Người bị loãng xương có thể trồng răng implant không?
Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm. Điều này khiến xương trở nên yếu hơn và dễ gãy hơn. Loãng xương có thể xảy ra vào thời kỳ mãn kinh do sự suy giảm nồng độ estrogen tự nhiên, một loại hormone cần thiết cho sự hình thành xương mới.
Trồng răng implant là một phương pháp phục hình răng trong đó sử dụng trụ làm bằng titanium hoặc oxit zirconium cắm vào xương hàm ở vị trí bị mất răng. Sau một thời gian, mão răng sứ được gắn lên trụ implant, thay thế cho chiếc răng đã mất. Sau đó, xương sẽ phát triển tự nhiên xung quanh trụ implant và hình thành liên kết vững chắc.
Trồng răng implant có an toàn với người bị loãng xương không?
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 đã xác nhận rằng trồng răng implant an toàn với người bị loãng xương, tuy rằng bất kỳ thủ thuật nào cũng tiềm ẩn một số rủi ro cần cân nhắc. (1)
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), trồng răng implant có một số những rủi ro sau đây:
- Tổn thương mô hoặc răng xung quanh
- Không thể khôi phục hoàn toàn chức năng nhai cắn
- Chiếc răng giả không chắc
- Nhiễm trùng
Những người bị loãng xương cần cho bác sĩ biết về tình trạng của mình trước khi trồng răng implant. Bác sĩ sẽ yều cầu kiểm tra mật độ xương và tình trạng sức khỏe tổng thể để xem liệu việc trồng răng có an toàn hay không.
Loãng xương có ảnh hưởng đến kết quả trồng răng implant không?
Theo một nghiên cứu vào năm 2020, chứng loãng xương có thể ảnh hưởng đến kết quả trồng răng implant. Tình trạng mật độ xương thấp xảy ra ở cả xương hàm. Điều này khiến trụ implant không bám chắc vào xương hàm.
Mặc dù có thể xương sẽ vẫn phát triển quanh trụ implant và giữ cố định trụ implant nhưng trụ sẽ không đủ chắc chắn hoặc người bệnh không thể nhai một cách bình thường.
Loãng xương có làm giảm tuổi thọ của răng implant không?
Tuổi thọ của răng implant phù thuộc rất nhiều vào khả năng trụ implant tích hợp vào xương hàm nhưng vẫn chưa rõ liệu tình trạng mật độ xương thấp có ảnh hưởng đến tuổi thọ của răng implant hay không.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 gồm 15 nghiên cứu đã kết luận rằng chứng loãng xương không làm tăng tỷ lệ thất bại của trồng răng implant. (2) Tuy nhiên, chứng loãng xương đã dẫn đến giảm mật độ xương nhiều hơn xung quanh trụ implant. Điều này có nghĩa là trụ implant kém vững chắc hơn, mặc dù vẫn bám được vào xương hàm.
Loãng xương nghiêm trọng có thể trồng răng implant không?
Hiện tại, chưa có hướng dẫn cụ thể nào nêu rõ loãng xương ở mức độ nào thì không nên trồng răng implant. Nghiên cứu từ năm 2017 cho thấy những người bị loãng xương vẫn có thể trồng răng implant, bất kể tình trạng nghiêm trọng đến đâu.
Bisphosphonate có ảnh hưởng đến trồng răng implant không?
Bisphosphonate là một nhóm thuốc dùng để điều trị chứng loãng xương. Nhóm thuốc này có tác dụng làm chậm tốc độ mất xương và tăng mật độ xương. Mặc dù bisphosphonate là nhóm thuốc toàn nhưng vẫn chưa rõ liệu các loại thuốc này có ảnh hưởng đến kết quả trồng răng implant hay không.
Một rủi ro của việc sử dụng bisphosphonate là hoại tử xương hàm, đây là một tình trạng nghiêm trọng dẫn đến mất xương hàm.
Sử dụng bisphosphonate dạng tiêm truyền tĩnh mạch có thể làm tăng nguy cơ thất bại khi trồng răng implant. Nghiên cứu vào năm 2016 chỉ ra rằng những người điều trị bằng bisphosphonate dạng tiêm truyền tĩnh mạch có nguy cơ thất bại cao hơn khi trồng răng implant nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận điều này. (3)
Nếu đang dùng bisphosphonate, người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi trồng răng implant.
Có cần phải ghép xương hàm trước khi trồng răng implant không?
Ghép xương hàm là một thủ thuật trong đó sử dụng xương tự thân hoặc vật liệu nhân tạo ghép vào xương hàm để tăng mật độ xương. Thủ thuật này có thể được thực hiện trước khi trồng răng implant nhằm làm cho xương hàm trở nên vững chắc hơn để giữ trụ implant.
Việc có cần ghép xương hàm trước khi trồng răng implant hay không còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng loãng xương ở xương hàm. Nếu như không có đủ mật độ xương để giữ chắc trụ implant thì người bệnh sẽ cần phải ghép xương hàm.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và đo mật độ xương sẽ xác định xem người bệnh có cần ghép xương hàm hay không. Theo một nghiên cứu vào năm 2021, có tới 50% tổng số ca trồng răng implant cần phải ghép xương hàm.
Cần làm gì khi trồng răng implant thất bại?
Trong trường hợp trồng răng implant thất bại, bác sĩ sẽ kiểm tra để tìm nguyên nhân và từ đó xác định phương hướng giải quyết.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tháo trụ implant cũ, sau đó chờ một thời gian để xương lành lại rồi cấy trụ implant mới. Nếu mật độ xương hàm thấp thì có thể sẽ phải ghép xương hàm trước khi cấy trụ implant mới.
Tóm tắt bài viết
Trồng răng implant là một lựa chọn phục hình răng an toàn với người bị loãng xương. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận độ bền về lâu dài của trồng răng implant ở người bị loãng xương.
Tập yoga là một cách hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng loãng xương. Duy trì thói quen tập yoga đều đặn có thể giúp tăng cường sức mạnh của cơ và xương, giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.
Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.
Các bài tập tĩnh là một phần rất cần thiết trong thói quen tập luyện để kiểm soát bệnh loãng xương. Những bài tập này nhắm vào các nhóm cơ cụ thể, tạo ra các cơn co cơ tĩnh mà không làm thay đổi chiều dài của cơ.
Loãng xương là một bệnh lý mạn tính phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe xương. Loãng xương là khi khối lượng và mật độ xương giảm, điều này khiến xương trở nên suy yếu và dễ gãy. Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương nhưng có những yếu tố làm tăng nguy cơ, gồm có tuổi tác, giới tính và di truyền. Chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể góp phần làm cho xương kém chắc khỏe và có nguy cơ loãng xương cao. Bài viết dưới đây sẽ giải thích ảnh hưởng của gen di truyền đến nguy cơ mắc bệnh loãng xương, tầm quan trọng của việc sàng lọc và các biện pháp phòng ngừa loãng xương.
Loãng xương khiến xương trở nên giòn, yếu và dễ gãy hơn. Các xương có nguy cơ bị gãy cao nhất là xương hông, cổ tay và cột sống. Gãy những xương này cần được điều trị đặc biệt.