Ăn nhiều đồ ngọt làm tăng nguy cơ trầm cảm, tiểu đường và đột quỵ
Đồ ngọt là những món ăn hấp dẫn được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống có đường gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.
Trong nghiên cứu vào tháng 10 năm 2024 được công bố trên Journal of Translational Medicine, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ăn nhiều đồ ngọt có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao hơn so với những người ít ăn đồ ngọt và ăn chủ yếu thực phẩm lành mạnh.
Những người ăn nhiều đồ ngọt còn có mức độ viêm, lượng đường trong máu và mỡ máu cao hơn, đây là những dấu hiệu chỉ ra nguy cơ cao mắc rối loạn chuyển hóa.
Mặt khác, những người có chế độ ăn uống lành mạnh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ thấp hơn.
Đồ ngọt và nguy cơ rối loạn chuyển hóa
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ các mẫu máu lấy từ UK Biobank, một cơ sở dữ liệu lớn chứa thông tin về sức khỏe và di truyền của nửa triệu tình nguyện viên tại Vương quốc Anh.
Dữ liệu chứa thông tin về 2.923 protein và 168 chất chuyển hóa đã được xét nghệm để tìm kiếm những thay đổi.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp học máy không giám sát để tìm kiếm các mẫu trong dữ liệu, sau đó chia ra ba nhóm riêng biệt dựa trên thói quen ăn uống của mọi người: nhóm ăn đồ tốt cho sức khỏe (rau củ quả, tươi thay vì đồ ngọt và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật), nhóm ăn tất cả các loại thực phẩm và nhóm ăn nhiều đồ ngọt.
Khi xem xét các loại protein và chất chuyển hóa trong máu, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người trong nhóm ăn nhiều đồ ngọt có nồng độ protein phản ứng C (CRP) cao hơn, đây là một chất chỉ dấu của tình trạng viêm trong cơ thể.
Những người ăn nhiều đồ ngọt còn có lượng đường và lipid (mỡ) trong máu cao hơn, điều này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về chuyển hóa như tiểu đường và bệnh tim mạch.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra rằng những người ăn nhiều đồ ngọt có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, tiểu đường và bệnh tim mạch cao hơn so với hai nhóm còn lại.
Mặt khác, nhóm ăn đồ tốt cho sức khỏe có nguy cơ suy tim, bệnh thận mạn và đột quỵ thấp hơn; và nhóm ăn tất cả các loại thực phẩm có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe ở mức trung bình.
Mặc dù không trực tiếp quan sát những gì mà mọi người ăn nhưng các nhà nghiên cứu cho biết rằng có thể dựa trên thói quen ăn uống để dự đoán nguy cơ mắc chứng rối loạn chuyển hóa.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận những phát hiện này.
Tại sao ăn nhiều đồ ngọt gây hại cho sức khỏe?
Theo Tiến sĩ Michael O. McKinney, một bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng tại Healthy Outlook, ăn nhiều đồ ngọt gây hại cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Lý do là bởi tiêu thụ nhiều đường sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể.
Ông cho biết khi chúng ta ăn hoặc uống đồ chứa đường, lượng đường (glucose) trong máu sẽ tăng lên, khiến cho cơ thể phải tạo ra thêm nhiều insulin hơn để giữ cân bằng đường huyết.
Việc thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều đường trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin. Đây là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến các rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường type 2.
Tiêu thụ quá nhiều đường và carbohydrate (carb) còn có thể dẫn đến tình trạng viêm mức độ cao, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và các bệnh về tâm thần như trầm cảm và rối loạn lo âu.
Tiến sĩ McKinney giải thích: “Tình trạng viêm gây tổn thương não và làm suy giảm khả năng kiểm soát cảm xúc, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần”.
Cách giảm lượng đường tiêu thụ
Cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn uống là điều không quá khó khăn. Những thay đổi nhỏ, nếu được thực hiện bền bỉ, có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Bước đầu tiên là phải biết được những loại đồ ăn, thức uống nào có chứa đường.
Đường có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm và đồ uống mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Ngay cả những sản phẩm được quảng cáo là “tốt cho sức khỏe” cũng đều chứa đường.
Trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào, hãy đọc bảng thông tin dinh dưỡng để biết hàm lượng đường.
Một điều quan trọng cần lưu ý là không phải khi nào đường cũng được ghi đơn giản là “đường” hay “sugar” trên nhãn sản phẩm. Đường còn có rất nhiều cái tên khác như “glucose” hay “maltose”.
Một cách nữa để giảm lượng đường trong chế độ ăn uống là ăn trái cây tươi thay vì bánh kẹo hay các loại đồ ăn vặt có đường khác.
Trái cây cũng có vị ngọt mà lại cung cấp chất xơ, giúp ổn định lượng đường trong máu. Mặc dù trái cây cũng có đường nhưng đó là đường tự nhiên, không gây hại cho sức khỏe như đường bổ sung trong thực phẩm chế biến sẵn.
Không nhất thiết phải thực hiện các thay đổi lớn ngay lập tức.
Bạn có thể bắt đầu từ những điều chỉnh nhỏ, ví dụ như giảm bớt đường khi pha đồ uống hoặc chọn sữa ít đường thay vì sữa có đường. Việc thay đổi từng chút một như vậy sẽ bền vững hơn về lâu dài.
Cuối cùng, cần để ý đến những loại đồ uống có đường mà bạn thường hay uống. Nước ngọt, nước ép trái cây đóng chai và nước tăng lực đều có chứa lượng đường bổ sung rất lớn. Hãy thay các loại đồ uống này bằng nước lọc, trà thảo mộc hay các loại đồ uống không đường khác.
Nếu trước đây bạn tiêu thụ nhiều đường, việc cắt giảm đường có thể dẫn đến một số triệu chứng “cai đường” nhưng những triệu chứng này đều là tạm thời và chỉ sau vài tuần, bạn sẽ thấy sức khỏe có sự cải thiện rõ rệt.
Những người bị trầm cảm có thể nhận thấy những thay đổi về sức khỏe nhanh chóng khi giảm đường.
Khi giảm lượng đường tiêu thụ, nhiều người nhận thấy sự cải thiện về mức năng lượng và tâm trạng. Họ cảm thấy khỏe khoắn hơn và tâm trạng ít bị thay đổi thất thường hơn.
Và tất nhiên, về lâu dài, việc cắt giảm đường tiêu thụ không chỉ giúp giảm nguy cơ trầm cảm mà còn giảm nguy cơ mắc các vấn đề khác như bệnh tim mạch và tiểu đường.
Giảm lượng đường tiêu thụ là một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho sức khỏe của mình. Ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Kết luận
Theo một nghiên cứu, việc ăn nhiều đồ ngọt có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm.
Những người ăn nhiều đồ ngọt còn có mức độ viêm, lượng đường trong máu và mỡ máu cao hơn, điều này có thể chỉ ra nguy cơ cao mắc các rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.
Để giảm đường trong chế độ ăn, hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như đọc nhãn sản phẩm và tránh những món chứa nhiều đường, ăn trái cây tươi thay cho đồ ăn vặt khi cảm thấy thèm ngọt và sử dụng ít đường khi pha đồ uống.
Những thay đổi nhỏ được thực hiện bền bỉ theo thời gian sẽ mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe.
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập theo nhịp bất thường, có thể quá nhanh, quá chậm hoặc đập không đều. Có nhiều loại rối loạn nhịp tim và mỗi loại đều có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một số loại rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ, là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ.
Một số biện pháp tránh thai nội tiết có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ.
Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức đột ngột. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống điện của tim có vấn đề, làm gián đoạn hoạt động bơm máu của tim và dẫn đến ngừng lưu thông máu trong cơ thể.
Eliquis là một loại thuốc chống đông máu giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim do rung nhĩ. Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất và là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Đột quỵ tiểu não xảy ra khi sự lưu thông máu đến tiểu não ở phía sau não bị gián đoạn. Điều này gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chuyển động và có thể đe dọa đến tính mạng.