Những điều cần biết về đột quỵ hạch nền
Đột quỵ do sự gián đoạn lưu thông máu đến hạch nền có thể gây rối loạn khả năng kiểm soát cơ hoặc xúc giác. Người bệnh thậm chí còn có thể bị thay đổi tính cách.
Dấu hiệu của đột quỵ hạch nền
Dấu hiệu của đột quỵ hạch nền cũng tương tự dấu hiệu đột quỵ ở những nơi khác trong não. Đột quỵ xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến một phần của não, điều này có thể là do động mạch bị tắc nghẽn hoặc mạch máu bị vỡ khiến máu tràn vào mô não xung quanh.
Các dấu hiệu điển hình của cơn đột quỵ gồm có:
- Đau đầu đột ngột và dữ dội
- Tê hoặc yếu cơ ở một bên mặt hoặc cơ thể
- Mất khả năng phối hợp động tác hoặc khả năng giữ thăng bằng
- Khó nói hoặc khó hiểu lời người khác nói
- Thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt
Do tính chất đặc biệt của hạch nền nên đột quỵ hạch nền còn có thêm các triệu chứng khác như:
- Cứng cơ hoặc yếu cơ, gây giảm khả năng cử động
- Miệng bị lệch khi cười
- Khó nuốt
- Run tay hoặc các cử động bất thường, ví dụ như cơn múa giật
Các triệu chứng ở mỗi ca đột quỵ hạch nền sẽ không hoàn toàn giống nhau vì còn tùy thuộc vào phía nào của hạch nền bị ảnh hưởng.
Ví dụ, nếu đột quỵ xảy ra ở hạch nền bên phải, người bệnh sẽ khó quay sang trái. Người bệnh thậm chí còn không nhận thức được những điều đang xảy ra ở ngay bên trái mình. Đột quỵ ở hạch nền bên phải có thể gây lú lẫn nghiêm trọng.
Ảnh hưởng của đột quỵ hạch nền đến khả năng nhận thức
Theo nghiên cứu vào năm 2022, đột quỵ hạch nền có thể ảnh hưởng đến một số khía cạnh của khả năng nhận thức, gồm:
- Chức năng điều hành
- Khả năng chú ý
- Khả năng ghi nhớ
- Khả năng nhận biết hướng của vật thể
- Khả năng nhớ lại tên người, địa điểm, đồ vật hoặc ý tưởng
Nguyên nhân gây đột quỵ hạch nền
Nhiều trường hợp đột quỵ hạch nền là đột quỵ xuất huyết não. Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một động mạch ở não bị vỡ. Điều này có thể xảy ra khi thành động mạch bị suy yếu và khiến cho máu chảy vào vùng mô xung quanh.
Các mạch máu ở hạch nền rất nhỏ và dễ bị rách hoặc vỡ. Theo các nhà khoa học, 35% đến 70% số ca đột quỵ xuất huyết não xảy ra ở hạch nền.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ cũng có thể xảy ra ở hạch nền. Loại đột quỵ này xảy ra khi cục máu đông hoặc động mạch bị thu hẹp gây cản trở sự lưu thông máu đến não, khiến cho mô bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng.
Đột quỵ hạch nền là một loại đột quỵ lỗ khuyết (ổ khuyết), nghĩa là xảy ra ở các mạch máu nhỏ nằm sâu bên trong não. Đột quỵ lỗ khuyết là một trong những loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến nhất.
Ai có nguy cơ bị đột quỵ hạch nền?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não ở hạch nền gồm có:
- Hút thuốc lá
- Bệnh tiểu đường
- Cao huyết áp
Những yếu tố này cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Chẩn đoán đột quỵ hạch nền
Khi người bệnh được đưa đến bệnh viện, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và các triệu chứng, gồm có thời điểm bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Công cụ chính để chẩn đoán đột quỵ là chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT scan). MRI và CT cũng cấp hình ảnh chi tiết của não và các mạch máu trong não.
Sau khi xác định loại đột quỵ, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị.
Điều trị đột quỵ hạch nền
Thời gian là một yếu tố vô cùng quan trọng trong điều trị đột quỵ. Người bệnh càng được đưa đến bệnh viện và cấp cứu sớm thì sẽ càng ít có nguy cơ bị tổn thương não vĩnh viễn và gặp biến chứng. Hãy nhanh chóng gọi cấp cứu khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường nghi là đột quỵ.
Trong trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ và người bệnh được đưa đến bệnh viện trong vòng 4,5 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng, người bệnh có thể được cho dùng chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) để làm tan cục máu đông. tPA có thể phá vỡ hầu hết các cục máu đông. Nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng, các bác sĩ cũng có thể sẽ tiến hành thủ thuật loại bỏ cục máu đông.
Chất hoạt hóa plasminogen mô không dành cho những trường hợp bị đột quỵ xuất huyết não vì tPA ức chế sự đông máu nên sẽ càng gây chảy máu nhiều và dẫn đến tổn thương não nặng hơn. Nếu mạch máu bị vỡ nghiêm trọng thì sẽ phải tiến hành phẫu thuật.
Phục hồi sau đột quỵ hạch nền
Sau khi được cấp cứu và qua cơn nguy hiểm, người bệnh thường sẽ phải trải qua quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Nếu đột quỵ gây giảm khả năng giữ thăng bằng thì người bệnh sẽ phải tập vật lý trị liệu để khôi phục khả năng thăng bằng và đi lại. Nếu đột quỵ gây rối loạn ngôn ngữ, người bệnh sẽ phải trị liệu ngôn ngữ. Người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập để thực hiện tại nhà.
Quá trình phục hồi sau đột quỵ hạch nền sẽ phức tạp hơn so với đột quỵ ở các nơi khác trong não. Nếu bị đột quỵ bên phải, người bệnh sẽ khó nhận biết cảm giác ở bên trái, ngay cả khi cơn đột quỵ đã qua đi. Người bệnh có thể sẽ khó xác định vị trí của tay và chân trái. Việc thực hiện các động tác đơn giản cũng sẽ trở nên khó khăn.
Ngoài những vấn đề thể chất, người bệnh còn có thể gặp phải những thay đổi về cảm xúc, tinh thần, ví dụ như dễ xúc động hơn trước. Đột quỵ hạch nền còn có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu.
Những vấn đề này có thể được điều trị bằng cách kết hợp trị liệu tâm lý và dùng thuốc.
Tiên lượng của người bị đột quỵ hạch nền
Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn sau cơn đột quỵ hạch nền phụ thuộc vào thời điểm mà người bệnh được cấp cứu và số lượng tế bào thần kinh bị chết. Não có thể phục hồi sau khi bị tổn thương nhưng cần có thời gian. Hãy kiên nhẫn và thực hiện đầy đủ các biện pháp hỗ trợ phục hồi được khuyến nghị.
Đột quỵ hạch nền có thể dẫn đến những biến chứng lâu dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một khi bị đột quỵ, bất kể là loại nào, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị tái phát trong tương lai. Bị đột quỵ hạch nền hoặc các dạng tổn thương khác ở hạch nền còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson.
Tuổi thọ của người bị đột quỵ hạch nền
Đột quỵ hạch nền thường là do xuất huyết não. Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2022, 50% người bị đột quỵ xuất huyết não vẫn sống sau 1 năm và 41% vẫn sống sau 5 năm. (1)
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường có tiên lượng tốt hơn so với đột quỵ xuất huyết não. Trong một nghiên cứu của Thụy Điển vào năm 2019, 49,4% người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ vẫn sống sau 5 năm. (2)
Theo các nhà khoa học, những trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở hạch nền có tiên lượng kém hơn so với đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở những nơi khác của não. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy tiên lượng của các loại đột quỵ này là giống nhau sau khi phẫu thuật.
Tóm tắt bài viết
Đột quỵ hạch nền xảy ra khi có sự gián đoạn lưu thông máu đến hạch nền - các tế bào thần kinh nằm sâu trong não, có vai trò quan trọng đối với khả năng vận động, chức năng điều hành và hành vi. Các triệu chứng của đột quỵ hạch nền gồm có khó kiểm soát cơ, mất cảm giác và thay đổi tính cách.
Mặc dù hầu hết các trường hợp đột quỵ nói chung là do thiếu máu cục bộ (do tắc nghẽn) nhưng đa số các ca đột quỵ hạch nền lại là do xuất huyết. Đột quỵ xuất huyết não thường nghiêm trọng hơn và tiên lượng kém hơn so với đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Điều trị kịp thời đột quỵ hạch nền là điều rất quan trọng để tránh bị tổn thương não vĩnh viễn và giảm nguy cơ biến chứng lâu dài như bệnh Parkinson.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là một vấn đề rất nghiêm trọng xảy ra do tắc nghẽn ở một mạch máu mang máu đến não. Một số triệu chứng gồm có xệ hoặc liệt nửa mặt, yếu cơ chân tay ở một bên và nói ngọng.
Xuất huyết não là một loại đột quỵ và là vấn đề có thể để lại di chứng vĩnh viễn nếu không được can thiệp kịp thời.
Cả liệt dây thần kinh số 7 (liệt mặt) và đột quỵ đều gây yếu cơ mặt nhưng các triệu chứng của đột quỵ xảy ra trên phạm vi rộng hơn. Liệt dây thần kinh số 7 có thể được điều trị từ từ nhưng đột quỵ cần được điều trị khẩn cấp.
Bệnh Behcet, hay còn được gọi là hội chứng Behcet, là một chứng rối loạn hiếm gặp có đặc trưng là viêm mạch máu ở khắp cơ thể.