫn đến giảm chiều cao. Tùy vào mức độ nghiêm trọng và vị trí mà gãy xương có thể cần điều trị bằng phẫu thuật.

Theo nghiên cứu, gãy xương có thể làm tăng nguy cơ tàn tật hoặc tử vong. Đặc biệt, gãy xương hông làm tăng từ 15 đến 20% nguy cơ tử vong trong vòng một năm, đặc biệt là ở nam giới. (3)

Loãng xương còn có thể gây đau nhức xương và làm giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Chẩn đoán loãng xương

Phương pháp chẩn đoán loãng xương chính là đo mật độ xương (DEXA/DXA). Phương pháp này sử dụng tia X năng lượng kép quét qua hông và cột sống để xác định mật độ khoáng chất trong xương, sau đó so sánh với mật độ khoáng xương của người khỏe mạnh cùng giới tính và độ tuổi để cho ra kết quả.

Qúa trình đo thường chỉ mất từ 10 đến 15 phút.

Một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác cũng được sử dụng để chẩn đoán hoặc xác nhận chẩn đoán bệnh loãng xương là siêu âm, thường là ở gót chân.

Bác sĩ có thể giải thích kết quả cụ thể cho người bệnh.

Khi mật độ xương thấp hơn bình thường nhưng chưa đến ngưỡng loãng xương thì được gọi là thiếu xương (osteopenia). Nếu không điều trị, mật độ xương sẽ tiếp tục giảm và thiếu xương tiến triển thành loãng xương.

Điều trị loãng xương

Phương pháp chính để điều trị loãng xương là dùng các loại thuốc giúp ngăn ngừa mất xương và cải thiện mật độ xương. Những loại thuốc này thường có tác động đến nội tiết tố, kích thích hoặc hoạt động giống như hormone estrogen trong cơ thể để thúc đẩy sự tái tạo xương. Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị loãng xương gồm có:

  • Bisphosphonate
  • Calcitonin
  • Liệu pháp estrogen
  • Hormone tuyến cận giáp nhân tạo, chẳng hạn như teriparatide
  • Các loại protein liên quan đến hormone tuyến cận giáp, chẳng hạn như abaloparatide
  • Raloxifene (Evista)

Romosozumab (Evenity) là một loại thuốc đã được phê duyệt để điều trị bệnh loãng xương ở phụ nữ đã mãn kinh và có nguy cơ cao bị gãy xương.

Loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ nên không được sử dụng cho những người có tiền sử mắc các bệnh này.

Gãy xương sống do loãng xương có thể cần điều trị bằng phương pháp bơm xi măng cột sống. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ tạo vết mổ nhỏ để đưa một quả bóng nong vào đốt sống bị xẹp, sau đó bơm xi măng sinh học vào nhằm khôi phục chiều cao và chức năng cho đốt sống. Việc điều trị các loại gãy xương khác tùy thuộc vào vị trí gãy và mức độ nghiêm trọng, từ nghỉ ngơi, bất động xương gãy cho đến phẫu thuật.

Phòng ngừa loãng xương

Giảm mật độ xương là một phần không thể tránh khỏi trong quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, có các cách để giảm thiểu tối đa lượng xương bị mất, giảm nguy cơ loãng xương và ngăn ngừa gãy xương khi bị loãng xương.

Tập thể dục

Thường xuyên tập các bài tập chịu sức nặng có thể giúp cải thiện khối lượng cũng như độ chắc của xương. Bài tập chịu sức nặng là những bài tập được thực hiện khi đứng bằng hai chân và xương phải nâng đỡ sức nặng của cơ thể. Một số ví dụ gồm có:

  • Đi bộ
  • Chạy bộ
  • Sử dụng máy tập elliptical
  • Leo cầu thang

Bổ sung đủ canxi

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), một người trưởng thành cần khoảng 1.000 miligam (mg) canxi mỗi ngày. Tuy nhiên, nhu cầu canxi có thể thay đổi theo từng giai đoạn trong đời.

Canxi có trong các loại thực phẩm như:

  • Sản phẩm từ sữa
  • Rau màu xanh đậm
  • Các loại đậu
  • Các loại hạt và quả hạch
  • Đậu nành
  • Thực phẩm chế biến sẵn có bổ sung canxi như nước cam ép đóng chai, sữa hạt, ngũ cốc ăn liền

Bổ sung đủ vitamin D

Vitamin D cũng là một chất dinh dưỡng cần bổ sung đủ hàng ngày. Cơ thể cần vitamin D để hấp thụ canxi. Thiếu vitamin có thể dẫn đến thiếu canxi. Người trưởng thành cần 400 IU vitamin D mỗi ngày.

Vitamin D là một loại vitamin đặc biệt vì cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tiếp xúc trực tiếp với nắng khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày là đủ để đáp ứng nhu cầu vitamin D của cơ thể. Nên tắm nắng vào lúc trước 9h sáng và sau 4h chiều. Khoảng thời gian từ sau 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều là lúc ánh nắng có nhiều tia cực tím gây hại. Khi phải ở ngoài trời nắng lâu vẫn nên che chắn cẩn thận và bôi kem chống nắng.

Tắm nắng không phải cách duy nhất để bổ sung vitamin D. Vitamin này còn có trong các loại thực phẩm như sữa, ngũ cốc có bổ sung vitamin D, lòng đỏ trứng và cá hồi.

Phòng ngừa té ngã

Các cách phòng ngừa té ngã trong nhà:

  • Mang dép hoặc tất chống trơn
  • Để dây điện sát mép tường
  • Lắp đèn để nhà cửa luôn sáng sủa
  • Gắn chặt thảm vào sàn hoặc bỏ thảm
  • Để đèn pin cạnh giường để soi sáng khi phải thức giấc vào ban đêm
  • Lắp tay vịn trong phòng tắm
  • Sắp xếp đồ đạc gọn gàng, cất những đồ vật chắn đường đi lại

Các cách phòng ngừa té ngã khi ra ngoài:

  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như gậy chống hoặc khung tập đi
  • Đi giày đế cao su chống trượt
  • Đi lại ở nơi có nền đường bê tông xi măng, tránh đi trên nền gạch trơn

Đeo kính thuốc nếu có thị lực kém cũng là một điều cần thiết để phòng ngừa tẽ ngã.

Một số bài tập có thể giúp tăng khả năng giữ thăng bằng và giảm té ngã khi đi lại.

Tránh xa những chất gây hại

Sử dụng các chất kích thích, gây nghiện như hút thuốc hay uống rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Nếu hút thuốc, hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt. Chỉ nên uống rượu ở mức độ vừa phải hoặc bỏ hẳn để giữ cho xương chắc khỏe về lâu dài.

Tóm tắt bài viết

Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm, khiến xương trở nên xốp và giòn hơn. Do tốc độ tạo xương mới của cơ thể chậm lại khi có tuổi nên bệnh loãng xương phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Mặc dù phụ nữ có tỷ lệ bị loãng xương cao hơn nhưng vấn đề này cũng có thể xảy ra ở nam giới.

Loãng xương thường không có triệu chứng nên đa số mọi người không biết mình mắc bệnh cho đến khi xảy ra vấn đề nghiêm trọng hơn, ví dụ như gãy xương. Tuy nhiên, một số thay đổi, chẳng hạn như tụt nướu, lực nắm tay yếu và móng tay giòn, dễ gãy có thể là những dấu hiệu cảnh báo sớm của chứng loãng xương.

Giảm chiều cao, lưng gù, đau lưng hoặc cổ và gãy xương là những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh loãng xương giai đoạn sau. Hãy đi khám khi có bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA sẽ giúp chẩn đoán loãng xương. Có nhiều loại thuốc điều trị loãng xương. Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng có thể làm giảm nguy cơ loãng xương và nguy cơ gãy xương do loãng xương bằng cách thay đổi lối sống, tập thể dục và bổ sung đủ canxi, vitamin D.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và tuyến cận giáp
Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và tuyến cận giáp

Tuyến cận giáp hoạt động quá mức có thể làm giảm lượng canxi trong xương, làm tăng nguy cơ loãng xương và các vấn đề sức khỏe liên quan.

Điều trị bệnh loãng xương bằng tế bào gốc
Điều trị bệnh loãng xương bằng tế bào gốc

Bệnh loãng xương hiện được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống. Ngoài ra còn các phương pháp điều trị khác hiện đang được nghiên cứu, một trong số đó là liệu pháp tế bào gốc. Mặc dù các nghiên cứu trên động vật cho kết quả đầy hứa hẹn về hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị chứng loãng xương nhưng dữ liệu nghiên cứu trên người lại rất hạn chế.

Mối liên hệ giữa hormone estrogen và bệnh loãng xương
Mối liên hệ giữa hormone estrogen và bệnh loãng xương

Estrogen là hormone có vai trò quan trọng đối với sức khỏe xương. Khi nồng độ estrogen giảm, chẳng hạn như sau khi mãn kinh, nguy cơ loãng xương và gãy xương sẽ tăng lên. Mặc sự sụt giảm estrogen này là không thể tránh khỏi nhưng có những cách để giảm thiểu nguy cơ loãng xương.

Chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ loãng xương
Chứng chán ăn có thể làm tăng nguy cơ loãng xương

Mắc các chứng rối loạn ăn uống như chán ăn tâm thần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhưng có nhiều cách để cải thiện sức khỏe xương.

Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến cột sống như thế nào?
Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến cột sống như thế nào?

Các vấn đề về cột sống là một trong những biến chứng của bệnh loãng xương, gồm có gãy xương sống và hẹp đốt sống. Sử dụng thuốc, thay đổi lối sống và tập thể dục có thể giúp kiểm soát bệnh loãng xương và phòng ngừa các vấn đề về cột sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây