Mối liên hệ giữa loãng xương và thoái hóa đĩa đệm
Loãng xương là khi mật độ xương thấp hơn mức bình thường. Đây là một vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ trên 50 tuổi. Ước tính có khoảng 6% nam giới và 21% phụ nữ trên 50 tuổi trên toàn thế giới bị loãng xương. (1)
Thoái hóa đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm giữa các đốt sống bị hỏng. Tình trạng này cũng rất phổ biến và ước tính mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 400 triệu ca mắc mới thoái hóa đĩa đệm. (2)
Một số bằng chứng cho thấy loãng xương có thể làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa đĩa đệm.
Loãng xương là gì?
Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng chất trong xương giảm, điều này khiến xương bị yếu đi và dễ gãy hơn. Khoảng 70% cấu trúc xương là các khoáng chất mà chủ yếu là canxi và phốt pho.
Cơ thể liên tục phân hủy mô xương cũ và tạo ra mô xương mới. Chứng loãng xương xảy ra khi cơ thể phân hủy xương nhanh hơn tốc độ tạo ra xương mới.
Thoái hóa đĩa đệm là gì?
Thoái hóa đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm giữa các đốt sống bị bào mòn hay bị hỏng. Những đĩa đệm này là cấu trúc sụn có chức năng giảm ma sát, giúp các đốt sống chuyển động trơn tru và giảm lực tác động lên cột sống, đồng thời tạo ra không gian cho các dây thần kinh đi ra từ tủy sống.
Đĩa đệm bị bào mòn theo thời gian là điều bình thường. Theo một thống kê, thoái hóa đĩa đệm xảy ra ở hơn 35% người 20 tuổi và 95% người 80 tuổi. (3)
Mối liên hệ giữa loãng xương và thoái hóa đĩa đệm
Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống. Phần đốt sống tiếp xúc với đĩa đệm được gọi là bề mặt thân sống. Bề mặt thân sống cung cấp cho đĩa đệm những chất dinh dưỡng cần thiết.
Liệu rằng chứng loãng xương có làm tăng nguy cơ thoái hóa đĩa đệm hay không là một chủ đề vẫn đang được tranh luận. Về lý thuyết, loãng xương có thể làm suy yếu bề mặt thân sống và làm ảnh hưởng đến khả năng lấy chất dinh dưỡng của đĩa đệm.
Trong một nghiên cứu vào năm 2019, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa chứng loãng xương và tổn thương bề mặt thân sống ở 156 người bị thoái hóa đĩa đệm. Theo các nhà nghiên cứu, nghiên cứu của họ cho thấy bằng chứng đầu tiên về mối liên hệ giữa loãng xương và tổn thương bề mặt thân sống ở người.
Sự khác biệt giữa loãng xương và thoái hóa đĩa đệm
Dưới đây là một số điểm khác biệt chính giữa loãng xương và thoái hóa đĩa đệm.
Loãng xương | Thoái hóa đĩa đệm |
Thường bắt đầu sau 50 tuổi | Thường bắt đầu ở độ tuổi trẻ hơn |
Xảy ra ở xương | Xảy ra ở đĩa đệm giữa các đốt sống |
Thường không gây đau trừ khi bị gãy xương | Gây đau hoặc các triệu chứng về thần kinh nếu rễ thần kinh bị chèn ép |
Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới | Nam giới thường bị ở độ tuổi trẻ hơn nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở hai giới là tương đương nhau |
Triệu chứng loãng xương và thoái hóa đĩa đệm
Loãng xương và thoái hóa đĩa đệm phần lớn xảy ra âm thầm, nghĩa là thường không biểu hiện triệu chứng.
Loãng xương
Loãng xương thường không có triệu chứng. Do đó, nhiều người không biết mình bị loãng xương cho đến khi bị gãy xương. Triệu chứng điển hình của gãy xương là đau đớn dữ dội, sưng tấy và biến dạng ở vị trí gãy. Gãy xương sống còn gây giảm chiều cao và gù lưng.
Thoái hóa đĩa đệm
Đôi khi, thoái hóa đĩa đệm cũng không biểu hiện triệu chứng. Vấn đề được tình cờ phát hiện qua ảnh chụp X-quang hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Nếu có, các triệu chứng thường xảy ra do rễ thần kinh bị chèn ép.
Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Đau đớn, cơn đau tăng lên khi ngồi và giảm bớt khi cử động
- Cơn đau dữ dội hơn khi cúi người, bê đồ hoặc vặn mình
- Tê, yếu cơ hoặc chân chích ở chân tay
Điều trị loãng xương và thoái hóa đĩa đệm
Điều trị loãng xương
Thuốc là phương pháp điều trị chính cho bệnh loãng xương. Loại thuốc kê đơn chính được sử dụng để điều trị chứng loãng xương là bisphosphate. Nhóm thuốc này làm chậm tốc độ phân hủy xương.
Một số loại thuốc trong nhóm bisphosphate gồm có:
- axit zoledronic
- risedronate
- alendronate
- ibandronate
Các loại thuốc kê đơn khác cũng được sử dụng để điều trị bệnh loãng xương gồm có:
- Thuốc điều biến chọn lọc thụ thể estrogen (SERM): Các thuốc trong nhóm này như tamoxifen (Nolvadex, Soltamox) và raloxifene (Evista) có tác dụng điều chỉnh cách cơ thể sử dụng estrogen – loại hormone có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe xương.
- Liệu pháp hormone thay thế: Liệu pháp hormone thay thế có thể giúp tăng hoặc duy trì mức estrogen để giúp xương chắc khỏe.
- Thuốc sinh học: Các loại thuốc sinh học như denosumab và romosozumab được sử oẻng để giữ cho xương chắc khỏe trong những trường hợp không thể dùng bisphosphate.
- Tiêm hormone tuyến cận giáp: Những hormone này giúp cơ thể duy trì mức canxi ổn định. Điều này có lợi cho sức khỏe xương.
Ngoài thuốc, các phương pháp khác để điều trị chứng loãng xương gồm có:
- Uống bổ sung canxi và vitamin D
- Tăng cường hoạt động thể chất
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
Điều trị thoái hóa đĩa đệm
Thoái hóa đĩa đệm thường không cần điều trị trừ khi người bệnh có triệu chứng. Các phương pháp điều trị gồm có:
- Dùng thuốc giảm đau, ví dụ như thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Vật lý trị liệu
- Tiêm steroid
- Tập thể dục (bài tập tác động thấp)
- Chườm nóng hoặc lạnh
- Bài tập giãn cơ
- Đeo đai lưng cột sống
- Phẫu thuật cắt thần kinh bằng sóng cao tần
Nếu những phương pháp điều trị này không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định thay đĩa đệm nhân tạo.
Ai có nguy cơ bị loãng xương và thoái hóa đĩa đệm?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương gồm có:
- Là phụ nữ
- Tuổi cao
- Cường tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp (các tuyến này hoạt động quá mức)
- Giảm estrogen và testosterone
- Bệnh tuyến yên
- Tiền sử gia đình bị loãng xương
- Chỉ số khối cơ thể (bmi) thấp
- Sử dụng steroid trong thời gian dài
- Rối loạn ăn uống
- Mắc bệnh tiêu hóa ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt
- Nằm một chỗ trong thời gian dài
- Uống nhiều rượu
- Hút thuốc
- Viêm khớp dạng thấp
Các yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa đĩa đệm gồm có:
- Tuổi cao
- Béo phì
- Làm công việc nặng nhọc
- Hút thuốc
- Yếu tố di truyền
Hậu quả của loãng xương và thoái hóa đĩa đệm
Loãng xương là tình trạng không thể đảo ngược nhưng nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ngăn tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn và còn có thể thúc đẩy sự tái tạo xương. Loãng xương khiến xương trở nên suy yếu và làm tăng nguy cơ gãy xương, gây đau mạn tính, thay đổi tư thế và giảm chất lượng cuộc sống.
Nhiều người bị thoái hóa đĩa đệm không có triệu chứng. Một số triệu chứng có thể được kiểm soát bằng các biện pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, tình trạng nghiêm trọng sẽ điều trị bằng phải phẫu thuật.
Phòng ngừa loãng xương và thoái hóa đĩa đệm
Phòng ngừa loãng xương
Không có cách nào có thể phòng ngừa loãng xương một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm nguy cơ bằng cách:
- Ăn uống đủ chất, cân bằng với nhiều vitamin D, canxi và protein
- Hạn chế rượu bia
- Không hút thuốc
- Duy trì hoạt động thể chất
Phòng ngừa thoái hóa đĩa đệm
Thoái hóa đĩa đệm cũng không thể phòng ngừa tuyệt đối. Nhưng người bệnh có thể làm giảm nguy cơ và làm chậm sự tiến triển của bệnh bằng cách:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Bỏ thuốc lá nếu hút
- Không ngồi một chỗ liên tục trong thời gian dài (thi thoảng nên đứng dậy đi lại và tập các động tác giãn cơ)
- Tập thể dục thường xuyên
Tóm tắt bài viết
Loãng xương và thoái hóa đĩa đệm đều là những vấn đề phổ biến. Loãng xương là khi mật độ khoáng chất trong xương thấp hơn mức bình thường. Thoái hóa đĩa đệm là khi một hoặc nhiều đĩa đệm giữa các đốt sống bị hỏng.
Một số bằng chứng cho thấy chứng loãng xương có thể làm hỏng bề mặt thân sống và làm tăng nguy cơ thoái hóa đĩa đệm. Các nghiên cứu đang được tiến hành nhằm làm rõ mối liên hệ giữa hai tình trạng này.
Cả bệnh Gaucher và loãng xương đều ảnh hưởng đến xương. Mặc dù đây là hai bệnh lý riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ với nhau.
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên. Vẹo cột sống thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc tuổi thiếu niên nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng xương thấp. Tình trạng này khiến xương yếu, xốp và làm tăng nguy cơ gãy xương.
Chúng ta đều biết rằng béo phì có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường và đột quỵ. Ngoài ra, thừa cân, béo phì còn có mối liên hệ với các vấn đề về xương như chứng loãng xương.
Loãng xương là tình trạng khiến xương trở nên yếu và giòn hơn. Viêm khớp là tình trạng khớp bị viêm, gây đau đớn và sưng tấy. Đôi khi, chứng loãng xương có thể là kết quả của chứng viêm khớp do viêm khớp gây cản trở khả năng vận động và ít hoạt động thể chất sẽ khiến xương trở nên kém chắc khỏe. Tuy nhiên, một số loại viêm khớp trực tiếp làm tăng nguy cơ loãng xương.
Viêm khớp và loãng xương đều là những tình trạng mạn tính xảy ra với xương. Viêm khớp là tình trạng viêm, sưng đau ở một hoặc nhiều khớp. Loãng xương là tình trạng khối lượng và mật độ xương giảm, khiến xương yếu đi và có thể dẫn đến gãy xương.