Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến cột sống như thế nào?
Theo báo cáo của Tổ chức Loãng xương Quốc tế (the International Osteoporosis Foundation), cứ 3 phụ nữ lại có 1 người bị gãy xương do loãng xương và tỷ lệ gãy xương do loãng xương ở nam giới là 1 trên 5. (1) Cột sống là một trong những vị trí dễ bị gãy xương do loãng xương nhất.
Nghiên cứu từ châu Âu cho thấy nguy cơ gãy xương cột sống do loãng xương ở phụ nữ là khoảng 29% trong khi ở nam giới là khoảng 14%. (2)
Hầu hết người bị loãng xương không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào cho đến khi bị gãy xương. Nguy cơ mắc bệnh loãng xương tăng theo tuổi tác, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh.
Những người có nguy cơ bị gãy xương có thể phải dùng thuốc để làm giảm tình trạng mất xương. Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách để cải thiện sức khỏe xương và giảm nguy cơ gãy xương khi có tuổi.
Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến cột sống như thế nào?
Phụ nữ thường bắt đầu bị loãng xương sớm hơn và tốc độ mất xương cũng nhanh hơn so với nam giới. Trong 5 năm đầu sau mãn kinh, phụ nữ bị mất khoảng 1,5% khối lượng xương ở cột sống mỗi năm. (3)
Giảm mật độ xương khiến cho các đốt sống trở nên suy yếu và có thể bị xẹp. Tình trạng này được gọi là gãy nén đốt sống.
Gãy nén đốt sống đa phần xảy ra ở phần trước của đốt sống và có thể dẫn đến các vấn đề như gù lưngvà chèn ép tủy sống.
Gãy xương sống là loại gãy xương phổ biến thứ hai ở phụ nữ bị loãng xương. Loại phổ biến nhất là gãy xương hông.
Mặc dù có nguy cơ loãng xương thấp hơn phụ nữ nhưng nam giới lại dễ bị gãy xương sống hơn phụ nữ, đặc biệt là ở phần dưới của cột sống.
Triệu chứng loãng xương cột sống
Loãng xương được gọi là căn bệnh thầm lặng vì thường không gây ra bất cứ triệu chứng nào cho đến khi xảy ra gãy xương.
Khi xương bị suy yếu nghiêm trọng, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:
- Giảm chiều cao do đốt sống bị xẹp
- Đau lưng hoặc cổ
- Gù lưng
Biến chứng của loãng xương cột sống
Chứng loãng xương cột sống có thể dẫn đến các biến chứng như:
Gãy xương sống
Gãy nén đốt sống xảy ra khi phần trước của đốt sống bị nứt hoặc xẹp. Gãy nén đốt sống được định nghĩa là tình trạng chiều dài của đốt sống bị giảm đi 15% đến 20%. Ở những người bị loãng xương nặng, tình trạng này có thể xảy ra ngay cả khi thực hiện các chuyển động bình thường hàng ngày, chẳng hạn như ho hoặc bước ra khỏi bồn tắm.
Loãng xương là một nguyên nhân chính gây gãy xương sống. Gãy xương sống co thể dẫn đến:
- Đau đớn, đau tăng khi cử động và có thể kéo dài 4 đến 6 tuần
- Đau lưng hoặc cổ đột ngột
- Giảm chiều cao
- Hạn chế khả năng cử động cột sống
- Hẹp ống sống
Hẹp ống sống
Hẹp ống sống là khi không gian bên trong đốt sống bị thu hẹp lại và tủy sống bị chèn ép. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như:
- Đau lưng, cơn đau có thể lan xuống mông và chân
- Tê hoặc châm chích ở cẳng chân và bàn chân do dây thần kinh bị chèn ép
- Đau cổ
- Yếu cơ ở bàn tay hoặc cánh tay
- Tê và châm chích lan xuống cánh tay và bàn tay
- Đại tiện không tự chủ
- Tiểu không tự chủ
- Giảm chức năng tình dục
Gù lưng
Gù lưng là tình trạng phần trên của cột sống bị cong về phía sau. Đây có thể là một biến chứng của gãy nén đốt sống. Không chỉ gây gù lưng và làm thay đổi ngoại hình, gãy nén đốt sống còn có thể gây:
- Đau đớn
- Khó thở
- Giảm khả năng vận động
Viêm khớp
Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa chứng loãng xương và bệnh thoái hóa khớp (một loại viêm khớp). Thoái hóa khớp là tình trạng sụn và xương dưới sụn bị tổn thương, hư hại.
Trong một nghiên cứu vào năm 2018, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy những người bị thoái hóa khớp nghiêm trọng có mật độ xương ở phần dưới của cột sống và xương đùi thấp hơn đáng kể so với những người không bị thoái hóa khớp.
Điều trị loãng xương cột sống
Chứng loãng xương thường cần điều trị bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống.
Nhóm thuốc chính được sử dụng để điều trị loãng xương là bisphosphonate. Những loại thuốc này làm chậm tốc độ phân hủy mô xương. Bisphosphonate có cả dạng uống và dạng tiêm truyền tĩnh mạch.
Alendronate (Fosamax) – một loại thuốc trong nhóm bisphosphonate - có thể làm giảm 50% nguy cơ gãy xương hông và cột sống ở người bị loãng xương. Axit zoledronic (Reclast) - một loại bisphosphonate được truyền qua đường tĩnh mạch - có thể làm giảm tới 70% nguy cơ gãy xương sống.
Thay đổi thói quen sống
Người bệnh có thể làm chậm tốc độ mất xương và giảm nguy cơ gãy xương bằng cách thực hiện những thay đổi về thói quen sống sau:
- Bỏ thuốc lá nếu hút
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng có nhiều canxi và vitamin D.
- Uống bổ sung canxi và vitamin D nếu chế độ ăn uống không cung cấp đủ
- Hạn chế uống rượu
- Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 3 đến 4 lần mỗi tuần
Những bài tập có lợi cho chứng loãng xương cột sống
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên có thể giúp làm chậm tốc độ mất xương ở phần dưới của cột sống và xương đùi của người lớn tuổi.
Để có được hiệu quả giảm gãy xương cao nhất, người bệnh nên kết hợp nhiều hình thức tập luyện với nhau.
Các chuyên gia khuyến nghị người bị loãng xương nên kết hợp hai hình thức tập luyện dưới đây:
- Các bài tập chịu sức nặng, chẳng hạn như:
- Đi bộ
- Leo cầu thang
- Khiêu vũ
- Các bài tập cardio tác động thấp
- Các bài tập kháng lực/sức mạnh, chẳng hạn như:
- Tập tạ
- Các bài tập với máy kháng lực
- Các bài tập với dây kháng lực
- Các bài tập bodyweight (sử dụng chính trọng lượng cơ thể)
Các bài tập kháng lực/tăng sức mạnh có thể giúp làm tăng mật độ xương, đặc biệt là ở những khu vực mà bài tập nhắm đến.
Tìm hiểu thêm về các bài tập có lợi cho người bị loãng xương
Tiên lượng của người bị loãng xương cột sống
Nếu tình trạng loãng xương được phát hiện khi mới ở giai đoạn đầu thì việc điều trị có thể giúp làm giảm đáng kể tốc độ mất xương, bảo tồn mật độ xương về lâu dài và ngăn ngừa gãy xương. Sử dụng bisphosphonate ngay từ sớm còn có thể giúp cải thiện mật độ khoáng xương.
Tuy nhiên, nếu bị loãng xương nghiêm trọng và gãy xương cột sống thì tiên lượng sẽ kém hơn. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ bị gãy một đốt sống có nguy cơ tiếp tục bị gãy đốt sống khác trong vòng 1 hoặc 2 năm sau đó. (4)
Tóm tắt bài viết
Loãng xương là tình trạng mật độ xương suy giảm. Đây là một vấn đề rất phổ biến ở người lớn tuổi.
Gãy xương sống là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh loãng xương. Gãy xương cột sống có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng nếu chèn ép lên tủy sống.
Tập thể dục thường xuyên, ăn uống đủ chất và không hút thuốc là những cách giúp giảm nguy cơ và kiểm soát loãng xương. Những người có nguy cơ gãy xương cao có thể cần dùng thuốc để làm chậm tốc độ mất xương và cải thiện mật độ xương.
Bệnh loãng xương hiện được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống. Ngoài ra còn các phương pháp điều trị khác hiện đang được nghiên cứu, một trong số đó là liệu pháp tế bào gốc. Mặc dù các nghiên cứu trên động vật cho kết quả đầy hứa hẹn về hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị chứng loãng xương nhưng dữ liệu nghiên cứu trên người lại rất hạn chế.
Estrogen là hormone có vai trò quan trọng đối với sức khỏe xương. Khi nồng độ estrogen giảm, chẳng hạn như sau khi mãn kinh, nguy cơ loãng xương và gãy xương sẽ tăng lên. Mặc sự sụt giảm estrogen này là không thể tránh khỏi nhưng có những cách để giảm thiểu nguy cơ loãng xương.
Tụt nướu, lực nắm tay yếu và đau cổ hoặc lưng là các triệu chứng của bệnh loãng xương. Bạn nên đi khám khi gặp các triệu chứng này. Đo mật độ xương sẽ giúp đánh giá tình trạng xương và cho biết bạn có bị loãng xương hay không.
Bơi lội mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cần nghiên cứu thêm để xem liệu hình thức tập thể dục này có thể giúp xương chắc khỏe hay không. Thêm các bài tập chịu sức nặng vào chế độ tập luyện có thể giúp cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ té ngã.
Loãng xương là một bệnh về xương xảy ra khi khối lượng và mật độ xương giảm. Điều này khiến xương trở nên suy yếu và làm tăng nguy cơ gãy xương. Nhiều người thắc mắc không biết loãng xương có ảnh hưởng đến răng hay không. Câu trả lời là loãng xương không ảnh hưởng trực tiếp đến răng.