1

Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và béo phì

Chúng ta đều biết rằng béo phì có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường và đột quỵ. Ngoài ra, thừa cân, béo phì còn có mối liên hệ với các vấn đề về xương như chứng loãng xương.
Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và béo phì Mối liên hệ giữa bệnh loãng xương và béo phì

Loãng xương là một bệnh về xương có đặc trưng là sự giảm mật độ khoáng chất trong xương và giảm độ chắc khỏe của xương. Tình trạng này xảy ra ở hơn 200 triệu người trên toàn thế giới và phổ biến hơn ở phụ nữ.

Mặc dù loãng xương chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi nhưng đây không phải là một phần tất yếu của quá trình lão hóa và bất kỳ ai, bất kể lứa tuổi nào cũng đều có thể bị loãng xương.

Chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp là một yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương. Nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ cao bị loãng xương.

Béo phì có gây loãng xương không?

Hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy béo phì trực tiếp gây ra bệnh loãng xương. Khối lượng cơ thể lớn vừa có lợi và vừa có hại cho sức khỏe xương.

Trước đây, một số nghiên cứu cho thấy rằng trọng lượng lớn tác động lên xương sẽ kích thích hình thành xương mới và điều này giúp xương trở nên cứng cáp, chắc khỏe hơn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu ngày nay lại chỉ ra rằng khối lượng cơ thể quá lớn gây hại nhiều hơn lợi.

Béo phì không chỉ đơn thuần là nhiều mỡ và cân nặng lớn mà còn gây xáo trộn nhiều quá trình sinh học trong cơ thể và có thể dẫn đến các bệnh mạn tính ảnh hưởng đến sức khỏe xương.

Mối liên hệ giữa BMI và bệnh loãng xương

Chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) được tính bằng cách lấy cân nặng (tính bằng kg) chia cho chiều cao (tính bằng mét). BMI giúp xác định cân nặng của một người đang ở mức nào dựa trên tương quan với chiều cao và phần nào phản ánh lượng mỡ trong cơ thể.

BMI thấp là một yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương vì thiếu cân có nghĩa là khối lượng xương thấp hơn.

BMI không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác lượng mỡ trong cơ thể vì chỉ được tính dựa trên cân nặng và chiều cao chứ không tính đến khối lượng cơ. Ví dụ, ở những người có khối lượng cơ lớn, BMI có thể ở mức cao trong khi thực tế là người đó không có nhiều mỡ thừa. Mặt khác, nếu bị mất khối lượng cơ thì có thể BMI vẫn ở mức bình thường dù cơ thể có nhiều mỡ thừa.

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã so sánh mối liên hệ giữa BMI và tỷ lệ mỡ cơ thể (percentage of body fat - PBF) với mật độ xương và nhận thấy rằng PBF phản ánh chính xác hơn về tình trạng xương. (1)

Béo phì ảnh hưởng như thế nào đến mật độ xương?

Xương được tạo thành từ các mô sống có khả năng tự tái tạo và định hình thông qua quá trình chuyển hóa trong suốt cuộc đời.

Giống như các cơ quan nội tiết, xương cũng tiết ra hormone. Những hormone này rất cần thiết để duy trì sự chắc khỏe và chức năng của xương. Khi quá trình chuyển hóa của xương bị mất cân bằng, mật độ và sự chắc khỏe của xương sẽ bị ảnh hưởng.

Nghiên cứu cho thấy mô mỡ trong cơ thể cũng tiết ra hormone và một số chất khác. Lượng mỡ trong cơ thể quá cao có thể gây ra những thay đổi về sinh học và gián tiếp ảnh hưởng đến xương.

Ví dụ, adiponectin là một loại hormone có chức năng điều hòa lượng glucose trong máu, tham gia vào quá trình hình thành xương và chống viêm trong cơ thể. Những người béo phì thường có lượng adiponectin thấp hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh.

Khi nồng độ adiponectin thấp, nồng độ một số cytokine gây viêm sẽ tăng cao. Điều này gây ra một loạt các phản ứng trong cơ thể và dẫn đến sự tái hấp thu mô xương.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ loãng xương ở người béo phì

Sự mất cân bằng nội tiết tố chỉ là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương ở người béo phì. Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020, béo phì còn đi kèm một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương: (2)

  • Thiếu vitamin D
  • Tích tụ mỡ trong tủy xương
  • Chế độ ăn nhiều chất béo
  • Rối loạn chuyển hóa
  • Lượng mỡ nội tạng nhiều hơn mỡ dưới da

Tất cả những điều này đều có thể góp phần làm suy yếu xương.

Mỡ nội tạng (lượng mỡ tích tụ quanh các cơ quan trong ổ bụng) có hoạt động chuyển hóa mạnh hơn so với mỡ dưới da. Điều này có nghĩa là mỡ nội tạng có thể gây rối loạn quá trình chuyển hóa của cơ thể nhiều hơn mỡ dưới da.

Lối sống ít vận động có làm tăng nguy cơ loãng xương không?

Khối lượng và sức mạnh của cơ sẽ giảm dần nếu không thường xuyên hoạt động và mật độ xương cũng vậy. Hoạt động thể chất cũng có tác động đến xương giống như các mô khác trong cơ thể. Tập thể dục không chỉ giúp đạt được khối lượng và độ chắc khỏe tối đa của xương mà còn giúp phòng ngừa mất xương khi có tuổi, đồng thời giảm nguy cơ té ngã và gãy xương.

Ít hoạt động thể chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Ít vận động trong thời gian dài đồng nghĩa với việc cơ thể ít phải sử dụng hệ thống cơ xương (gồm có xương, cơ, gân, dây chằng và mô mềm). Và khi không phải sử dụng nhiều thì sẽ cơ thể sẽ không tạo ra thêm mô xương mới.

Ăn uống thiếu chất có gây loãng xương không?

Sự mất cân bằng và thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Mất xương có thể xảy ra do:

  • Thiếu canxi
  • Thiếu vitamin D
  • Thiếu protein
  • Ăn kiêng quá khắc nghiệt

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo có thể làm gia tăng tình trạng viêm trong cơ thể, điều này làm tăng tốc độ hủy xương và thúc đẩy sự tích tụ chất béo trong tủy xương. (3, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7493444/

Giảm cân có giúp phòng ngừa loãng xương không?

Mới có rất ít nghiên cứu về lợi ích của việc giảm cân ở người béo phì đối với bệnh loãng xương.

Một số bằng chứng cho thấy giảm cân có thể giúp thay đổi các yếu tố chuyển hóa ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương. Ví dụ, giảm cân và giảm mỡ có thể làm tăng nồng độ adiponectin và điều này giúp cải thiện mật độ xương.

Tuy nhiên, những người bị loãng xương và thừa cân nên giảm cân một cách từ từ, tốt nhất là có sự tư vấn của bác sĩ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người lớn tuổi.

Giảm cân quá nhanh có thể làm cạn kiệt các vi chất dinh dưỡng như canxi và vitamin D, dẫn đến tăng tốc độ mất xương. Việc giảm khối lượng cơ thể đột ngột cũng có thể dẫn đến mất xương do nhu cầu sử dụng hệ thống cơ xương giảm.

Tóm tắt bài viết

Trước đây, khối lượng cơ thể lớn được cho là giúp thúc đẩy tạo xương mới và do đó có lợi cho sức khỏe xương. Tuy nhiên, thực tế là thừa cân, béo phì gây hại cho xương nhiều hơn lợi.

Sự mất cân bằng nội tiết tố do béo phì, lượng mỡ lớn quanh nội tạng và trong tủy xương cũng như tình trạng viêm toàn thân có thể gián tiếp khiến xương trở nên giòn và yếu đi.

Mặc dù giảm cân có thể cải thiện các yếu tố trao đổi chất gây hại cho xương nhưng giảm cân quá nhiều và quá nhanh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa bệnh Gaucher và loãng xương
Mối liên hệ giữa bệnh Gaucher và loãng xương

Cả bệnh Gaucher và loãng xương đều ảnh hưởng đến xương. Mặc dù đây là hai bệnh lý riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ với nhau.

Mối liên hệ giữa bệnh viêm khớp và loãng xương
Mối liên hệ giữa bệnh viêm khớp và loãng xương

Loãng xương là tình trạng khiến xương trở nên yếu và giòn hơn. Viêm khớp là tình trạng khớp bị viêm, gây đau đớn và sưng tấy. Đôi khi, chứng loãng xương có thể là kết quả của chứng viêm khớp do viêm khớp gây cản trở khả năng vận động và ít hoạt động thể chất sẽ khiến xương trở nên kém chắc khỏe. Tuy nhiên, một số loại viêm khớp trực tiếp làm tăng nguy cơ loãng xương.

Mối liên hệ giữa loãng xương và thoái hóa đĩa đệm
Mối liên hệ giữa loãng xương và thoái hóa đĩa đệm

Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm. Thoái hóa đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm ở cột sống bị bào mòn. Những người bị loãng xương có nguy cơ thoái hóa đĩa đệm cao hơn.

Mối liên hệ giữa loãng xương và vẹo cột sống
Mối liên hệ giữa loãng xương và vẹo cột sống

Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên. Vẹo cột sống thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc tuổi thiếu niên nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng xương thấp. Tình trạng này khiến xương yếu, xốp và làm tăng nguy cơ gãy xương.

Bệnh loãng xương có di truyền không?
Bệnh loãng xương có di truyền không?

Loãng xương là một bệnh lý mạn tính phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe xương. Loãng xương là khi khối lượng và mật độ xương giảm, điều này khiến xương trở nên suy yếu và dễ gãy. Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương nhưng có những yếu tố làm tăng nguy cơ, gồm có tuổi tác, giới tính và di truyền. Chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể góp phần làm cho xương kém chắc khỏe và có nguy cơ loãng xương cao. Bài viết dưới đây sẽ giải thích ảnh hưởng của gen di truyền đến nguy cơ mắc bệnh loãng xương, tầm quan trọng của việc sàng lọc và các biện pháp phòng ngừa loãng xương.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây