1

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là một vấn đề rất nghiêm trọng xảy ra do tắc nghẽn ở một mạch máu mang máu đến não. Một số triệu chứng gồm có xệ hoặc liệt nửa mặt, yếu cơ chân tay ở một bên và nói ngọng.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và tiên lượng

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ còn được gọi là nhồi máu não. Thiếu máu cục bộ có nghĩa là một khu vực của não không được cung cấp đủ máu. Tình trạng tắc nghẽn thường là do cục máu đông hoặc mạch máu bị thu hẹp do mảng xơ vữa.

Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (the American Stroke Association), đột quỵ thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất, chiếm khoảng 87% tổng số ca đột quỵ.

Một loại đột quỵ khác là đột quỵ xuất huyết não. Loại đột quỵ này xảy ra do vỡ mạch máu trong não. Loại đột quỵ thứ ba là cơn thiếu máu não thoáng qua, hay còn được gọi là “đột quỵ nhẹ”. Cơn thiếu máu não thoáng qua chỉ là tạm thời và không gây tổn thương não nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo của cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Các dấu hiệu của đột quỵ thiếu máu cục bộ

Các dấu hiệu của cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng.

Các dấu hiệu thường gặp của cơn đột quỵ gồm có:

  • Liệt hoặc chảy xệ một bên mặt, sụp mí, cười méo miệng
  • Yếu cơ hoặc tê liệt ở cánh tay hoặc chân, thường chỉ xảy ra ở một bên
  • Rối loạn ngôn ngữ, chẳng hạn như nói ngọng, khó nói hoặc nghe không hiểu lời người khác nói
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Lú lẫn
  • Mất khả năng phối hợp động tác
  • Thay đổi thị lực, chẳng hạn như nhìn mờ, mất thị lực ở một mắt hoặc nhìn một vật thành hai
  • Nhức đầu

Các triệu chứng của đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường xảy ra đột ngột. Hãy gọi cấp cứu ngay khi nhận thấy các thay đổi bất thường trên cơ thể. Điều trị kịp thời là điều rất quan trọng khi xảy ra cơn đột quỵ.

Một cách để nhận biết các dấu hiệu đột quỵ là áp dụng quy tắc FAST:

  • F – face (khuôn mặt): Một bên mặt, mí mắt, lông mày hoặc nửa miệng có bị xệ xuống khi cười hoặc nói không?
  • A – arm (cánh tay): Khi giơ cả hai tay lên, một cánh tay có bị rơi xuống không? Có khó giơ tay qua đầu không? Một cánh tay có bị yếu hơn cánh tay còn lại không?
  • S – speech (khả năng nói): Có gặp khó khăn khi nói một câu hoàn chỉnh không? Có bị nói ngọng hoặc giọng nói có bất thường không? Có thể nghe hiểu lời người khác nói không?
  • T – time (thời gian): Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Càng được điều trị sớm thì khả năng sống sót và hồi phục sau đột quỵ càng cao.

Các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua, hay còn được gọi là đột quỵ nhẹ, thường chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn vì tình trạng tắc nghẽn trong mạch máu chỉ là tạm thời. Các triệu chứng sẽ tự hết khi máu lưu thông bình thường trở lại. Tuy nhiên, cơn thiếu máu não thoáng qua vẫn cần được điều trị vì đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới nhưng không phải khi nào đột quỵ cũng dẫn đến tử vong. Cấp cứu kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong.

Nguyên nhân gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi động mạch mang máu đến một vùng não bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa. Tình trạng tắc nghẽn có thể xảy ra trong động mạch ở cổ hoặc trong hộp sọ.

Cục máu đông thường bắt đầu ở tim và di chuyển theo máu đến các vị trí khác. Cục máu đông có thể tự vỡ ra hoặc mắc kẹt trong động mạch. Khi cục máu đông làm tắc nghẽn một động mạch của não, một vùng não sẽ không được cung cấp đủ máu giàu oxy và các tế bào não sẽ bị chết.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ cũng có thể xảy ra khi mảng xơ vữa bong ra khỏi thành động mạch và di chuyển đến não. Mảng xơ vữa cũng có thể hình thành trong các động mạch mang máu đến não, khiến cho động mạch bị thu hẹp lại và lưu lượng máu đến một vùng não bị giảm.

Ai có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ?

Các vấn đề về lưu thông máu là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Lý do là vì những vấn đề này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc mảng xơ vữa gây cản trở dòng máu đến não. Tuy nhiên, không phải ai có những vấn đề này cũng bị đột quỵ. Ví dụ về những vấn đề này gồm có:

  • Cao huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Rung nhĩ
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
  • Rối loạn đông máu và rối loạn chảy máu
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Xơ vữa động mạch
  • Tiền sử nhồi máu cơ tim

Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ còn có:

  • Bệnh tiểu đường
  • Sử dụng thuốc lá
  • Uống quá nhiều rượu
  • Mỡ bụng và mỡ nội tạng

Tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị đột quỵ cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Chẩn đoán đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Bác sĩ thường chẩn đoán đột quỵ dựa trên các triệu chứng, khám lâm sàng, tiền sử bệnh cá nhân và gia đình. Dựa trên các triệu chứng, bác sĩ có thể biết được vị trí bị tắc nghẽn nhưng vẫn cần tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác nhận xem người bệnh có bị đột quỵ hay không.

Nếu người bệnh có các triệu chứng như thiếu tỉnh táo, lú lẫn và nói ngọng, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm đường huyết vì những triệu chứng này có thể là do hạ đường huyết nghiêm trọng.

Người bệnh sẽ phải chụp cộng hưởng từ (MRI) để xem có bị phình động mạch hay không. Tình trạng này cũng có một số biểu hiện tương tự như đột quỵ.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não sẽ giúp xác định người bệnh bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ hay các vấn đề gây tổn thương mô não khác, chẳng hạn như xuất huyết hoặc u não.

Sau khi xác nhận chẩn đoán đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bác sĩ sẽ xác định thời điểm bắt đầu xảy ra cơn đột quỵ và nguyên nhân gây ra cơn đột quỵ.

Chụp MRI là một cách để xác định thời điểm bắt đầu cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Các phương pháp để xác định nguyên nhân gây ra cơn đột quỵ gồm có:

  • Điện tâm đồ (ECG/EKG) để đánh giá nhịp tim.
  • Siêu âm tim để kiểm tra xem tim có cục máu đông hoặc dị tật hay không
  • Chụp mạch máu để xác định động mạch bị tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn
  • Xét nghiệm máu để đo nồng độ cholesterol và các yếu tố đông máu

Biến chứng của đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Nếu không được cấp cứu kịp thời, đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn và thậm chí tử vong.

Một số biến chứng của đột quỵ gồm có:

  • Mất thị lực
  • Liệt mặt
  • Sa sút trí tuệ
  • Co giật
  • Thay đổi tính cách, hành vi
  • Lú lẫn
  • Rối loạn ngôn ngữ
  • Yếu cơ

Điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Mục tiêu đầu tiên của việc điều trị đột quỵ là khôi phục lưu thông máu đến não.

Phương pháp điều trị chính cho đột quỵ do thiếu máu cục bộ là tiêm chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) để làm tan cục máu đông.

tPA cho hiệu quả tốt nhất khi được dùng trong vòng 4 giờ kể từ khi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đột quỵ. Nếu đã quá 5 giờ kể từ khi có dấu hiệu đột quỵ thì không thể điều trị bằng tPA nữa.

Vì tPA làm loãng máu nên loại thuốc này không phù hợp với những trường hợp:

  • bị đột quỵ xuất huyết não
  • chảy máu trong não
  • mới trải qua ca phẫu thuật lớn hoặc bị chấn thương vùng đầu
  • đang sử dụng thuốc chống đông máu

Nếu tPA không có tác dụng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ cục máu đông. Thủ thuật này có thể được thực hiện trong thời gian lên đến 24 giờ kể từ khi xuất hiện dấu hiệu đột quỵ.

Các phương pháp điều trị đột quỵ lâu dài gồm có sử dụng aspirin hoặc thuốc chống đông máu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới.

Nếu đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra do các vấn đề như cao huyết áp, cholesterol cao hoặc xơ vữa động mạch thì sẽ phải điều trị các vấn đề đó để ngăn ngừa đột quỵ tái phát. Ví dụ, những trường hợp bị xơ vữa động mạch có thể phải đặt stent để mở rộng động mạch và những người bị cholesterol cao có thể cần sử dụng statin để giảm nồng độ cholesterol trong máu.

Sau cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ, người bệnh có thể phải ở lại bệnh viện vài ngày để theo dõi. Nếu cơn đột quỵ gây liệt hoặc yếu cơ nghiêm trọng, người bệnh sẽ phải trải qua chương trình phục hồi chức năng để khôi phục khả năng vận động.

Phục hồi sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Quá trình phục hồi sau đột quỵ có thể mất vài tuần đến vài tháng hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ. Người bệnh thường phải trải qua quá trình phục hồi chức năng để lấy lại khả năng vận động. Tùy vào biến chứng cụ thể mà người bệnh sẽ phải trải qua hoạt động trị liệu, vật lý trị liệu và trị liệu ngôn ngữ.

Nếu các chức năng vẫn không khôi phục hoàn toàn sau một năm điều trị thì khả năng cao là sẽ vĩnh viễn không thể khôi phục được.

Một khi bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, người bệnh sẽ có nguy cơ cao tiếp tục bị đột quỵ trong tương lai. Thực hiện một số thay đổi trong lối sống có thể giúp giảm nguy cơ, chẳng hạn như bỏ hút thuốc và tăng cường hoạt động thể chất.

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi một động mạch mang máu đến não bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa. Các dấu hiệu ban đầu gồm có xệ hoặc liệt nửa mặt, nói ngọng, lú lẫn và yếu cơ. Đột quỵ là vấn đề rất nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng nhưng cấp cứu kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong và tàn tật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Xuất huyết não: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa
Xuất huyết não: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa

Xuất huyết não là một loại đột quỵ và là vấn đề có thể để lại di chứng vĩnh viễn nếu không được can thiệp kịp thời.

Ngừng tim đột ngột: Nguyên nhân và cách điều trị
Ngừng tim đột ngột: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức đột ngột. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống điện của tim có vấn đề, làm gián đoạn hoạt động bơm máu của tim và dẫn đến ngừng lưu thông máu trong cơ thể.

Hội chứng suy nút xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hội chứng suy nút xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hội chứng suy nút xoang là tình trạng nút xoang (bộ phận điều hòa nhịp đập của tim) không thể tạo ra nhịp tim phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này dẫn đến rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường). Hội chứng suy nút xoang còn được gọi là rối loạn chức năng nút xoang hay bệnh nút xoang.

Nhận biết các dấu hiệu đột quỵ
Nhận biết các dấu hiệu đột quỵ

Các dấu hiệu thường gặp của cơn đột quỵ gồm có xệ nửa mặt, tê hoặc yếu cơ ở một bên người và khó nói chuyện. Điều quan trọng là phải hành động nhanh chóng khi nhận thấy dấu hiệu đột quỵ. Cấp cứu sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong và tàn tật.

Nguyên nhân gây đau cánh tay sau đột quỵ và cách điều trị
Nguyên nhân gây đau cánh tay sau đột quỵ và cách điều trị

Đột quỵ có thể dẫn đến đau, tê, yếu cơ và giảm phạm vi chuyển động ở cánh tay và vai. Tình trạng đau cánh tay và vai thường có thể kiểm soát bằng các phương pháp điều trị như dùng thuốc giảm đau và vật lý trị liệu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây