Rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ
Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim gồm có thuốc, thiết bị ổn định nhịp tim và các thủ thuật để giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến tim đập bất thường.
Rối loạn nhịp tim là gì?
Sự co bóp của tim được điều khiển bởi hệ thống điện gồm hai nút: nút xoang nhĩ nằm ở đỉnh của tâm nhĩ (hai buồng trên của tim) và nút nhĩ thất nằm ở đỉnh của tâm thất (hai buồng dưới của tim).
Nút xoang nhĩ gửi tín hiệu điện để làm cho tâm nhĩ co bóp, đẩy máu xuống tâm thất. Tín hiệu điện chậm lại trong một khoảnh khắc ở nút nhĩ thất trước khi làm cho tâm thất co bóp và bơm máu đến phổi hoặc phần còn lại của cơ thể.
Rối loạn nhịp tim là một dạng gián đoạn dòng điện đi qua tim.Điều này có thể là do chấn thương hoặc bệnh tật ảnh hưởng đến nút xoang nhĩ – bộ phận được coi là máy tạo nhịp tim tự nhiên của tim.
Rối loạn nhịp tim cũng có thể xảy ra khi có điều gì đó ảnh hưởng đến quá trình truyền dẫn xung điện. Bất kỳ sự thay đổi nào trong quá trình này đều có thể khiến tim đập nhanh hơn hoặc chậm hơn bình thường hoặc đập không đều.
Một số nguyên nhân phổ biến gây rối loạn nhịp tim gồm có:
- Bệnh tim mạch
- Nhồi máu cơ tim
- Bệnh van tim
- Cao huyết áp
- Mất cân bằng điện giải, chẳng hạn như kali hoặc natri
Dưới đây là một số loại rối loạn nhịp tim có thể làm nguy cơ đột quỵ.
Rung nhĩ và cuồng nhĩ
Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, với hơn 3 triệu ca mắc mới trên toàn thế giới vào năm 2017. (1) Rung nhĩ là tình trạng mà tâm nhĩ co bóp quá nhanh hoặc không đều.
Cuồng nhĩ có cơ chế rất giống với rung nhĩ. Mặc dù cuồng nhĩ ít làm tăng nguy cơ đột quỵ hơn rung nhĩ nhưng cuồng nhĩ và rung nhĩ có thể xảy ra cùng lúc. Phương pháp điều trị cuồng nhĩ cũng tương tự rung nhĩ, gồm có sử dụng thuốc, ví dụ như thuốc làm loãng máu.
Hội chứng suy nút xoang
Hội chứng suy nút xoang là thuật ngữ dùng để chỉ một số loại rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ nút xoang nhĩ, trong số đó có hội chứng nhịp tim nhanh - nhịp tim chậm, tình trạng mà nhịp tim thay đổi giữa quá nhanh và quá chậm.
Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy những người mắc hội chứng suy nút xoang có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với người mắc các bệnh tim khác. (2)
Nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm là tình trạng tim đập chậm hơn bình thường. Ở một số người, nhịp tim chậm không gây ra vấn đề sức khỏe nhưng trong nhiều trường hợp, nhịp tim chậm khiến não không được cung cấp đủ máu và dẫn đến ngất xỉu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nhịp tim chậm còn gây ngừng tim đột ngột.
Rối loạn nhịp bộ nối là một dạng nhịp tim chậm bắt nguồn từ nút nhĩ thất. Một nghiên cứu vào năm 2016 phát hiện ra rằng rối loạn nhịp bộ nối có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Các loại rối loạn nhịp tim khác còn có:
- Nhịp nhanh thất
- Rung thất
- Nhịp tim nhanh trên thất
Mối liên hệ giữa rối loạn nhịp tim và đột quỵ
Rối loạn nhịp tim là khi tim đập bất thường. Trong một số trường hợp, mỗi nhịp tim đập diễn ra quá ngắn, không đủ thời gian để đưa máu vào và ra khỏi tâm thất. Một số loại rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như rung nhĩ, khiến tim đập yếu hơn.
Cả hai tình trạng này đều khiến cho dòng máu chảy qua tim bị gián đoạn hoặc đình trệ. Máu không chảy nhanh qua các buồng tim như bình thường mà một lượng máu bị ứ đọng lại ở một trong các buồng và hình thành cục máu đông.
Cục máu đông có thể rời khỏi tim, di chuyển theo dòng máu đến các động mạch nhỏ trong não, gây tắc nghẽn và dẫn đến đột quỵ.
Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim có liên quan nhiều nhất đến đột quỵ. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cứ 7 ca đột quỵ thì có 1 ca là do rung nhĩ gây ra và đột quỵ do rung nhĩ là một trong những loại đột quỵ nghiêm trọng nhất. (3)
Theo một nghiên cứu vào năm 2012 trên hơn 500 người, rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và ngược lại, đột quỵ cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng cứ 4 người bị đột quỵ thì có 1 người bị rối loạn nhịp tim. Những người có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim cao nhất là những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, chẳng hạn như cao huyết áp. (4)
Phòng ngừa đột quỵ khi bị rối loạn nhịp tim
Để giảm nguy cơ đột quỵ khi bị rối loạn nhịp tim, người bệnh nên thực hiện lối sống tốt cho tim mạch và dùng thuốc duy trì nhịp tim ổn định. Điều này sẽ giúp làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Trường hợp nghiêm trọng có thể cần tiến hành các thủ thuật và cấy ghép thiết bị để giữ cho tim đập ổn định.
Các cách để phòng ngừa đột quỵ cho người bị rối loạn nhịp tim:
- Thuốc làm loãng máu, gồm có:
- Thuốc chống đông máu, chẳng hạn như warfarin
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu, chẳng hạn như clopidogrel
- Thuốc chống đông máu đường uống có tác dụng trực tiếp (DOAC), chẳng hạn như apixaban và rivaroxaban
- Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như amiodarone và flecainide
- Tập thể dục thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Chế độ ăn ít muối, chất béo bão hòa và đường bổ sung
- Triệt đốt bằng ống thông, một thủ thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng sóng radiofrequency hoặc nhiệt độ cực lạnh để phá hủy cụm tế bào nhỏ gây rối loạn nhịp tim trong tim
- Cấy máy khử rung tim, một thiết bị nhỏ được cấy vào ngực, có tác dụng phát hiện những thay đổi trong nhịp tim và truyền xung điện nhẹ đến tim để đưa nhịp tim trở lại bình thường.
Ngoài ra, người bệnh cần duy trì huyết áp ổn định vì cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ.
Triệu chứng rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim nhẹ thường không có triệu chứng. Nhưng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, nhất là rối loạn nhịp tim kéo dài từ vài phút trở lên có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe.
Một số triệu chứng chung của rối loạn nhịp tim gồm có:
- Tim đập nhanh
- Cảm nhận thấy tim đập mạnh trong lồng ngực
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Hồi hộp, bồn chồn
Các triệu chứng khác còn có khó thở và đau hoặc tức ngực.
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nguy hiểm và do đó cần gọi cấp cứu ngay.
Tóm tắt bài viết
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Rối loạn nhịp tim có thể cản trở dòng máu chảy vào và ra khỏi tim, điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và đột quỵ.
Những người bị rối loạn nhịp tim cần tuân thủ điều trị và duy trì lối sống tốt cho tim mạch để giảm nguy cơ đột quỵ cũng như các biến chứng khác.
Eliquis là một loại thuốc chống đông máu giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim do rung nhĩ. Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất và là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ. Tuổi tác cao là một trong những yếu tố nguy cơ đó.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu, đặc biệt là ở phụ nữ. Tuy nhiên, điều trị kịp thời có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong cũng như nguy cơ phát sinh biến chứng sau đột quỵ.
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi có sự gián đoạn lưu thông máu đến một phần não. Có ba loại đột quỵ chính và mỗi loại là do nguyên nhân khác nhau gây ra. Phương pháp điều trị mỗi loại cũng khác nhau.