1

Loại đột quỵ nào có nguy cơ tử vong cao nhất?

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu, đặc biệt là ở phụ nữ. Tuy nhiên, điều trị kịp thời có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong cũng như nguy cơ phát sinh biến chứng sau đột quỵ.
Loại đột quỵ nào có nguy cơ tử vong cao nhất? Loại đột quỵ nào có nguy cơ tử vong cao nhất?

Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần não bị giảm hoặc ngừng. Khi không được cung cấp máu giàu oxy, các tế bào thần kinh sẽ bắt đầu chết và não không thể thực hiện được các chức năng quan trọng. Thời gian gián đoạn lưu thông máu càng lâu thì não sẽ càng bị tổn thương nghiêm trọng và hậu quả sẽ càng lớn.

Cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ

Đột quỵ là một tình trạng vô cùng nguy hiểm. Nếu bản thân hoặc một người nào đó có những dấu hiệu đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Có thể nhận biết các dấu hiệu đột quỵ bằng quy tắc FAST như sau:

  • F- face (khuôn mặt): nửa mặt bị xệ, sụp mí ở một mắt hoặc một bên khóe miệng hướng xuống.
  • A – arm (cánh tay): yếu cơ ở một cánh tay, dẫn đến không thể giơ cao tay. Điều này cũng có thể xảy ra ở một bên chân.
  • S – speech (khả năng giao tiếp): nói năng không rõ ràng và không hiểu được những gì người khác nói.
  • T- time (thời gian): Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy gọi cấp cứu ngay.

>>> Tìm hiểu thêm về các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ.

Có phải ai bị đột quỵ cũng tử vong?

Mặc dù đột quỵ là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu nhưng không phải ai bị đột quỵ cũng tử vong. Kết quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Vùng não bị ảnh hưởng
  • Thời gian gián đoạn lưu thông máu
  • Thời điểm được điều trị

Khi sự lưu thông máu bị gián đoạn trong thời gian dài, não sẽ bị tổn thương vĩnh viễn. Việc điều trị chậm trễ sẽ làm tăng nguy cơ tử vong hoặc phát sinh biến chứng nghiêm trọng sau đột quỵ.

Vùng não bị gián đoạn lưu thông máu càng lớn thì nguy cơ tử vong sẽ càng cao. Đột quỵ xảy ra ở thân não có nguy cơ gây tử vong cao hơn so với đột quỵ ở các phần khác của não.

Tình trạng gián đoạn lưu thông máu có thể xảy ra ở nhiều vùng não cùng lúc và những trường hợp này sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn.

Điều trị sớm – trong vòng 3 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên – sẽ làm tăng cơ hội sống sót và có thể phòng ngừa các biến chứng của đột quỵ như:

  • Liệt mặt
  • Liệt nửa người
  • Mất thị lực
  • Sa sút trí tuệ
  • Suy giảm trí nhớ
  • Co giật
  • Thay đổi về hành vi và tính cách
  • Rối loạn thần kinh
  • Mất ngôn ngữ
  • Tiểu/đại tiện không tự chủ

Đột quỵ trong khi ngủ

Nhìn chung, những người bị đột quỵ khi ngủ có nguy cơ tử vong và gặp biến chứng cao hơn vì trong khi ngủ sẽ khó phát hiện các dấu hiệu đột quỵ và việc điều trị bị chậm trễ. Thời gian gián đoạn lưu thông máu đến não càng kéo dài thì nguy cơ tổn thương não nghiêm trọng càng cao.

Ước tính khoảng 20% số ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra trong khi ngủ. Người bệnh có thể tỉnh giấc do các triệu chứng đột quỵ nhưng không biết chính xác thời điểm cơn đột quỵ bắt đầu xảy ra.

Gọi cấp cứu hoặc báo cho người nhà ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu đột quỵ nào.

>>> Tìm hiểu về các dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ.

Nguy cơ tử vong của từng loại đột quỵ

Đột quỵ được chia thành ba loại chính và mỗi loại có nguy cơ tử vong khác nhau.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất và có nguy cơ cao gây ra biến chứng, bao gồm cả tử vong, nếu không được điều trị kịp thời.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi một động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ được chia thành đột quỵ do huyết khối và đột quỵ do thuyên tắc.

  • Đột quỵ do huyết khối: xảy ra do cục máu đông hình thành bên trong các mạch máu của não. Đột quỵ do huyết khối phổ biến hơn ở người lớn tuổi và thường có liên quan đến cholesterol cao hoặc bệnh tiểu đường. Đột quỵ do huyết khối có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ trong nhiều giờ đến nhiều ngày.
  • Đột quỵ do thuyên tắc: xảy ra do cục máu đông hình thành ở một vị trí khác trong cơ thể di chuyển theo máu đến một mạch máu trong não và gây tắc nghẽn. Loại đột quỵ này thường do bệnh tim và có thể xảy ra đột ngột.

Đột quỵ xuất huyết não

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ hoặc rò rỉ. Đột quỵ xuất huyết não có thể là do cao huyết áp hoặc phình động mạch.

Đột quỵ xuất huyết não có nguy cơ tử vong và biến chứng cao nhất.

Có hai loại đột quỵ xuất huyết não:

  • Xuất huyết trong não: do vỡ động mạch trong não.
  • Xuất huyết dưới nhện: vỡ hoặc rò rỉ mạch máu, dẫn đến chảy máu vào khoảng trống giữa não và lớp màng bao quanh não (màng não).

>>> Sự khác biệt giữa đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não.

Cơn thiếu máu não thoáng qua

Cơn thiếu máu não thoáng qua, hay còn gọi là đột quỵ nhẹ, xảy ra do dòng máu đến một phần não bị gián đoạn tạm thời. Sự gián đoạn này diễn ra trong thời gian ngắn vì cục máu đông tự tan nhanh. Trong ba loại đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua có nguy cơ tử vong và biến chứng thấp nhất.

Cơn thiếu máu não thoáng qua cũng có các triệu chứng giống với đột quỵ thông thường nhưng các triệu chứng thường biến mất trong vòng 24 giờ và không gây tổn thương não vĩnh viễn.

Tuy nhiên, cơn thiếu máu não thoáng qua làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc đột quỵ xuất huyết não. Do đó, cơn thiếu máu não thoáng qua cũng cần được điều trị ngay cả khi các triệu chứng biến mất nhanh chóng.

Điều trị đột quỵ

Mục tiêu của giai đoạn điều trị khẩn cấp là khôi phục sự lưu thông máu đến não và kiểm soát tình trạng chảy máu trong não. Điều trị trong vòng 3 giờ kể từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong và biến chứng nghiêm trọng.

Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để xác định loại đột quỵ.

Trong trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện sớm, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc làm tan cục máu đông để khôi phục sự lưu thông máu đến não. Nếu không thể dùng thuốc hoặc cục máu đông không tan, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông hoặc mảng xơ vữa trong động mạch.

Những trường hợp đột quỵ xuất huyết não cần phẫu thuật sửa lại mạch máu bị vỡ, đưa máu ra khỏi não và giảm áp lực lên mô não.

Sau khi ổn định, người bệnh sẽ phải bắt đầu quá trình phục hồi chức năng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương não và các biến chứng gặp phải, người bệnh có thể cần vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu và trị liệu ngôn ngữ để lấy lại các kỹ năng bị mất.

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu nhưng không phải trường hợp nào bị đột quỵ cũng tử vong. Nhận biết được các dấu hiệu từ sớm và điều trị kịp thời trong vòng 3 giờ sau khi bắt đầu có triệu chứng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong và phòng ngừa nhiều biến chứng nghiêm trọng sau đột quỵ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những bệnh di truyền làm tăng nguy cơ đột quỵ
Những bệnh di truyền làm tăng nguy cơ đột quỵ

Gen có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ. Một số rối loạn di truyền có thể gây ra hoặc làm tăng nguy cơ đột quỵ. Biết được nguy cơ của bản thân và tiền sử gia đình sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ.

Nguy cơ đột quỵ ở từng độ tuổi
Nguy cơ đột quỵ ở từng độ tuổi

Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ. Tuổi tác cao là một trong những yếu tố nguy cơ đó.

Huyết áp thấp có làm tăng nguy cơ đột quỵ không?
Huyết áp thấp có làm tăng nguy cơ đột quỵ không?

Cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ nhưng huyết áp thấp đôi khi cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy rằng những người bị huyết áp thấp có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng hơn và tiên lượng kém hơn khi bị đột quỵ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây