1

Đột quỵ đồi thị là gì? Có nguy hiểm không?

Đột quỵ đồi thị xảy ra khi có sự gián đoạn sự lưu thông máu đến đồi thị, vùng nằm sâu trong não. Đột quỵ đồi thị ảnh hưởng đến cảm giác, khả năng giữ thăng bằng, kỹ năng ngôn ngữ và trí nhớ. Nếu được điều trị kịp thời, người bị đột quỵ đồi thị thường có tiên lượng tốt.
Đột quỵ đồi thị là gì? Có nguy hiểm không? Đột quỵ đồi thị là gì? Có nguy hiểm không?

Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một vùng não bị gián đoạn. Khi không được cung cấp máu mang oxy và chất dinh dưỡng, các tế bào não sẽ bắt đầu chết chỉ trong vòng vài phút và điều này sẽ dẫn đến những biến chứng lâu dài, thậm chí tử vong.

Đột quỵ đồi thị xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến đồi thị, đây là một phần nhỏ nhưng quan trọng của não. Đồi thị có vai trò giống như trạm trung chuyển của não và tham gia kiểm soát rất nhiều chức năng quan trọng, gồm có:

  • Ngôn ngữ
  • Ký ức
  • Khả năng giữ thăng bằng
  • Động lực
  • Xúc giác và cảm giác đau

Triệu chứng của đột quỵ đồi thị

Các triệu chứng đột quỵ đồi thị tùy thuộc vào phần đồi thị bị gián đoạn lưu thông máu. Tuy nhiên, một số triệu chứng chung của đột quỵ đồi thị gồm có:

  • Mất cảm giác
  • Khó khăn khi di chuyển
  • Mất thăng bằng
  • Khó khăn khi nói và hiểu lời nói
  • Thay đổi về thị lực, ví dụ như mất thị lực hoặc nhìn mờ
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Giảm hứng thú
  • Giảm khả năng tập trung, chú ý
  • Giảm trí nhớ

Đột quỵ đồi thị thường gây ra một nhóm các triệu chứng gọi là Hội chứng Dejerine-Roussy (còn gọi là hội chứng đau trung tâm hay hội chứng đau đồi thị). Các triệu chứng gồm có cảm giác nóng hoặc lạnh dữ dội đi kèm cơn đau, thường xảy ra ở đầu, cánh tay hoặc chân.

Nguyên nhân gây đột quỵ đồi thị

Đột quỵ được phân loại dựa trên nguyên nhân, gồm đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết.

Phần lớn các ca đột quỵ là do thiếu máu cục bộ. Loại đột quỵ này xảy ra khi động mạch cấp máu cho não bị tắc, thường do cục máu đông.

Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não xảy ra do một mạch máu trong hoặc xung quanh não bị vỡ hoặc rò rỉ, khiến cho máu tích tụ ở mô não.

Đột quỵ đồi thị có thể là do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết.

Đột quỵ đồi thị do thiếu máu cục bộ có thể là một loại đột quỵ lỗ khuyết. Đột quỵ lỗ khuyết xảy ra do tắc nghẽn ở các mạch máu nhỏ nằm sâu trong não. Mặc dù xuất phát từ các mạch máu nhỏ nhưng đột quỵ lỗ khuyết có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.

Những ai có nguy cơ bị đột quỵ đồi thị?

Bất kỳ ai cũng có thể bị đột quỵ đồi thị nhưng một số người có nguy cơ cao hơn. Những yếu tố làm tăng nguy cơ gồm có:

  • Cao huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Bệnh tim mạch, gồm có rối loạn nhịp tim hoặc suy tim
  • Bệnh tiểu đường
  • Hút thuốc
  • Tiền sử đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim

Chẩn đoán đột quỵ đồi thị

Nếu nghi ngờ người bệnh bị đột quỵ đồi thị, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc cắt lớp vi tính (CT) não để xác định mức độ tổn thương. Người bệnh có thể được lấy mẫu máu để làm xét nghiệm kiểm tra lượng đường trong máu, số lượng tiểu cầu và một số thông tin khác.

Tùy thuộc vào các triệu chứng và bệnh sử, bác sĩ sẽ đo điện tâm đồ để xem người bệnh có mắc bệnh tim mạch hay không. Ngoài ra, có thể cần siêu âm để đánh giá lưu lượng máu chảy qua động mạch.

Điều trị đột quỵ đồi thị

Đột quỵ là một tình trạng vô cùng nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây đột quỵ là do thiếu máu cục bộ hay xuất huyết.

Điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Các phương pháp điều trị đột quỵ do tắc nghẽn động mạch gồm có:

  • Thuốc làm tan cục máu đông để khôi phục lưu thông máu đến đồi thị
  • Thủ thuật lấy huyết khối để loại bỏ cục máu đông (đối với những trường hợp có cục máu đông lớn)

Điều trị đột quỵ xuất huyết não

Trong những trường hợp đột quỵ xuất huyết não, bước đầu tiên là phải xác định vị trí chảy máu và ngăn chảy máu. Sau đó, các phương pháp điều trị được thực hiện tiếp theo gồm:

  • Ngừng dùng thuốc làm loãng máu nếu có
  • Thuốc hạ huyết áp
  • Phẫu thuật sửa mạch máu bị vỡ
  • Phẫu thuật sửa các động mạch có nguy cơ vỡ để ngăn ngừa đột quỵ tái phát

Phục hồi sau đột quỵ đồi thị

Có thể mất từ vài tuần đến vài tháng để phục hồi hoàn toàn sau đột quỵ đồi thị nhưng cũng có nhiều trường hợp mà người bệnh vĩnh viễn không thể hồi phục hoàn toàn. Tiên lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và thời điểm mà người bệnh được cứu chữa.

Sử dụng thuốc

Nếu đột quỵ là do cục máu đông, bác sĩ sẽ kê thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) để ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Tương tự, nếu bị cao huyết áp, người bệnh sẽ phải dùng thuốc hạ huyết áp để giảm nguy cơ vỡ mạch máu.

Trong những trường hợp bị hội chứng Dejerine-Roussy, bác sĩ sẽ kê thuốc và/hoặc vật lý trị liệu để kiểm soát các triệu chứng.

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể, người bệnh sẽ cần dùng thêm thuốc để kiểm soát:

  • cholesterol cao
  • bệnh tim mạch
  • bệnh tiểu đường

Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng

Quá trình phục hồi chức năng thường bắt đầu trong vòng 1 – 2 ngày sau khi bị đột quỵ. Mục tiêu là lấy lại các kỹ năng bị mất do đột quỵ. Hơn hai phần ba số người bị đột quỵ cần trải qua phục hồi chức năng.

Những liệu pháp cần thực hiện trong quá trình phục hồi chức năng sẽ phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ. Các liệu pháp phục hồi chức năng phổ biến gồm có:

  • Vật lý trị liệu để cải thiện sức mạnh của cơ và khả năng vận động
  • Hoạt động trị liệu để giúp người bệnh thực hiện các công việc hàng ngày dễ dàng hơn
  • Ngôn ngữ trị liệu để giúp người bệnh khôi phục khả năng giao tiếp
  • Liệu pháp nhận thức để điều trị tình trạng mất trí nhớ

Thay đổi lối sống

Những người từng bị đột quỵ sẽ có nguy cơ cao bị lại. Có thể giảm thiểu nguy cơ bằng các cách như:

  • Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
  • Bỏ thuốc lá nếu hút
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì cân nặng hợp lý

Sau khi bị đột quỵ, người bệnh sẽ cần kết hợp dùng thuốc, phục hồi chức năng và thay đổi lối sống.

Tiên lượng của người bị đột quỵ đồi thị

Khả năng phục hồi sau đột quỵ của mỗi người là khác nhau. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Mất trí nhớ
  • Mất cảm giác
  • Mất ngôn ngữ

Những biến chứng này có thể là vĩnh viễn nhưng có thể cải thiện phần nào theo thời gian khi được điều trị đúng cách.

Nghiên cứu gần đây cho thấy những người bị đột quỵ giới hạn ở vùng đồi thị thường có kết quả khả quan. Trong một nghiên cứu vào năm 2024, gần một nửa số người tham gia không bị tàn tật trong vòng 7 ngày sau cơn đột quỵ đồi thị và hơn ba phần tư không bị tàn tật nghiêm trọng sau 2 năm.

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ đồi thị xảy ra do sự lưu thông máu đến đồi thị bị gián đoạn. Điều này dẫn đến các vấn đề về cảm giác, trí nhớ, khả năng giữ thăng bằng và ngôn ngữ. Đột quỵ đồi thị còn gây ra một nhóm triệu chứng gọi là Hội chứng Dejerine-Roussy hay hội chứng đau trung tâm.

Cho dù là loại đột quỵ nào thì cũng cần điều trị kịp thời để giảm thiểu tổn thương não, giảm nguy cơ tử vong và biến chứng. Tiên lượng của người bị đột quỵ đồi thị nói chung là tốt nếu sự lưu thông máu đến đồi thị được khôi phục nhanh chóng.

Một khi đã bị đột quỵ thì sẽ rất dễ bị lại trong tương lai. Để giảm thiểu nguy cơ, người bệnh cần phải tuân thủ các khuyến nghị của bác sĩ, gồm có dùng thuốc đầy đủ, trị liệu và và kết hợp thay đổi lối sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Giảm nguy cơ đột quỵ khi bị rung nhĩ bằng thuốc Eliquis
Giảm nguy cơ đột quỵ khi bị rung nhĩ bằng thuốc Eliquis

Eliquis là một loại thuốc chống đông máu giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim do rung nhĩ. Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất và là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Cơn thiếu máu não thoáng qua có làm giảm tuổi thọ không?
Cơn thiếu máu não thoáng qua có làm giảm tuổi thọ không?

Mặc dù cơn thiếu máu não thoáng qua có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai nhưng điều trị kịp thời sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ và người bệnh vẫn có thể sống thọ và khỏe mạnh.

Những bệnh di truyền làm tăng nguy cơ đột quỵ
Những bệnh di truyền làm tăng nguy cơ đột quỵ

Gen có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ. Một số rối loạn di truyền có thể gây ra hoặc làm tăng nguy cơ đột quỵ. Biết được nguy cơ của bản thân và tiền sử gia đình sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ.

Nguy cơ đột quỵ ở từng độ tuổi
Nguy cơ đột quỵ ở từng độ tuổi

Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ. Tuổi tác cao là một trong những yếu tố nguy cơ đó.

Loại đột quỵ nào có nguy cơ tử vong cao nhất?
Loại đột quỵ nào có nguy cơ tử vong cao nhất?

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu, đặc biệt là ở phụ nữ. Tuy nhiên, điều trị kịp thời có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong cũng như nguy cơ phát sinh biến chứng sau đột quỵ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây