Huyết áp thấp có làm tăng nguy cơ đột quỵ không?
Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần não bị gián đoạn. Điều này làm hỏng các tế bào não ở khu vực đó.
Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ nhưng một số nghiên cứu cho thấy huyết áp thấp làm tăng nguy cơ gặp phải biến chứng khi bị đột quỵ. (1)
Ngoài ra, hạ huyết áp tư thế - tình trạng huyết áp giảm đột ngột khi đứng dậy từ tư thế nằm hoặc ngồi - cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ tái phát.
Mối liên hệ giữa đột quỵ và huyết áp
Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành mạch máu.
Cao huyết áp (tăng huyết áp) là tình trạng áp lực máu lên thành mạch máu cao hơn mức bình thường. Ngược lại, huyết áp thấp có nghĩa là áp lực máu lên thành mạch máu thấp hơn bình thường.
Theo thời gian, tình trạng cao huyết áp sẽ dần dần làm hỏng các mạch máu, khiến mạch máu trở nên hẹp và cứng. Điều này khiến cho chất béo cùng một số chất khác dễ tích tụ bên trong mạch máu hơn và dẫn đến tình trạng xơ vữa. Cục máu đông hình thành do mảng xơ vữa có thể vỡ ra, di chuyển đến một mạch máu của não và gây tắc nghẽn, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ - loại đột quỵ phổ biến nhất.
Cao huyết áp không được kiểm soát còn làm suy yếu mạch máu. Các mạch máu quá yếu cuối cùng sẽ bị vỡ và dẫn đến đột quỵ xuất huyết não.
Huyết áp thấp ít phổ biến hơn ở những người bị đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ do thiếu máu cục bộ huyết áp thấp đôi khi cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Thế nào là huyết áp thấp?
Ở hầu hết mọi người, huyết áp dưới 120/80 mmHg (milimet thủy ngân) được coi là bình thường.
Huyết áp thấp được định nghĩa là dưới 90/60 mmHg.
Đối với một số người, huyết áp ở mức này là bình thường và không phải điều đáng lo ngại nhưng trong nhiều trường hợp, huyết áp thấp là dấu hiệu cho thấy sức khỏe có vấn đề, nhất là khi huyết áp vốn ở mức bình thường và đột nhiên giảm thấp.
Mối liên hệ giữa huyết áp thấp và đột quỵ
Mặc dù huyết áp thấp ít phổ biến hơn ở những người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ nhưng huyết áp thấp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Một ví dụ là hạ huyết áp tư thế. Đây là tình trạng mà huyết áp giảm đột ngột khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm. Điều này khiến cho não không được cung cấp đủ máu. Hạ huyết áp tư thế thường gây ra các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, hoa mắt, nhìn mờ.
Theo một nghiên cứu quy mô lớn theo dõi 11.000 người lớn trong 25 năm, những người bị hạ huyết áp tư thế có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn gấp đôi so với những người không bị tình trạng này. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 15% người bị hạ huyết áp tư thế bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong khi tỷ lệ đột quỵ ở những người không bị hạ huyết áp tư thế chỉ là 6,8%. (2)
Một nghiên cứu vào năm 2020 chỉ ra rằng những người bị hạ huyết áp tư thế có nguy cơ đột quỵ tái phát và bệnh tim mạch cao hơn so với những người không bị tình trạng này. (3) Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác định nguyên nhân thực sự.
Huyết áp thấp và nguy cơ gặp biến chứng sau đột quỵ
Mặc dù cao huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ nhưng bằng chứng cho thấy những người bị huyết áp thấp có nguy cơ gặp phải biến chứng cao hơn và tiên lượng kém hơn khi bị đột quỵ.
Theo một nghiên cứu vào năm 2021, những người bị huyết áp thấp có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề nghiêm trọng dưới đây sau đột quỵ:
- Suy tim
- Xuất huyết đường tiêu hóa
- Nhiễm trùng máu
Một nghiên cứu khác vào năm 2021 cho thấy những người bị huyết áp thấp ngay sau khi điều trị đột quỵ thường có tiên lượng kém.
Huyết áp bao nhiêu là quá thấp?
Mặc dù huyết áp dưới 90/60 mmHg được coi là thấp nhưng huyết áp có thể dao động trong suốt cả ngày. Huyết áp có thể thay đổi theo tư thế, mức độ hoạt động và trạng thái tinh thần.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (the American Heart Association), huyết áp được coi là quá thấp khi gây ra các triệu chứng như:
- Chóng mặt, choáng váng
- Ngất xỉu
- Nhịp thở nhanh, nông
- Nhìn mờ
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Khó tập trung
- Khát nước bất thường
Khi đi khám sức khỏe, hãy hỏi bác sĩ xem phạm vi huyết áp bao nhiêu là bình thường. Nếu bạn bị huyết áp thấp, bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp ngăn ngừa huyết áp giảm xuống mức quá thấp.
Những người bị hạ huyết áp tư thế có thể giảm thiểu tình trạng huyết áp giảm đột ngột bằng cách:
- Uống đủ nước
- Không bỏ bữa và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
- Tránh đứng dậy quá nhanh
Kết luận
Mặc dù cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ nhưng huyết áp thấp, nhất là huyết áp giảm đột ngột, cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ - loại đột quỵ xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến não.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị hạ huyết áp tư thế có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn gấp đôi so với những người không bị tình trạng này. Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy huyết áp thấp có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ tái phát cũng như nguy cơ gặp phải biến chứng sau đột quỵ. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định nguyên nhân của điều này.
Huyết áp thấp là tình trạng có thể điều trị được. Kiểm soát huyết áp ổn định không chỉ giúp giảm nguy cơ đột quỵ mà còn làm giảm nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe khác.
Eliquis là một loại thuốc chống đông máu giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim do rung nhĩ. Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất và là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu bị vỡ, làm gián đoạn sự lưu thông máu đến một phần não. Đây là tình trạng rất nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ và hành động kịp thời khi có dấu hiệu bất thường có thể giúp cải thiện tiên lượng cho người bệnh.
Mặc dù cơn thiếu máu não thoáng qua có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai nhưng điều trị kịp thời sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ và người bệnh vẫn có thể sống thọ và khỏe mạnh.
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ. Tuổi tác cao là một trong những yếu tố nguy cơ đó.