1

Có những loại đột quỵ nào? Loại nào nguy hiểm nhất?

Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi có sự gián đoạn lưu thông máu đến một phần não. Có ba loại đột quỵ chính và mỗi loại là do nguyên nhân khác nhau gây ra. Phương pháp điều trị mỗi loại cũng khác nhau.

Đột quỵ là một tình trạng rất nguy hiểm cần điều trị khẩn cấp. Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần não bị gián đoạn. Khi không được cung cấp máu mang oxy, các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Điều này gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, tàn tật và thậm chí tử vong.

Các loại đột quỵ chính

Có ba loại đột quỵ chính là:

  • Cơn thiếu máu não thoáng qua (đột quỵ nhẹ): dòng máu đến một phần não bị gián đoạn tạm thời
  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: một mạch máu mang máu đến não bị tắc nghẽn, thường là do cục máu đông.
  • Đột quỵ xuất huyết não: một mạch máu trong não bị vỡ hoặc rò rỉ, khiến máu chảy vào vùng mô xung quanh

Cơn thiếu máu não thoáng qua

Còn được gọi là đột quỵ nhẹ, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua xảy ra khi dòng máu đến một phần não bị gián đoạn tạm thời. Cơn thiếu máu não thoáng qua chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và không gây ra tổn thương não lâu dài.

Tuy nhiên, cơn thiếu máu não thoáng qua có thể là một sự cảnh báo và làm tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai. Các biện pháp điều trị cơn thiếu máu não thoáng qua gồm có dùng thuốc và thay đổi lối sống, mục đích chính là giảm nguy cơ đột quỵ.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi cục máu đông làm tắc mạch máu và chặn dòng máu chảy đến một phần não. Cục máu đông thường là do xơ vữa động mạch, tình trạng tích tụ chất béo và một số chất khác ở bên trong động mạch.

Cơ chế bệnh sinh của đột quỵ do thiếu máu cục bộ cũng tương tự như nhồi máu cơ tim, tình trạng xảy ra khi cục máu đông chặn dòng máu chảy đến một phần tim.

Khác với cơn thiếu máu não thoáng qua, cục máu đông gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ sẽ không biến mất nếu không được điều trị.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất. Theo dữ liệu thống kê toàn cầu từ năm 2019, đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm 62,4% tổng số ca đột quỵ. (1)

Đột quỵ do huyết khối và đột quỵ do thuyên tắc

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ được chia thành hai loại dựa trên nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch máu:

  • Đột quỵ do huyết khối: loại đột quỵ này xảy ra do cục máu đông hình thành trong một mạch máu của não. Hầu hết các trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ là do nguyên nhân này.
  • Đột quỵ do thuyên tắc: xảy ra do cục máu đông di chuyển từ một nơi khác trong cơ thể đến não. Cục máu đông đa phần đến từ tim. Rung nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim) là nguyên nhân phổ biến nhất gây đột quỵ do thuyên tắc.

Đột quỵ lỗ khuyết và đột quỵ do tắc mạch máu lớn

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ còn được phân loại dựa trên kích thước và vị trí của mạch máu bị tắc nghẽn:

  • Đột quỵ lỗ khuyết: xảy ra do tắc nghẽn ở các mạch máu nhỏ nằm sâu bên trong não. Khoảng 15% đến 25% số ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ là đột quỵ lỗ khuyết. Đột quỵ lỗ khuyết thường là đột quỵ huyết khối chứ không phải đột quỵ do thuyên tắc vì các mạch máu nhỏ có thể bị tắc nghẽn do xơ vữa động mạch. Trong nhiều trường hợp, đột quỵ lỗ khuyết không có triệu chứng và không được phát hiện nhưng đột quỵ lỗ khuyết tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
  • Đột quỵ do tắc mạch máu lớn: xảy ra do tắc nghẽn ở các động mạch lớn hơn trong não. Loại đột quỵ này chiếm khoảng 24% đến 46% số ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ và nghiêm trọng hơn đột quỵ lỗ khuyết. Nguyên nhân thường là do cục máu đông di chuyển từ nơi khác trong cơ thể đến mạch máu của não.

Đột quỵ xuất huyết não

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ hoặc rò rỉ, khiến cho máu chảy vào vùng mô xung quanh. Điều này có thể xảy ra do:

  • Phình động mạch khiến cho thành mạch máu giãn ra, mỏng đi và dễ vỡ
  • Dị dạng động tĩnh mạch, tình trạng động mạch và tĩnh mạch nối thông bất thường. Các mạch máu này rất dễ vỡ
  • Cao huyết áp khiến cho thành mạch máu trong não dần suy yếu
  • Nhồi máu não chuyển dạng xuất huyết, xảy ra khi đột quỵ do thiếu máu cục bộ gây chảy máu trong não

Đột quỵ do xuất huyết trong não và đột quỵ do xuất huyết dưới nhện

Đột quỵ xuất huyết não được phân loại dựa trên vị trí xuất huyết: ở mạch máu bên trong não hay trên bề mặt não:

  • Xuất huyết trong não: mạch máu bên trong não bị vỡ. Theo số liệu vào năm 2019, khoảng ba phần tư số ca đột quỵ xuất huyết não là do xuất huyết trong não.
  • Xuất huyết dưới nhện: vỡ mạch máu ở khoang dưới nhện (khoảng trống giữa não và màng bao quanh não).

Phân loại đột quỵ theo bán cầu não

Não gồm có hai bán cầu: bán cầu não trái và bán cầu não phải. Bán cầu não trái điều khiển nửa người bên phải trong khi bán cầu não phải điều khiển nửa người bên trái.

Điều này có nghĩa là đột quỵ xảy ra ở bán cầu não trái sẽ gây ra các triệu chứng thể chất ở nửa người bên phải và ngược lại. Ngoài ra, đột quỵ ở bán cầu não trái và đột quỵ ở bán cầu não phải còn có một số điểm khác biệt về triệu chứng nữa:

Triệu chứng đột quỵ ở bán cầu não trái Triệu chứng đột quỵ ở bán cầu não phải
Yếu cơ hoặc liệt nửa người bên phải Yếu cơ hoặc liệt nửa người bên trái
Giảm cảm giác ở bên phải Giảm cảm giác ở bên trái
Mất thị lực ở thị trường bên phải của cả hai mắt Mất thị lực ở thị trường bên trái của cả hai mắt
Giảm khả năng tính toán và giải quyết vấn đề Giảm khả năng tư duy trừu tượng và định hướng không gian
Khó khăn khi nói và hiểu lời nói Không nhận thức được các vấn đề về thần kinh

Tìm hiểu thêm về sự khác biệt giữa đột quỵ bán cầu não trái và đột quỵ bán cầu não phải.

Phân loại đột quỵ vỏ não theo thùy

Vỏ não là lớp ngoài cùng và là vùng lớn nhất của não. Mỗi bên vỏ não được chia thành 4 thùy, các thùy có chức năng khác nhau, vì vậy nên triệu chứng của đột quỵ sẽ thay đổi tùy vào thùy bị ảnh hưởng, ví dụ:

  • Đột quỵ thùy trán: Thùy trán kiểm soát nhiều chức năng, gồm có trí nhớ, ngôn ngữ, tính cách và chuyển động. Thùy trán là thùy lớn nhất và một tỷ lệ lớn số cad q xảy ra ở thùy trán.
  • Đột quỵ thùy thái dương: Thùy thái dương nằm bên dưới thùy đỉnh, có vai trò quan trọng đối với trí nhớ ngắn hạn, thính giác và ngôn ngữ. Đột quỵ xảy ra ở thùy thái dương có thể dẫn đến chứng mất ngôn ngữ - tình trạng gặp khó khăn khi nói và hiểu lời nói.
  • Đột quỵ thùy đỉnh: Thùy đỉnh nằm giữa thùy trán và thùy chẩm, phía trên thùy thái dương, có vai trò xử lý thông tin cảm giác và ngôn ngữ. Đột quỵ thùy đỉnh thường gây tê, cảm giác kim châm cùng với chứng mất ngôn ngữ.
  • Đột quỵ thùy chẩm: Thùy chẩm nằm ở phía sau não, có nhiệm vụ xử lý thông tin thị giác. Do đó, đột quỵ thùy chẩm gây ra những thay đổi về thị lực, chẳng hạn như mờ mắt, ảo giác hoặc mất thị lực.

Phân loại đột quỵ dưới vỏ não theo vùng

Đột quỵ cũng có thể xuất phát từ một số cấu trúc bên dưới vỏ não. Loại đột quỵ này được gọi là đột quỵ dưới vỏ não. Ví dụ:

  • Đột quỵ hạch nền: Hạch nền là một nhóm tế bào thần kinh nằm sâu trong não, điều khiển vận động, hệ thần kinh tưởng thưởng và nhận thức. Đột quỵ xảy ra ở đây cũng gây ra những vấn đề tương tự như đột quỵ ở các vùng khác nhưng có nguy cơ biến chứng chảy máu cao hơn trong quá trình điều trị và nguy cơ mắc bệnh Parkinson trong tương lai cao hơn.
  • Đột quỵ thân não: Khoảng 11% số ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ và 5 - 13,4% số ca đột quỵ xuất huyết não xảy ra ở thân não, bộ phận nằm ngay phía sau não, bên trên tủy sống. Thân não điều khiển các chức năng quan trọng như hít thở, nhịp tim và huyết áp. Đột quỵ thân não là loại đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nhất. (2)
  • Đột quỵ đồi thị: Đột quỵ đồi thị là một loại đột quỵ lỗ khuyết, xảy ra ở đồi thị - đồi thị nằm gần trung tâm não. Đồi thị kiểm soát cảm giác, giấc ngủ, ý thức và trí nhớ. Một nghiên cứu vào năm 2024 cho thấy rằng những người bị đột quỵ đồi thị phục hồi nhanh hơn và có kết quả về lâu dài tốt hơn so với các loại đột quỵ khác.
  • Đột quỵ tiểu não: Tiểu não nằm ở phía sau não, là nơi kiểm soát chuyển động và khả năng giữ thăng bằng. Triệu chứng đột quỵ tiểu não giống với hiện tượng chóng mặt bình thường nhưng đột quỵ tiểu não sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Phân loại đột quỵ theo động mạch

  • Đột quỵ động mạch não giữa: Phần lớn các ca đột quỵ xuất phát từ động mạch não giữa. Vì động mạch não giữa cấp máu cho thùy trán, thùy thái dương và thùy đỉnh nên đột quỵ động mạch não giữa sẽ gây ra nhiều triệu chứng. Ngoài đột quỵ thân não, đột quỵ động mạch não giữa là loại đột quỵ khó lường nhất và cần điều trị tích cực.
  • Đột quỵ động mạch não trước: Đây là một loại đột quỵ rất hiếm gặp và thường có tiên lượng khả quan. Đột quỵ động mạch não trước chỉ ảnh hưởng đến thùy trán. Các triệu chứng đặc trưng gồm có mất ngôn ngữ, thay đổi hành vi và tiểu không tự chủ.
  • Đột quỵ động mạch não sau: Loại đột quỵ này rất khó chẩn đoán vì gây ra nhiều triệu chứng không đặc hiệu và không nhất quán. Đột quỵ động mạch não sau có thể ảnh hưởng đến thùy chẩm và thân não. Khi đột quỵ bắt đầu ở vùng sâu của động mạch não sau, tiên lượng sẽ kém hơn.

Điều trị đột quỵ

Phương pháp điều trị đột quỵ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có loại đột quỵ và thời điểm mà cơn đột quỵ bắt đầu xảy ra. Người bị đột quỵ càng được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng phục hồi sẽ càng cao.

Trong những trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bất kể là loại nào, bước điều trị đầu tiên là phải loại bỏ cục máu đông. Cục máu đông có thể được loại bỏ bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Mục tiêu điều trị đột quỵ xuất huyết não là ngăn chặn tình trạng chảy máu trong não và giảm các biến chứng do chảy máu não. Các phương pháp điều trị đột quỵ xuất huyết não gồm có kẹp hoặc nút túi phình động mạch. Các thủ thuật này nhằm ngăn chảy máu thêm.

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ được chia thành ba loại chính là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (xảy ra do mạch máu não bị tắc nghẽn), đột quỵ xuất huyết não (do mạch máu bị vỡ) và cơn thiếu máu não thoáng qua (dòng máu đến một phần não bị gián đoạn tạm thời và không gây ra tổn thương lâu dài).

Ngoài ra, đột quỵ còn có thể được phân loại dựa trên:

  • nguyên nhân gây tắc nghẽn, chẳng hạn như đột quỵ do huyết khối và đột quỵ do thuyên tắc
  • vị trí bị chảy máu (xuất huyết trong não và xuất huyết dưới nhện)
  • vùng hoặc thùy não, chẳng hạn như đột quỵ thân não, đột quỵ tiểu não, đột quỵ thùy chẩm,…
  • động mạch, chẳng hạn như đột quỵ động mạch não giữa, đột quỵ động mạch não trước và đột quỵ động mạch não sau

Phương pháp điều trị và tiên lượng của mỗi loại đột quỵ là khác nhau. Tiên lượng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi tác, thời điểm được điều trị và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về đột quỵ hạch nền
Những điều cần biết về đột quỵ hạch nền

Hạch nền là các tế bào thần kinh nằm sâu trong não, có vai trò then chốt đối với khả năng vận động, chức năng điều hành, hành vi và cảm xúc. Tế bào thần kinh là các tế bào não có vai trò giống như sứ giả truyền tín gửi tín hiệu đi khắp hệ thống thần kinh. Bất kỳ sự thương tổn nào ở các hạch nền đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến khả năng cử động, ngôn ngữ hoặc khả năng phán đoán.

Giảm nguy cơ đột quỵ khi bị rung nhĩ bằng thuốc Eliquis
Giảm nguy cơ đột quỵ khi bị rung nhĩ bằng thuốc Eliquis

Eliquis là một loại thuốc chống đông máu giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim do rung nhĩ. Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất và là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Có những phương pháp chẩn đoán đột quỵ nào?
Có những phương pháp chẩn đoán đột quỵ nào?

Đối với người bị đột quỵ, mỗi phút đều rất quý giá. Phát hiện sớm đột quỵ sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng và tăng cơ hội phục hồi. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không chỉ giúp phát hiện đột quỵ mà còn có thể xác định loại đột quỵ. Chẩn đoán chính xác và kịp thời là điều rất quan trọng đối với tiên lượng của người bệnh.

Nguy cơ đột quỵ ở từng độ tuổi
Nguy cơ đột quỵ ở từng độ tuổi

Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ. Tuổi tác cao là một trong những yếu tố nguy cơ đó.

Huyết áp thấp có làm tăng nguy cơ đột quỵ không?
Huyết áp thấp có làm tăng nguy cơ đột quỵ không?

Cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ nhưng huyết áp thấp đôi khi cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy rằng những người bị huyết áp thấp có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng hơn và tiên lượng kém hơn khi bị đột quỵ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây