Cách nhận biết bản thân và người khác đang bị đột quỵ
Tim của một người trưởng thành đập (co bóp) trung bình 100.000 lần một ngày. Với mỗi lần co bóp, tim bơm máu giàu oxy và chất dinh dưỡng qua mạng lưới các mạch máu đến các tế bào ở khắp cơ thể.
Đôi khi, một trong những mạch máu này bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Điều này sẽ làm gián đoạn dòng máu chảy đến một vùng cơ thể. Khi điều này xảy ra ở một mạch máu cấp máu cho tim, cơn nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra. Và khi điều này xảy ra ở một mạch máu dẫn máu đến não thì sẽ dẫn đến đột quỵ hay tai biến mạch máu não.
Làm thế nào để nhận biết bản thân đang bị đột quỵ?
Các triệu chứng đột quỵ thường xảy đến đột ngột, gồm có:
- Khó nói hoặc khó hiểu lời người khác nói
- Đi lại khó khăn
- Mất thăng bằng
- Tê hoặc xệ một bên mặt
- Yếu cơ hoặc tê ở một bên cơ thể, thường ở một cánh tay hoặc chân
- Thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt
- Đau đầu dữ dội
Một điều quan trọng cần lưu ý là các triệu chứng đột quỵ không đi kèm cảm giác đau. Vì thế nên khi nhận thấy các triệu chứng đột quỵ, nhiều người không nghĩ rằng mình đang gặp phải một tình trạng nguy hiểm và dẫn đến bỏ lỡ khoảng thời gian vàng cấp cứu.
Một đặc điểm chung của tất cả các triệu chứng đột quỵ là đều xảy đến đột ngột và nghiêm trọng. Khi có các triệu chứng kể trên, nhất là khi các triệu chứng xảy ra đột ngột và rõ rệt thì hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Làm thế nào để nhận biết người khác đang bị đột quỵ?
Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia Hoa Kỳ (the National Stroke Association) đã đưa ra một cách đơn giản giúp phát hiện một người bị đột quỵ, đó là quy tắc FAST. Khi nhận thấy một người nào đó có những biểu hiện bất thường nghi là đột quỵ, hãy thực hiện các bước sau đây:
- F – face (khuôn mặt): Yêu cầu người đó mỉm cười và quan sát xem một bên mặt có bị xệ xuống hay không.
- A – arm (cánh tay): Yêu cầu người đó giơ cả hai tay lên xem một cánh tay có bị rơi xuống hoặc không thể giơ qua đầu hay không.
- S – speech (khả năng nói chuyện): Yêu cầu người đó nói một cụm từ hoặc câu đơn giản và nghe xem người đó có bị khó nói, nói không rõ hoặc không thể nói hay không.
- T – time (thời gian): Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Điều gì xảy ra với cơ thể khi bị đột quỵ?
Có hai loại đột quỵ chính là đột quỵ xuất huyết não và đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Ngoài ra còn có một loại đột quỵ được gọi là đột quỵ nhẹ hay cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
Đột quỵ xuất huyết não
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ. Đây là loại đột quỵ ít gặp nhất nhưng lại có nguy cơ tử vong cao nhất. Theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia Hoa Kỳ, đột quỵ xuất huyết não chiếm khoảng 15% tổng số ca đột quỵ nhưng chiếm khoảng 40% số ca tử vong do đột quỵ.
Khoảng thời gian kể từ bắt đầu có triệu chứng cho đến khi được điều trị là rất quan trọng. Mục tiêu điều trị đột quỵ xuất huyết não là ngăn chặn tình trạng chảy máu trong não, co giật và sưng não. Nếu như không thể ngăn chảy máu từ mạch máu bị vỡ, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật để sửa chữa mạch máu.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ hay nhồi máu não xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn một mạch máu trong não. Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất, chiếm 87% tổng số ca đột quỵ.
Phương pháp điều trị chính trong hầu hết các trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ là dùng thuốc làm tan cục máu đông để khôi phục sự lưu thông máu đến não. Tuy nhiên, những loại thuốc này cần được dùng trong vòng 4,5 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Nếu được dùng ngoài khoảng thời gian này, thuốc sẽ không còn hiệu quả nữa. Một phương pháp điều trị nữa là lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Thủ thuật này có thể được thực hiện trong vòng 24 giờ kể từ khi các triệu chứng đột quỵ khởi phát.
Cơn thiếu máu não thoáng qua
Cơn thiếu máu não thoáng qua giống hệt với đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đều xảy ra do cục máu đông làm tắc nghẽn một mạch máu của não. Cơn thiếu máu não thoáng qua cũng có các triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, khác với đột quỵ do thiếu máu cục bộ, cơn thiếu máu não thoáng qua chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Cục máu đông tự tan và các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 24 giờ.
Mặc dù cơn thiếu máu não thoáng qua không được coi là đột quỵ và sẽ tự hết nhưng đây cũng là một tình trạng nguy hiểm và cần điều trị. Việc trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua là một lời cảnh báo rằng bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ trong tương lai. Để giảm thiểu nguy cơ, bạn cần thực hiện các biện pháp điều trị. Cứ ba người trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua thì có một người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong vòng một năm sau đó. Thông thường, đột quỵ xảy ra trong vòng vài ngày đến vài tuần sau cơn thiếu máu não thoáng qua.
Cần làm gì khi có dấu hiệu đột quỵ?
Khi sự lưu thông máu đến não bị gián đoạn, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não bị chết vì thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Khi các tế bào não chết, các chức năng của cơ thể mà các tế bào đó kiểm soát sẽ bị mất, bao gồm cả các chức năng như đi lại và nói chuyện. Do đó, cần phải gọi cấp cứu ngay lập tức khi nhận thấy các dấu hiệu đột quỵ.
Những điều cần lưu ý sau đột quỵ
Cơn đột quỵ có thể dẫn đến biến chứng cả về thể chất lẫn tinh thần. Biến chứng mà mỗi người gặp phải sau đột quỵ là khác nhau, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ, vùng não bị ảnh hưởng và thời điểm được cứu chữa. Một số biến chứng của đột quỵ là tạm thời, có thể phục hồi theo thời gian trong khi một số là vĩnh viễn.
Sau khi người bệnh qua giai đoạn nguy hiểm, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp điều trị nhằm ổn định tình trạng và kiểm soát các vấn đề sức khỏe có thể gây đột quỵ. Nếu không, người bệnh sẽ có nguy cơ bị đột quỵ tái phát.
Sau đột quỵ, người bệnh sẽ phải bước vào quá trình phục hồi chức năng nhằm lấy lại các kỹ năng bị mất như đi lại, nhai nuốt hay nói chuyện. Khả năng hồi phục sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ, những kỹ năng bị ảnh hưởng và nỗ lực của chính bản thân người bệnh.
Kết luận
Đột quỵ là một tình trạng vô cùng nguy hiểm nhưng nếu nhận biết được các triệu chứng và hành động nhanh chóng thì sẽ có thể giảm đáng kể nguy cơ tử vong và biến chứng. Tiên lượng về lâu dài sẽ phụ thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và thời điểm mà người bệnh được cấp cứu kể từ khi cơn đột quỵ bắt đầu xảy ra.
Cả liệt dây thần kinh số 7 (liệt mặt) và đột quỵ đều gây yếu cơ mặt nhưng các triệu chứng của đột quỵ xảy ra trên phạm vi rộng hơn. Liệt dây thần kinh số 7 có thể được điều trị từ từ nhưng đột quỵ cần được điều trị khẩn cấp.
Ngừng tim đột ngột là tình trạng mất chức năng tim, nhịp thở và ý thức đột ngột. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống điện của tim có vấn đề, làm gián đoạn hoạt động bơm máu của tim và dẫn đến ngừng lưu thông máu trong cơ thể.
Hội chứng suy nút xoang là tình trạng nút xoang (bộ phận điều hòa nhịp đập của tim) không thể tạo ra nhịp tim phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này dẫn đến rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường). Hội chứng suy nút xoang còn được gọi là rối loạn chức năng nút xoang hay bệnh nút xoang.
Các dấu hiệu thường gặp của cơn đột quỵ gồm có xệ nửa mặt, tê hoặc yếu cơ ở một bên người và khó nói chuyện. Điều quan trọng là phải hành động nhanh chóng khi nhận thấy dấu hiệu đột quỵ. Cấp cứu sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong và tàn tật.
Đột quỵ có thể dẫn đến đau, tê, yếu cơ và giảm phạm vi chuyển động ở cánh tay và vai. Tình trạng đau cánh tay và vai thường có thể kiểm soát bằng các phương pháp điều trị như dùng thuốc giảm đau và vật lý trị liệu.