Nguy cơ đột quỵ ở từng độ tuổi
Đột quỵ là một tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn tuổi có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Ngoài tuổi tác còn nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Độ tuổi có tỷ lệ đột quỵ cao nhất là 50 – 70 tuổi và độ tuổi trung bình của các ca đột quỵ là 70 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ và triệu chứng mà mỗi người gặp phải khi bị đột quỵ là khác nhau. Đột quỵ có thể xảy ra ở các độ tuổi và giai đoạn khác nhau trong đời.
Bài viết này sẽ nêu ra một số điểm khác nhau giữa các độ tuổi khi bị đột quỵ, độ tuổi có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tiên lượng của người bị đột quỵ và những điều mà bạn cần biết khi đã từng trải qua đột quỵ.
Nguy cơ đột quỵ theo độ tuổi
Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi tác. Có một số quá trình diễn ra trong cơ thể và vấn đề về sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, gồm có béo phì, cao huyết áp và cholesterol cao. Mặc dù không phải tất cả các vấn đề này đều là do lão hóa nhưng nguy cơ gặp phải một số vấn đề sẽ tăng theo thời gian.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tỷ lệ người dưới 65 tuổi phải nhập viện do đột quỵ là dưới 40%. Nhìn chung, nguy cơ đột quỵ tăng lên đáng kể sau 60 tuổi. Theo một nghiên cứu tại Vương quốc Anh, độ tuổi trung bình của các ca đột quỵ là 74,3. (1)
Ở độ tuổi từ 30 đến 74, nam giới có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn trong khi ở độ tuổi 75 trở lên, phụ nữ lại có tỷ lệ đột quỵ cao hơn. (2)
Theo một nghiên cứu vào năm 2021, độ tuổi có tỷ lệ đột quỵ cao nhất ở nam giới là 71,4 tuổi và ở phụ nữ là 76,9 tuổi. Các báo cáo trước đó cũng đưa ra kết luận tương tự. Một báo cáo từ năm 2009 ước tính rằng nguy cơ đột quỵ tăng 9% mỗi năm ở nam giới và 10% mỗi năm ở phụ nữ. (3)
Dù xảy ra ở độ tuổi nào, đột quỵ đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở những người từ 60 tuổi trở lên và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm ở những người từ 15 đến 59 tuổi. Đột quỵ có thể xảy ra ở cả trẻ em. Theo ước tính, cứ 100.000 người dưới 18 tuổi thì có 3 đến 25 người bị đột quỵ và trẻ sơ sinh dưới một tháng tuổi là nhóm có tỷ lệ đột quỵ cao nhất.
Dưới đây là tổng quan về các loại đột quỵ phổ biến nhất và nguyên nhân gây đột quỵ ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
Đột quỵ chu sinh
Đột quỵ chu sinh là đột quỵ xảy ra trong khoảng thời gian từ trước khi sinh cho đến 28 ngày sau khi sinh. Phần lớn các ca đột quỵ chu sinh là do thiếu máu cục bộ, loại đột quỵ xảy ra do gián đoạn lưu thông máu đến một phần não. Đột quỵ thiếu máu cục bộ do tắc nghẽn động mạch là phổ biến nhất, chiếm hơn 80% tổng số ca đột quỵ ở nhóm đối tượng này.
Đột quỵ ở trẻ em
Đột quỵ có thể xảy ra ở trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào, từ giai đoạn sơ sinh cho đến 18 tuổi. Bé trai dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ bị đột quỵ cao nhất.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở trẻ em gồm có :
- Bệnh hồng cầu hình liềm
- Rối loạn đông máu
- Bệnh tim mạch
- Đột quỵ do xuất huyết
Khoảng một nửa số ca đột quỵ ở trẻ em có những yếu tố này.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm nửa còn lại và thường là do các vấn đề về tim mạch gây ra.
Đột quỵ ở người trẻ tuổi
Trong những năm đầu của tuổi trưởng thành, nguy cơ đột quỵ xuất huyết não do chấn thương hoặc vấn đề bẩm sinh giảm nhưng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ lại bắt đầu tăng. Mặc dù đột quỵ ở người trẻ tuổi thường ít nghiêm trọng hơn so với đột quỵ ở người lớn tuổi nhưng tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang ngày một tăng.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất ở nhóm tuổi này, chiếm khoảng 75% tổng số ca đột quỵ ở người từ 18 đến 45 tuổi, trong khi đột quỵ xuất huyết não chỉ chiếm khoảng một phần tư. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở nhóm tuổi này gồm có:
- Béo phì
- Nhiễm HIV
- Bệnh hồng cầu hình liềm
Các yếu tố nguy cơ phổ biến ở người lớn tuổi, chẳng hạn như cholesterol cao và hút thuốc lá, ít liên quan đến đột quỵ ở người trẻ tuổi.
Đột quỵ ở người lớn tuổi
Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi tác, độ tuổi trung bình của các ca đột quỵ là khoảng 74 tuổi. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất ở người cao tuổi và rất nhiều trường hợp có liên quan đến các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành và rung nhĩ.
Đa phần, đột quỵ ở người lớn tuổi là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố sức khỏe và yếu tố lối sống. Ngoài ra, người lớn tuổi sau khi bị đột quỵ thường gặp phải biến cố tim mạch nghiêm trọng hoặc đột quỵ lần hai trong vòng khoảng 2 năm kể từ ca đột quỵ đầu tiên.
Dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ ở từng độ tuổi
Triệu chứng đột quỵ có thể thay đổi theo độ tuổi. Tuy nhiên, các nhóm tuổi của tuổi trưởng thành không có sự khác biệt nhiều. Sự khác biệt lớn nhất là giữa đột quỵ chu sinh, đột quỵ ở trẻ em và đột quỵ ở người lớn.
Các triệu chứng phổ biến của đột quỵ chu sinh:
- Co giật
- Chuyển động lặp đi lặp lại
- Ngừng thở
- Giảm chuyển động, đặc biệt là ở một bên người
- Hầu như chỉ sử dụng một tay
Các dấu hiệu và triệu chứng đột quỵ phổ biến ở trẻ em cũng giống như triệu chứng đột quỵ ở người lớn, gồm có:
- Xệ một bên mặt
- Yếu một cánh tay
- Yếu cơ ở một bên người
- Nói chuyện không rõ ràng
- Chậm hiểu lời nói của người khác
- Đau đầu đột ngột
- Mất thị lực hoặc thay đổi thị lực
- Chóng mặt
- Mất khả năng phối hợp động tác
- Co giật
Ở người lớn, các triệu chứng của cơn đột quỵ có thể được nhận biết bằng quy tắc “BE FAST” như sau:
- B (balance): mất thăng bằng
- E (eye): thay đổi thị lực
- F (face): chảy xệ nửa mặt, cười méo miệng
- A (arm): yếu cơ một cánh tay
- S (speech): giảm khả năng giao tiếp
- T (time): cần gọi cấp cứu ngay khi có những dấu hiệu này
Đột quỵ là một tình trạng rất nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp để ngăn ngừa tử vong và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng khác của cơn đột quỵ gồm có lú lẫn, đau đầu đột ngột, chóng mặt, tê và mất ý thức.
Phương pháp điều trị đột quỵ ở từng độ tuổi
Phương pháp điều trị đột quỵ là giống nhau bất kể tuổi tác. Đột quỵ do cục máu đông cần điều trị bằng thuốc làm loãng máu hoặc phẫu thuật lấy huyết khối. Đột quỵ do xuất huyết não cũng có thể cần điều trị bằng phẫu thuật. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu nguyên nhân gây đột quỵ là do dị tật bẩm sinh thì cần phải điều trị dị tật.
Ở người lớn, đột quỵ có thể là do các vấn đề về sức khỏe khác, chẳng hạn như cao huyết áp. Sau giai đoạn điều trị khẩn cấp, điều quan trọng là phải kiểm soát tình trạng gây đột quỵ để giảm nguy cơ đột quỵ tái phát.
Phòng ngừa đột quỵ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Mặc dù đột quỵ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể là do những yếu tố như suy thai, sinh mổ khẩn cấp và chấn thương nhưng nguyên nhân chính là do dị tật bẩm sinh hoặc các bệnh lý gây rối loạn quá trình đông máu.
Một số vấn đề trong số này có thể được phát hiện thông qua tiền sử gia đình hoặc xét nghiệm di truyền nhưng hầu hết các bệnh di truyền hay bẩm sinh gây đột quỵ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều không thể phòng ngừa được. Trong những trường hợp mà nguyên nhân gây đột quỵ là do rối loạn đông máu, sử dụng vitamin K có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ tái phát.
Phòng ngừa đột quỵ ở người lớn tuổi
Người lớn tuổi có thể phòng ngừa đột quỵ bằng cách khám sức khỏe định kỳ để theo dõi các yếu tố như huyết áp và cholesterol. Cố gắng tránh té ngã và các chấn thương khác để phòng ngừa đột quỵ do chấn thương vùng đầu.
Những người mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ, ví dụ như rung nhĩ cần tuân thủ điều trị để kiểm soát tốt tình trạng bệnh, từ đó ngăn ngừa hình thành cục máu đông và đột quỵ.
Tiên lượng của người bị đột quỵ
Một trong những biến chứng lớn nhất của đột quỵ là làm tăng nguy cơ đột quỵ lần nữa trong tương lai. Ở người lớn tuổi, đột quỵ lần hai có thể xảy ra trong vòng 2 năm sau cơn đột quỵ đầu tiên. Cơn đột quỵ lần hai có thể sẽ nghiêm trọng hơn và nguy cơ tử vong hoặc biến chứng lâu dài cao hơn.
Nguy cơ cũng tương tự ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trẻ tuổi nhưng ở những nhóm đối tượng này, thời gian phải sống với những biến chứng sau đột quỵ sẽ dài hơn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị đột quỵ có thể sẽ gặp phải một số vấn đề do tổn thương thần kinh như:
- Bại não
- Suy giảm nhận thức
- Rối loạn ngôn ngữ
- Bệnh động kinh
Một nghiên cứu ước tính rằng khoảng 14% trẻ em bị đột quỵ tử vong trong vài năm đầu sau cơn đột quỵ, nhưng khoảng một nửa trong đó số đó là do các căn bệnh khác. Gần 27% trẻ em trong nghiên cứu này không bị suy giảm bất kỳ chức năng nào, trong khi 28% bị tàn tật nhẹ sau đột quỵ.
Tóm tắt bài viết
Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đột quỵ do dị tật bẩm sinh và chấn thương có thể dẫn đến tàn tật suốt đời. Yếu tố về lối sống và các vấn đề về tim mạch là nguyên nhân chính gây đột quỵ ở người lớn. Đột quỵ ở người trẻ tuổi thường nhẹ hơn nhưng người trẻ tuổi sẽ phải sống với những biến chứng sau đột quỵ trong thời gian dài hơn.
Gen có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ. Một số rối loạn di truyền có thể gây ra hoặc làm tăng nguy cơ đột quỵ. Biết được nguy cơ của bản thân và tiền sử gia đình sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ.
Cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ nhưng huyết áp thấp đôi khi cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy rằng những người bị huyết áp thấp có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng hơn và tiên lượng kém hơn khi bị đột quỵ.